Đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) ấn tượng nhất là vào ban đêm, trải nghiệm khó quên nhất là đi thuyền thúng trên dòng sông Hoài thơ mộng và chợ đêm. Đến với chợ đêm, du khách sẽ ấn tượng với gian hàng gốc tre hình tượng Phật. Đó là gian hàng của vợ chồng anh Huỳnh Phương Đỏ nằm trong khu chợ thủ công mỹ nghệ ở phố cổ Hội An, nổi bật với những bức tượng Phật, tượng Chúa làm bằng gốc tre.


Sau một thời gian học nghề từ chồng, vợ anh Đỏ trở thành người thợ lành nghề.

Với nhiều người, những gốc tre tưởng chừng chỉ để bỏ đi nhưng đã được các nghệ nhân chế tác thành nhiều bức tượng khác nhau khiến ai nhìn thấy cũng ngỡ ngàng. Từ những gốc tre sần sùi, thô nhám, anh Huỳnh Phương Đỏ đã khéo léo chạm trổ, điêu khắc thành khuôn mặt của các danh nhân, thánh nhân nổi tiếng trong lịch sử, tượng vị thần linh uy nghiêm, đức độ các tôn giáo thờ phụng, 12 con giáp, tượng Tam Đa Phúc - Lộc - Thọ… với mái tóc, bộ râu, lông mày, lông mi cách điệu, hài hòa được cắt tỉa từ rễ tre. Người xem sẽ cuốn hút bởi những tượng gốc tre có đủ cả tóc, râu, thậm chí cả lông mày... Cái khó của người nghệ nhân là thổi hồn vào từng sản phẩm, để mỗi tượng phải có những nét riêng, mỗi sản phẩm là độc bản, không thể tìm được cái thứ hai. Không có bức tượng nào giống nhau do hình dáng các gốc tre khác nhau. Sự tinh xảo, khéo léo của người nghệ nhân là biến những gốc tre mộc mạc, sần sùi trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

"Cha đẻ” của nghệ thuật điêu khắc gốc tre - anh Huỳnh Phương Đỏ ở số nhà 26, Bạch Đằng, thành phố Hội An. Anh là người tiên phong thổi hồn vào gốc cây tre - biểu tượng của văn hóa Việt. Anh sinh năm 1973, xuất thân trong một gia đình làm nông. Năm 1988, khi đang học lớp 10, do hoàn cảnh khó khăn anh phải nghỉ học để đi học nghề chạm trổ, điêu khắc tượng gỗ phụ giúp gia đình. Sau 3 năm học, anh đi làm thuê cho các cơ sở chạm trổ, điêu khắc ở thành phố Hội An phụ giúp gia đình. Năm 1999, trong một lần tránh lũ, anh nhìn thấy những gốc tre trôi trên dòng nước siết liền kéo về đục đẽo. Từ đó anh "có duyên” với những gốc tre.

Sau thời gian anh tạo dựng cơ sở riêng cho mình. Từ những tác phẩm đầu tiên được mọi người đánh giá cao bởi sự mới mẻ về chất liệu, lạ lẫm với kích thước, hình dáng, bởi đục tượng bằng gốc tre không theo bất cứ quy chuẩn, nguyên tắc nào, tất cả dựa vào kích thước, hình dáng của gốc tre để người thợ tính toán tạo ra bức tượng có giá trị mỹ thuật nhất. Cái khó nhất là chọn dáng hình phù hợp để tạo ra sản phẩm. Như đối với gốc tre có rễ dài thì tạo thành hình ông Lộc với bộ râu dài, gốc tre ngắn thì tạo hình ông thần tài, ông địa. Do được chế tác một cách linh hoạt, không theo khuôn mẫu nào nên tượng gốc tre của cơ sở Huỳnh Phương Đỏ sản xuất được du khách yêu thích, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Trong những năm gần đây, thương hiệu "Đỏ tre” đã xuất hiện nhiều trên các kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTV4, HTV7… qua các chuyên đề người thổi hồn vào gốc tre. Năm 2017, tổ chức VietKings đã đề xuất kỷ lục cho anh Huỳnh Phương Đỏ là nghệ nhân chế tác gốc tre Việt Nam.

Vợ anh Huỳnh Phương Đỏ học nghề từ anh và trở thành một trong những người thợ lành nghề ở Hội An. Chị cho biết, để tạo ra được một sản phẩm, mỗi gốc tre phải ngâm 6 tháng dưới bùn, trước khi đưa vào chế tác phải luộc 3 giờ. Tiếp theo xử lý hết đất đá bên trong, vệ sinh sạch sẽ, sau đó phơi khô hơn 10 ngày trong nắng mới tiến hành tạo hình dựa vào thế đã có sẵn. Với một tượng đơn giản nếu làm nhanh khoảng 1 - 2 ngày, tượng phức tạp phải mất 4 - 5 ngày mới xong. Giá mỗi bức tượng từ 150 nghìn đến 1 triệu đồng tùy loại. Khách du lịch thích mua nhất là tượng Phật, thần trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Tam Đa Phúc - Lộc - Thọ, những vị Phật mang ý nghĩa giàu sang, may mắn, trường thọ trong văn hóa phương Đông. Ngoài ra một số khách nước ngoài thích tượng Chúa Jesus hay Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Anh Đỏ cho biết đang ấp ủ ý tưởng dạy nghề một cách bài bản cho thế hệ sau, đem những gì có hồn nhất truyền lại cho người kế nhiệm.

Việt Lâm


Các tin khác


Gìn giữ di tích lịch sử chùa Lốc, thị trấn Mãn Đức

Chùa Lốc tọa lạc tại khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc. Chùa được khởi dựng từ lâu đời. Xưa kia khu đất dựng chùa có địa thế đẹp, nằm giữa trung tâm của Mường Định, cạnh đường liên xóm thuận tiện cho đi lại và tổ chức những sinh hoạt cộng đồng.

Tổ chức chuỗi hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên toàn quốc

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, năm 2024, gồm chuỗi hoạt động từ ngày 15/4 đến 1/5 với thông điệp "Sách hay cần bạn đọc", "Sách quý tặng bạn", "Tặng sách hay - Mua sách thật", "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe".

Đổi mới để Thảo Cầm Viên Sài Gòn trở thành điểm đến hấp dẫn hơn

Cùng với việc gìn giữ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cần thiết có những đổi mới trong định hướng phát triển và tổ chức hoạt động để Thảo Cầm Viên Sài Gòn trở thành một điểm hấp dẫn hơn với người dân và du khách.

Đặc sắc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình

Lễ hội Khai hạ là lễ hội dân gian truyền thống có từ lâu đời, quy mô lớn nhất của người Mường tỉnh Hòa Bình. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, 2024, lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh, quy tụ 4 vùng Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động) tham gia, là dịp để các tinh hoa văn hóa dân tộc Mường hội tụ và tỏa sáng.

 500 đoàn viên Công đoàn huyện Tân Lạc hưởng ứng "Tuần lễ áo dài"

Ngày 5/3, Liên đoàn lao động huyện Tân Lạc phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức Chương trình đồng diễn dân vũ và diễu hành hưởng ứng "Tuần lễ áo dài” năm 2024 chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - /8/3/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục