(HBĐT) - Huyện Lạc Sơn vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Khói và lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa.
Nghi thức rước kiệu rồng về đình Khói dự lễ hội.
Di tích đình Khói thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà, Vua Cả Ba Vì (còn gọi là Thánh Tản), Vua Cun, Vua Hai và 2 vị quan hầu của các ngài (Cai Ba, Cai Tư), Vua Út, Vua Ả, Vua Cha Ngọc Hoàng. Ngoài ra, đình còn thờ Thành Hoàng làng các mường ở Mường Khói và thổ công nơi nhà đình Khói đứng chân.
Hiện nay, hệ thống di vật của đình còn bảo lưu được một số cổ vật như: chóe, bát hương, bát, đĩa men trắng vẽ lam… mang dấu ấn thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX). Đây là những di vật chứng minh cho sự tồn tại của đình Khói trong lịch sử. Sự hiện diện của đình Khói đã góp thêm những dữ liệu về mối quan hệ có tính nguồn gốc của 2 dân tộc Việt - Mường.
Đình Khói là trung tâm sinh hoạt về văn hoá, tín ngưỡng của cả vùng Mường Khói xưa. Ngôi đình là biểu tượng văn hoá, tín ngưỡng của bà con nhân dân trong vùng. Lễ hội đình Khói xưa được tổ chức rất long trọng, do nhà lang trong mường tổ chức. Vì vậy, ngoài ý nghĩa tâm linh trong tâm thức người dân, qua lễ hội cũng phần nào phản ánh những phong tục, tập quán, nếp sống của xã hội Mường cổ dưới chế độ lang đạo. Thông qua lễ hội, người dân muốn thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ, tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng dân làng. Năm 1950, đình bị dỡ bỏ, lễ hội đình Khói không được tổ chức. Đến năm 2020, lễ hội đình Khói đã được khôi phục, mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Lễ hội đình Khói được tổ chức vào ngày 6 - 7 tháng giêng hàng năm để bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ công ơn của Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và các vị vua là những người có công xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong lễ hội diễn ra các hoạt động nghi thức tế lễ, rước kiệu; văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống như đẩy gậy, ném còn, đánh mảng, bắn nỏ, biểu diễn chiêng Mường...
Với những giá trị về lịch sử - văn hoá, ngày 22/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 151/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích đình Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Hồng Ngọc
(HBĐT) - Trong khuôn khổ Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023, các môn thi văn nghệ đã được tổ chức, là dịp để các nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ, giao lưu học hỏi và giới thiệu đến nhân dân, du khách những giá trị đặc sắc, nổi bật của văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 29/1 (tức 8 tháng giêng) tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023 đã diễn ra cuộc thi đán lát. Đây là một trong các nội dung trong khuôn khổ các hoạt động tổ chức trong lễ hội.
(HBĐT) - LTS: Lễ hội Khai hạ (LHKH) dân tộc Mường tỉnh năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh tại huyện Tân Lạc với nhiều hoạt động phong phú. Phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình về giá trị và công tác tổ chức Lễ hội.
(HBĐT) - Háo hức, rộn ràng là cảm xúc dâng trào trong lòng người dân bốn Mường (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động) hướng về Lễ hội Khai hạ (LHKH) dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Lễ hội nhằm tôn vinh giá trị, nét đẹp bản sắc văn hóa cùng nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng mang tính truyền thống.
(HBĐT) - Quan niệm xưa, ngày xuân cày ruộng tịch điền gắn với nghi lễ tế trời, khai đất, vừa mang ý nghĩa thiêng liêng, vừa trần thế nhằm coi trọng nông nghiệp, khuyến khích thần dân trăm họ chăm lo sản xuất, chính là lời khuyên, bài học lớn mà cha ông ta luôn nhắc nhở các thế hệ con cháu.