Người phụ nữ tứ tuần vẫn mặn mà nhan sắc dù đã 20 năm sau ngày đăng quang Hoa hậu Việt Nam. Chị lại bồi hồi khi trở thành giám khảo cuộc thi sắc đẹp đang diễn ra ở Tuần Châu.

 

- Chị đánh giá thế nào về các thí sinh năm nay?

- 37 thí sinh đều đẹp, sở hữu chiều cao lý tưởng. Báo Tiền Phong cũng có sự chuẩn bị rất kỹ càng khi thuê các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Những bài tập khiến các em tự tin rất nhiều. Bình tĩnh, tự tin sẽ giúp các em là chính mình trong phần thi ứng xử. Những câu hỏi ban tổ chức đưa ra không hề đánh đố các em nhưng có khi vì mất bình tĩnh, các em trả lời không tốt. Năm nay phần thi này hứa hẹn sẽ hấp dẫn.

Hai tuần tham gia làm giám khảo Hoa hậu Việt Nam, Nguyễn Diệu Hoa vẫn yên tâm vì hai cô con gái và cậu con trai đều rất tự lập.

- Vòng thi ứng xử luôn thu hút nhiều sự quan tâm. Chị có lời khuyên nào cho các thí sinh?

- Ở nước ta việc dạy cách thuyết trình, ứng xử không được như nước ngoài nên khi bước vào cuộc thi, các em rất bối rối. Tôi thông cảm vì có những em ngoài đời tiếp xúc rất thông minh, nhưng khi đứng trước hàng nghìn người đã mất bình tĩnh, không ý thức hết câu trả lời của mình. Từ đó khán giả hay bình luận, các em có sắc đẹp nhưng kém về tri thức. Tôi cho rằng đó là sự đánh giá chưa chính xác. Đúng là có những em kiến thức chưa phong phú, nhưng để đánh giá một thí sinh phải nhìn nhận cả quá trình của họ, chứ không vì 5 phút trên sân khấu mà khẳng định các em giỏi hay dốt. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, khi quyết định tham dự một cuộc thi sắc đẹp, các em nên trau dồi cho mình kiến thức vững vàng.

- Vấn đề thứ hai hay được đề cập là việc thí sinh chơi xấu nhau hay “diễn” trước mặt Ban giám khảo. Từng kinh qua nhiều cuộc thi, chị nhìn nhận gì về chuyện này?

- Bất cứ cuộc thi nào cũng là cuộc đọ sức gay gắt vì số lượng thí sinh rất đông. Không chỉ trong nước mà trên thế giới, trong các cuộc thi nhan sắc, sự cạnh tranh rất mạnh mẽ. Có nhiều cô nghĩ, mình phải có cách này cách nọ, mình mới nổi bật, mới khiến giám khảo chú ý đến mình. Đó là điều đương nhiên, khó có thể tránh được. Nhưng Ban giám khảo không bao giờ bị ảnh hưởng bởi trò diễn của thí sinh vì họ đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, dễ dàng phân biệt mọi chuyện. Nhiều em nhút nhát nhưng giám khảo vẫn nhìn thấy ở em nét đẹp tiềm ẩn, ngược lại nhiều em muốn chứng tỏ mình lại không chiếm được cảm tình của mọi người. Sắc đẹp toát ra từ khuôn mặt, hình thể, làn da đến kiến thức chứ không phải từ những mánh lới các em nghĩ ra.

“Tôi nghĩ rằng, sự viên mãn của tôi một phần do may mắn, phần do nỗ lực bản thân và phần do tình cảm gia đình đã luôn hỗ trợ cho tôi những lúc khó khăn”.

- Theo chị, trong 22 năm tổ chức cuộc thi Hoa hậu, nhan sắc Việt Nam thay đổi thế nào?

- Lúc tôi thi năm 1990, Hoa hậu Việt Nam mới được tổ chức lần thứ hai, còn rất mới mẻ, không hoành tráng như bây giờ. Kỳ thi đó, chiều cao tối thiểu Ban tổ chức đưa ra là 155 cm. Những thiếu nữ ngày ấy toàn sinh ra trong chiến tranh, ăn uống kham khổ, ai đạt đến 160 cm là được coi có chiều cao đẹp. Càng về sau, cùng với sự phát triển của đất nước, các em sinh ra có chế độ dinh dưỡng tốt, chiều cao càng phát triển. Bây giờ, người đẹp Việt Nam đi thi thế giới không kém gì các cô gái châu Âu. Mai Phương Thúy cao trên 180 cm, năm nay cũng có những em gần 180 cm. Không chỉ cao hơn, các em cũng có gương mặt sáng hơn, được đào tạo bài bản hơn, rất đáng để kỳ vọng.

- Vương miện là bước ngoặt thay đổi cuộc đời mỗi cô gái. Theo chị, làm sao để bước ngoặt ấy là con đường tốt?

- Được trao vương miện với mỗi thiếu nữ là một niềm hạnh phúc và vinh dự lớn lao. Trong cuộc đời, danh hiệu hoa hậu mang đến rất nhiều may mắn. Khi ra ngoài, ai cũng dành cho mình sự thiện cảm. Điều đó giúp mình thuận lợi trong công việc. Nhưng để làm sao cho sự thiện cảm ấy bền vững và để vương miện luôn tỏa sáng lại không đơn giản. Từ giây phút đội vương miện lêm đầu, từng cử chỉ, lời nói, cách giao tiếp của bạn đều được dư luận chú ý. Đó là áp lực tích cực buộc người ta hoàn thiện mình hơn.

- Ở trường hợp của chị, vương miện mang lại những gì?

- Sự hội ngộ giữa tôi và chồng chính là từ đây. Năm 1992, chồng tôi sang Việt Nam làm giám đốc văn phòng đại diện công ty nước ngoài. Bạn anh mời anh đi xem cuộc thi hoa hậu, khi đó tôi lên sân khấu trao vương miện cho Hà Kiều Anh. Anh Lại Văn Sâm - MC của chương trình - đã hỏi tôi: “Nếu tham gia thi năm nay, Diệu Hoa có nghĩ sẽ đạt được vương miện hay không?”. Mọi người xì xào vì câu hỏi khó. Bản thân anh khi thấy tôi lên sân khấu đã thích ngay từ cái nhìn đầu tiên, sau khi được bạn dịch cho nghe câu hỏi đã rất hồi hộp chờ coi tôi ứng xử. Tôi trả lời anh Lại Văn Sâm rằng: “Nếu tham dự cuộc thi hoa hậu, Diệu Hoa cũng có tâm trạng như tất cả thí sinh đều mong muốn mình giành vương miện. Còn việc có trở thành hoa hậu hay không, một phần nhờ may mắn, một phần từ nỗ lực, một phần từ nhận xét của Ban giám khảo và khán giả”. Không thể nói trước vì trong một cuộc thi không ai có thể chắc chắn 100% kết quả. Lúc ấy, mọi người ồ lên khen câu trả lời của tôi, anh cũng rất ấn tượng vì theo anh đó là một câu trả lời thông minh.

Trong nhóm bạn của anh có người chơi với bạn của tôi. Anh bảo với bạn mình, anh rất ngưỡng mộ và muốn gặp tôi. Chúng tôi cùng đi ăn tối và trúng tiếng sét ái tình. Với tôi, cuộc sống hôn nhân phải xây dựng trên cơ sở một tình yêu bền vững, tôn trọng và hiểu nhau. Sau một năm tìm hiểu, chúng tôi nên duyên vợ chồng.

“Tôi không giàu có nhưng cuộc sống đầm ấm và hài lòng với hiện tại”.

- Thời mới đăng quang, chị rất được hâm mộ nhưng khi quyết định lấy chồng là người Ấn, chị bị phản đối rất nhiều. Có những chàng trai Hà Nội tháo các bức hình Diệu Hoa treo trong phòng khách xuống và bảo đàn ông Việt đâu có hết mà Diệu Hoa cưới người nước ngoài. Chị vượt qua sức ép này ra sao?

- Đối với người Việt, hồi năm 1993, việc kết hôn với người nước ngoài chưa phổ biến. Hôn nhân giữa người Việt và người Ấn càng hiếm hơn. Khi tôi và chồng tới sở tư pháp làm giấy kết hôn người ta bảo, đây là lần đầu tiên có hôn nhân giữa người Hà Nội và Ấn Độ. Không ít người xì xào bàn tán, thậm chí những người bạn trai quen tôi còn nói, Diệu Hoa không thể lấy người nước ngoài vì như thế là Diệu Hoa chê đàn ông Việt. Thực ra nhân duyên thì không cưỡng nổi. Tình yêu giữa chúng tôi rất mạnh và tôi sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ tình yêu của mình. Tôi đã thuyết phục gia đình để được lấy anh.

Khi ấy, tôi nghĩ mình không thể làm vui lòng mọi người vì cuộc sống của mình có hạnh phúc hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn của chính mình. Phản ứng của họ chỉ là nhất thời, sẽ đến lúc họ hiểu cho tôi. Tôi không chê đàn ông Việt nhưng tình yêu của tôi lại không đến với một người trong số họ, chứ không phải tôi thích lấy người nước ngoài để đổi đời. Ông xã tôi khi sang Việt Nam mới 24 tuổi, không phải người giàu có. Một điều tôi rất khâm phục chồng mình là anh vô cùng thông minh, năm 16 tuổi tốt nghiệp đại học và 18 tuổi lấy bằng thạc sĩ.

- Hầu như các hoa hậu trước khi cưới đều ca ngợi vị hôn phu hết lời trên mặt báo nhưng họ không duy trì được hạnh phúc của hôn nhân, riêng chị thì khác. Chị có bí quyết nào?

- Tôi lại cảm thấy việc gìn giữ ngọn lửa mái ấm không có gì quá khó khăn khi hai người hiểu, tôn trọng và yêu thương nhau. Giữa tôi và chồng không có bất cứ khoảng cách nào. Tất nhiên hai người không phải không có lúc bất đồng quan điểm nhưng đều vượt qua dễ dàng vì chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu thực sự. Đến bây giờ, tình cảm dành cho nhau vẫn như ngày đầu. Những đôi vợ chồng khác có thể sau một thời gian, khi tình yêu bớt lung linh mới nhìn thấy nhiều điểm xấu của nhau. Tôi thì luôn quan niệm, yêu là giúp đối phương hạn chế khuyết điểm và phát huy nhiều hơn nữa những ưu điểm của nhau.

 

                                                                            Theo VnExpress

Các tin khác

Không có hình ảnh
Đoàn tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh mua bán điện thoại di động.
Họa sĩ Đặng Ái Việt.
Phan Huyền Thư (giữa), một trong số các nhà 
làm phim trẻ của Hãng.

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long

Một tin vui nức lòng người dân Hà Nội và cả nước: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Ðây là danh hiệu cao quý nhất trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO. Và đến nay, Việt Nam đã có bốn di sản được nhận danh hiệu này (trước đó là cố đô Huế - 1993; đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn - 1999). Song, cùng với niềm vui, phía trước chúng ta là một hành trình mới với vô vàn thử thách...

Huyện Lương Sơn đẩy mạnh Xã hội hoá để phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ -TDTT

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cùng với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, huyện cũng không ngừng coi trọng các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Chăm lo cho sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, TD-TT là một trong những việc làm cụ thể để thực hiện tiêu chí đó.

Hội Nhà văn Việt Nam: Sẵn sàng “bắt sóng” các cây viết trẻ

Không thể phủ nhận, trong những năm qua liên tục xuất hiện nhiều gương mặt trẻ với cách viết mới đã làm phong phú và đa dạng diện mạo văn học Việt Nam. Không ít người trong số đó đã bắt đầu tạo được dấu ấn với độc giả yêu văn thơ. Trước thềm Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, tổ chức từ ngày 4 đến 6-8 tại Hà Nội, phóng viên đã trò chuyện với nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam (ảnh) về thế hệ nắm giữ tương lai của Hội.

Vở diễn về Trần Thủ Độ: Lay động người xem bằng cảm xúc đẹp

Từng tràng vỗ tay vang lên suốt vở diễn, như lời xác nhận tình cảm của người xem dành cho "Luận anh hùng" (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSƯT Trần Quang Hùng) của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong buổi ra mắt tại rạp hát Hồng Hà tối 1/8.

Hoa hậu VN 2010 tăng thêm giải thưởng

Trước khi bước vào tranh tài tại đêm chung kết, diễn ra vào ngày 14-8 tại cung biểu diễn nhạc nước Tuần Châu (Quảng Ninh), các thí sinh cuộc thi Hoa hậu VN 2010, do Báo Tiền Phong tổ chức, sẽ cùng tranh tài giành các danh hiệu: Người đẹp biển (trong hai ngày 6 và 7-8), Người đẹp tài năng (trong hai ngày 8 và 9-8), Người đẹp có gương mặt khả ái, Người đẹp thân thiện (chấm trong suốt quá trình)

Khai thác hiệu quả du lịch biển - đảo Phú Quốc

Không ngừng đầu tư, nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vu đạt chuẩn cao cấp, chủ động liên kết trong kinh doanh, quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch và tham gia hỗ trợ nhân dân địa phương xây dựng sản phẩm phục vụ du khách, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), trong đó có Khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc đã và đang khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch của "hòn đảo ngọc" theo hướng phát triển bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục