Người dân xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) chào đón du khách với âm thanh của dàn chiêng Mường đậm đà bản sắc.
AOP - "Chàng hoàng tử” của thời đại "a còng”
Tôi đã từng đến với Tiền Phong chừng mươi năm trở về trước. Ngồi trên chiếc xe Toyota Land Cruiser mới coóng, với sự điều khiển khéo léo của anh lái xe chuyên đi cơ sở nhưng vượt qua chặng đường khoảng 25 km từ trung tâm huyện lên xã, tôi đã phải nhao xuống vệ đường tới… 5 lần! Ấy là bởi con đường lên xã quá gập ghềnh với những "ổ gà”, "ổ voi”, dẫu đã thắt dây an toàn cẩn thận, nhưng cả 3 người ngồi hàng ghế sau vẫn lắc lư, nghiêng ngả. Lên đến nơi, chưa kịp nói xong mấy lời chào hỏi đã phải quăng mình xuống sàn gỗ nhà sàn để giữ thăng bằng cho cơ thể và cái đầu đang quay tít vì… say xe!.
Kể vậy để thấy sự xa xôi, cách trở và cuộc sống khó khăn của người dân xã Tiền Phong. Nhưng bù lại, nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho cảnh sắc tươi đẹp với sông, núi hiền hòa. Đặc biệt, đây là nơi giữ vẹn nguyên bản sắc văn hóa của người Mường Ao Tá trong nếp sống, sinh hoạt hàng ngày.
Với sự kết nối, bắc cầu của tỉnh, của huyện, Tiền Phong đã được tổ chức AOP (Action on Poverty) tại Việt Nam - một tổ chức phi chính phủ mang sứ mệnh hỗ trợ các cộng đồng nghèo và dễ tổn thương ở một số quốc gia tại châu Phi và châu Á quan tâm. Tháng 6/2014, tổ chức AOP đã định hướng, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Đến và đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng lộ trình phát triển du lịch ở nơi xa lắc, khó khăn này, tổ chức AOP được ví như "chàng hoàng tử” trong câu chuyện cổ tích đánh thức "nàng công chúa” ngủ trong rừng.
Điểm trang cho "nàng công chúa” Đá Bia
Đá Bia là một bản làng xinh đẹp, nơi cư trú của 40 hộ dân với 187 nhân khẩu thuộc dân tộc Mường Ao Tá. Cuộc sống người dân Đá Bia yên lành trong thiên nhiên mây nước. Từ khi có sự hỗ trợ của tổ chức AOP, 5 hộ dân đã tham gia phát triển du lịch.
Cùng nhâm nhi chén trà bên cửa voóng homestay Lake View hướng tầm mắt về phía hồ, ông Đinh Văn Đại, Bí thư Chi bộ xóm Đá Bia chia sẻ trong niềm phấn khởi: "Được hỗ trợ vay vốn và tập huấn kỹ năng, các hộ đã vận hành suôn sẻ mô hình du lịch cộng đồng homestay. Đến Đá Bia hôm nay, ngoài việc ngắm cảnh, du khách thỏa sức trải nghiệm bơi lội, chèo thuyền kayak, bơi bè mảng, tắm suối, đi bộ, đi xe đạp, tham gia đánh bắt cá, tôm cùng người dân địa phương, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ... và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của núi rừng".
Khi được hỏi làm du lịch rồi, cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi, bản sắc văn hóa có bị phai nhạt, cảnh quan, môi trường có bị tác động, hay tạo mối nguy cơ về ANTT không?, ông Đại tươi cười: Thay đổi nhiều chứ, nhưng theo hướng tích cực! Ví như homestay mà chúng ta đang ngồi, vẫn là ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường, có khác chăng là được tu sửa, nâng cấp gọn gàng, sạch sẽ và trang bị đầy đủ tiện nghi hơn. Còn ANTT thậm chí ngày càng trở nên quy củ. Quán tự giác kia là một ví dụ. Hàng hóa và cả giỏ đựng tiền cứ bày nguyên đó cả ngày, đêm chẳng bao giờ lo mất. Hiện tại, xóm mới có 5 hộ kinh doanh du lịch homestay, nhưng hầu như đã huy động được cả xóm tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường, đảm bảo ANTT, cung cấp nguồn thực phẩm và tham gia đội văn nghệ…, mỗi người mỗi việc để cùng chăm lo cho xóm làng ngày càng giàu đẹp.
Tìm hiểu thêm được biết, cuộc sống của người dân Đá Bia chủ yếu dựa vào trồng cây ngô, cây luồng và con cá. Để đỡ công chăm sóc cây ngô, trước đây, bà con thường sử dụng thuốc diệt cỏ, nhưng từ khi phát triển du lịch trên địa bàn việc này bị cấm hoàn toàn để giữ môi trường sinh thái an toàn.
Núi rừng Tiền Phong thức giấc
Một điều không thể phủ nhận là mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở Đá Bia như ánh điện thắp sáng núi rừng Tiền Phong. Bởi, từ khi khai thác, phát triển du lịch cộng đồng (năm 2014) đến nay đã thu hút được trên 5.000 lượt khách đến với nơi này. Riêng năm 2018, xã đón 2.110 lượt khách đến với xóm Đá Bia, trong đó, 78% là khách quốc tế. Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Ánh chia sẻ: Qua mấy năm triển khai, thực hiện, chúng tôi nhận thấy phát triển du lịch cộng đồng là mô hình bền vững, vừa khai thác được tiềm năng, lợi thế phục vụ cho phát triển KT-XH, vừa giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện, ngoài Đá Bia, xã còn xóm Mó Hém đẹp tựa "thiên đường chốn trần gian” có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Xác định rõ hướng đi, tháng 1/2019, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về "Phát triển du lịch xã Tiền Phong giai đoạn 2019-2020”, nhằm huy động các nguồn lực khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Mục tiêu phấn đấu được đưa ra là: đến năm 2020, xóm Mó Hém cơ bản trở thành điểm du lịch cộng đồng của xã.
Rời Tiền Phong khi ánh nắng chiều len lỏi trên những rặng cây, trong ánh mắt, nụ cười của người dân bản xứ, chúng tôi sớm hẹn ngày trở lại.
Thúy Hằng