(HBĐT) - Háo hức, rộn ràng là cảm xúc dâng trào trong lòng người dân bốn Mường (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động) hướng về Lễ hội Khai hạ (LHKH) dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Lễ hội nhằm tôn vinh giá trị, nét đẹp bản sắc văn hóa cùng nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng mang tính truyền thống.


Đội thi séc bùa huyện Cao Phong sẵn sàng đến với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường.

Thời gian qua, các thành viên câu lạc bộ hát thường đang, bộ mẹng và lực lượng nòng cốt văn hóa, văn nghệ xóm Bưng 1, xã Thu Phong (Cao Phong) miệt mài tập luyện chương trình tham dự LHKH với lòng nhiệt tình và trách nhiệm. Ông Bùi Ngọc Thuận, Chủ nhiệm câu lạc bộ hát thường đang, bộ mẹng xã cho biết: Chúng tôi coi việc tham gia LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023 là niềm vinh dự, tự hào. Ngay sau khi được huyện tuyển chọn, các nghệ nhân, diễn viên, đội văn nghệ quần chúng đã tích cực tham gia, mong muốn thông qua LHKH lần này thể hiện tình yêu với văn hóa truyền thống, tình cảm của người con đất Mường hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Cũng như 3 vùng Mường khác là Mường Động, Mường Thàng và "chủ nhà” Mường Bi, vùng Mường Vang (Lạc Sơn) đã tuyển chọn lực lượng và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về dự LHKH. Theo đó, huyện thành lập 2 đội bóng chuyền nam, nữ; 1 đội thi séc bùa gồm 12 nghệ nhân; 1 đội văn nghệ tham gia 3 tiết mục, dự kiến 15 người; 1 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, trước khi sự kiện LHKH diễn ra, huyện Lạc Sơn tổ chức giải Vô địch bóng chuyền mừng Xuân vào ngày mồng 5 Tết tại khu vực Đình Khói, xã Ân Nghĩa. Qua đó tuyển chọn đội hình mạnh nhất tham gia giải tại LHKH.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng VH-TT huyện Kim Bôi được biết, do diễn ra cùng ngày nên LHKH Mường Động năm 2023 vẫn được tổ chức với quy mô cấp xã. Đến với LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, huyện tham gia đầy đủ các nội dung, bao gồm thi séc bùa, hát đúm, hát đối, biểu diễn văn nghệ và gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Huyện cũng chuẩn bị sao cho chu đáo nhất, có chất lượng, thể hiện những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc trong huyện.

LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được phục dựng và duy trì tổ chức thường xuyên nhằm giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mường Hòa Bình đến với du khách, đồng thời là hoạt động giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương. Đặc biệt, với sự hội tụ của cả 4 vùng Mường sẽ góp phần quảng bá nét đặc sắc, nâng tầm quy mô cũng như làm nên sự thành công của LHKH. 4 vùng Mường trong tỉnh sẽ tranh tài tại giải bóng chuyền Cúp Khai hạ Mường Bi năm 2023; thi hát đúm, thường đang, bộ mẹng, nhạc cụ dân tộc; trưng bày gian hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, ẩm thực. Các nghệ nhân Mo từ câu lạc bộ Mo Mường các vùng Mường cũng tham gia phần nghi lễ. Màn hòa tấu chiêng Mường của 500 diễn viên và nghệ nhân chiêng Mường đến từ 16 xã, thị trấn của huyện Tân Lạc và các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn.

LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023 là dịp để người dân các vùng Mường gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt mối giao hòa, tình đoàn kết. Du khách về với LHKH được chứng kiến phần nghi lễ, hòa vào không khí phần hội rộn ràng và thu hút bởi chương trình, hoạt động đặc sắc nhất, những cuộc thi tài hấp dẫn đến từ các vùng Mường.


Bùi Minh


Các tin khác


Sôi nổi các hoạt động trước khai mạc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường

(HBĐT) - Sáng 27/1, trong khuôn khổ các hoạt động trước khai mạc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đã diễn ra nghi lễ mo cúng Thổ công, Thổ địa; thi đấu vòng loại các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc và thi séc bùa của 16 xã tại sân vận động xã Phong Phú và nhà văn hoá xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Sáng nay (mồng 6 tháng giêng) diễn ra các hoạt động của Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) -Sáng 27/1 (tức mồng 6 tháng giêng) diễn ra một số hoạt động trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023.

Vấn vương xòe Thái Tây Bác

(HBĐT) - Múa xòe có từ bao giờ, không ai nhớ. Chỉ biết từ xa xưa, người Thái đã có câu hát: "Không xòe không vui/ không xòe cây ngô không ra bắp/Không xòe cây lúa không trổ bông/Không xòe trai gái không thành đôi”. Bởi vậy, trong cuộc vui nào, đồng bào Thái cũng múa xòe. Vì rằng: "Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe trời xuân qua đi...”. Với người Thái Tây Bắc nói chung và người Thái Mai Châu nói riêng, múa xòe như một phần của cuộc sống.

Hương sắc vùng cao Đà Bắc

(HBĐT) - Một bên là mênh mang sông nước, phía còn lại là trùng điệp núi non hùng vỹ. Thiên nhiên đã "vẽ” nên huyện vùng cao Đà Bắc thành một bức họa đa sắc màu. Vùng cao mỗi độ Tết đến xuân về với những vạt đào, vườn mận bung nở trắng cả góc rừng.

“Phố" mới Mường Vang

(HBĐT) - Dù chỉ có mấy mẹ con nhưng bà Bùi Thị Chín ở khu tái định cư (TĐC) xóm Nhụn, xã Yên Phú (Lạc Sơn) cũng gói chục cái bánh chưng, thêm ít bánh uôi, bánh ống, chuẩn bị thịt để đón Tết. Cũng như nhiều nhà ở trong xóm, gia đình bà vừa hoàn thiện xong căn nhà ở khu TĐC."Về nơi ở mới, đón một mùa xuân mới với một khởi đầu mới thì Tết cũng phải tươm tất hơn xưa chứ”, nở nụ cười tươi trên khuôn mặt lam lũ, bà Chín mở lòng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục