Trước đây, vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên gắn với hệ thống ruộng bậc thang ở xã vùng cao Miền Đồi (Lạc Sơn) được biết đến nhưng thông tin chưa lan tỏa. Năm 2024, với sự vào cuộc của truyền thông cùng nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền trong triển khai hoạt động tham quan, trải nghiệm mùa lúa chín đã giúp địa phương trở thành "từ khóa” được đông đảo du khách tìm kiếm và khám phá.


Du khách check-in giữa khung cảnh mùa vàng trên những khu ruộng bậc thang xã Miền Đồi (Lạc Sơn).

Đến từ Hà Nội, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan ấn tượng khi bước vào hành trình trải nghiệm cảnh quan du lịch đặc    sắc và nét văn hóa bản địa xã  Miền Đồi. Chị Lan chia sẻ: Thật bất ngờ tại một nơi không xa Hà Nội, cảnh quan hùng vĩ và nên thơ  đến vậy mà tôi mới có cơ hội  chiêm ngưỡng lần đầu. Trong đoàn chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng trước những gì hiển hiện trước mắt: sương mai tinh khiết, đồi núi điệp trùng với bồng bềnh mây trắng, hàng trăm ha ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp trải dài, không thấy đâu là điểm cuối và được phủ kín một màu vàng óng ả. Hẹn những mùa lúa chín sau tôi sẽ cùng bạn bè trở lại nơi đây.

Bà Bùi Thị Tông, nông dân xóm Dóm Bái cho biết: Tập quán của đồng bào Mường nơi đây là canh tác trên những thửa ruộng bậc thang từ thời cha ông để lại. Mỗi năm bà con sản xuất 2 vụ lúa, việc canh tác được duy trì nhờ vào nguồn nước trời và ý thức giữ rừng của người dân. Chúng tôi tự hào vì giờ đây thắng cảnh quê hương được nhiều du khách yêu thích. Điều đó cũng sẽ khích lệ cộng đồng Mường bảo tồn tài nguyên và văn hóa ruộng bậc thang độc đáo.

Qua kết quả khảo sát, nghiên cứu do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện từ năm 2021, di sản ruộng bậc thang của người Mường ở Hòa Bình phân bố tập trung ở 4 vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động), với tổng diện tích 6.000 ha. Trong đó, xã Miền Đồi được xác định là vùng lõi của di sản có diện tích khoảng 800 ha. Ở đây, các khu ruộng bậc thang có vẻ đẹp quyến rũ, cảnh quan ngoạn mục với vùng thượng tiếp giáp khu bảo tồn thiên nhiên, kế bên là các khe suối, thác nước nhỏ. Cùng với đó là những bản làng của đồng bào dân tộc Mường vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống nhà sàn.

Do đặc điểm địa hình đồi núi quanh co, uốn lượn, độ dốc cao, điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng trọt, tuy nhiên, vì giao thông cách trở nên sản phẩm hàng hóa do bà con làm ra bán chưa được giá. Mặt khác, tiềm năng, lợi thế về du lịch chưa được khai thác, phát huy. Xã hiện có 930 hộ, trên 4.000 nhân khẩu, hơn 99% dân số là người dân tộc Mường. Ngoài di sản ruộng bậc thang, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của địa phương vẫn được cộng đồng giữ gìn như: lễ mừng cơm mới, tiếng nói và trang phục dân tộc Mường, hát Mường, các trò chơi dân gian đánh mảng, kéo co, đẩy gậy…   

Việc tổ chức chương trình trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, khám phá bản sắc văn hóa Mường xã Miền Đồi vừa được UBND huyện Lạc Sơn phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức là bước thử nghiệm, tiến tới hình thành tour du lịch trải nghiệm đặc sắc từ những năm tiếp theo.

Đồng chí Bùi Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND xã Miền Đồi cho biết: Để đời sống của người dân được nâng cao, chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai, thực hiện với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cấp ủy, chính quyền xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch cảnh quan, du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống, phát triển ngành nghề mới tạo thêm nhiều việc làm, nguồn sinh kế bền vững cho người dân.  
Nhằm khai thác hoạt động  du lịch hiệu quả, sớm đưa xã trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa độc đáo, mong muốn các ngành chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho xã, nhất là tuyến đường giao thông kết nối xã  Miền Đồi với xã Thạch Yên (Cao Phong). Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ các điều kiện phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng gắn với hoạt động trải nghiệm, quảng bá sản vật địa phương, bảo tồn cảnh quan ruộng bậc thang và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác. 

Bùi Minh


Các tin khác


Sôi nổi Tết Ngã rạ của đồng bào Cor

Ngày 26/11, đồng bào Cor ở xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Tết Ngã rạ với nhiều hoạt động sôi nổi, vui tươi mang đậm nét văn hóa truyền thống để tạ ơn ông bà tổ tiên, thần linh đã phù hộ làm ăn khấm khá, cuộc sống an lành.

Âm nhạc dân tộc kết nối thanh niên Việt Nam - Trung Quốc

Chương trình giao lưu âm nhạc dân tộc thanh niên Việt Nam – Trung Quốc với chủ đề "Cùng cất tiếng hát hữu nghị” đã diễn ra tối 26/11, tại Hà Nội.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035: Tăng nguồn thu, lấy văn hóa nuôi văn hóa

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được kỳ vọng sẽ tạo bứt phá để văn hóa được đặt xứng tầm với vị trí trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc

Ngày 24/11, UBND huyện Tân Lạc tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc và đón bằng công nhận cây di sản Việt Nam. Tới dự, chung vui cùng ngày hội có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh...

Kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh

Tối 23-11, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh trọng thể tổ chức chương trình Kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục