Phụ nữ thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) tích cực tham gia các hoạt động, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mường.
Với 338 hộ, 1.234 nhân khẩu, 4 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 7 tổ, phố Hữu Nghị, thị trấn Vụ Bản là một trong những khu dân cư tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá, đồng thời thực hiện tốt các nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH, như: đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững; xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội… Theo bà Phạm Thị Thuỷ - Trưởng phố Hữu Nghị, để chất lượng phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, phố có nhiều giải pháp linh hoạt, xây dựng gia đình văn hoá từ nền tảng gia đình truyền thống, gia đình hiếu học; xây dựng khu phố không rác thải và đẩy lùi tệ nạn xã hội… Năm 2023, bình quân thu nhập đầu người của phố đạt trên 58 triệu đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, các thiết chế phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, giải trí của người dân đảm bảo, tạo điều kiện phát triển phong trào văn hoá, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần.
Xã Thượng Cốc có dân số đông, 98% là người dân tộc Mường, sinh sống ở 14 xóm. Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương chú trọng các giải pháp tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến về nhận thức và hành vi của người dân về xây dựng đời sống văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn có 3 câu lạc bộ, 1 câu lạc bộ ở trường học tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá; thành lập 14 đội văn nghệ cơ sở. Bên cạnh đó, phong trào TDĐKXDĐSVH, đô thị văn minh được triển khai với những phần việc thiết thực, rộng khắp ở các xóm. Nổi bật như ở xóm Cáo, bà con tự góp tiền kéo điện thắp sáng đường làng, trồng gần 600 m đường hoa tạo cảnh quan, giúp nhau kinh phí mua nguyên vật liệu và ngày công theo phương thức luân phiên từng hộ để xây dựng hệ thống tường, cổng rào... tạo diện mạo tươi sáng, điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới. Từ mô hình thắp sáng đường làng ở xóm Cáo, hầu hết các khu dân cư trong xã đã tự đóng góp kinh phí mua dây, cột, bóng điện, trả công kéo lắp và hoàn thành kéo đường điện thắp sáng ở 100% trục đường chính. Theo đồng chí Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã, các mô hình được triển khai, thực hiện lồng ghép và phù hợp với việc thực hiện 5 nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH, đô thị văn minh, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lạc Sơn cho biết: Cùng với phong trào TDĐKXDĐSVH, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đã bảo tồn, phát huy tích cực các giá trị văn hoá đặc sắc, các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể như chiêng Mường, mo Mường, các phong tục, tập quán, trang phục, trò chơi dân gian… Phong trào ngày càng lan toả, chất lượng đi vào chiều sâu, góp phần khơi dậy niềm tin, khí thế thi đua trong cộng đồng dân cư. Năm 2023, tỷ lệ khu dân cư văn hoá toàn huyện đạt 88,5%; tỷ lệ hộ gia đình văn hoá đạt trên 86,6%; có 139/140 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Phong trào đồng thời góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Bùi Minh