(HBĐT) - Nhờ cơ duyên tôi được góp mặt trong nhiều sự kiện văn hóa của vùng đất cổ Mường Bi (Tân Lạc). Mỗi sự kiện dù lớn, dù nhỏ đều được tổ chức một cách bài bản, đã tạo được sự lan tỏa. Tiếng chiêng ngày hội bay xa thu hút ngày càng đông đảo du khách đến thăm quan, trải nghiệm các điểm du lịch văn hóa, cộng đồng, sinh thái trên địa bàn.


Lễ hội Khai hạ Mường Bi - điểm hẹn du lịch huyện Tân Lạc mỗi dịp năm mới.

Theo câu "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” thì Mường Bi là một trong bốn vùng Mường cổ của tỉnh Hòa Bình. Được thiên nhiên ban tặng, huyện Tân Lạc sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo như: núi Cột Cờ, hang Muối, hang Bụt, động Chiềng Khến, động Nam Sơn, động Hoa Tiên, thác Trăng, vịnh Ngòi Hoa… tuyệt đẹp. Nơi đây còn được biết đến là vùng "lõi”, cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng và chứa đựng kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường khá đồ sộ như: Mo Mường, chiêng Mường, dân ca Mường, các lễ hội… Xác định rõ giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc, từ hai thập kỷ qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Tân Lạc cùng chung sức, đồng lòng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2003, huyện phục dựng lễ hội Khai hạ Mường Bi. Trong lễ hội đã huy động được hơn 400 người mang chiêng của gia đình đi trình diễn. Từ đó đến nay, lễ hội Khai hạ Mường Bi được duy trì thường xuyên vào ngày mồng 7 - 8 tháng giêng hàng năm.

Sau lễ hội Khai hạ, huyện Tân Lạc phục dựng thêm các lễ hội truyền thống đặc sắc như: lễ hội đánh cá suối Lỗ Sơn; lễ hội chùa Kè - xã Phú Vinh... Các lễ hội tạo sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần người dân. Từ các lễ hội, giá trị văn hóa phi vật thể chiêng Mường, mo Mường, các làn điệu dân ca, sắc bùa, phong tục tập quán, trang phục, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống... đã được bảo tồn, phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo các xóm làng nhằm lưu giữ nét truyền thống và văn hóa Mường gắn với phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề, khôi phục nghề dệt truyền thống và các mặt hàng nông nghiệp sạch là đặc sản của địa phương như bưởi đỏ, rau su su, quýt, các loại rau… nâng lên thành những sản phẩm phục vụ du lịch. Một mặt huyện chú trọng tuyên truyền, quảng bá các lễ hội truyền thống, văn hóa dân tộc và các danh thắng trên địa bàn. Thu hút đầu tư để xây dựng và đưa vào khai thác 4 điểm du lịch cộng đồng thuộc các xã: Phong Phú, Phú Cường, Suối Hoa, Vân Sơn trở thành điểm đến thu hút khách.

Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Lạc chia sẻ: Bền bỉ gây dựng, tạo nền để du lịch có được lực đẩy mạnh mẽ, trong tháng 12/2022, UBND tỉnh có Quyết định số 3034/ QĐ-UBND về ban hành Đề án "Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, kèm theo đó sẽ là cơ chế, chính sách, nguồn lực để thúc đẩy du lịch Mường Bi.

Cũng trong thời gian qua, UBND tỉnh tổ chức họp triển khai công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2023. Theo đó, lễ hội dự kiến được tổ chức trong 3 ngày, từ 27 - 29/1/2023 (tức 6 - 8 tháng giêng năm Quý Mão) với phần lễ và phần hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh.

Để du khách đến với Tân Lạc không chỉ trong mùa lễ hội, thời gian qua, huyện đã thực hiện những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch mới lạ, khác biệt và hấp dẫn để thu hút du khách nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 các xã vùng cao huyện Tân Lạc đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng xã Vân Sơn trở thành thị trấn của huyện Tân Lạc, là trung tâm tiếp đón và phân phối khách du lịch đến các xã vùng cao và các khu vực lân cận. Theo đó, các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.


Thúy Hằng (CTV)

 


Các tin khác


Đau đáu phong vị Tết xưa!

(HBĐT) - Tết đến xuân về là dịp để mọi người tạm gác lại công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để những người con xa quê trở về đoàn tụ… nên dẫu ở tuổi nào mỗi người con đất Việt cũng đều trông mong Tết. Nhưng sự háo hức, trông mong Tết đến, xuân về ở mỗi lứa tuổi khác nhau. Trong khi thế hệ con cháu mong Tết để được nghỉ học, nghỉ làm để ở nhà lướt web, xem phim hay đi du lịch… thì thế hệ ông bà, cha mẹ lại luôn đau đáu với hương vị Tết xưa!

Tổng kết công tác Văn học nghệ thuật năm 2022

(HBĐT) - Ngày 12/1, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác VHNT năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và kết nạp hội viên mới.

Chuẩn bị Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình năm 2023

(HBĐT) - Ngày 11/1, tại huyện Tân Lạc, UBND tỉnh tổ chức họp, nghe báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình năm 2023, diễn ra tại xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc). Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức (BTC) lễ hội chủ trì hội nghị.

Nguồn gốc của lễ hội Khai hạ ở Mường Bi

(HBĐT) - Ở Mường Bi, lễ hội Khai hạ còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng giêng (tức ngày mồng 7 tháng tư lịch Mường Bi) tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.

Chương trình nghệ thuật chào xuân Quý Mão 2023

(HBĐT) - Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh phối hợp với Thành Đoàn Hòa Bình, Phòng GD&ĐT thành phố vừa tổ chức chương trình nghệ thuật chào xuân Quý Mão 2023 và trao giải liên hoan "Hát dân ca và ca khúc thiếu nhi” TP Hòa Bình 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục