(HBĐT) - Sông Đà xưa lắm thác, nhiều ghềnh, nay là hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La êm đềm, phẳng lặng luôn là nơi khơi nguồn cảm hứng cho thơ ca, nhạc họa. Theo đó, trong chuyến đi thực tế sáng tác, Hội Nhà văn Hà Nội đã chọn sông Đà là điểm đến. Trước khi du ngoạn vùng hồ, đoàn đã dừng chân tại trường Cao đẳng Văn hóa, nghệ thuật Tây Bắc thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) và có đêm giao lưu nghệ thuật đầy ấn tượng với các văn, nghệ sĩ của Hòa Bình.


Nghệ sĩ Nguyễn Trung Dũng, giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc biểu diễn tại đêm giao lưu nghệ thuật giữa văn, nghệ sĩ Hòa Bình với văn, nghệ sĩ đến từ Thủ đô Hà Nội.   

Mở đầu phần giao lưu thơ, mọi ánh mắt hướng về một bậc cao niên, một tâm hồn thơ lớn - nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam… Tuổi cao, sức yếu nhưng nhà thơ vẫn nhớ rành rọt những kỷ niệm một thời trai trẻ vượt dốc Cun Hòa Bình đi làm nhiệm vụ. Không nhớ nổi những bài thơ ông đã viết về Hòa Bình từ hơn nửa thế kỷ trước, ông đem đến buổi giao lưu một bài thơ giản dị, sâu sắc, chứa đầy suy tưởng và ăm ắp chữ "tình”. Bài thơ có tựa  đề "Bàn giao” - ông bàn giao cho cháu những cái hay, cái tinh túy nhất của văn hóa Việt Nam. Chuyện là ông có 2 người con trai đều sinh sống ở đất Mỹ, khi sang Mỹ để thăm con, cháu, ông bà không thể ru cháu bằng tiếng ru à ơi, cánh cò, cánh vạc, kể cho các cháu nghe về bếp lửa hồng, rặng tre xanh… nên ông lặng thầm ru cháu qua thơ: "Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu/ Bàn giao gió heo may/ Bàn giao góc phố/ Có mùi ngô nướng bay…/ Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi/ Có mùa xuân xanh dưới chân giày/ Bàn giao những mặt người đẫm nắng/ Đem yêu thương trên trái đất này/ Ông chỉ bàn giao một chút buồn/ Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn/ Câu thơ vững gót làm người ấy/ Ông cũng bàn giao cho cháu luôn”. Trong đó, ông nhấn mạnh chú thích câu thơ "vững gót để làm người”, lấy từ trong vốn sống của người Việt: "lắm khi phải cắn răng chịu thiệt thòi, đứng vững gót để làm người tự trọng”.

Sau phần đọc, ngâm thơ của các nhà thơ thuộc thế hệ đi trước, nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chuyển mạch thơ về với sông Đà qua 2 bài thơ "Trở lại vùng hồ” và "Chiêng Mường Tây Nguyên”. Trở lại vùng hồ sau 40 năm thực hiện di dân, chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà để xây dựng thủy điện Hòa Bình ngày nay nhà thơ viết: "Xuôi đốc Quèn/ Gặp rừng mây núi gió/ Vầy Nưa xanh vun vén hồ đầy/ Thẳm sâu gặp núi cao hừng lên sức vóc/ Vàng trắng sông Đà ngồn ngộn điện giăng…”. Trong cuộc di dân đó có một số cư dân của huyện Đà Bắc đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Nhân chuyến thăm làng Mường ở Tây Nguyên nhà thơ thổn thức: "Chạy nước sông Đà/ Dàn chiêng Mường/ Tan đàn, xẻ nghé/ Tiếng chiêng gói chặt/ Theo người đi rất xa… Trong nắng gió cao nguyên/ Giấc mơ mùa vàng thắp lửa/ Lại đôi tay nghiện việc/ Giọt mồ hôi gieo thơm/ Hạt dổi, măng chua, cà phê, hồ tiêu… Chụm bạn/ Tìm về/ Bén tiếng/ Quen hơi…”- trích bài thơ "Chiêng Mường ở Tây Nguyên”.

Cứ thế hơn 20 văn, nghệ sĩ của Hòa Bình, Hà Nội say sưa giao lưu thơ, nhạc, trong đó phần lớn là các tác phẩm viết về Hòa Bình, về dòng sông Đà huyền thoại, về hồ Hòa Bình với cảnh sắc đam mê. Từng có chuyến du ngoạn trên hồ Hòa Bình, nơi hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên mây nước, phong cảnh hữu tình với những bản làng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, với đảo Dừa  - nơi có những hoạt động du lịch đặc sắc như câu cá, hái quả, bơi thuyền, đốt lửa trại... và thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của người dân bản địa, nhà thơ Nguyễn Chiến Thắng, Hội Nhà văn Hà Nội kể lại bằng bài thơ với bài "Đêm trên đảo sông Đà”: "Lửa cháy rồi xòe đi nào bạn/ Đêm sông Đà tay nối vòng tay/ Em gái Mường nhịp chân sao uyển chuyển/ Quanh đảo Dừa nước cũng ngẩn ngơ say/ Núi không ngủ thức với đêm hò hẹn/ Ngũ hành sơn thôn nữ Thác Bờ ơi... Dẻo chân em múa sạp đẹp chưa kìa/ Mải mê nhìn chân anh đi sai nhạc/ Nhịp đô sòn tre đập phách dẫm vào khuy/ Bồng bềnh sóng bè trôi trên nước/ Cá tung tăng bật nhảy đớp mồi/ Tưởng mặt trời giục nhau dậy sớm/ Ồ! Ánh điện trên bè lấp lóa sương rơi…”.

Gắn bó với vùng vất đất Hòa Bình 30 năm có lẻ và cũng đã có vài chuyến lênh đênh ngắm cảnh vùng hồ, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thị Kim Cúc, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình chắt lọc thành bài thơ "Phác thảo sông Đà”: "Lao xao ánh đèn/ Mặt nước thẫm đen/ Tiếng cá quẫy rơi vào tịch mịch…/ Những bản làng ngày xưa/ Chìm dưới đáy sông/ Người Thái, người Mường/ Gùi bê tông lên núi/ Dòng điện trên cao có sáng hơn ánh đèn trên phố/ Nước sông Đà thăm thẳm xanh”.

Nguồn cảm hứng thơ vẫn dào dạt, nhưng để giữ sức cho chuyến đi thực tế trên hồ Hòa Bình vào sáng hôm sau, đêm giao lưu tạm khép lại trong tiếng đàn bầu du dương qua nhạc phẩm "Neo đậu bến quê” do nghệ sĩ Nguyễn Trung Dũng, giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc thể hiện. Cùng thả trôi cảm xúc trong đêm giao lưu, các văn, nghệ sĩ Hòa Bình, Hà Nội có chung niềm phấn khích và xác nhận: Có hẹn với sông Đà!            
                                                                                                                                                                                                   
 Thúy Hằng (Hội Nhà báo tỉnh)

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục