Rất nhiều du khách nước ngoài thích thú với thư pháp Việt
Gần đây phong trào viết thư pháp chữ Việt rộ lên ở khắp ba miền, từ những hội chợ, triển lãm văn hóa, đến hè phố, lề đường. Trước thực tế ấy, có 2 xu hướng: hoặc ủng hộ, hoặc phê phán mạnh mẽ.
Thư pháp chữ Việt hay nghệ thuật viết chữ đẹp?
Thực tế, người ta phê phán thư pháp chữ Việt vì họ vướng vào cái vòng "duy danh định nghĩa" của khái niệm "thư pháp" và truyền thống "danh bất hư truyền" của nền thư pháp Trung Hoa. Bởi lẽ, thư pháp của các dân tộc Trung Hoa, Nhật Bản, Ả Rập đã đạt đến tầm vóc "thư đạo". Vương Hy Chi, một thư pháp gia của Trung Hoa mô tả về thư pháp Hán như sau: "Mỗi nét ngang như mây bay, như bày trận, mỗi nét móc như một cây cung cứng giương lên, mỗi nét chấm như một tảng đá từ cao rơi xuống, mỗi nét lượn như một cái móc đồng, mỗi nét sổ như một sợi khô đằng vạn tuổi, mỗi nét phẩy như một đôi chân phóng chạy". Khi viết chữ, nhà thư pháp phải vận công lực để tâm – ý – pháp nhất quán phóng chiêu một cách vô thức thành một tác phẩm nghệ thuật mà ở đó tư tưởng, phong cách, hành trạng người viết đều có thể hiện ra trên bức thư pháp ấy. Cách nói dân gian Việt Nam là "văn hay chữ tốt" cũng hàm nghĩa chữ và nghĩa, nội dung và hình thức, văn và người nhất quán trong một thể tính như vậy.
Người Nhật thì gọi thư pháp là "shodo" (thư đạo). Đó là một pháp môn dẫn dắt họ vào thế giới tâm linh, chuyển tải tâm pháp. Còn nhìn những bức thư pháp Ả Rập thì có cảm giác đó là những điệu luân vũ của lửa, của màu sắc, của kiến trúc, vì người Hồi giáo xem thư pháp là nghệ thuật cao quý bậc nhất, nghệ thuật thị giác hàng đầu…
|
Sở dĩ nền thư pháp các dân tộc ấy đạt đến tầm vóc như vậy là vì loại chữ viết của họ là văn tự tượng hình, và thư pháp được xem là một nghệ thuật cung đình dành cho giới tao nhân mặc khách, quý tộc, trí thức. Mặt khác phương thức tư duy truyền thống của một nền văn hóa có tư tưởng, có tính triết học đã tạo ra một cốt cách linh diệu, siêu phàm cho thư pháp dân tộc họ.
Trong khi ấy, chữ quốc ngữ là một thứ văn tự ghi âm được vay mượn từ hệ thống chữ viết la-tinh. Trong khoảng trên dưới mười năm lại đây, thư pháp chữ Việt hình thành và dường như đang ở chặng định hình đầu tiên. Trong khi ở Trung Hoa, người chơi thư pháp là những danh gia, quý tộc thì các thư pháp gia của ta phần lớn là những người "tài tử", có hoa tay. Nền thư pháp mới mẻ này lại nằm trong một nền văn hóa coi trọng tính phác thực, duy cảm, ít chất tư tưởng, triết học… nên vì thế vẫn còn la đà trên những nẻo đường chinh phục.
Nói vậy để hiểu ngọn nguồn sự tình và ủng hộ nó!
Nếu như giờ đây, chúng ta gọi "thư pháp chữ Việt" là "nghệ thuật viết chữ quốc ngữ đẹp" thì chắc hẳn không ai "cãi vã" làm gì. Cách gọi như vậy sẽ rất giản dị, "thuần Nôm", nhưng dài dòng quá. Theo tôi, chúng ta nên sử dụng thuật ngữ "thư pháp chữ Việt" để chỉ một chi ngành nghệ thuật đang phôi thai và trên đường chinh phục công chúng. Và xem thử vài mươi năm nữa, nó có đạt đến tầm vóc nào không ?
Thư pháp chữ Việt trên đường chinh phục
Khởi thủy, chữ viết ra đời là để làm công cụ ghi chép lại lời nói. Trong lịch sử dài dằng dặc của mình, chữ viết các dân tộc phần lớn vươn tới tính chuẩn mực và quy phạm. Song tiếng nói – chữ viết là quốc hồn của một dân tộc nên con người luôn trân quý nó, bởi thế một số người đã cách điệu hóa, nghệ thuật hóa để thêm vào cho nó một chức năng mới: chức năng giải trí, chức năng thẩm mỹ…
Quả thực, nếu cùng một nội dung mà được thể hiện dưới hình thức đẹp thì cũng là đáng để nhìn ngắm, suy tư, cảm xúc. Truyền thống yêu trọng tiếng nói – chữ viết tiếng Việt của mọi người đáng để chúng ta kính nể, tự hào. Việc làm đẹp chữ viết là rất cần thiết sau bao nhiêu năm cải cách giáo dục tiểu học, cùng với sự tiện dụng của bàn phím máy tính đã khiến sự nghiệp "viết chữ đẹp" của lớp trẻ ngày nay dường như thoái hóa. Bây giờ một số cơ quan, trường học cho HS-SV làm báo tường bằng công nghệ in hi-flex, nhìn thấy thật chán. Còn nhớ những cuộc thi báo tường thời trung học những mươi năm về trước, nhìn những tiêu đề, những hình minh họa là thấy mê ngay. Lật những cuốn sổ ghi chép, ghi lời bài hát của các thế hệ trước mới thấy hết ý nghĩa của thư pháp chữ Việt.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có những chữ viết tài hoa, bay bổng, rất riêng biệt của ông trên các khuông nhạc đã đem lại cho chúng ta một cảm xúc đầy đủ hơn, ý vị hơn về nhạc của ông. Xa hơn là bức thư họa một người thổi kèn hiệu triệu được Bác Hồ ghép từ 4 chữ quốc ngữ "Việt Nam độc lập" để minh họa bài thơ: "Việt Nam độc lập thổi kèn loa/Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta". Bức thư họa này được đăng trên tờ báo Độc Lập, số 103, xuất bản tại Cao Bằng vào ngày 21.9.1941. Hình thức tuyên truyền sử dụng thư pháp của Bác bấy giờ thật là sáng tạo và đầy cảm xúc.
Khoảng trên dưới 10 năm lại đây, thư pháp chữ Việt đã hình thành, bắt đầu phát triển và dường như không gian văn hóa của nó trải rộng ra khắp ba miền, từ những lề đường đến các triển lãm hội chợ. Công chúng đã có. Hiện gần như tất cả các cửa hiệu văn hóa phẩm, mỹ thuật trang trí đều có bán các sản phẩm liên quan thư pháp chữ Việt. Trong các căn phòng gia đình, các hội sở cơ quan… người ta đã sử dụng các thư họa, đại tự… các kiểu liên quan đến thư pháp chữ Việt. Giới “thư pháp gia” dường như cũng đã hình thành với những tên tuổi như: Trụ Vũ, Vũ Hối, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Chính Văn, Song Nguyên, Nguyệt Đình, Lê Vũ, Bùi Hiến, Nguyễn Thiên Chương… Các hình thái thư pháp chữ Việt dù chưa định hình, nhưng đã có những tác phẩm mang phong cách thư họa, đại tự, họa tự đã ra đời.
Từ sự yêu chữ, làm mới chữ, từ các kiểu chữ fantasie đến các trang trí, hình vẽ bằng con chữ quốc ngữ, thư pháp chữ Việt đang hình thành và phát triển. Con đường đi tới đã trở thành một loại hình nghệ thuật chưa thì chúng ta còn phải chờ đợi. Thế nhưng, như bất cứ loại hình thẩm mỹ mới nào khi vừa ra đời cũng bị những barie “chuẩn mực” phản ứng. Mặt khác khi một lớp người trẻ tuổi tham gia vào trò chơi chữ, yêu chữ, vẽ chữ trong một hiện trạng văn hóa còn quá nhiều trò chơi tạp nham, nguy hại thì chúng ta nên ủng hộ, dành một sự quan tâm cần thiết cho nó hơn là phản ứng cực đoan lại nó.
Thư pháp chữ Việt cần có thời gian để định hình, phát triển và được xã hội công nhận.
Theo Báo Thanh nien
Vào đêm 7/3, bọn trộm đột nhập vào ngôi chùa cổ Khánh Linh khuân đi một lúc 6 pho tượng , nâng tổng số tượng cổ bị mất tại đây là 10 pho. Tất cả các tượng trên đều được tạc bằng gỗ mít vào triều Lê, thế kỷ 18 có giá trị rất lớn về văn hóa…
(HBĐT) - Những năm qua, huyện Yên Thuỷ luôn quan tâm, đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hoá, từng bước đạt hiệu quả cao, góp phần tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của toàn dân.
Bộ phim "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives" của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul giành Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2010 trong khi giải Nam và Nữ diễn viên xuất sắc nhất rơi vào tay các diễn viên từng giành tượng vàng Oscar.
Thời gian gần đây, ngành nhập khẩu và phát hành phim trong nước xôn xao với vụ kiện tập thể lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh của Việt Nam (VN). 6 doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim trong nước đã đưa đơn kiện Công ty TNHH Truyền thông Megastar vì lạm dụng vị thế để chèn ép, thâu tóm thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của các đơn vị khác. Cục Quản lý cạnh tranh sau khi nhận đơn khiếu kiện đã chính thức ra quyết định điều tra sơ bộ vào ngày 12-5…
Bộ phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã được chọn để trình chiếu trong lễ khai mạc Tuần Phim Việt Nam tại Cuba, diễn ra từ ngày 1-5/6 tới tại La Havana
“Vóc người nhỏ nhắn nhưng giọng hát của cô ấy thì cao vút, tỉ lệ nghịch với thân hình. Khi cất tiếng hát những ca khúc từng mang lại thành công cho danh ca Whitney Houston trên thị trường âm nhạc, cô ấy đã khiến khán thính giả kinh ngạc. Giọng hát của cô ấy với cách ngân nga không thể tuyệt vời hơn, xứng đáng với vị trí đỉnh cao”.