Mỗi dịp xuân về, bản làng người Mường Hòa Bình lại rộn ràng những lễ hội truyền thống. Tôi xuôi theo con đường quanh co, tìm về nếp nhà sàn bên sườn núi để được nghe những câu chuyện truyền đời về chiếc nỏ - một biểu tượng của sự dũng mãnh, tinh thần thượng võ và tín ngưỡng linh thiêng của người Mường.


Ông Bùi Văn Chương (người ngồi quỳ), xóm Cóc, xã Kim Bôi (Kim Bôi) hướng dẫn kỹ thuật bắn nỏ.

Bên bếp lửa hồng trên nhà sàn, ông Bùi Văn Chương, xóm Cóc, xã Kim Bôi (Kim Bôi) vừa thoăn thoắt vót mũi tên vừa kể: "Xưa kia, khi súng chưa có, người Mường chế ra nỏ để tự vệ, bảo vệ bản làng và săn bắn kiếm sống. Cây nỏ đi cùng cha ông qua bao thế hệ, không chỉ là vũ khí mà còn là báu vật của mỗi gia đình, được lưu truyền từ đời này sang đời khác".

Tôi nhìn lên vách nhà, nơi treo một chiếc nỏ cũ kỹ nhưng vẫn vững chắc, như một phần linh hồn của người Mường giữa đại ngàn. Ông Chương chia sẻ: Chiếc nỏ của người Mường không đơn thuần là vũ khí mà còn là một kiệt tác thủ công, kết tinh sự khéo léo và kinh nghiệm truyền đời. Để làm nên một chiếc nỏ tốt, người thợ phải tuân theo những nguyên tắc khắt khe: Cánh nỏ - phần quyết định sức mạnh bắn làm từ tre già mọc trên đỉnh đồi cao, nơi có khí hậu khắc nghiệt giúp tre rắn chắc và dẻo dai. Tre chặt về được hun khói trên gác bếp nhiều tháng để khô tự nhiên, tuyệt đối không được để cong vênh. Thân nỏ làm từ gỗ hồng bì, loại gỗ bền chắc, ít cong vênh. Gỗ được phơi khô tự nhiên trong nhiều tháng rồi mới xẻ để chế tác. Dây nỏ làm từ sợi cây gai, được tuốt kỹ bằng nhựa lá thé để tăng độ bền và săn chắc. Mũi tên vót từ bương già hoặc lành hanh, gắn thêm cánh lá dứa dại giúp tên bay xa và chuẩn xác. Ông Chương nhấn mạnh: "Làm nỏ là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng có thể làm được. Quan trọng nhất là chọn tre, gỗ đúng tuổi, đúng thời điểm. Một chiếc nỏ tốt có thể truyền lại nhiều đời".

Đầu xuân, giữa những nếp nhà sàn thấp thoáng trong sương sớm, tiếng dây nỏ bật mạnh vang lên trong hội thi bắn nỏ - một nét văn hóa truyền thống lâu đời. Những người đàn ông Mường, từ cụ già tóc bạc đến những chàng trai trẻ cùng tranh tài để chọn ra thiện xạ giỏi nhất bản. Các bậc cao niên quan niệm rằng, người bắn nỏ giỏi sẽ mang lại may mắn cho bản làng, mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no. Trong không khí náo nhiệt của hội xuân, từng mũi tên lao vút, vẽ thành những đường cong hoàn hảo trên bầu trời xanh thẳm.

Ông Bùi Văn Chương năm nay ngoài 60 tuổi, nhưng chiếc nỏ của ông vẫn khiến nhiều bạn trẻ không giương nổi. Ông kể, gần đây ông cùng người cháu ruột và gần 100 người yêu thích môn bắn nỏ tổ chức một giải đấu nhỏ ngay tại sân nhà vào dịp đầu xuân và ông đã giành giải nhất. "Vui lắm, ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích môn thể thao này. Tôi cũng làm nỏ để bán cho những ai đam mê, quan trọng nhất là truyền lại kinh nghiệm, giữ lửa cho thế hệ sau”, ông chia sẻ thêm. Mỗi khi nhắc đến chiếc nỏ, ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào. Không chỉ xuất hiện trong cuộc sống thường, chiếc nỏ còn gắn với những truyền thuyết, huyền thoại. Trong lịch sử, hình tượng "một mũi tên bắn trúng nhiều đích” không chỉ thể hiện sự tài giỏi của những xạ thủ Mường mà còn là một chiến thuật khôn ngoan của cha ông ta trong chiến đấu. Ngày nay, chiếc nỏ vẫn được bảo tồn như một di sản văn hóa. Nhiều câu lạc bộ bắn nỏ được thành lập, thu hút cả nam và nữ tham gia luyện tập. Trong những năm qua, các vận động viên bắn nỏ Hòa Bình luôn đứng top đầu khu vực, giành nhiều giải thưởng tại các giải đấu cấp quốc gia. Đó không chỉ là môn thể thao mà còn là một phần không thể thiếu trong tâm hồn người Mường.

Anh Bùi Văn Khang, vận động viên bắn nỏ xuất sắc ở xã Đông Lai (Tân Lạc) chia sẻ: Năm 2023 tôi đoạt 2 huy chương đồng, 1 huy chương bạc giải bắn nỏ khu vực và toàn quốc. Tôi rất vui vì ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích môn bắn nỏ. Không chỉ có nam giới mà nhiều bạn nữ cũng yêu thích và luyện tập, thi đấu môn thể thao này. Giữa nhịp sống hiện đại, thật may mắn khi chiếc nỏ vẫn giữ được chỗ đứng trong đời sống của người Mường Hòa Bình. Những hội thi bắn nỏ trong các lễ hội đầu năm là dịp để người dân vui chơi, giao lưu, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống dân tộc.

Tôi rời bản Mường khi mặt trời đã đứng bóng, trên vai mang theo chiếc nỏ nhỏ ông Bùi Văn Chương tặng - kỷ vật quý giá từ vùng đất giàu bản sắc. Tiếng dây nỏ bật mạnh trong hội thi đầu xuân vẫn vang vọng trong tâm trí, như lời nhắc nhở về vật quý - chiếc nỏ của người Mường Hòa Bình không chỉ là một vũ khí, mà còn là biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần thượng võ dân tộc.


Hồng Duyên


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn phát động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”

Sáng 5/3, huyện Lạc Sơn tổ chức Lễ phát động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Tháng hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người, Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân, hưởng ứng Tuần lễ Áo dài và đồng diễn dân vũ thể thao năm 2025. Dự lễ phát động có các đồng chí: Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Ra mắt mô hình điểm “1+1” tại phường Kỳ Sơn và xã Mông Hóa

Ngày 4/3, tại nhà văn hóa xã Mông Hóa (TP Hòa Bình), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố Hòa Bình tổ chức chương trình Giao lưu các câu lac bộ dân vũ; chương trình "Áo dài yêu thương” nhân kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; 12 năm Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3; Ra mắt mô hình điểm "1+1” tại xã Mông Hóa và phường Kỳ Sơn.

Mường Bi Tiếp nối truyền thống anh hùng

Mường Bi - Tân Lạc, vùng đất không chỉ được biết đến với bản sắc văn hoá độc đáo mà còn có bề dày lịch sử và truyền thống anh hùng, đã có những đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy truyền thống, Tân Lạc đã và đang không ngừng phát triển trong công cuộc đổi mới.

Hà Nội: Xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đối với 17 di tích

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đối với 17 di tích trên địa bàn.

Chương trình "Áo dài yêu thương" tiếp nhận trên 500 bộ áo dài

Hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài" năm 2025 do Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động từ ngày 1 - 8/3, Hội LHPN thành phố Hoà Bình phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức Chương trình "Áo dài yêu thương" năm 2025.

Cuộc thi trực tuyến "Tự hào Việt Nam"

LTS: Ngày 25/2/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương ban hành Kế hoạch số 09-KH/BTGDVTW về tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tự hào Việt Nam" kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 28/2/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ có Công văn số 12-CV/BTG&DVTU về việc hưởng ứng tham gia Cuộc thi. Báo Hoà Bình đăng tải những nội dung chính của cuộc thi này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục