Những cổ vật khai quật trái phép được người dân cất giữ rất kín đáo và bí mật.
(HBĐT) - Chiều cuối tháng 5 oi ả, trên đường đi làm về, tôi bắt gặp một đám đông đang tập trung đào bới, tìm kiếm trên bãi đất trống. Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng đây là một bãi khai thác đồ cổ trái phép. Ngay lập tức, trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ cần phải nhanh chóng thực hiện bài viết về vấn đề này để các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc.
Nhưng làm thế nào để có thể tiếp cận, tác nghiệp? Trước mắt tôi là hơn trăm thanh niên mồ hôi nhễ nhại với cuốc, xẻng, dao, thuốn… Chỉ một ánh đèn plash loé lên, tất cả đống “vũ khí” kia sẽ nhằm thẳng vào tôi. Sau một hồi quan sát, phân tích, tôi quyết định “muốn bắt cọp thì phải vào hang”.
Trời về chiều, đám thợ săn đồ cổ lục đục vác dụng cụ ra về, í ới hẹn nhau sang mai “chiến đấu” tiếp. Tôi biết, mình có một đêm chuẩn bị cho chuyến tác nghiệp đặc biệt này. Ngày mai, tôi sẽ “đi buôn đồ cổ”!
Trăn trở với “vai diễn”, tôi chỉ có một đêm để viết kịch bản, làm đạo diễn và kiêm luôn cả diễn viên chính. Kiến thức thật phong phú kiến thức về đồ cổ là điều đầu tiên tôi nghĩ đến. Về đến nhà, vội vàng xong bữa cơm tối, tôi bắt đầu xới tung các trang web có liên quan đến đồ cổ để mò mẫm thông tin về lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với bản thân. Đầu tiên là những đặc điểm cơ bản nhất, khái quát nhất để có thể phân biệt đồ cổ của từng thời kỳ thông qua hình dáng, hoạ tiết, nước men... Tiếp đến, tôi nghiên cứu cách phân biệt đồ cổ thật - đồ cổ giả qua độ dày bóng của men ngọc, những điểm lấm chấm đen hay nâu của ô - xít sắt tiết ra từ bên trong qua thời gian, thêm nữa là mô týp về hoa văn bằng bút sắt (hay tre) ẩn chìm trong men. Lục tìm thêm một số thông tin về những bãi đồ cổ đã từng được khai quật tại Hoà Bình, những loại đồ cổ phổ biến tại Hoà Bình. Cuối cùng là tìm hiểu về giá cả của một số đồ theo từng niên đại trên thị trường hiện nay. Càng tìm hiểu, càng say mê, thế giới đồ cổ đã thực sự cuốn hút tôi đam mê chứ không chỉ đơn thuần là phục vụ cho “vai diễn”. Đang còn mải mê với những Tống, Lý, Trần, Lê... mà không hay một đêm đã qua nhanh, gà gáy sáng. Kiểm tra lại pin máy ảnh, bật máy ghi âm ở chế độ tự động ghi liên tục 24 tiếng, thay trang phục bảnh bao, vẫy một chiếc taxi, hít một hơi thật sâu để lấy tinh thần, tôi lên đường đi săn đồ cổ!
Trời còn mờ sáng mà đã có lố nhố người đào, người xúc trên bãi. Một số tay buôn từ Hải Phòng, Hà Nội... đang xôn xao bàn tán về những món đồ mua được hôm qua. Biết mình “non” về mọi mặt nên trước các tay buôn đồ cổ lâu năm này, tôi sắm trọn vai con của một “quan xã’ mới bán đất lại có máu mê đồ cổ nên tập tành đi buôn, săn vài món về trưng chơi. Sau vài câu hỏi dò xét, các tay buôn dần cởi mở “chỉ bảo” cho tôi về những gì đã và đang diễn ra ở bãi đồ cổ này: khai thác từ bao giờ, chủ yếu là đồ thời nào, giá cả ra sao.... Những cái gật gù, bình luận có vẻ như rất “am hiểu” của tôi về các món đồ khiến cho họ càng tin tưởng và kéo tôi đi cùng vào bãi, tránh được hàng trăm ánh mắt soi mói, dò xét của cả bãi khai thác đồ cổ trái phép đang vào ngày cao điểm.
Giữa bãi đồ cổ ngổn ngang những mô đất, mảnh vỡ, hố sâu, thoáng qua tôi một chút rùng mình. Nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, tôi tiến đến nhặt những mảnh vỡ lên, ngắm nghía, xuýt xoa bình luận, tiếc rẻ . Rồi đi tới các hố khai thác, chăm chú theo dõi họ thuốn tìm, xúc đào đất. Mỗi khi có một nhóm đào được món đồ gì đó là họ lại reo lên, cả bãi bỏ cuốc xẻng lao đến. Cùng các tay buôn khác, tôi hăm hở xem xét, bình. Dù xấu hay đẹp, nguyên vẹn hay đã bị sứt mẻ thì hễ cứ đồ nào moi lên là sẽ được các tay buôn nhanh chóng tranh nhau gom mua hết. Cả một ngày lang thang ở bãi, tôi tận mắt chứng kiến đủ thứ đồ với đủ thứ hình dáng, màu men được moi lên và nhanh chóng được định giá. Tôi bắt đầu sốt ruột vì đã có kha khá thông tin nhưng vẫn chưa kịp ghi lại hình ảnh và cũng chưa có món đồ nào thực sự quí hiếm, cao giá mà mới chỉ phổ biến ở mức dưới 10 triệu đồng.
Kiên nhẫn đó là đức tính cần có số 1 nếu ai đó muốn buôn đồ cổ! Và tôi đã kiên nhẫn chờ đến khi mặt trời lặn, theo chân những nhóm thợ, về tận nhà họ để xem những món đồ mà theo họ quảng cáo là “rất quí, chờ được trả giá cao mới bán”. Những thứ tôi được chiêm ngưỡng thực sự khiến tôi bất ngờ. Đó là những chiếc âu, ang men ngọc thời Lê còn nguyên vẹn cả hình dáng và nước men. Lấy lí do cần nghiên cứu thêm vì các món đồ này đều có giá khá cao, tôi xin chụp lại ảnh về để xem xét. Có trong tay ảnh cận các món đồ quí, ảnh nhóm thợ khai thác bên món đồ đào được, tôi yên tâm rút lui.
Được sự chỉ bảo, tạo điều kiện của lãnh đạo phòng, Ban biên tập, tôi nhanh chóng hoàn thành bài viết phản ánh về tình trạng khai thác đồ cổ trái phép kèm theo đầy đủ ảnh minh hoạ, các đoạn băng ghi âm lời nói của từng nhân vật. Sau khi bài viết được đăng tải, các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, kịp thời chấn chỉnh sai phạm, bảo vệ cổ vật là tài sản Quốc gia, trả lại sự ổn định an ninh chính trị - trật tự xã hội cho địa phương.
Thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành “vai diễn”, tôi nghiệm ra rằng, đối với phóng viên, “nhập vai” là một hình thức tiếp cận để khai thác thông tin cầu kỳ nhất, phức tạp nhất, nguy hiểm nhất nhưng cũng là thú vị nhất. Với một số vấn đề nhạy cảm, trái pháp luật... thì nhập vai sẽ giúp cho bài viết thêm chân thật và sinh động. Ngoài ra, nhập vai tạo cho phóng viên cơ hội học hỏi, tìm tòi kiến thức về muôn mặt đời sống, rèn luyện bản lĩnh và thoả sức vận dụng sáng tạo mọi kĩ năng nghiệp vụ.
Ngọc Minh
(HBĐT) - Bảo tàng tỉnh vừa có công văn số 25/BTHB đề nghị Phòng Văn Hóa - Thông tin, UBND xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy về việc chấn chỉnh những sai phạm trong công tác quản lý khu di tích Chùa Tiên.
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2010) Diễn đàn Sachxua.net, Thư viện Hà Nội và Trung tâm văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức Triển lãm “Báo chí Việt Nam (1865 - 1954) - Quá trình hình thành và phát triển”.
Hôm nay 18-6, Đại hội đại biểu Hội Sân khấu TPHCM lần thứ 6, nhiệm kỳ 2010 - 2015, sẽ chính thức khai mạc tại Nhà hát TP. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, về những vấn đề cần quan tâm trong nhiệm kỳ này.
Tập sách ảnh "Ký ức chiến tranh" của nhà báo Chu Chí Thành, nguyên Trưởng Ban biên tập, Sản xuất ảnh báo chí của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đã ra mắt chiều 17/6 tại Hà Nội.
'Sôcôla' tập luyện căng đến mức nằm mơ cũng thấy mình đang khiêu vũ. Còn 'đả nữ' Ngô Thanh Vân quyết tâm mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả trong đêm thi cuối của Bước nhảy Hoàn vũ.
Ngày 17- 6, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức cuộc gặp gỡ giới thiệu cuốn sách “Võ Văn Kiệt – người thắp lửa”. Đây là công trình do NXB Trẻ tổng hợp, biên tập và phát hành nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất.