Ở nhiều nước trên thế giới, nếu muốn đánh giá trình độ văn minh, người ta thường nhìn vào dàn nhạc giao hưởng của nước ấy, vì nhạc giao hưởng thực sự là tinh hoa của nhân loại.
Nhạc trưởng Charles Ansbacher |
Theo kế hoạch, hôm nay (20/4) nhạc trưởng Charles Ansbacher đến từ dàn nhạc Boston Landmarks mới tới Việt Nam để chuẩn bị cho buổi hòa nhạc “Hòa giải và yêu thương” diễn ra trong 2 đêm 22-23/4 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội.
Nhưng vì những sự cố mây bụi do núi lửa ở Iceland hoạt động làm các hãng hàng không châu Âu tê liệt trong nhiều ngày qua, nhạc trưởng Ansbancher đã thu xếp chuyến bay đến Hà Nội sớm hơn một ngày (19/4) để đảm bảo cho buổi hòa nhạc không có bất cứ trục trặc nào.
Đặt chân đến Hà Nội buổi sáng, thì ngay lập tức, buổi chiều ông đã đến tập với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNGHVN). Khi chúng tôi muốn ông dành cho một buổi trò chuyện, ông đã hẹn sang ngày hôm sau vì tất cả phải ưu tiên trong công việc trước đã.
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với NSƯT Diệu Hồng của DNGHVN, một trong những cây flute hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
NSƯT Diệu Hồng. Ảnh: Ryusei Kojima |
Nghệ sĩ Diệu Hồng cho biết: “Buổi làm việc đầu tiên với một nhạc trưởng mới bao giờ cũng quan trọng. Diễn viên cần phải làm quen với phong cách, cá tính của từng nhạc trưởng, và nắm bắt được sự chỉ dẫn càng nhanh càng tốt. Ông Ansbacher đã gây ấn tượng với chúng tôi bởi phong cách rất Mỹ bằng sự chuyên nghiệp của mình.”
- Là một nghệ sĩ biểu diễn có thâm niên biểu diễn, chị có thể cho biết vai trò của nhạc trưởng trong việc dẫn dắt cả dàn nhạc giao hưởng?
- Chỉ có thể gói gọn bằng 3 từ “rất quan trọng”. Trong dàn nhạc, mỗi diễn viên thường có một cách chơi và cách thể hiện khác nhau. Nhạc trưởng giống như người cầm cương ngựa, phải điều khiển được “cỗ xe” ấy. Cũng có thế ví các diễn viên DNGH giống như các cầu thủ đá bóng. Từng người đá tốt rồi, nhưng phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau thì mới thành một đội bóng giỏi.
Người nhạc trưởng là linh hồn của dàn nhạc nên phải hơn diễn viên một cái đầu và thuyết phục được diễn viên bằng tài năng và uy tín của mình. Chúng tôi được biết ông Ansbacher là một nhạc trưởng có uy tín, nên tin chắc rằng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều điều từ ông.
- Cụ thể, người nhạc trưởng mới sẽ mang lại điều gì cho dàn nhạc?
NSƯT Diệu Hồng và một diễn viên trẻ của DNGHVN. Ảnh: Ryusei Kojima |
- Với diễn viên trẻ, có thể họ sẽ lo lắng, nhưng những người đã có bề dày thời gian biểu diễn, thì được làm việc với càng nhiều nhạc trưởng mới càng tốt, vì mình sẽ “nhặt nhạnh”, học hỏi được nhiều hay. Họ dạy cho mình những âm chuẩn, vì tai của những nhạc trưởng giỏi thường “siêu” lắm. Dàn nhạc của chúng ta ở khu vực Đông Nam Á tuy thuộc tốp đầu, nhưng so với những nền âm nhạc đỉnh cao thì hãy còn xa lắm. Được tiếp cận với những người đến từ các nền âm nhạc hàng đầu thế giới là cơ may cho các diễn viên nhạc giao hưởng Việt Nam.
- DNGHVN đã từng có nhiều buổi biểu diễn mang mục đích từ thiện, nhưng năm nay là năm đầu tiên thể hiện chủ đề Hòa giải và Yêu thương. Chị cảm nhận về điều này ra sao và nó tác động đến các nghệ sĩ như thế nào?
- Dân tộc ta có những câu tục ngữ như một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, hay lá lành đùm lá rách… đều nói về tình thương yêu, đùm bọc giữa con người.
Các nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng về mặt thu nhập còn rất khiêm tốn, nhưng mình tuy khổ thì vẫn còn lành hơn nhiều người khổ khác. Bất kể một chương trình nào chúng tôi đều cố gắng làm làm tròn trách nhiệm với chất lượng cao nhất. Đặc biệt lần này, chủ đề Hòa giải và Yêu thương là một chương trình hoàn toàn mới, nên trách nhiệm đó sẽ càng phải được nâng lên cao hơn nữa.
- Lần này khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức 3 tác phẩm giao hưởng đỉnh cao: La gazza ladra, Pelleas and Melisande Suite và From the New World. Chị có thể chia sẻ với thính giả cách tiếp cận những tác phẩm này dưới góc độ một nghệ sĩ biểu diễn?
- Như anh đã biết, đây là những tác phẩm cực kỳ nổi tiếng. Cá nhân tôi thấy mỗi một lần được chơi tác phẩm này, lại khám phá ra nhiều cái hay, cái hấp dẫn, giống như khám phá một thế giới mới. Có những đoạn cao trào, khi thể hiện tự thấy trong lòng rung động, sung sướng, sởn hết cả gai ốc.
Nhưng cũng phải thừa nhận đó là những tác phẩm rất khó. Pelleas and Melisande Suite của Faure đẹp và buồn, mờ ảo, khó nắm bắt giữa cổ điển và hiện đại. Kỹ thuật đã khó rồi, nhưng việc thể hiện được hết tinh thần của nhạc sĩ còn khó hơn nhiều.
Trong From the New World, Dvorak khám phá những hòa âm mới mẻ, thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau trong những giai điệu rất đẹp, có khả năng thức tỉnh tâm hồn người nghe..
La gazza ladra của Rossini thì dễ hơn một chút, vui vẻ, trong sáng.
- Giả dụ như tôi là người chỉ thích nhạc hiphop, thích ăn KFC và xem phim hành động Mỹ… tóm lại là rất “teen”. Nếu đột nhiên tôi muốn đến nghe nhạc giao hưởng, chị sẽ khuyên tôi thế nào?
- (Cười) Ở nhiều nước trên thế giới, nếu muốn đánh giá trình độ văn minh, người ta thường nhìn vào dàn nhạc giao hưởng của nước ấy, vì nhạc giao hưởng thực sự là tinh hoa của nhân loại. Ở Việt Nam nhạc giao hưởng còn bị coi là hàn lâm, bác học, xa lạ với số đông, nên có người đến với mình là quý lắm rồi! Vì vậy tôi sẽ khuyên thế này nhé: Giống như một món ăn mới ấy, bạn phải thử thì mới biết nó thế nào, biết đâu bạn sẽ thích? Nhỡ lại thích quá thì sao? (Cười)
- Việc nhạc giao hưởng còn khá xa lạ với khán giả đại chúng có làm các nghệ sĩ cảm thấy buồn không?
Một khi kinh tế đất nước mà mạnh thì nhạc giao hưởng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các loại hình nghệ thuật. Ở nước ta thì còn nhiều người chưa hiểu đây là một giá trị tinh thần tuyệt vời, một tinh hoa của nhân loại.
Là người diễn viên trên sân khấu mà không có khán giả, dĩ nhiên buồn lắm. Nhưng cũng có tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây khán giả đã ngày một đông dần. Ở trên sân khấu, chúng tôi cảm nhận được sự thích thú của khán giả khi nghe, chứng tỏ trình độ thưởng thức đã được nâng cao. Hiện tượng này khác xa với nhiều năm trước và chính họ đã tạo cảm hứng những người cho nghệ sĩ.
- Cảm ơn chị và xin chúc các nghệ sĩ thành công.
Theo VietNamnet
Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch vừa có quyết định cho phép UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 tại thành phố Hạ Long.
Vì "bỏ Hà Nội" nên gia đình ông bà ngoại tôi cũng "bỏ" luôn cả sổ gạo và tem phiếu. Bà tôi và các bác tôi, mẹ tôi đều phải tham gia vào HTX nông nghiệp: chăn trâu, cắt cỏ cho HTX để lấy công điểm, mà nào có được là bao?
Đã hơn một lần tôi cố gắng lý giải điều gì đã khiến âm nhạc của Trịnh Công Sơn có sức lay động lòng người nghe ở đủ mọi lứa tuổi, giới tính và thành phần xã hội…một cách mạnh mẽ, sâu sắc và bền bỉ đến vậy.
Nhân Giỗ Quốc tổ Hùng Vương, Đầm Sen tổ chức nhiều hoạt động dành cho khách thập phương đến dâng hương bàn thờ Quốc tổ và tham gia các chương trình của công viên liên tục diễn ra trong ngày 23-4, nhằm mùng 10-3 Canh Dần
Đầu tháng tư, Hoa hậu ríu rít khoe mỗi sáng bỏ ba tiếng rưỡi luyện tiếng Anh, đã lại đăng ký học khoá đào tạo giám đốc kinh doanh ở trường PACE, học xong, sẽ học thêm lớp giám đốc điều hành chuyên nghiệp.
Trước năm 2011, trình UNESCO hồ sơ để công nhận đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban UNESCO của VN, UBND tỉnh Phú Thọ, UBND TPHCM và các bộ, ngành địa phương liên quan xây dựng để trình UNESCO các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể: Tín ngưỡng thờ Vua Hùng và nghệ thuật đờn ca tài tử.