|
Sơn mài là một chất liệu hội họa truyền thống, gắn liền với nhiều
họa sĩ thành danh của nền mỹ thuật Việt Nam từ những thời kỳ đầu như Nguyễn
Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí… Được khẳng định qua thời gian, sơn
mài vừa quen thuộc vừa huyền bí, thôi thúc các họa sĩ không ngừng nghiên cứu,
tìm tòi, sáng tạo nhằm tạo dấu ấn cá nhân mà vẫn không làm mất đi nét truyền
thống vốn có. Trong số đó, họa sĩ Nguyễn Quốc Huy đã rất thành công trong việc
phát huy những ưu thế, đồng thời làm chủ chất liệu với kỹ thuật diễn tả điêu
luyện. Triển lãm Miền cổ tích của anh tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc từ ngày
2 đến ngày 17-11, đã mang đến 29 tác phẩm tranh sơn mài sâu thẳm về nội dung
và bay bổng, thăng hoa trong nghệ thuật biểu đạt.
Một thế giới cổ tích với cảnh non nước hữu tình, làng quê, mái
đình Việt Nam được miêu tả vừa chi tiết, sống động, huyền ảo, lôi cuốn người
xem lạc vào ký ức xa xưa. Ở đó, có những cảnh sắc khi hiển hiện, thâm trầm của
di tích trong Thành cổ Sơn Tây, Sớm chùa Trầm, Đền Voi Phục…; lúc lung linh vời
vợi như Miền cổ tích, Nắng trong vườn, Ngõ nắng…; hay bảng lảng khói mây qua
Bồng lai, Thì thầm cùng mây...
Nguyễn Quốc Huy mang đến những phong cảnh lạ mà quen; cẩn trọng
và tinh tế thả trôi cảm xúc trong ánh sáng âm thầm mà rạng rỡ của vỏ trứng và
những gam màu. Sự độc đáo của những sáng tạo trong Miền cổ tích được anh chia
sẻ, bộc bạch: "Tôi mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu cách dùng sơn mài diễn
tả sương mù, một thứ không gian không hình tướng và nhẹ như hơi nước. Chỉ
riêng việc này cũng lấy đi của tôi gần mười năm tìm tòi, thể nghiệm. Hoài cảm
và ký ức như những hình ảnh đan xen, thì thầm kể về những câu chuyện ta đã từng
bắt gặp đâu đó trên hành trình cuộc đời. Nó như thân thuộc mà lại như chưa từng
nhìn thấy thấp thoáng, ẩn hiện sau những giấc mơ…”.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy sinh năm 1971 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường
đại học Mỹ thuật Hà Nội (khoa Sơn mài); từng tham gia nhiều triển lãm trong
và ngoài nước; nhận nhiều giải thưởng lớn tại các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc,
Thủ đô, ASEAN… và có tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với triển
lãm Miền cổ tích lần này của anh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt
Nam Pắc Hây-din bày tỏ hy vọng, đây sẽ là một dấu mốc quan trọng với tác giả
nói riêng và nền mỹ thuật Việt Nam nói chung. Tranh sơn mài Việt Nam sẽ không
bị mai một mà luôn được các thế hệ họa sĩ kế thừa và phát triển trong thời đại
mới.
Triển lãm Vũ điệu sắc mầu (Dancing Colours of Nature) của hai họa
sĩ Hoàng Định (Việt Nam) và Sôm-sắc Chai-tu (Hà Lan), diễn ra tại Bảo tàng Mỹ
thuật Việt Nam từ ngày 28-10 đến 6-11, lại là cuộc trình làng mới lạ từ cảm hứng
âm nhạc kết hợp với hội họa.
