Khắp các vùng Mường trên địa bàn huyện Lạc Sơn có tục ăn Tết mừng độc lập, nhưng tổ chức đậm nét nhất là vùng Cộng Hoà (Mường Vang) và vùng Đại Đồng (Mường Khói). Hàng năm, người dân ở 2 vùng Mường này "ăn to” vào dịp 19/8 và Quốc khánh 2/9.
Phụ nữ Mường xóm Vó Giữa, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) chuẩn bị bánh uôi tiếp đãi và làm quà cho khách đến chơi nhà dịp Tết Độc lập.
Vào những ngày này, như thường lệ, để kỷ niệm dấu mốc quan trọng của đất nước, người dân sống trong không khí rộn ràng đón Tết Độc lập. Từ người cao tuổi, đến thanh niên, trẻ em đều mặc quần áo mới, đến nhà nhau thăm hỏi và ăn Tết. Đàn ông làm thịt lợn, thịt gà, thịt vịt còn phụ nữ thì gói bánh uôi, nhóm bếp đồ xôi… Nhà nhà sắp mâm cơm cùng bánh kẹo, hoa quả bày lên bàn thờ Bác Hồ và tổ tiên, cầu xin phù hộ cho con cháu có sức khoẻ, gia đình được hạnh phúc, làng xã được ấm no, quê hương, đất nước luôn yên bình, giàu mạnh.
Nay tuổi đã cao nhưng trí nhớ của cụ Bùi Nị ở xóm Chiềng, xã Tân Lập vẫn còn minh mẫn. Cụ kể lại, vào năm 1945, cùng với lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh, lực lượng cách mạng trung đội tự vệ cứu quốc và nhân dân lao động huyện Lạc Sơn từ Mường Khói đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Khi địch rút khỏi đồn Mường Vang, vùng Cộng Hoà được giải phóng, chế độ nhà Lang sụp đổ. Vào dịp Quốc khánh 2/9/1950, Hội các phụ lão cùng chính quyền xã tổ chức mít tinh, vui văn hoá, thể thao, mổ trâu chia cho nhân dân cùng ăn mừng ngày độc lập, tự do. Trong các gia đình lập bàn thờ Tổ quốc, treo cờ, ảnh Bác Hồ và các vị lãnh tụ. Từ đó thành lệ, ngày 2/9 hàng năm đều tổ chức ăn mừng, rồi dần lan ra thành phong tục như ngày nay. Thời kỳ hình thành các HTX nông nghiệp, vào dịp Tết Độc lập, Ban quản trị các HTX cho xã viên nghỉ, xin xã, xin huyện cho được mổ trâu, mổ bò, chia thịt cho các hộ xã viên về ăn mừng. Về sau, các HTX giải thể nhưng phong tục ăn Tết Độc lập vẫn được người Mường ở Lạc Sơn duy trì rộng khắp.
Cũng trong những ngày đón mừng Tết Độc lập, các hoạt động thể thao, văn nghệ diễn ra sôi nổi khắp làng trên, xóm dưới. Các cuộc thi đánh mảng, bóng chuyền tưng bừng trên sân nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng. Tại các gia đình, mọi người sum vầy, cùng nhau uống chung vò rượu cần, thưởng thức mùi vị thơm ngon của các loại bánh. Ngoài các món ăn chính, 2 món quan trọng không thể thiếu trong mâm cỗ của ngày Tết Độc lập là chả số 8 và bánh uôi.
Mế Bùi Thị Kẻm ở xóm Vó Dò, xã Nhân Nghĩa chia sẻ: Để làm bánh uôi, các gia đình chuẩn bị nguyên liệu từ trước. Lá bương lấy từ rừng về được phơi khô, gạo nếp xay kỹ và nhào với nước để tạo thành hỗn hợp bột. Tiếp đó, nặn bột thành chiếc bánh nhỏ, rắc lạc, vừng lên trên rồi quấn lại bằng lá bương. Bánh uôi được gia chủ dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Sau khi đã chế biến đủ các món ăn truyền thống, trước khi dọn tiệc đãi khách, gia chủ phải làm lễ dâng cúng tổ tiên, báo cáo với tổ tiên hôm nay là ngày được gia đình chọn tổ chức lễ mừng Tết Độc lập của đất nước…
Bữa cơm mừng ngày Quốc khánh của người Mường Lạc Sơn có sự sum vầy của anh em, con cháu trong đại gia đình và hàng xóm trong làng, ngoài xã. Mọi người cùng chuyện trò, thưởng thức hương vị rượu cần và những món ăn đã có trong đời sống ẩm thực của tổ tiên từ bao đời truyền lại. Cùng với đó, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, vui chơi dịp Tết giúp tăng thêm tình đoàn kết, tính cố kết cộng đồng, góp phần gìn giữ giá trị văn hoá bản địa, hun đúc thêm truyền thống yêu nước của người dân nơi đây.
Theo đồng chí Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, cộng đồng người Mường trong huyện, đặc biệt vùng Mường Vang, Mường Khói rất coi trọng bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống gắn với thực hiện nếp sống văn hoá trong gia đình, trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Truyền thống ăn mừng Tết Độc lập của nhân dân trong huyện dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã trở thành phong tục độc đáo của địa phương.
Cùng với nhịp sống hiện đại, những giá trị lịch sử văn hoá, trong đó có phong tục ăn Tết Độc lập ở các vùng Mường vẫn được trân trọng lưu truyền, gìn giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau. Phong tục tốt đẹp này cũng trở thành hoạt động thường niên làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần quảng bá văn hoá, phát triển du lịch. Vào dịp này, cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chuyên môn của huyện tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, khích lệ việc bảo tồn, phát huy nét đẹp phong tục ăn Tết Độc lập nhằm nêu cao tinh thần yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", giáo dục truyền thống cách mạng và được nhân dân tích cực hưởng ứng.
Lạc Bình
Chiều 29/8, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức công diễn, trao giải và bế mạc Hội thi Tuyên truyền cổ động tỉnh năm 2024.
Về xã nông thôn mới nâng cao Hoà Sơn (Lương Sơn) hôm nay, diện mạo các khu dân cư khang trang, sạch đẹp. Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động. Điều kiện kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được đảm bảo.
Ngày 28/8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức Lễ công bố kết quả tiếp nhận, hồi hương tượng đồng Nữ thần Durga.
Tối 28/8, tại Cung văn hóa tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Hội thi Tuyên truyền cổ động tỉnh Hòa Bình năm 2024. Dự khai mạc có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành và đông đảo người dân.
Vào những buổi sáng sớm, khi con phố Bảo Khánh còn tĩnh lặng, quán phở "treo" đã bắt đầu nhộn nhịp. Hút chân thực khách không chỉ vì những tô phở nghĩa tình mà còn nhiều điều thú vị khác đằng sau quán phở "treo”.
Thành phố Hòa Bình vừa tổ chức Hội thi tuyên truyền cổ động năm 2024, Tham gia hội thi có 19 đội tuyên truyền đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố.