Chiều qua, đoàn nhà văn cựu chiến binh Mỹ sang tham dự Hội thảo “Văn học Việt Nam – Hoa Kỳ sau chiến tranh” (do trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trung tâm William joiner phối hợp tổ chức) đã được tiếp kiến Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết tại Hà Nội.
Nhà thơ Mỹ Kevin Bowen nói lên sự vinh hạnh được tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết |
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết hoan nghênh và cảm ơn các nhà văn mà Chủ tịch được biết đây là những người bạn đã hết lòng quảng bá cho văn học Việt Nam và cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.
Ngày nay lịch sử đã sang trang, Chủ tịch mong muốn văn hóa giữa hai dân tộc càng đến gần với nhau hơn, chia sẻ và học tập lẫn nhau thông qua những sứ giả văn hóa. “Chúng tôi mong muốn thực sự khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Trong một lần sang thăm Việt Nam, cựu tổng thống Bush đã nói, Việt Nam làm việc này tốt hơn Mỹ, và ông hứa sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào VN.”
Nhà thơ Kevin Bowen, giám đốc Trung tâm William joiner (W.J) thuộc đại học Massachusetts bày tỏ đây là một hân hạnh rất lớn đối với các nhà văn cựu chiến binh khi được có mặt trong Phủ chủ tịch. Ông khiêm tốn cho rằng, những gì mà WJ đạt được, công chính thuộc về các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. “Nhiều người trong chúng tôi 40 năm trước đến Việt Nam với tư cách người lính cầm súng, còn hôm nay được ngồi ở đây trò chuyện với người đứng đầu Nhà nước Việt Nam là một điều hết sức đặc biệt. Đó cũng là nhờ sự rộng lượng và lòng nhân ái của người VN, và tôi hy vọng sự giao lưu này còn kéo dài đến thế hệ con cháu của chúng ta nữa.”
Chủ tịch Nước Nguyễn Triết thân mật trò chuyện với các nhà văn Mỹ |
Các nhà văn trong đoàn cũng bày tỏ tình cảm hết sức tốt đẹp của mình với văn hóa, con người và văn học Việt. Họ là những nhà văn đã chủ động có những bước đi tích cực để nối lại tình hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ, thậm chí sớm hơn cả chính phủ Mỹ tới 5 năm. Trước kia, nhiều người trong số họ đến VN với tư cách những người lính xâm lược, nên họ hơn ai hết hiểu cái giá của hòa bình và sự chuộc lại lỗi lầm quá khứ.
Nữ thi sĩ Martha Collins chia sẻ: “Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, tôi tham gia phong trào phản chiến, nhưng mới chỉ bằng cảm nhận đó là cuộc chiến phi nghĩa. Nhưng sau này được đọc các bài thơ chiến tranh của các nhà thơ VN, tôi mới thực sự nhận thức được việc mình làm. Việt Nam đã làm thay đổi cuộc đời tôi.”
Nhà thơ Nguyễn Bá Chung thẳng thắn: 20 năm trước, nếu chúng ta xem những bộ phim, đọc những cuốn sách xuất bản ở Mỹ thì thấy hình ảnh VN bị xuyên tạc ghê gớm. Các nhà văn ở W.J đã có công đưa văn học VN tới công chúng Mỹ, đặc biệt những bài thơ làm trong chiến tranh, khiến không người Mỹ nào là không cảm động. Không chỉ những nhà văn Mỹ đã giúp người Mỹ hiểu và yêu mến văn hóa, con người VN mà các nhà văn VN cũng đã đóng góp cho sự hiểu biết, tiến bộ của người Mỹ.
Còn nhà thơ Fred Marchants đưa ra nhận xét từ kinh nghiệm giảng dạy văn học của ông trong trường đại học: Ngày càng thấy có một xu hướng rất lớn trong giới trẻ Mỹ muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước Việt Nam qua văn học. Và văn học là cách tốt nhất để hiểu một dân tộc.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng thẳng thắn chia sẻ với các nhà văn những vấn đề liên quan đến quan niệm về dân chủ, dân quyền, tôn giáo. Chủ tịch nói, nhân dân VN tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chính là đề giành lại quyền con người đã bị ngoại bang tước đoạt. Vì vậy nếu có ai vi phạm an ninh quốc gia của VN, bị xử lý theo pháp luật thì không có nghĩa là vi phạm nhân quyền.
Về vấn đề tôn giáo và dân tộc. VN có 54 dân tộc và rất nhiều tôn giáo khác nhau. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. VN luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động và nếu có những cá nhân vi phạm luật pháp thì sẽ xử lý như với một công dân, chứ không phải đàn áp tôn giáo. “Tôi mong quý vị hãy đi thăm các nhà thờ, chùa chiền trên đất nước chúng tôi, để tìm hiểu, và để nói với dân Mỹ sự thực về VN, nơi nhân quyền và tôn giáo luôn được tôn trọng.”
Nhà thơ Kevin Bowen nói: “Với tư cách cá nhân, tôi nghĩ rằng những người như chúng tôi và cả các nhà lãnh đạo Mỹ không bao giờ nên sang VN để rao giảng về nhân quyền.”
Chủ tịch nước nói nhanh: “Ông hãy nói điều đó với nhân dân Mỹ.” Chủ tịch một lần nữa bày tỏ sự hoan nghênh những cuộc gặp gỡ thế này và mong tình bạn dựa trên sự giao lưu văn hóa sẽ tiếp tục kéo dài và ngày càng tốt đẹp. “Ở Mỹ hiện có hơn 1 vạn học sinh VN du học. Các em sẽ là những người kế tục mối quan hệ tốt đẹp đã có giữa hai nước chúng ta.”
Ngay sau khi buổi tiếp kiến kết thúc, các nhà văn Mỹ lại vội lên đường đi Hòa Bình để tham dự đêm thơ quốc tế tại V - resort. Nhiều nhà văn, nhà thơ và các học giả Việt Nam đã có mặt ở đó từ trước, chưa kể một lực lượng khá hùng hậu 50 sinh viên ưu tú của Khoa sáng tác, lý luận, phê bình của Đại học Văn hóa Hà Nội. Có thể gọi đây là một đêm thơ phản chiến và cũng có thể gọi là một đêm tôn vinh cái đẹp.
Đêm thơ có tiêu đề “Chơi bóng rổ với Việt Cộng” lấy tên một bài thơ của Kevin Bowen với sự dẫn dắt duyên dáng của nhà phê bình Văn Giá. Kevin đã kể về những buổi chiều chơi bóng rổ với nhà văn Nguyễn Quang Sáng tại Boston. Ông muốn nói với chúng ta là còn có nhiều cách giải quyết bất đồng thay vì đánh nhau.
Kevin với "Chơi bóng rổ với Việt Cộng", Nguyễn Duy đọc bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Quang Thiều |
Nhà văn Lê Lựu (phải) tuy đang bệnh vẫn nhiệt tình lên Hòa Bình tham dự đêm thơ, bên trái là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ |
John Deane và Martha Collins |
Fred Marchant và Nguyễn Bá Chung |
Bruce Weigl và George Kovach |
Nhà thơ John Deane (Ireland) đọc một bài thơ phản chiến thể hiện sự phẫn nộ của ông với những gì Israel làm ở dải Gaza, có tên là “Con chim vàng” và ông gọi đây là một bài thơ dựa trên sự láo toét của chiến tranh.
Martha Collins đọc 2 bài thơ, 1 về chiến tranh và 1 về hòa bình. Fred Marchant cũng đọc 2 bài thơ, nhưng hơi khác một chút, ông ca ngợi 2 vẻ đẹp. Huế là trung tâm của vũ trụ/Nơi hàng ngàn con mắt hướng về ta; và nơi kia là của Boston với một vẻ đẹp cổ kính hoàn toàn duy mỹ. Bruce Weigl đọc lại bài thơ nổi tiếng “Bài ca Napalm”, em bé “đang bốc cháy trong võng mạc của tôi”.
Các nhà thơ Việt Nam: Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Quần Phương, Nguyễn Việt Chiến, Hữu Việt, Ngô Tự Lập… cũng đọc các sáng tác của mình. Và tất cả các tác phẩm đều nhanh chóng được chuyển sang tiếng Anh khiến đây thật sự là một đêm thơ quốc tế.
Món quà bất ngờ của "nhà thơ trẻ" Đỗ Chu (phải) khiến Kevin Bowen rất xúc động |
Điểm nhấn của đêm thơ là một món quà bất ngờ mà nhà văn Đỗ Chu tặng Kevin Bowen. Ông đã bí mật viết bài thơ “Thư gửi Kevin Bowen”. Một bài thơ giản dị, ngôn ngữ đẹp và sâu sắc đã khiến Kevin rất xúc động. Nhà văn Đỗ Chu lần đầu công bố sáng tác thơ, đã vẽ chân dung người đàn ông nước Mỹ bằng thơ, như đã từng vẽ bằng cọ, “người đàn ông trung hậu, tóc trắng, mắt buồn”, 20 năm nay âm thầm xây cây cầu văn học giữa VN và Mỹ.
Một đêm thơ quốc tế để lại thật nhiều dư vị và ấn tượng |
Đêm thơ kết thúc lúc 11h khuya, các nhà văn Mỹ còn nhận thêm một món quà nữa: Tấm bích chương của đêm thơ có chữ ký của các nhà thơ, nhà văn VN, như là một kỷ niệm đáng nhớ, mang về Massachusetts, và họ ao ước có ngày sẽ tổ chức một đêm thơ như thế ở Boston trong tương lai gần.
Theo VietNamnet
Trong các nội dung của Liên hoan (Festival) Huế 2010, có bốn lễ hội lớn được du khách đặc biệt quan tâm là: Huyền thoại sông Hương, Lễ Tế Giao, Hành trình mở cõi và Ðêm Hoàng cung. Cả bốn lễ hội đều được dàn dựng hoành tráng, vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, văn hóa Huế, vừa kết hợp được các yếu tố hiện đại, trẻ trung, hấp dẫn được nhiều loại hình nghệ thuật sinh động.
Trẻ thơ luôn luôn cần tình yêu thương và dìu dắt tận tình ngay từ việc đọc sách. Nếu giữ lối suy nghĩ áp đặt, chỉ cho trẻ đọc những gì vui vui, mang tính "giáo dục cao", vô tình người lớn cướp mất thế giới riêng của trẻ, hình thành thói quen đọc sách dễ dãi, suy nghĩ cùn mòn.
(HBĐT) - Là một trong hai phường nằm ở vị trí trung tâm thành phố Hòa bình, Phường Đồng Tiến có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là một địa bàn khá phức tạp về tình hình an ninh trật tự do tiếp giáp với nhiều xã, phường khác. Từ thực tế đó, Phường Đồng Tiến đã đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với giữ gìn ANTT.
Người làng xã có nếp sống văn hóa của làng xã. Người phố phường có nếp sống văn hóa của phố phường, nhưng điều gì xảy ra khi mà làng xã bỗng dưng biến thành... phố phường? Và điều gì xảy ra khi dòng người từ nông thôn ùn ùn đổ ra thành phố?
Lần đầu tiên được tổ chức trong nỗ lực góp thêm một điểm hẹn giải trí cho thiếu nhi thủ đô nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010 (LHSKTNQT) bế mạc hôm nay vẫn chưa thể nói lời "đến hẹn lại lên" cho lần tiếp theo, vì nhiều lẽ.
Mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, Alpha Books đã cho ra mắt tủ sách "Alpha Kids" khá hấp dẫn, không chỉ với các thiếu nhi.