Các nhà xuất bản nước ngoài, các nhà biên tập đều bận khai thác bản thảo, đều đặt hiệu quả lên trên hết, cho nên họ thường từ chối những lời mời thăm viếng hội hè mà không chắc ký được hợp đồng, vừa mất thời gian vừa tốn kém.
Đại diện văn học - chiếc cầu nối
Văn học Việt Nam muốn ra với bên ngoài, việc đầu tiên là phải tìm được nhà xuất bản. Vậy đâu là cách tiếp cận với các nhà xuất bản nước ngoài?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết ta hãy cùng xem lại tình hình sách Việt Nam được dịch ra nước ngoài trong vài chục năm qua.
Khoảng đầu những năm 1990, một số nhà xuất bản Âu Mỹ bắt đầu có thông tin, một phần nhờ các hãng tin nước ngoài thường trú tại Việt Nam, và bắt đầu dịch sách của các tác giả Việt Nam. Ngoài một số tuyển tập truyện ngắn hoặc thơ nhiều tác giả, cho đến nay, phần lớn những cuốn sách được dịch đều tập trung vào trên dưới 10 nhà văn nhà thơ quen biết.
Nhiều tác phẩm Việt Nam có thể đem giới thiệu ở nước ngoài, và chắc chắn sẽ không làm mất thời gian của người đọc. Chẳng qua rào cản ngôn ngữ đã ngăn trở tiến trình này.
Thông thường các nhà xuất bản Âu Mỹ chỉ tập trung vào các tác giả có tiềm năng. Đó là những con gà họ biết chắc sẽ đẻ trứng vàng - những tác giả đã có uy tín và có sách hay. Bên cạnh đó, nhà xuất bản có một khả năng nhạy cảm trước những tác giả mới toanh, nhưng sẽ sinh lợi. Khi cần, biên tập viên sẽ không ngồi yên trong nhà xuất bản, mà lên đường đến những thành phố, những bang xa xôi, tiếp cận và giành lấy hợp đồng với tác giả. Uy tín của nhà xuất bản và của biên tập viên nhờ vào những tiếp xúc kịp thời và năng động như vậy. Mặc dù vẫn có đôi ba trường hợp tình cờ nhặt ra được những tác phẩm sinh lợi trong đám bản thảo vãng lai, nhưng nhìn chung nhà xuất bản không mặn mà với những tác phẩm chủ động gửi đến. Một tác giả xa lạ hãy gửi bản thảo qua đường bưu điện hoặc qua thư điện tử mà xem. Một sự im lặng vĩnh viễn, hoặc cùng lắm sẽ có một dòng thư điện tử nhắn lại: xin lỗi bạn, chúng tôi không nhận bản thảo do tác giả tự gửi đến.
Thế thì tác giả phải gửi bản thảo vào đâu và ai là người gửi?
Người ta phải có đại diện văn học ở bên ấy: một nhà văn, một nhà phê bình văn học, một giáo sư văn học có uy tín - người biết đến bạn, đánh giá tốt tác phẩm của bạn. Những người này sẽ làm đại diện văn học (literary agent) cho bạn, sẽ trực tiếp giới thiệu và đàm phán với các nhà xuất bản. Hầu hết những tác giả Việt Nam có sách dịch khoảng hai mươi năm qua đều có đại diện văn học như vậy, chính thức hoặc không chính thức.
Con đường đến với nhà xuất bản thường là đi về nơi vô định. Người nói một câu đại loại như vậy là một người bạn ở Seattle, miền tây bắc nước Mỹ. Ông là luật sư về hưu và cũng có tập tành sáng tác những lúc rảnh rỗi. Đám bạn bè của ông cũng tụ tập thành một câu lạc bộ viết văn. Họ chất đầy nhà những cuốn sách như Cẩm nang viết truyện ngắn, Viết tiểu thuyết như thế nào, Làm cách nào để in bản thảo của bạn... Thậm chí có những cái tên rất khiêu khích: Có những nhà văn đáng bị chết đói (vì không biết cách gửi bản thảo). Nhìn tên những cuốn sách hướng dẫn như thế, ta cũng phần nào hình dung rằng Âu Mỹ có xu hướng công nghệ hóa, kỹ thuật hóa văn chương. Nghề gì cũng có thể lập thành công thức và quy trình. Người ta không thần bí hóa nghề văn (“tôi viết vì thần thánh đã mượn tay tôi mà viết”...). Ông bạn tôi đã đọc hàng chục cuốn sách như vậy, nhưng con đường đến với nhà xuất bản vẫn mịt mù trùng khơi. Sách đã dạy tất cả, nhưng cũng có lúc ông phải hỏi kinh nghiệm của tôi xem có thể đến với nhà xuất bản bằng cách nào?
Tại Hội chợ Sách Quốc tế Gothenburg, các nhà văn VN (từ bên trái): Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồ Anh Thái cùng đồng nghiệp Thụy Điển. |
Đầu những năm 1990, tin tức về sự khởi sắc của văn học Việt Nam có nhiều trên các báo Thời đại, Tuần tin tức, Diễn đàn người đưa tin quốc tế, Tạp chí kinh tế Viễn Đông... đã khiến một số nhà xuất bản tìm đến các tác giả Việt Nam. Hơn mười tác giả Việt Nam được họ khai thác. Với các nhà xuất bản in sách của mình, tôi còn làm công việc của một “đại diện văn chương” bằng cách giới thiệu thêm những tác giả khác. Chúng tôi đã tóm tắt nội dung mỗi cuốn tiểu thuyết trong 500-700 chữ, vấn đề nó đặt ra, và việc người đọc tiếp nhận cuốn sách ra sao... Bằng cách ấy, có thêm một số tác phẩm được dịch. Tuyển tập truyện ngắn Tình yêu sau chiến tranh (Love after War) chúng tôi cũng làm theo cách ấy: tóm tắt nội dung gần 80 truyện ngắn. Sau đó nhà xuất bản chọn lấy 50 truyện của 50 tác giả, thuê người dịch và hiệu đính, cuối cùng sách đã ấn hành và được báo Ký sự San Francisco chọn vào số 100 cuốn sách hay năm đó.
Sách Việt Nam, nhà xuất bản nhỏ và vừa
Nhưng phải thấy rằng các nhà xuất bản không hề nghĩ rằng văn học Việt Nam là một mỏ vàng, và những tác phẩm đã dịch, đã bày bán, không hề đắt như tôm tươi. Một số cuốn thành công ở mức độ có dư luận trên những tờ báo có uy tín, được giới giảng viên và nghiên cứu sinh về Việt Nam chào đón. Ví dụ, một số nhà văn Mỹ nói: nhiều nhà văn Mỹ cả đời không được Thời báo New York nhắc đến một câu. Họ hàm ý một số cuốn sách Việt Nam đã thành công khi được tờ báo này viết bài khen ngợi.
Sách Việt Nam mới được một số nhà xuất bản vừa và nhỏ ấn hành. Ở Mỹ, nhà xuất bản của các trường đại học tổng hợp đã in một số sách Việt Nam từ 1.000 đến 2.000 bản, có thông báo cho hệ thống trường đại học sử dụng tiếng Anh trên toàn cầu biết, để có thể đặt mua. Một số nhà xuất bản phi lợi nhuận ấn hành khoảng 5.000 bản cho lần đầu, sách có mặt trong hệ thống sách toàn liên bang và trên mạng Amazon.com. Nhuận bút của loại nhà xuất bản này không cao, nhưng nếu sách bán hết thì vẫn được in thêm hàng năm, nhuận bút vẫn trả đều đều cho tác giả, thậm chí cả chục năm sau lần in đầu tiên. Số lượng bản sách phụ thuộc vào việc thăm dò sức mua trước khi xuất bản. Thông thường một nhà xuất bản sẽ không ấn hành cuốn sách, nếu sức mua thăm dò được thấp hơn 5.000 bản.
Dịch giả có thể chủ động?
