(HBĐT) - Đâm đuống là một nét văn hóa lâu đời, độc đáo của người Mường, thường được tổ chức vào dịp Tết, hội mùa, cưới xin và dựng nhà, biểu hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết của bà con trong bản Mường.
Đoàn huyện Tân Lạc biểu diễn điệu đâm đuống trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh năm 2021.
Đâm đuống trong tiếng Mường còn gọi là "chàm đuống”, chàm là đâm từ trên xuống, đuống là máng gỗ để giã lúa. Đâm đuống là hình thức giã gạo, nhưng là giã gạo trong hội lễ, có tính nghệ thuật và tính tổ chức, thể hiện sự biết ơn của thần linh, trời đất, gia thần gia tiên, thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới, lễ hội, cầu mùa… với quan niệm tiếng đuống càng vang, càng rộn ràng bao nhiêu thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi điều may mắn sẽ đến nhiều bấy nhiêu. Đuống được làm bằng thân gỗ to, khoét ở giữa tạo thành hình chiếc thuyền độc mộc dài từ hai tới ba sải tay, còn dụng cụ để đâm đuống là đoạn gỗ tròn vừa, dài từ 1,2 – 1,5m. Để tạo ra nhịp đuống, mỗi dàn đuống thường có từ 4-8 thành viên đứng dọc hai bên thành đuống (số lượng thành viên có thể nhiều hơn tùy theo chiều dài đuống), trong đó có 1 người cầm đuống cái tạo nhịp, những người còn lại mang đuống con hưởng ứng. Hình thức gõ là giã vào lòng đuống, thành đuống để tạo ra âm thanh "Kênh kênh kình” với quan niệm đây là điệu hát "Vui xuân mới, vui xuân mới" hoặc "cơm cơm trắng, cơm cơm trắng". Theo nhịp tay đâm đuống nhanh hay chậm mà tiếng chày chuyển điệu sang những âm thanh khác nhau, có nhịp hai xen nhịp ba. Khi đổi nhịp là tất cả từng chày cùng đổi, tạo nên các tiết tấu âm thanh: "Kênh kình, kênh kình” hay "kênh kênh kình, kênh kình”, "kình kình, kình kình”… Tiếng đuống càng vang, càng rộn ràng thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhiều điều may mắn.
Trước đây, để mở đầu lễ đâm đuống là màn trình diễn của đội cồng chiêng. Sau đó, thầy mo sẽ thực hiện nghi lễ cầu khấn bằng việc vẩy nước xung quanh khu vực làm lễ. Sau phần lễ, âm thanh của các nhạc cụ truyền thống vang lên và nghi thức đâm đuống bắt đầu. Theo phong tục truyền thống, các cô gái trong trang phục dân tộc sẽ cầm cây chày gỗ thực hiện động tác đâm đuống. Lúc tiếng chày vang lên theo nhịp điệu, âm thanh của các nhạc cụ truyền thống khác cũng phụ họa, tạo thành bản nhạc vui tươi, khỏe khoắn, rộn ràng. Ngày nay, nghệ thuật đâm đuống không chỉ được tổ chức vào dịp lễ hội, đầu năm mới mà còn được đưa vào biểu diễn tại các hội thi, hội diễn và tạo được dấu ấn với người xem. Đặc biệt, điệu múa này đã được các đội văn nghệ biểu diễn phục vụ du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại các bản du lịch cộng đồng. Là người thường xuyên biểu diễn điệu múa Đâm đuống, chị Bùi Thị Thư, xã Phong Phú (Tân Lạc) cho biết: Là người con đất Mường, bản thân em rất vui và tự hào khi mình có may mắn được tìm hiểu, tập luyện nhiều điệu múa, dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc và có cơ hội được mang những bản sắc truyền thống của dân tộc Mường giới thiệu đến với khán giả trong cả nước. Với mong muốn góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc, thế hệ trẻ chúng em tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để không chỉ đưa điệu múa đâm đuống mà còn giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những nét văn hoá truyền thống của dân tộc cũng là góp phần lưu giữ và bảo tồn những nét đặc trưng của lễ hội này.
Nghệ thuật đâm đuống có từ lâu, đã được đồng bào Mường diễn tấu để tỏ lòng biết ơn thần linh đã ban cho con người nhiều thóc lúa, mùa màng bội thu, tiếng đâm đuống càng vang to sẽ báo hiệu 1 năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Những âm thanh sôi động từ nghệ thuật đâm đuống, chính là sợi dây kết nối đồng bào dân tộc Mường cùng về tụ hội trong các sự kiện văn hoá cộng đồng.
Đỗ Hà
(HBĐT) - Từng có mặt tại chợ Bờ huyện Đà Bắc liên tục 5 năm (từ 1977 - 1982), khi đập thủy điện Hòa Bình chưa đắp, nay mỗi dịp Tết đến, tôi lại da diết nhớ chợ Bờ với những phiên chợ Tết đông vui như trẩy hội. Nhất là giờ đây, khi nơi này trầm sâu dưới trăm mét nước. Tết lại sắp về, Bờ xưa có thổn thức cùng tôi?
(HBĐT) - Tết đến, xuân về, nhà nhà náo nức sắm sửa cho gia đình những chậu hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu để đón năm mới. Vài năm trở lại đây, cùng với đào, mai - những loài hoa tượng trưng cho Tết cổ truyền Việt Nam, người dân TP Hòa Bình nở rộ thú chơi hoa lan hồ điệp trong ngày Tết Nguyên đán.
(HBĐT) - Ngày nay, cùng với tiện nghi của cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ tích cực tham gia các hoạt động góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc dịp Tết cổ truyền.