Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh trao trả tài liệu, kỷ vật đi B cho thân nhân cán bộ đi B.
Hòa Bình là vùng đất cổ với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ thống động, thực vật phong phú, là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP. Tỉnh có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.
Tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 22/6/1886 theo Nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường, tách phần đất có người Mường cư trú từ các tỉnh: Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội, Ninh Bình. Tỉnh Mường có 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ; tỉnh lỵ đặt tại Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc) nên còn gọi là tỉnh Chợ Bờ. Đến tháng 11/1886 chuyển về xã Phương Lâm. Tháng 4/1888 được đổi tên thành tỉnh Phương Lâm, do Công sứ Pháp cai trị. Ban đầu tỉnh gồm cả Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên Châu, cùng với vùng có dân tộc Mường thuộc hai châu Thanh Sơn, Yên Lập (tháng 10/1888 cắt 2 châu này về tỉnh Hưng Hóa).
Ngày 5/9/1896, tỉnh lỵ tỉnh Mường chính thức được chuyển về đóng tại xã Hòa Bình, phía bờ trái sông Đà, đối diện với Phương Lâm. Từ đó, tỉnh Mường được gọi là tỉnh Hòa Bình, với 4 châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Đà. Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Hòa Bình với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình. Theo nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 9, ngày 12/8/1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách thành 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Khi đó, tỉnh Hòa Bình có diện tích 4.697 km², dân số 670.000 người, gồm 10 đơn vị hành chính: 1 thị xã Hòa Bình và 9 huyện:Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy. Ngày 01/10/1991, tỉnh Hòa Bình chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Từ ngày 1/1/2020, theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, toàn bộ huyện Kỳ Sơn nhập vào TP Hòa Bình.
Đến nay, tỉnh có 10 huyện, thành phố với 151 xã, phường, thị trấn, diện tích tự nhiên 4.596 km2, dân số trên 83 vạn người, trong tỉnh có 6 dân tộc chính cùng sinh sống là: Mường, Kinh, Dao, Thái, Tày, Mông, nhưng đông nhất là người Mường chiếm 63,3% dân số toàn tỉnh.
Tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa của dân tộc và là tài sản đặc biệt của quốc gia. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác lưu trữ, Người chỉ rõ "tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” và đánh giá "tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu, có tác dụng rất lớn trong việc nghiên cứu tình hình, tổng kết kinh nghiệm, định hướng chương trình kế hoạch công tác và phương châm chính sách về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng như khoa học kỹ thuật”. Với vai trò và những giá trị của việc lưu trữ tài liệu, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm xây dựng và phát triển Trung tâm Lưu trữ lịch sử của tỉnh,
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Hòa Bình được thành lập lần đầu tiên vào tháng 9/1998, có tên gọi là "Trung tâm Lưu trữ tỉnh Hòa Bình” trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Đến năm 2008, UBND tỉnh có quyết định về việc chuyển nguyên trạng Trung tâm lưu trữ tỉnh trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình. Tháng 3/2011, Chi cục Văn thư - Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Lưu trữ tỉnh, gồm 2 phòng là Phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ và Phòng Nghiệp vụ kho lưu trữ chuyên dụng. Đến tháng 8/2015, UBND tỉnh quy định lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quyền hạn của Chi cục Văn thư - Lưu trữ gồm 2 phòng và Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
Tháng 8/2021, UBND tỉnh quyết định giải thể Chi cục Văn thư - Lưu trữ và thành lập Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình. Như vậy, từ khi thành lập đến nay, qua nhiều lần chia tách và sáp nhập với các tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ có phần khác nhau theo từng giai đoạn nhưng nhiệm vụ chính là lưu trữ tài liệu lịch sử của tỉnh, với các nội dung tổ chức thu thập, chỉnh lý, bảo quản, khai thác sử dụng, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và thực hiện các hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật. Những tài liệu được lưu trữ tại trung tâm không chỉ là nguồn sử liệu quan trọng phục vụ lợi ích của quần chúng nhân dân, mà còn có giá trị đặc biệt đối với hoạt động thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tỉnh Hòa Bình nói riêng và đất nước nói chung.
Những dấu ấn lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển tỉnh Hòa Bình đã được lưu lại trong nhiều tài liệu có giá trị được Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ bảo quản cẩn trọng và khoa học trên 52.000 hồ sơ được lưu trữ tại đây, là tài sản quý giá có giá trị đặc biệt quan trọng với tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhằm phát huy tối đa những giá trị của tài liệu lưu trữ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền việc công bố tài liệu lưu trữ lịch sử tới toàn thể các cơ quan, ban, ngành và các tầng lớp nhân dân trên toàn tỉnh. Việc giữ gìn, lưu trữ và phát huy những giá trị lịch sử văn hoá, lịch sử luôn được tỉnh quan tâm. Đặc biệt là công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, đồng thời xác định rõ đây là khối tài liệu, quan trọng - là nguồn thông tin quá khứ có giá trị đặc biệt về khoa học thực tiễn và lịch sử đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và sự phát triển của tỉnh Hòa Bình nói riêng. Theo sự vận hành liên tục của dòng thời gian và trong dòng chảy không ngừng của đời sống xã hội, những người làm công tác lưu trữ gánh trên vaitrọng trách nặng nề, họ là những người bảo quản và lưu trữ những giá trị lịch sử của tỉnh Hòa Bình.
Hiện Trung tâm đang lưu trữ 45 phông lưu trữ lịch sử của tỉnh từ năm 1945 đến nay với trên 52.000 hồ sơ, tương đương trên 600 mét giá tài liệu. Khối lượng tài liệu này chứa đựng lượng thông tin lớn về quá trình thành lập tỉnh Hòa Bình, những giá trị lịch sử của cách mạng Việt Nam, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc kháng chiến gian khổ, anh dũng của dân tộc ta trong từng giai đoạn lịch sử... những tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đây là nguồn tài liệu quý giá.
Để thực hiện tốt chức năng của mình, những năm qua, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh luôn quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ viên chức vừa hồng vừa chuyên, tập trung nâng cao công tác quản lý, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn.
Nguyễn Đức Thọ
(Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Hòa Bình)