Tại Bảo tàng Phụ nữ VN (36 Lý Thường Kiệt, HN) đang có cuộc triển lãm tranh ký họa chân dung các Mẹ VN anh hùng mang tên Hành trình nét thời gian của họa sĩ Đặng Ái Việt.

“Một hành động rất đỗi khâm phục”


Họa sĩ Đặng Ái Việt

Phát biểu tại buổi khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Nữ họa sĩ vượt qua bao gian khó, với tâm nguyện vẽ được nhiều nhất có thể chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) hiện còn sống ở khắp mọi miền Tổ quốc là một hành động rất đáng khâm phục...; đồng thời đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục hỗ trợ nữ họa sĩ hoàn thành chuyến đi. Đó cũng là hành động thể hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” của cả nước với các Mẹ VNAH - những người phụ nữ mộc mạc nhưng hết sức vĩ đại.

Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết, ý tưởng vẽ chân dung các Mẹ VNAH được bà ấp ủ đã lâu. Với bà, đó là “một sự tri ân và trả ơn cuộc đời’’. Nhưng năm nay, ở tuổi 62 bà mới có điều kiện thực hiện dự định ấy.

Ngày 19/2 (tức mùng 6 Tết), Đặng Ái Việt đã tự tổ chức một cuộc hành trình xuyên Việt. Một mình bà với chiếc xe Chaly (gắn bó 20 năm), xuất phát từ TP.HCM ngược ra Hà Nội. Bà đã tự tìm đến nhà từng Mẹ VNAH, gặp gỡ, trò chuyện và vẽ chân dung. Qua 5 tháng, bà đi qua 18 tỉnh thành, đến hơn 200 huyện, xã, phường... Ngày 26/6, bà đặt chân đến Hà Nội và vẽ được 225 bức ký họa ở các thể loại than chì, màu nước.

Triển lãm Hành trình nét vẽ thời gian (kéo dài đến hết ngày 19/8) giới thiệu hơn 100 bức ký họa đã được hội Mỹ thuật VN tuyển chọn. Đây là những bức ký họa còn nóng hổi, vừa mới hoàn thành trong hành trình xuyên Việt của bà. Bên cạnh những bức ký họa, một bộ phim ngắn cùng tên cũng được giới thiệu cùng một số hiện vật, tư trang của nữ họa sĩ...

“Tôi mới đi được 1/3 hành trình”

Tâm sự với TT&VH, họa sĩ cho biết: “Trên thế giới chỉ VN mới có danh xưng Mẹ VNAH. Mẹ VN vĩ đại quá! Mỗi mẹ còn sống là mỗi câu chuyện dài kể lại cho thế hệ chúng ta, con cháu chúng ta về những hy sinh, mất mát để có được cuộc sống như ngày hôm nay...”.


Chân dung Mẹ Việt Nam
anh hùng Nguyễn Thị Cật

* Vì sao bà lại có được tâm huyết này, và vì sao bà có thể đi nhanh vẽ nhanh đến thế? Trong 5 tháng, vẽ 225 chân dung...

- Hành trình của tôi đến nay mới chỉ là 1/3. Dự định của tôi là trong 18 tháng sẽ hoàn thành 63 tỉnh thành. So với danh sách các Mẹ VNAH còn sống hiện nay là trên dưới 5.000 mẹ, thì tôi mới vẽ được 225 mẹ, con số này nhỏ lắm. Các Mẹ VNAH ở khắp cả nước, mà thời gian thì hữu hạn, tôi chỉ sợ mình chậm chân... không kịp gặp các mẹ. Nhiều nơi, khi tôi đặt chân đến thì được biết không mẹ nào còn sống. Tôi nuối tiếc và miên man trong cảm giác có lỗi... Cũng phải nói thêm là, không phải tất cả các mẹ còn sống, tôi đều vẽ được chân dung. Ngay ở quận Ba Đình, Hà Nội, có 3 Mẹ VNAH, nhưng trên thực tế tôi chỉ vẽ được một mẹ...

* Tại sao lại không vẽ được, thưa bà?

- Vẽ Mẹ VNAH là vẽ cái thần thái, thần khí của mẹ. Đa phần những Mẹ VNAH tôi gặp hầu hết đều đã ở vào tuổi 80, 90, nhiều mẹ trên 100 tuổi, bởi tuổi cao như thế nên sức đã rất yếu. Với những mẹ đã quá yếu, tôi chỉ đến thăm mẹ, hôn mẹ, chúc cho mẹ bình yên, chụp hình với mẹ và không vẽ gì. Vì bản thân tôi xúc động không vẽ được. Rất nhiều mẹ tôi chỉ đến thăm rồi ra đi trong nước mắt...

Vẽ Mẹ VHAH không dễ, không phải ký họa vẽ một nét là ra, mà phải vẽ từ chính tâm can của mình. Tôi thường trò chuyện với các mẹ rất lâu, nhìn ngắm kỹ những gương mặt già nua, để tìm ra một góc cạnh nào đó bộc lộ thần thái của mẹ và vẽ với tất cả tình cảm kính yêu, cảm phục.

Một mình tự túc kinh phí

Họa sĩ Đặng Ái Việt (SN 1948, tại Tiền Giang), nguyên là họa sĩ báo Phụ nữ Giải phóng của LHPNGP miền Nam VN, nguyên giảng viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM.

Chuyến hành trình này của bà hoàn toàn tự túc về kinh phí. Trên đường đi, không ít đơn vị đã xin được tài trợ, nhưng bà không nhận và muốn tự mình sẽ đi và vẽ hết Mẹ VNAH còn sống với tất cả tấm lòng!

* Chắc hẳn bà có rất nhiều kỷ niệm không thể quên khi vẽ Mẹ VNAH?

- Kỷ niệm thì không thể kể hết. Tất nhiên, Mẹ VNAH hiện nay được Nhà nước quan tâm chăm sóc rất nhiều, nhưng không phải tất cả đều đã hết khó khăn. Nhiều mẹ của chúng ta còn khó khăn lắm. Tôi có gặp một mẹ ngồi bán khoai lang ở ngoài chợ và tôi vẽ ngay ở chợ luôn. Nếu mời mẹ về nhà, thì gánh khoai lang đó ai bán... Có những bà mẹ bị mù, không thể đi đâu được, thấy thương lắm. Nhiều mẹ không còn minh mẫn..., tôi xúc động không tài nào vẽ được!

* Bà có dự định chuyển những bức ký họa này thành những tác phẩm lớn hơn không?

- Người nghệ sĩ, nhất là họa sĩ không thể dừng lại ở ký họa, vì đây vốn như hơi thở của người họa sĩ. Nhưng chính những bức ký họa này là cái để tôi khởi điểm cho những tác phẩm lớn sau này. Bảo tàng Phụ nữ VN có dự định sẽ lưu giữ những tác phẩm này của tôi và đối với tôi là niềm hạnh phúc lớn. Tuy nhiên, công việc của tôi vẫn chưa kết thúc, tôi chưa thể nói nên làm thế nào tiếp theo...

* Xin cảm ơn bà!

Theo VH&TT

 

Các tin khác


Tuyên truyền, giới thiệu những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho học sinh

Ngày 15/5, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tổ chức tuyên truyền, giới thiệu giá trị nội dung di tích lịch sử cách mạng Địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho 100 học sinh Trường TH&THCS Bãi Lạng (Lương Sơn).

Ra mắt sách “Từ Việt Bắc về Hà Nộii” trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”

Tiểu thuyết "Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập "Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Huyện Lạc Thủy quan tâm bảo vệ di sản văn hóa

Huyện Lạc Thuỷ có nhiều lợi thế xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch văn hoá, sinh thái, thắng cảnh, lễ hội… Văn hóa tâm linh là thế mạnh của du lịch huyện. Từ khi Luật Di sản văn hóa (DSVH) được ban hành, huyện luôn chấp hành tốt, nghiêm cấm các hành vi xâm hại tới DSVH, làm sai lệch DSVH; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại DSVH; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Ấn tượng Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn năm 2024

Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn được duy trì và tổ chức thường niên vào tháng 3 âm lịch. Đây là thời điểm giao thoa giữa mùa Xuân với mùa Hạ, việc tổ chức lễ hội vừa để nhân dân vui hội, vừa rèn luyện kỹ năng sinh tồn như câu ngạn ngữ "cơm cày, cá kiếm”. Đây là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, lễ hội là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Tló.

Người đẹp Đinh Thị Hoa đăng quang Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam năm 2024

Tối 12/5, Đêm chung kết Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam năm 2024 đã diễn ra tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Người đẹp Đinh Thị Hoa đã đăng quang ngôi vị Hoa hậu.

Luồng gió mới cho sản phẩm văn hóa bản địa

Thay vì tiêu thụ sản phẩm văn hóa ngoại lai, các trò chơi du nhập từ nước ngoài, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang nhanh chóng bắt nhịp tiến trình sáng tạo sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, tạo nên một cộng đồng giải trí mới, đầy tự hào và hứng khởi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục