(HBĐT) - Ở thời buổi mà mỗi gia đình không còn phải lo lắng nhiều tới cái ăn, cái mặc, mỗi cặp vợ chồng lại chỉ sinh từ 1 đến 2 con thì xã hội càng ngày xuất hiện nhiều hơn những cậu "ấm", cô "chiêu" mà người làm nô lệ cho các cô, cậu ấy lại chính là những bậc làm cha, làm mẹ.
Vẫn biết điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến thuần phong, mỹ, tục hay nếp sống văn hóa ở mỗi khu dân cư... nhưng việc chiều con thái quá theo kiểu " hy sinh đời bố để củng cố đời con" thì ắt sẽ sản sinh ra một thế hệ trẻ với đức tính lười biếng và hay ỷ lại.
Ở khu phố tôi ai cũng cám cảnh chị Lan người đã gầy còm ốm yếu lại còn suốt ngày vất vả vì con. Chồng đi làm xa, một tay chị lo lắng từ bữa ăn giấc ngủ đến chuyện học hành cho 2 quý tử làm cho mẹ đẻ chị cứ mãi xót xa than phiền. Thế nhưng, theo cách nhìn nhận, đánh giá của những người xung quanh thì chính chị đã tự làm khổ mình bởi cách phục dịch con cái có phần thái quá. Hàng ngày, hết giờ làm việc ở cơ quan, chị bắt tay vào việc chợ búa, bếp núc, tối nhá nhem mới gọi 2 quý tử, một cậu 17 và một cậu đã lên 10 tắm rửa rồi ăn cơm. Ngồi vào mâm cơm, cậu cả đầu gối quá mang tai tay cầm bát đũa và cơm (thức ăn do mẹ gắp) còn mắt thì dán vào chiếc ti vi, nghiêng ngả người theo những âm thanh "uỵch","hự", "hê", "ha" trong những bộ phim hành động hoặc phim siêu nhân dành cho giới trẻ. Còn cậu út thì bày những ô tô, máy xúc, cần cẩu, đao, kiếm, rồi siêu nhân để trưng bày cho vui bữa. Chị Lan nuốt trệu chạo cho xong bữa rồi mới cầm bát chạy quanh mâm xúc từng thìa dỗ dành cậu út: Cưng của mẹ ngoan nào, cái mồm xinh quá, giỏi quá, yêu quá..! Xong bữa cơm, vứt vội đống bát vào chậu, chị lại tất tả đèo 2 quý tử đến nhà cô giáo học thêm rồi mới trở về dọn dẹp, tắm rửa cho mình và chờ đến giờ đón con.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như 2 quý tử nhà chị chăm ngoan, học giỏi như những đứa trẻ khác. Đằng này, thúc ép lắm thì lực học của con chị vẫn chỉ lưng lửng ở mức trung bình khá. Còn những công việc nhà theo đúng nghĩa "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" thì chúng chẳng hề đoái hoài. Cứ vậy, nên mỗi dịp đến chơi nhà ông bà nội, ngoại mà bị sai khiến việc gì đó, dù là nhỏ nhất cậu vẫn ngồi im giả điếc hoặc uể oải đứng dậy đi làm cho xong chuyện khiến người khác nhìn vào phải cảm thấy khó chịu. Ông bà chỉ biết lắc đầu chép miệng: Hỏng, hỏng cả rồi...!
Bấy lâu nay, thực trạng cha mẹ làm "nô lệ" cho con không chỉ bó gọn ở chốn thành thị mà đã lan tới cả những vùng nông thôn hẻo lánh nhất. Từ cái mong muốn nhỏ nhoi là con mình được chăm bẵm chu đáo để có sức khỏe, thông minh vượt trội, rồi lớn lên lại học hành giỏi giang đến giấc mơ để con không thua kém bạn bè ở bất cứ một lĩnh vực nào đã thêu dệt nên không ít chuyện bi hài.
Đã nhiều tháng tôi vẫn chưa quên gương mặt của người phụ nữ Mường khắc khổ, già nua khoe khoang thành tích của cậu quý tử hiện đang là sinh viên năm thứ nhất ở Học viện Báo chí - Tuyên truyền: Cháu nó học hành vất vả lắm, lại còn hay say xe nữa nên hàng tháng vợ chồng tôi cứ phải thay phiên nhau bắt xe từ Kim Bôi ra Hà Nội thăm con. Mỗi lần đi như vậy, hôm thì mang cho cháu con gà, hôm thì làm lọ ruốc cho cháu ăn thêm thế mà mỗi tháng cũng phải dành 2 triệu đồng để cháu ăn ở, sinh hoạt nữa. Tháng trước cháu gọi điện về bảo bố mẹ chuẩn bị cho 14 triệu để mua máy ảnh kỹ thuật số tôi đã phải bán cả cặp trâu để gửi cho cháu. Lần này lại thấy bảo con cần mua máy vi tính xách tay cỡ khoảng chục triệu vẫn chưa biết tìm vào đâu, nhưng chắc vẫn phải lo thôi để cháu còn có phương tiện mà học cho tốt. Nghe chuyện, có đôi ba người tỏ vẻ trầm trồ thán phục, nhưng cũng không ít người tỏ vẻ không lọt lỗ tai, còn cô bạn đồng nghiệp của tôi thì đã nhanh nhảu phân trần: Cô ơi! Con cô sống kiểu công tử bột quá đấy! Cháu cũng học cùng trường cậu ấy đã tốt nghiệp đi làm được 3 năm, thế mà giờ cháu chỉ dùng máy ảnh có 5 triệu, máy tính xách tay còn chưa có, cháu vẫn làm tốt việc đấy. Thế cô nghĩ cứ đầu tư oách vậy là con cô học giỏi, sau này ra trường sẽ kiếm được bộn tiền để nuôi bố mẹ?
Câu nói đó của cô bạn đồng nghiệp vô tình làm cho gương mặt của người phụ nữ chất phác, đặc chất nông dân ấy xịu xuống, bối rối ngượng ngùng. Riêng tôi chợt cảm thấy xót xa khi thấy những bậc làm cha làm mẹ cứ nai lưng quần quật phục dịch cho con mà không biết sẽ nhận được những gì cho ngày mai. Liệu con mình có trở thành một người con hiếu thảo, một công dân tốt, hay lại ứng với những điều ngược lại trở thành gánh nặng cho gia đình và cho xã hội?
Thúy Hằng
Ngoài việc lần đầu tiên có mặt các đoàn nghệ thuật của Cuba, Haiti, Senegal, Đan Mạch, Na Uy, Ba Lan, Mexico, Festival Huế 2010 còn đánh dấu sự trở lại của các nghệ sĩ quốc tế tên tuổi.
“Có điều kiện, có tiền, nên trang phục của các diễn viên đã được đầu tư bắt mắt, nhưng rất tiếc không phải của dân tộc Mông. Trang phục của người Mông mà lấp lánh kim tuyến, giống trang phục của người Trung Quốc. Múa Tây Nguyên thì cứ lắc đầu lắc tóc như thổ dân Úc…” - Nhà lý luận phê bình múa Thái Phiên - Thành viên ban tổ chức Cuộc thi Tác phẩm múa dân tộc Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, chia sẻ với chúng tôi khi cuộc thi vừa khép lại.
Có thể xem Nghị định 54/CP là bệ đỡ cho ngành sản xuất phim Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển, tuy nhiên một số quy định vẫn chưa khả thi
Không nhạc nền, không nhạc cụ thì… hát chay. Không đứng hát được thì ngồi hát. Nào chèo, nào quan họ, cải lương, nhạc trẻ, nhạc đỏ…Những giọng ca khỏe khoắn cứ vang vọng cả mặt biển mênh mang, át tất cả những tiếng sóng ì oạp quen thuộc hàng ngày.
(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc được tổ chức thường xuyên và phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay, thị trấn đã thành lập được 6 đội bóng chuyền, 11 đội văn nghệ quần chúng và 4 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ được duy trì hoạt động thường xuyên.
Nghị định của Chính phủ vừa ban hành quy định phim Việt Nam phải chiếm ít nhất 30% thời lượng phát sóng của nhà đài.