(HBĐT) - Ở Mường Bi, lễ hội Khai hạ còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng giêng (tức ngày mồng 7 tháng tư lịch Mường Bi) tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.


Lễ rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà trong lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc).

Từ nhiều đời nay, người Mường Bi lưu truyền truyền thuyết kể lại rằng: Vua Bà đi từ núi Tản sông Đà đến cầu bến Mảng (suối Mảng, thuộc xã Phong Phú) gặp lũ to, Vua Bà giả trang thành kẻ nghèo đói, rách rưới. Lúc đó trên cánh đồng có hai gia đình đang bừa ruộng. Vua Bà đến thử lòng một gia đình đang bừa bằng 1 con trâu. Bà nhờ người này đưa qua con suối, người này trả lời bận quá không đưa được. Vua Bà lại sang ruộng nhà bên đang bừa bằng 8 con trâu nhờ đưa qua suối, dứt lời nhà này cử người đưa Bà sang luôn. Khi qua suối xong, Bà truyền một câu: "Từ nay nhà ta, giàu thêm có thặm đấy". Nghĩa là: Từ nay nhà giàu có, rồi lại càng giàu có thêm. Thế là từ đó, nhà này luôn giàu có hơn các gia đình khác, ăn nên làm ra, cầu gì được nấy.

Vua Bà tiếp tục đi đến xóm Khung, xã Địch Giáo cũ (nay là xã Phong Phú). Bà ghé vào một nhà trong xóm, gia đình chủ nhà tiếp đón Bà rất tử tế, chu đáo. Thấy vậy, Bà thưởng cho nhà đó một thửa ruộng gọi là nà Mằn (ruộng Mằn), cấy trồng 2 vụ lúa tốt bời bời, không năm nào đói. Vua Bà đi tiếp đến một nhà cùng xã, nhà này không có con. Bà hỏi có muốn có con không Bà cho một đứa. Nhà này rất mừng và Bà ban cho 1 đứa con trai, sau đặt tên là Ngãi. Một năm sau, Bà về thăm mang theo một túi vàng. Bà thử lòng treo túi vàng ngoài cổng và đi vào nhà. Bà vợ ông Ngãi có lòng tham giấu mất túi vàng. Sau Bà không cho con nữa và lấy mất thằng Ngãi, thằng Ngãi bị chết. Từ đó dân trong vùng có câu "tham vàng bỏ Ngãi... ".

Trước sự linh ứng của Vua Bà, ông lang Cun Pi đã lập miếu thờ Bà và tôn Bà làm Thành Hoàng của làng. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày mùng 7 và mùng 8 tháng giêng (tức ngày 6, 7 tháng tư theo lịch Mường Bi), Nhân dân trong vùng Mường Bi mang lễ vật đến thắp hương cho Bà, cầu mong Bà phù hộ cho dân làng an cư lập nghiệp, mưa thuận gió hoà, tránh khỏi mọi thú dữ, thiên tai, dịch bệnh, đất nước thanh bình.

Để tưởng nhớ công ơn của Bà, sau này nhà lang và dân làng lập miếu thờ Bà. Xưa kia, nhà lang cho phép mỗi làng được lập 1 miếu thờ Bà, sau này các miếu đó không còn nữa, hiện nay cả vùng Mường Bi chỉ có 1 miếu thờ chung tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú. Lễ cúng Bà được tổ chức vào ngày 7 - 8 tháng giêng âm lịch, lúa gạo được gặt từ nà Mằn. Sau ngày mùng 8, Nhân dân trong vùng mới được cày cấy nên gọi là lễ khuống (xuống) mùa.

Về Tam vị Tản viên Sơn Thánh, theo sự tích vùng Ba Vì Sơn Tây, sông Tích Giang, các vùng Mường cổ ở Hòa Bình đều thờ Thánh Tản Viên (người Mường Hoà Bình gọi là Thánh Đản). Các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam đều phong mỹ tự gọi là "Thượng Đẳng Phúc Thần". Cũng như đồng bào Mường ở các vùng khác, đồng bào Mường ở vùng Mường Bi đã thờ vọng Thánh Đản tại ngôi miếu của mình.

Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Lễ hội Khai hạ Mường Bi là một nét văn hóa, mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người dân Tân Lạc nói chung và vùng Mường Bi nói riêng. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản. Đây cũng là dịp để đồng bào Mường Bi giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Bên cạnh đó, lễ hội còn thu hút du khách muôn phương về vui hội, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Mường.


Việt Lâm

 


Các tin khác


Giữ gìn thương hiệu nón lá Huế

Nón lá Huế là một trong những sản phẩm đặc sắc của các làng nghề truyền thống, thể hiện được nét đẹp của cả một vùng văn hóa Huế. Ðể bảo tồn và phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang đưa ra, nhiều giải pháp mang tính sáng tạo để vừa phát triển thương hiệu cho làng nghề nhưng vẫn bảo tồn được nghề làm nón thủ công, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập.

Hội thảo quốc tế "Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới"

(HBĐT) - Sáng 5/1, Viện Âm nhạc phối hợp Sở VH-TT&DL, Công ty CP truyền thông và phát triển ngày mới tổ chức hội thảo quốc tế "Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới". Tham dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo lập hồ sơ di sản văn hóa (DSVH) mo Mường tỉnh; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, các nghệ nhân và đại diện lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa.

Tôn vinh giá trị, nét đẹp của lễ hội Khai hạ dân tộc Mường 

(HBĐT) - Lễ hội Khai hạ (LHKH) Mường Bi là hoạt động văn hoá, tín ngưỡng có tính truyền thống, được phục dựng và duy trì tổ chức thường xuyên từ năm 2002 đến nay. Khẳng định thêm những giá trị của LHKH Mường Bi nói riêng, LHKH dân tộc Mường của tỉnh nói chung, năm 2023, lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức (BTC) LHKH dân tộc Mường tỉnh về giá trị cũng như những hoạt động chủ yếu trong lễ hội năm nay.

Triển lãm kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Sáng 4/1, kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố phối hợp tổ chức triển lãm ảnh tại 3 địa điểm: Công viên Lam Sơn, đường Đồng Khởi, đối diện Công viên Chi Lăng.

Tổng kết công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình năm 2022

(HBĐT) - Chiều 4/1, Sở VH-TT&DL tổ chức hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Triển khai kế hoạch trưng bày báo xuân tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2023

(HBĐT) - Ngày 4/1, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch trưng bày báo xuân tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục