Thăm lán Nà Lừa (Tân Trào - Tuyên Quang)
(HBĐT) - Lần đầu đến Thành Tuyên và cũng là lần đầu đến với Khu di tích lịch sử - văn hóa Tân Trào, nên bất cứ điều gì liên quan đến “đất và người Tuyên Quang” đều gây ấn tượng với chúng tôi trong chuyến đi này.
Mặc dù đã được người bạn công tác ở tỉnh đoàn giới thiệu sơ qua về “người đồng hành”, nhưng khi gặp Phan Thị Nguyệt, cán bộ Khu di tích và là hướng dẫn viên của đoàn, chúng tôi vẫn thấy bất ngờ vì nhiều điều thú vị: bộ quần áo màu chàm của người dân tộc Tày với đôi chút cách điệu, vẻ đẹp chân chất của cô gái miền sơn cước… Tất cả tạo nên sự ấm áp và gẫn gũi thực sự, gắn quyện với sắc trời, sắc rừng xanh ngắt Tân Trào. Điều nữa, người hướng dẫn viên này không chỉ “thuộc” những điều cần thuyết trình mà chính là có sự giao cảm đặc biệt với mỗi sự kiện, mỗi địa danh và với chính những người khách như chúng tôi… Qua đó, mọi người được học, được hiểu thêm về Bác, về miền “thủ đô gió ngàn”…
Tân Trào là một xã của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây có điều kiện địa lý khá thuận lợi, có núi Hồng, sông Phó Đáy che chở. Đặc biệt, Tân Trào lại nằm trong vùng cơ sở cách mạng phát triển sớm, lòng dân nơi đây luôn hướng về “Ông Ké”, về cách mạng. Tân Trào có gần 20 điểm di tích, trong đó, Lán Nà Lừa là một điểm nhấn…
Lán Nà Lừa, đây là căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách làng Tân Lập gần về 1 km về hướng đông; lán được dựng bằng tre, nửa lán, nửa đất của người miền núi. Lán chia làm 2 gian nhỏ, một bên là nơi Bác nằm nghỉ, một ngăn vừa là chỗ làm việc, vừa là nơi tiếp khách. Tại đây, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945, Bác Hồ đã ở và làm việc để chuẩn bị khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Câu chuyện mà nữ hướng dẫn viên kể, có những gian khổ, vất vả mà Bác Hồ từng chịu đựng trong những ngày ở nơi đây. Hồi đó, nơi đây rừng âm u, rậm rạp. Thức đêm nhiều, cùng với muỗi, vắt và những bữa ăn đạm bạc mà thức ăn chủ yếu là măng, rau rừng đã khiến Bác ốm mệt. Các đồng chí Trung ương lo lắng, các chiến sĩ cận vệ và cả Tân Trào lo lắng. Những cơn sốt triền miên khiến Bác lả, mệt, hốc hác. Thế nhưng, cứ gượng dậy được là Bác lại làm việc và bàn bạc việc cách mạng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp từng kể rằng: “Có hôm tôi đến, Bác đang lên cơn sốt… Thuốc men chẳng có gì, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh. Bác có uống nhưng không thấy đỡ, nói mê sảng. Nhưng cứ đỡ bệnh là Bác trao đổi công việc. Một lần Bác nói: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Trong lúc nguy khó, bệnh tật như thế, có một ông lang người Tày đã đến đã đến xem mạch, sờ trán Bác, rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hòa vào cháo loãng đưa Bác ăn. Hôm sau, ăn thêm một vài lần thang thuốc đó, Bác đã đỡ và dứt sốt… Câu chuyện về Bác, về ông lang vô danh đó đã khiến không ít du khách rưng rưng lệ. Hướng dẫn viên Phan Thị Nguyệt còn cho biết thêm “ Sau này, đã có rất nhiều người có trách nhiệm đi tìm ông lang đó, nhưng đều không gặp được. Ông lang đó là cụ thể, nhưng ông lang đó đã hòa vào cuộc sống đông đảo của người dân Tân Trào, như là hiện thân cho đồng bào nơi đây xin một lần được gặp và được tri ân Bác Hồ…”.
Lán Nà Lừa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào… mỗi địa danh trong chuỗi các di tịch lịch sử, đều gắn bó với Bác Hồ, với mỗi sự kiện lịch sử cách mạng liên quan đến vận mệnh dân tộc trước cách mạng Tháng Tám. Đó là Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa, Quốc dân đại hội thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, bầu ra Chính phủ lâm thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử…
Đi tới đâu trên đất Tân Trào này, đều thấy lắng lại trong lòng hình ảnh, câu chuyện về Bác, về cách mạng trong những ngày trước khi diễn ra sự kiện 19-8-1945. Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân tộc lúc nào cũng đau đáu trong lòng Bác, kể cả khi lúc Người lâm bệnh trọng. Cho nên cũng không khó lý giải vì sao trong đôi mắt của cô gái Tày Phan Thị Nguyệt và bao người từng đến có những giọt lệ sắp tuôn trào...
Văn Tưởng
Những năm gần đây, các NXB năng độâng hơn trong việc tìm bản thảo hay để xuất bản. Nhờ đó, các loại sách nổi tiếng của thế giới và Việt Nam đua nhau xuất bản, độc giả cả nước không thiếu sách hay để đọc. Nhưng, hình như sự năng động của một số NXB lại mang yếu tố thị trường là chính. Nếu sách đáp ứng được thị hiếu bạn đọc, đảm bảo tung ra sẽ thu lợi thì NXB sẵn sàng in và in với số lượng lớn.
Năm nay, lượng khách trảy hội chùa chùa Hương lập kỷ lục với gần 1,25 triệu lượt người, tăng 50.000 lượt khách so với năm 2009, mang lại doanh thu gần 69 tỷ đồng. Thông tin này được lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) công bố ngày 2-7 tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức, quản lý lễ hội chùa Hương năm 2010.
Tại hội nghị về bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2010 - 2020 vừa được tổ chức sáng qua, 2-7, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch TPHCM đã đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia cho 8 công trình, địa điểm tại TPHCM.
Ngày 2-7, tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban quản lý khu phố cổ Hà Nội đã tổ chức trưng bày và trình diễn các sản phẩm gốm truyền thống đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ như Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà và Chu Đậu.
(HBĐT) - Từ ngày 2 – 5/7, Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu niên tỉnh phối hợp với tổ chức GNI (Hàn Quốc) tổ chức chương trình giao lưu giữa thanh thiếu niên Hoà Bình với thanh niên tình nguyện đến từ Hàn Quốc. Đoàn thanh niên tình nguyện Hàn Quốc gồm 14 thanh niên là những sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau ở thủ đô Seoul.
(HBĐT) - Nhiều năm qua, xã Trung Bì được biết đến là một điểm sáng về phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở huyện Kim Bôi.