(HBĐT) - LTS: Lễ hội Khai hạ (LHKH) dân tộc Mường tỉnh năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh tại huyện Tân Lạc với nhiều hoạt động phong phú. Phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình về giá trị và công tác tổ chức Lễ hội.


Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh và các thành viên Ban tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho Lễ hội.

P.V: Xin đồng chí cho biết giá trị LHKH dân tộc Mường?

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn: LHKH hay còn gọi là lễ hội "Khuống mùa”, "Thuống tồng”, lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở 4 vùng Mường lớn của tỉnh trong mỗi dịp xuân về.

Đây là lễ hội lịch sử mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.

Đến với lễ hội, hòa mình vào không khí linh thiêng của phần lễ và sự náo nhiệt của phần hội, bà con như được gửi gắm vào đó những ước vọng về cuộc sống bình yên, ấm no. Đồng thời, cũng là dịp đọ tài, thi sức của các làng, các xóm, các xã, là sân chơi vui hội, là dịp để trai gái bản Mường có dịp làm quen và tìm hiểu tâm tình qua những câu hát đối giao duyên.

Trải qua thăng trầm, biến thiên của lịch sử, với bao đổi thay của cuộc sống, LHKH đã đi sâu vào tâm thức của cộng đồng người Mường ở 4 vùng Mường nói riêng, cộng đồng các dân tộc trên toàn tỉnh nói chung. Lễ hội được người dân địa phương bảo tồn, gìn giữ, là nơi kết tinh, hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc của người Mường Hòa Bình, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Cho tới nay, LHKH đã được cộng đồng dân tộc Mường khôi phục ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Di sản văn hóa Lễ hội Khai hạ của người Mường ở tỉnh Hòa Bình đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, điều này càng khẳng định vai trò, giá trị quan trọng của di sản văn hóa này đối với đời sống của người Mường tỉnh Hòa Bình.

P.V: Nhằm tiếp tục tôn vinh giá trị LHKH dân tộc Mường của tỉnh, năm 2023, lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, xin đồng chí cho biết các hoạt động chính trong lễ hội?

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn: LHKH dân tộc Mường năm nay được tổ chức tại Mường Bi với 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm những hoạt động như: Tổ chức nghi lễ thờ cúng mời Quốc Mẫu Hoàng Bà và các vị thần được thờ về tại miếu thờ xóm Lũy Ải. Tổ chức nghi lễ rước kiệu từ miếu thờ xóm Lũy Ải ra lễ đài sân vận động xã Phong Phú. Tại lễ khai mạc có các nội dung mo mời Quốc Mẫu Hoàng Bà dự chứng kiến lễ hội; trao bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia LHKH người Mường Hoà Bình. Màn diễn xướng gọi hồn chiêng của nghệ nhân mo Mường và màn hoà tấu chiêng Mường của 500 diễn viên, nghệ nhân đến từ 16 xã, thị trấn của huyện Tân Lạc và các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn. Trong lễ khai mạc sẽ có màn nghệ thuật chào mừng đặc sắc. Sau đó, đoàn rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà ra chứng kiến lễ đi cày đầu xuân tại khu Nà Trùng với nghi thức xuống đồng; rước kiệu lên miếu thực hiện các nghi thức tế lễ.

Trong phần hội có các nội dung: Phiên chợ đêm Mường Bi; thi đấu giải bóng chuyền Cúp Khai hạ Mường Bi năm 2023; trưng bày các sản vật tiêu biểu; tổ chức giao lưu hát đối nam - nữ và séc bùa; các trò chơi dân gian; thi đan lát. Bên cạnh đó có hoạt động tư vấn việc làm, đào tạo nghề, tạo cơ hội cho người lao động được tiếp cận với các công ty, cơ sở đào tạo để tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề ngay sau Tết và trưng bày báo Xuân Quý Mão.

P.V: Xin đồng chí cho biết về công tác tổ chức để góp phần quảng bá LHKH dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch?

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn: Để đảm bảo tổ chức thành công lễ hội, UBND tỉnh đã thành lập Ban tổ chức lễ hội cấp tỉnh và các tiểu ban giúp việc. Các tiểu ban đã xây dựng kế hoạch và triển khai các phần việc theo nhiệm vụ được giao. Về cơ sở vật chất, đã đầu tư sửa sang khuôn viên miếu thờ, sân vận động và các khu vực phục vụ lễ hội; xây dựng các quy chế, điều lệ cho các môn thi văn nghệ, thể thao. Đồng thời, xây dựng kịch bản chi tiết đối với từng nội dung hoạt động trong chương trình lễ hội. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị tổ chức đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và tiến độ theo kế hoạch đề ra.

LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH tỉnh và được livestream, trực tuyến trên Báo Hòa Bình điện tử. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã mời nhiều phóng viên các cơ quan báo chí T.Ư tham dự, đưa tin. Vì vậy, việc tổ chức LHKH dân tộc Mường năm 2023 không chỉ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc mà còn là dịp quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đến với du khách trong và ngoài nước; là hoạt động văn hóa để giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


Hương Lan (thực hiện) 

 

Tích cực tham gia Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường

Bùi Anh Tuấn

Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong


Trên địa bàn huyện Cao Phong, lễ hội Khai hạ hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng đã trở thành truyền thống nhiều năm. Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, lễ hội được tổ chức quy mô cấp xã với đầy đủ phần lễ và phần hội, đáp ứng nhu cầu của bà con nhân dịp đầu xuân năm mới.

Năm 2023, tỉnh tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường cấp tỉnh. Nằm trong chương trình, kế hoạch của Ban tổ chức lễ hội tỉnh, huyện Cao Phong tham gia các nội dung: Bóng chuyền nam, nữ; gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương; giao lưu văn nghệ hát giao duyên (hát đối), thi các trò chơi dân gian, thi ẩm thực, thi trình diễn trang phục dân tộc Mường và các môn thể thao dân tộc. Để thực hiện tốt các nội dung tham gia lễ hội, UBND huyện Cao Phong đã thành lập tổ công tác, xây dựng kế hoạch cụ thể, triệu tập các thành viên để tập luyện tham gia các nội dung theo kế hoạch.

Tham dự Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là dịp để quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người Mường Thàng đến bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó góp phần khai thác tiềm năng, phát triển du lịch trên địa bàn.

  

Phát huy vai trò xung kích của lực lượng thanh niên


Bùi Thị Hải

Bí thư Đoàn xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi)

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là lễ hội dân gian truyền thống lớn của người Mường Hòa Bình. Lễ hội được cộng đồng người Mường chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Ở huyện Kim Bôi, phần lễ của lễ hội được tổ chức ngày mùng 3 tháng 5 âm lịch (tức ngày mùng 4 tháng 4 theo lịch Mường Động) tại Miếu Khụ Động, ngự xóm Chanh, xã Vĩnh Đồng. Miếu xưa từng bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh. Năm 2007, khi đời sống được cải thiện, Nhân dân đã đóng góp phục dựng lại ngôi miếu mới trên nền đất cũ của miếu như hiện nay. Từ đó đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Hiện nay, UBND xã và nhân dân trong xóm trực tiếp trông coi, quản lý miếu.

Phát huy vai trò xung kích, thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên xã Vĩnh Đồng không chỉ góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp mà còn tích cực trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2021, Đoàn Thanh niên xã đã tham gia 70 ngày công lao động làm đường đi lên miếu Khụ Động. Cá nhân tôi, là Bí thư Đoàn xã, tôi cùng Ban Thường vụ Đoàn xã đã triển khai lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa lễ hội xuống mùa Mường Động trong các buổi sinh hoạt, tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; khuyến khích, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương… Song, điều quan trọng nhất là mỗi thanh niên phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, tự hào, trân trọng những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để tham gia vào công tác bảo tồn, gìn giữ một cách tự nguyện, tự giác, hiệu quả.

  

Háo hức trải nghiệm các hoạt động ở Lễ hội Khai hạ


Trần Thị Ngọc Hiền

Du khách thành phố Hà Nội

Qua bạn bè và các kênh thông tin, tuyên truyền quảng bá, tôi biết được nhân dịp xuân mới sẽ diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình tại huyện Tân Lạc. Lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh, lại đúng thời điểm nghỉ lễ nên nhất định tôi và gia đình sẽ không bỏ lỡ cơ hội tham dự sự kiện này.

Chỉ mất khoảng 2 tiếng di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến địa điểm tổ chức nên gia đình tôi lên kế hoạch khởi hành từ 5 giờ để kịp dự hội. Bản thân tôi đã vài lần được thăm quan, du lịch ở Hòa Bình và rất cảm mến thiên nhiên, văn hoá, con người nơi đây. Đó cũng là lý do tôi chọn Hòa Bình là điểm đến đầu tiên trong chuyến du xuân năm mới.

Được biết, lễ hội năm nay có hoạt động phong phú, đặc sắc, hấp dẫn, nhất là phần hội, như: phiên chợ đêm, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc Mường, thi phường séc bùa giữa 4 vùng Mường… Tôi và các thành viên trong gia đình rất háo hức đón chờ đến Lễ hội để có thêm trải nghiệm mới và khám phá bản sắc văn hóa đất Mường.

  

Mong muốn duy trì tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường


Bùi Văn Nức

Chủ tịch UBND xã Phong Phú (Tân Lạc)

Lễ hội Khai hạ ở huyện Tân Lạc được tổ chức vào ngày mồng 7, 8 tháng giêng hàng năm, tại miếu xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, nơi gắn liền với truyền thuyết về Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Đây là lễ hội truyền thống gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Lễ hội Khai hạ chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Năm nay, Lễ hội Khai hạ được nâng tầm tổ chức ở quy mô cấp tỉnh và có sự tham gia của 4 vùng Mường: Bi - Vang - Thàng - Động. Đối với địa phương chúng tôi rất vinh dự, phấn khởi cùng với huyện, tỉnh chuẩn bị đảm bảo các yếu tố, điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Lễ hội Khai hạ. Qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu văn hoá dân tộc Mường nói chung và Mường Bi nói riêng đến với du khách trong, ngoài tỉnh và góp phần đưa du lịch địa phương ngày càng phát triển.

  

Các giá trị dân gian dân tộc Mường được tôn vinh trong lễ hội truyền thống


Bùi Thị Biện

Xóm Mường Hạ, xã Định Cư (Lạc Sơn)

Lạc Sơn được coi là huyện vùng lõi của người Mường và văn hóa Mường tỉnh Hòa Bình. Tôi may mắn khi được sinh ra và lớn lên tại đây nên thấm nhuần các giá trị văn hóa của dân tộc, trân quý các lễ hội truyền thống. Đặc biệt, tôi rất yêu các làn điệu dân ca của người Mường, biết hát giao duyên, Thường rang, Bọ mẹng và tự hào mang lời ca, tiếng hát của dân tộc mình để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trong các dịp lễ hội được tổ chức tại vùng Mường Vang, câu hát Thường rang, Bọ mẹng cũng như các giá trị văn hóa phi vật thể khác của dân tộc Mường thường được tôn vinh, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, thu hút người dân và du khách.

Bản thân tôi rất phấn khởi, tự hào khi Lễ hội Khai hạ của người Mường tỉnh Hòa Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và năm nay là năm đầu tiên, Lễ hội Khai hạ được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Tôi cũng như nhiều người dân và nghệ nhân văn hóa dân gian ở xứ Mường Vang rất vui mừng vì lễ hội truyền thống của dân tộc đã được tôn vinh xứng tầm. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng người Mường vẫn luôn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Tôi mong muốn lễ hội Khai hạ sẽ được tổ chức hàng năm với quy mô cấp tỉnh, trở thành ngày hội đoàn kết văn hóa của cả xứ Mường Hòa Bình. Trong lễ hội sẽ có các cuộc hát giao duyên, hoạt động tìm hiểu truyền thống văn hóa của dân tộc Mường, với sự tham gia "truyền lửa" của các nghệ nhân dân gian. Đó sẽ là những trải nghiệm ý nghĩa, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa dân gian của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.

 

Các tin khác


Sôi nổi các hoạt động trước khai mạc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường

(HBĐT) - Sáng 27/1, trong khuôn khổ các hoạt động trước khai mạc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đã diễn ra nghi lễ mo cúng Thổ công, Thổ địa; thi đấu vòng loại các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc và thi séc bùa của 16 xã tại sân vận động xã Phong Phú và nhà văn hoá xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Sáng nay (mồng 6 tháng giêng) diễn ra các hoạt động của Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) -Sáng 27/1 (tức mồng 6 tháng giêng) diễn ra một số hoạt động trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023.

Vấn vương xòe Thái Tây Bác

(HBĐT) - Múa xòe có từ bao giờ, không ai nhớ. Chỉ biết từ xa xưa, người Thái đã có câu hát: "Không xòe không vui/ không xòe cây ngô không ra bắp/Không xòe cây lúa không trổ bông/Không xòe trai gái không thành đôi”. Bởi vậy, trong cuộc vui nào, đồng bào Thái cũng múa xòe. Vì rằng: "Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe trời xuân qua đi...”. Với người Thái Tây Bắc nói chung và người Thái Mai Châu nói riêng, múa xòe như một phần của cuộc sống.

Hương sắc vùng cao Đà Bắc

(HBĐT) - Một bên là mênh mang sông nước, phía còn lại là trùng điệp núi non hùng vỹ. Thiên nhiên đã "vẽ” nên huyện vùng cao Đà Bắc thành một bức họa đa sắc màu. Vùng cao mỗi độ Tết đến xuân về với những vạt đào, vườn mận bung nở trắng cả góc rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục