Một buổi sáng ngày 8/3 thật ấn tượng với nhiều nữ cán bộ chiến sỹ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an Thành phố Hà Nội - khi họ được làm khán giả dõi theo vở kịch tái hiện về cuộc sống chiến đấu của chính họ, những người lính hình sự, những bông "Hoa thép" giữa thời bình.
Như hầu hết những đồng đội của mình, Trung tá Kim Sen (nghệ sỹ Thúy Hiền thể hiện) đã chọn nghề Công an làm cái nghiệp, chọn con đường tranh đấu không khoan nhượng với tội phạm, với cái ác làm lẽ sống trong đời. Vì nhiệm vụ, vì sự bình yên của nhân dân, chị coi nhẹ hiểm nguy, sẵn sàng dấn thân. Nhưng cũng giống tất cả phụ nữ ở đời, chị còn là một người đàn bà trong gia đình. Chị đang làm mẹ của cậu con trai ham chơi vừa bước vào tuổi lớn (nghệ sỹ Chí Công), làm vợ của người chồng tài hoa mà lận đận nên sinh ra nát rượu, bất đắc chí (nghệ sỹ Nguyễn Hải), làm con của người mẹ già yếu đau bệnh tật (nghệ sỹ Ngọc Bích). Gánh nặng trên vai chị, vì thế có sức đè nén gấp đôi, gấp ba những đồng đội khác. Trung tá hình sự Kim Sen, lẩn khuất bên trong vẻ ngoài cứng rắn, lúc nào cũng ngập tràn công việc là một trái tim đàn bà mềm yếu, dễ xúc cảm, dễ mủi lòng. Chị luôn vào trận, luôn phá án bằng chính con người thật của mình, một nữ điều tra viên hình sự kiên định, sáng suốt và nhân ái, vị tha. Nhà viết kịch - Đại tá Phan Gia Liên có lợi thế hơn nhiều tác giả sân khấu khác khi khắc họa hình tượng người chiến sỹ Công an. Đơn giản, đấy là một phần cuộc sống của bà. Bà thấu hiểu đến tận cùng những góc khuất trong mỗi chiến công của đồng đội, thấm thía và tỉ mẩn chạm vào được từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, lắng đọng nhất trong mỗi vụ án vừa được phá. Nhưng nhà viết kịch Phan Gia Liên lại không quá câu nệ vào tư liệu. Chất liệu từ đời thực chỉ là cái cớ để bà hình dung, tưởng tượng, đắp da đắp thịt, thổi hồn cho các nhân vật và qua đó, hướng đến mục đích cao xa hơn: Giúp công chúng, trăm nghìn người dân thường chăm chú theo dõi các vở kịch của bà vẫn được Đoàn kịch Công an nhân dân hay các nhà hát khác trình diễn hơn 10 năm qua, hiểu thêm, cảm thông thêm và yêu tin thêm những người lính Công an. Cảnh trong vở diễn "Hoa thép". Ảnh: Thanh Huyền. Trung tá Kim Sen, nhân vật xuyên suốt trong vở kịch "Hoa thép" vừa công diễn vào sáng qua, ngày 8/3 cho những khán giả đặc biệt, các nữ điều tra viên và trinh sát hình sự, các cán bộ nữ của cơ quan Bộ Công an, cũng là một con người độc đáo, đầy thân phận. Ở một góc khuất nào đó, Kim Sen thiếu may mắn vì không nhận được sự hỗ trợ từ chồng, từ con, những người thân yêu nhất. Dẫu rằng, chồng con chị cũng chỉ khao khát những điều thật bình dị, nhỏ bé và lẽ ra là đương nhiên: Một bữa cơm ấm cúng góp mặt đông đủ cả nhà, một bữa cơm mà người vợ, người mẹ không bị bứt ra và giằng đi bởi những cuộc điện thoại bất tận vì công việc. Nhưng cái ác vẫn rình rập, nhiều kẻ tội phạm nguy hiểm vẫn nhởn nhơ hưởng lạc và gieo giắc tai họa ngay giữa đời thường. Thành phố cần những người như Kim Sen cùng đồng đội. Mỗi giờ khắc thanh bình mà người dân đang được tận hưởng cần sự chịu đựng thầm lặng của chị và đồng đội. Chị nén lòng, cầu mong chồng con thể tất. Và rồi khi cần cứu lấy người chồng bạc nhược và đứa con trai bồng bột, nhẹ dạ khỏi bàn tay tàn độc của tên trùm ma túy đang giữ làm con tin, chị tự nguyện nhận lấy sự hy sinh. Chị giành cho mình cái chết, để cái ác phải đền tội, và hơn hết, giúp cậu con trai có thể ngẩng cao đầu kiêu hãnh bước tiếp trong đời. Tình yêu của người mẹ - một người mẹ làm Công an - đã buộc phải thể hiện ở khúc quanh nghiệt ngã nhất của số phận. Là sỹ quan Công an, nhưng mang trái tim phụ nữ và sự mẫn cảm, tinh tế của một người viết kịch, Đại tá Phan Gia Liên đã thành công khi xây dựng hình tượng nữ Trung tá Cảnh sát hình sự rất đời, rất người. Công việc của Kim Sen, cuộc sống và những nỗi đau không thể sẻ chia của chị khiến công chúng tin vào một con người như thế đang hiện hữu ở bên đời. Rất nhiều người đã rưng rưng, thấy mình cay cay sống mũi. Và do vậy, vở diễn dài, nhưng vẫn níu giữ được người xem ngồi lại bên ghế đến phút cuối cùng. Ê kíp dựng vở đã tung tẩy, khéo léo sắp đặt cao trào tạo nên sự hấp dẫn và hưng phấn cho công chúng. Đứng ở vị trí cố vấn nghệ thuật - nhưng dấu ấn của NSND Lê Hùng vẫn đậm nét. NSND Lê Hùng cùng đạo diễn Khương Đức Thuận đã biết cách đùa đúng lúc, tếu táo đúng lúc và sắc lẻm trong nhiều tình tiết kịch. Ngoài các nghệ sỹ Đoàn kịch CAND, vở diễn còn có sự tham gia của các học viên Học viện An ninh trong các màn võ thuật, làm tăng thêm sự chân thực và hiệu ứng thẩm mỹ. Tất cả, đã tạo nên một "Hoa thép" giàu hành động kịch nhưng đầy nội tâm và chứa chan cảm xúc Theo CAND
Bộ phim thực hiện theo công nghệ 3D thứ hai, Alice lạc vào xứ sở thần tiên của đạo diễn Tim Burton trở thành một trong những bộ phim trình làng ấn tượng nhất trong năm với doanh thu phòng vé khổng lồ: 116,3 triệu USD tại khu vực Bắc Mỹ ngay trong tuần đầu tiên công chiếu
Chiều 9-3, tại Ma Cao (Trung Quốc), trong phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, Hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 - 1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
3 trong số hơn 90 nhân vật kém may mắn trong bộ ảnh của Nguyễn Á đã được "Mạnh thường quân" giúp đỡ, tạm như mong muốn của người chụp ảnh rằng "tôi muốn dùng nghề ảnh của mình để làm điều gì đó cho xã hội, cho những mảnh đời kém may mắn hơn mình".
Mỗi nhà nghiên cứu có một thế mạnh riêng của ngòi bút. Có người giỏi về khái quát lý luận. Có người chuyên sưu tầm và tổng quan tài liệu. Lại có người thiên về năng lực cảm thụ nghệ thuật, phân tích bút pháp của người sáng tác.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 26 đến 28-3 diễn ra Liên hoan hát Chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất.
Chương trình Người phụ nữ thời đại (phát sóng lúc 21g30 tối thứ tư hàng tuần trên HTV7) đang được khán giả truyền hình chú ý. Điều đặc biệt, người dẫn chương trình là một nữ biên kịch điện ảnh. Chúng tôi đã trò chuyện với nữ biên kịch Châu Thổ về vai trò MC của chị và chương trình này.