(HBĐT) - Hàng năm, vào ngày 26/10 âm lịch, người dân Mường Rậm, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) lại tổ chức Tết cơm đe theo truyền thống.




Bà Bùi Thị Nhìn, xóm Đình Vặn, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) chuẩn bị mâm cúng cơm đe. 

"Đây là Tết độc đáo của người dân Mường Rậm, vì chỉ duy nhất người dân ở Lạc Thịnh mới tổ chức Tết cơm đe. Trên mâm cúng Tết bao giờ cũng phải có cơm đe. Cơm được làm bằng gạo nếp thơm, trộn ủ với men bằng lá cây rừng. Đây là thứ quan trọng nhất trong mâm cúng Tết cơm đe với các sản vật sẵn có của núi rừng, gồm măng giang, mướp luộc, xôi đồ, vừng rang. Ngày nay, KT-XH phát triển, sau khi cúng cơm chay dâng lên tổ tiên, các gia đình còn kết hợp cúng lễ cơm mới, gồm các đồ ăn mặn như cá nướng, thịt lợn, thịt trâu nướng, thịt gà luộc, rau đồ...". Bà Bùi Thị Nhìn, một cao niên xóm Đình Vặn, xã Lạc Thịnh chia sẻ về Tết cơm đe truyền thống và phân biệt với Tết cơm mới.

Tết cơm đe thường được các gia đình làm từ chiều 25 hoặc sáng 26 khi chưa có ánh mặt trời. Vì theo quan niệm của người Mường Rậm, lúc tinh mơ là khoảng thời gian linh thiêng và mát mẻ nhất. Mâm lễ dâng lên ông bà, tổ tiên được đặt chính giữa ngôi nhà sàn. Chủ nhà mời thầy mo có uy tín trong làng đến cúng hoặc tự cúng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, con người khỏe mạnh.

Sau lễ cúng cơm đe, cơm mới, cả gia đình quây quần, tụ họp bên mâm cỗ, hưởng lộc. Sáng 26/10, anh em, bạn bè thân thích gần xa đến chung vui cùng với gia chủ. Mỗi người đều thưởng thức một chút cơm đe để lấy may mắn, mạnh khỏe. Điều này đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu của người dân Mường Rậm. Ngày nay, cuộc sống phát triển, ấm no, hạnh phúc hơn, người dân Mường Rậm càng coi trọng Tết cơm đe và luôn coi đó là nét đẹp văn hóa, bản sắc của dân tộc phải gìn giữ, phát huy.

Xung quanh Tết cơm đe ở Mường Rậm có nhiều truyền thuyết khác nhau như: Ngày xưa có một vị tướng đem quân đi đánh giặc. Nhưng trận ấy chẳng may bị thua, ông cùng đoàn tùy tùng vượt qua núi rừng Trường Sơn chạy về vùng Yên Thủy. Đến khu vực xã Lạc Thịnh trời chuyển sang ngày 26/10 âm lịch. Vừa bị đau, vừa đói, vị tướng gõ cửa nhà một người dân tộc Mường xin nghỉ lại. Vì nhà nghèo không có lương thực dự trữ, chủ nhà đành luộc đu đủ và măng giang để vị tướng và tùy tùng ăn tạm. Đang ăn những thứ đó với vừng rang giã nhỏ không có muối chủ nhà chợt nhớ còn ít cơm đe đang ủ, chuẩn bị nấu rượu dùng vào dịp Tết Nguyên đán vội lấy ra mời vị tướng. Sáng hôm sau, trước khi đi, cảm kích trước tấm lòng của người dân ở đây và thương dân nghèo đói, vị tướng đã lập đàn cúng thần cầu mưa. Thật linh thiêng, vị tướng cúng xong thì trời đổ mưa, dân làng ai cũng vui mừng khôn xiết. Biết ơn vị tướng, hàng năm đúng ngày 26/10 âm lịch, người dân ở đây lại tổ chức Tết cơm đe. Vật cúng trong mâm chính là những thứ mà vị tướng đã ăn, nhất là món cơm đe là thứ không thể thiếu. Và cũng thật ngẫu nhiên, cứ đúng vào dịp 26/10 âm lịch hằng năm, ở vùng Mường Rậm trời lại đổ cơn mưa, không to thì nhỏ, làm cho không khí ngày Tết cơm đe càng thêm dư vị.

Hay như một truyền thuyết khác được người dân truyền miệng là ngày xưa, có hai ông lang Cun tên là Cun rậm và Đạo trác đã có công khai phá, dựng lên mảnh đất Mường Rậm, Mường Trác ngày nay. Ông lang Cun là người trị vì, cai quản cả Tổng Rậm, với mong muốn quốc thái, dân an, vì thấy đời sống Nhân dân cực khổ, nhà giàu thì ít, nhà nghèo lại nhiều hơn nên trước khi qua đời, lang Cun dặn lại các dòng tộc, dòng họ và con cháu là thu gặt vụ mùa xong, dân lúc này mới có gạo nếp để ăn và cúng tổ tiên thì làm bữa cơm chay để cúng Thành Hoàng làng, ông bà tổ tiên trong gia đình, cầu sức khoẻ, bình an, làm ăn phát đạt...

Như vậy, với truyền thuyết hay tích nào thì Tết cơm đe của người Mường Rậm, xã Lạc Thịnh đến ngày nay vẫn được lưu truyền, gìn giữ, là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân. Ông Bùi Hữu Cơ, xóm Đình Vặn, xã Lạc Thịnh cho biết: "Phát huy truyền thống, nét văn hóa ẩm thực của cha ông để lại, hàng năm, vào ngày 26/10 âm lịch, gia đình tôi lại làm Tết cơm đe, cơm mới để con cháu sum họp, tăng tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Để con, cháu nhớ về tổ tiên, những người có công với làng, với xóm…”.

Vào ngày Tết cơm đe, bạn bè hay du khách đến các gia đình đều được coi là khách quý, mọi người cùng nhau thưởng thức món cơm đe, nâng chén rượu ngọt chúc nhau sức khoẻ, may mắn, bình an. Đồng chí Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện cho biết. "Tết cơm đe là nét đẹp văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời, được lưu truyền, phát triển đến ngày nay. Đình Rậm và Tết cơm đe đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân xã Lạc Thịnh, những người con Lạc Thịnh dù đi đâu cũng luôn nhớ về ngôi đình linh thiêng và Tết cơm đe truyền thống của quê nhà. Với những ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa, đình Rậm, lễ cơm đe đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2913/QĐ-UBND, ngày 16/11/2016 của UBND tỉnh. Để lưu giữ, phát huy, phát triển, trong năm 2022, phòng đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện tổ chức chuyên đề: "Giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa, dân tộc trên địa bàn huyện Yên Thủy”. Từ đó có những giải pháp, kế hoạch cho việc gìn giữ, phát huy, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa cơm đe nói riêng”.

Xuân Thiên 
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)

Các tin khác


Lan tỏa hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc đến bạn bè quốc tế

Sáng 30/11, tại Trung tâm lễ hội Tây Thiên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ phát động trồng cây năm 2023 vì mục tiêu "Phát triển du lịch và bảo vệ môi trường”. Sự kiện năm nay thêm phần đặc biệt vì sự có mặt của các thí sinh đại diện cho 71 quốc gia tham dự vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu du lịch thế giới. Qua đó, góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc giàu đẹp, thân thiện đến bạn bè quốc tế.

Trao quyết định Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 30/11, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao quyết định cán bộ. Hội Nhà báo Việt Nam công nhận nhà báo Nguyễn Tấn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cuốn “Nẻo cũ về nguồn”- sách mỏng, tình dày

(HBĐT) - Được nhận cuốn sách "Nẻo cũ về nguồn”(Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của nhà thơ Đinh Đăng Lượng (hội viên Hội nhà văn Việt Nam) cùng những lời đề tặng thân tình, mà thấy vui, cảm phục. Ở tầm tuổi này, mà thi nhân vẫn đi, vẫn miệt mài viết, trải lòng mình với cuộc đời, với nhân tình thế thái và cuộc sống sôi động hôm nay. Sức lao động sáng tạo nghệ thuật của ông thật bền bỉ: 10 tập sách văn, thơ; riêng về ký, tản văn, ghi chép thì đây là tập thứ 3, sau các cuốn: "Vùng đất phía đỉnh đầu”, "Theo cánh ong bay”… Trong đó, có nhiều cuốn đoạt các giải cao trong các cuộc thi của TW và tỉnh Hòa Bình…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp tài năng trẻ trong lĩnh vực văn học

Chiều 28/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp tài năng trẻ văn học Nguyễn Bình, 21 tuổi, là du học sinh Việt Nam tại Mỹ, vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 ở hạng mục Văn học dịch với tác phẩm dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương

10h40 sáng nay (26/11), 20/20 thành viên tham gia phiên họp MOWCAP lần thứ 9, đã bỏ phiếu đồng ý ghi danh di sản "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943)", thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Độc đáo làng dao Phúc Sen

(HBĐT) - Khi biết tôi có chuyến công tác ở Cao Bằng, cô bạn cùng xóm dặn: "Lên đó nhất định phải mua được con dao Phúc Sen về dùng". Nhiều người mua đánh giá cao về chất lượng của mỗi con dao nơi đây sản xuất. Trên đường thăm thác Bản Giốc, chúng tôi đã ghé thăm làng nghề Phúc Sen, huyện Quảng Hòa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục