Ngày 18/10, Bảo tàng tỉnh Thái Bình tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Thái Bình in dấu chân Người”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Thái Bình lần thứ 3 (26/10/1958-26/10/2023).
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề "Thái Bình in dấu chân Người".
Nội dung trưng bày gồm 2 phần: Thái Bình in dấu chân Người và Thái Bình thực hiện lời Bác dạy, được bài trí, bố cục khoa học theo diễn tiến thời gian, giúp người xem cảm nhận và hình dung rõ tấm lòng, tình cảm của Bác với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình, cũng như những việc làm cụ thể, sinh động của địa phương để đáp lại những lời dạy, những mong muốn của Người khi về thăm Thái Bình năm 1958.
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh khi Người dự Đại hội sản xuất đông xuân toàn tỉnh tại sân vận động thị xã Thái Bình ngày 26/10/1958. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Thái Bình)
Hàng trăm tư liệu, hiện vật quý được sưu tầm, tiếp nhận ở trong và ngoài tỉnh vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị nghệ thuật được trưng bày đã khắc họa rõ nét 5 lần Bác về thăm tỉnh Thái Bình, trong đó nhấn mạnh lần về thăm thứ 3 của Bác. Đây là chuyến thăm cuối cùng ở tỉnh Thái Bình trước lúc Bác đi xa.
Ngay sau nghi thức khai mạc trưng bày, nhiều em học sinh trường Trung học cơ sở Trần Phú (thành phố Thái Bình) đã chăm chú lắng nghe cán bộ Bảo tàng tỉnh Thái Bình thuyết minh những hình ảnh vô giá khi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh khi Người dự Đại hội sản xuất đông xuân toàn tỉnh tại sân vận động thị xã Thái Bình ngày 26/10/1958.
Các cháu thiếu nhi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh củ sắn - sản phẩm quê hương khi Người về thăm Thái Bình ngày 26/10/1958. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Thái Bình)
Người xem các gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình cũng rất thích thú với hình ảnh Bác Hồ nhận củ sắn - sản phẩm của quê hương do các cháu thiếu nhi tặng khi Người về thăm Thái Bình ngày 26/10/1958.
Tại chính giữa khu trưng bày còn giới thiệu đến người xem chiếc áo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc khi Người về thăm và mừng công 5 tấn với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình ngày 31/12/1966 và ngày 1/1/1967.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình chia sẻ: Đây là những kỷ vật vô giá, có ý nghĩa lịch sử gắn với những mốc son phát triển của tỉnh Thái Bình.
Thông qua trưng bày chuyên đề, góp phần bồi đắp niềm tin, niềm tự hào đối với Đảng, Bác Hồ và công cuộc đổi mới đất nước trong toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Đây cũng là hoạt động tạo khí thế sôi nổi trong các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trưng bày chuyên đề "Thái Bình in dấu chân Người” mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 5/11/2023.
Theo Nhandan.com.vn
(HBĐT) - Di tích lịch sử cách mạng Địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa năm 1958, thuộc xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) giờ đây đã được đầu tư, tôn tạo khang trang và trở thành địa chỉ văn hóa, giáo dục truyền thống, tinh thần đại đoàn kết cho các thế hệ.
Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách nói chung; riêng trong lĩnh vực văn hóa, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội, vừa phổ biến tuyên truyền vừa định hướng dư luận. Thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức mới trong công tác truyền thông chính sách, đòi hỏi ngành Văn hóa phải có những giải pháp hợp lý.
Ngày 02/02/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quyết định đưa "Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực” thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) - lễ hội truyền thống kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhân kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2023), tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức đón nhận Bằng di sản này. Đây là lễ hội độc đáo, đặc trưng nơi vùng sông nước miền Tây Nam bộ.