Đều tu nghiệp nhiều năm tại Hà Lan, từng đoạt các giải thưởng quốc
tế và cùng theo xu hướng kết hợp đông - tây, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về
mỹ thuật đương đại, nhưng mỗi họa sĩ lại thể hiện những nét rất riêng mang đậm
bản sắc và cá tính của mình. Vũ điệu sắc mầu có sự thu hút, lan tỏa mạnh mẽ về
cách thể hiện để có thể đến gần hơn với khán giả yêu mỹ thuật, mang đến một sắc
mầu mới cho bức tranh văn hóa nghệ thuật của Hà Nội. Các tác phẩm trưng bày tại
triển lãm đã khai thác được những ngôn ngữ đặc thù của âm nhạc để tạo thêm lợi
thế cho ngôn ngữ của hội họa và cũng là hướng sáng tạo đầy say mê của Hoàng Định
và Sôm-sắc tại triển lãm lần này.
Sự pha trộn giữa âm nhạc và hội họa trong nghệ thuật của Hoàng Định
có những nét riêng biệt. Sinh ra ở Đồ Sơn (Hải Phòng), dường như trong bản thể
của họa sĩ này đã có sóng và gió biển, tạo nên những cảm xúc nồng nàn rất đặc
trưng của ông. Họa sĩ Hoàng Định chia sẻ, đôi khi không phải đang vẽ, mà ông
đang được âm thanh kích hoạt, bị sắc mầu cuốn vào cuộc chơi đầy thú vị và
chìm đắm. Những lớp sóng cảm xúc ấy để lại ấn tượng mạnh trong niềm dào dạt,
khoáng đạt vô chừng mà ông gọi là "Vũ điệu của mầu sắc” ở loạt tám bức tranh
của mình. Mỗi tác phẩm ứng với từng tên gọi của ngôn ngữ âm nhạc: bản hòa âm,
khúc dạo đầu, xô-nát, chương giao hưởng... Những đường nét, gam mầu như đang
hát múa, chênh chao trong một vũ hội biểu cảm mà hợp lại như một bản giao hưởng
của sắc mầu.
Cùng chung ý tưởng sáng tạo với Hoàng Định, nhưng họa sĩ người
Hà Lan gốc Thái-lan Sôm-sắc Chai-tu lại chọn khuynh hướng trừu tượng để biểu
đạt sự kết hợp giữa cảm hứng của âm nhạc giao hưởng và jazz với ngôn ngữ hội
họa qua những tấm sa-rông Thái đầy hoạ tiết và mầu sắc trong các tác phẩm.
Sôm-sắc gọi tên sáu tác phẩm của mình tại triển lãm là "Âm nhạc của đôi mắt”
(Music for the eyes) và "Cánh đồng hoa tuy-líp” (Tulip fields). Về bố cục tổng
thể, loạt tranh khổ lớn của Sôm-sắc như một cuộc trình tấu nhạc jazz mà bản
phối của nó hiển thị thành những đường uốn lượn xoắn xít đầy ngẫu hứng và những
bè đệm mà từng nốt đã hóa thành mầu sắc trau chuốt, mượt mà. Có những bức lại
như tấm sa-rông Thái trải ra vuông vức, mà thoạt nhìn sẽ tưởng chúng chỉ như
sự đồ lại một sản phẩm dệt đầy tính trang trí của những họa tiết và hoa văn
thổ cẩm. Xem kỹ mỗi chấm màu, mỗi nét vẽ lại như một bản ký xướng âm mà tiết
điệu được phối kỹ thành một bản tổng phổ sắc mầu. Họa sĩ Sôm-sắc đã bộc lộ một
sở trường trong tư duy hội họa, ấy là sự hòa hợp giữa tính phóng khoáng, khúc
chiết trong bố cục và sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong phối mầu và đi nét.
Cuộc "trình diễn” hội họa của hai họa sĩ Việt Nam - Hà Lan đã
mang lại nhiều ấn tượng, hỗ trợ nhau mà vẫn giữ được bản sắc riêng của từng
người, góp phần vào sự sôi động của hội họa Thủ đô những ngày đầu đông.
|
TheoNhandan