Sau khi đọc bản tóm tắt và giới thiệu về cuốn sách, đọc thêm bản dịch một chương sách để cảm nhận chất lượng, nhà xuất bản lúc ấy mới đi đến quyết định dịch tác phẩm hay không. Nếu đã quyết, công việc tiếp theo của nhà xuất bản là tìm người dịch.
Người biết tiếng Việt và có thể dịch sách phần lớn là người bản địa nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam hoặc một số người gốc Việt có khả năng văn chương. Hầu như không có người chuyên nghiên cứu về văn học Việt Nam - họ chỉ là người nghiên cứu về văn hóa xã hội Việt Nam mà thôi. Họ nhận dịch văn học Việt Nam như một công việc làm thêm, một thú vui riêng, cũng là để tăng thêm uy tín cá nhân trong lĩnh vực Việt Nam học.
Ngoài ra còn có một vài người dịch ở ngay trong nước. Công việc dịch ngược từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài khó khăn hơn, và họ hầu như chỉ dừng ở mức dịch thô - một bản dịch nghĩa còn lủng củng, chưa thể để như thế mà in được.
Đến lúc này, nhà xuất bản cần một người trau chuốt và hiệu đính bản dịch (của cả ba kiểu dịch giả trên). Một nhà văn am hiểu về văn học Việt Nam, thậm chí biết tiếng Việt, được mời vào cuộc. Nhà văn có nhiệm vụ hiệu đính và làm cho bản dịch ở mức điểm 4/10 nâng lên ít nhất đến mức 7/10 để có thể in được. Nhà xuất bản Curbstone Press in cả bộ sách văn học Việt Nam đã có một nhà văn hiệu đính như vậy. Đến mức Thời báo New York đã bình rằng bản dịch tiếng Anh đạt mức “một thứ tiếng Anh hạng nhất” (a first-rate English language work).
Cũng dễ hình dung: vẫn có những cuốn khi in ra đạt mức 6/10, bản dịch dù được sửa sang nhiều vẫn chưa hay, khiến độc giả chưa thật hứng thú.
Chỉ nói riêng về chuyện người dịch, ta đã thấy không có một đội ngũ chuyên nghiệp dịch văn học Việt Nam. Người dịch chỉ được thuê khi nhà xuất bản có tác phẩm cần dịch, và thù lao cũng thấp (tất nhiên, vì số lượng ấn hành không nhiều). Nhiều người khi bắt tay vào dịch đã không nghĩ đến chuyện nhận món thù lao quá còm. Khó xảy ra trường hợp người dịch chủ động dịch một tác phẩm nào đó và đem đến cho nhà xuất bản. Nếu có, phần nhiều họ sẽ bị nhà xuất bản từ chối.
Đưa văn học ra nước ngoài bằng cách nào?
Nếu ở Âu Mỹ, chắc ta phải viết hẳn một cuốn sách mang cái tên như vậy, kỹ thuật hóa và hiện thực hóa toàn bộ quy trình này.
Công việc đầu tiên: tiếp cận những nhà xuất bản lâu nay ít nhiều đã in văn học Việt Nam. Bước đầu tiên, không cần phải mời mọc họ sang Việt Nam, không cần gặp trực tiếp làm gì. Hãy tận dụng phương tiện liên lạc ảo, qua thư điện tử. Mọi việc trao đổi, bàn bạc, tiến tới thỏa thuận sơ bộ, rồi ký biên bản ghi nhớ MoU, tất cả đều có thể bằng thư điện tử. Khi nào chắc chắn về các điều khoản hợp đồng thì mới cần gặp nhau trực tiếp để ký. Các nhà xuất bản, các nhà biên tập đều bận khai thác bản thảo, đều đặt hiệu quả lên trên hết, cho nên họ thường từ chối những lời mời thăm viếng hội hè mà không chắc ký được hợp đồng, vừa mất thời gian vừa tốn kém.
Ta có gì để đặt lên bàn đàm phán với một nhà xuất bản nước ngoài?
1- Những tác phẩm để dịch.
2- Nếu nhà xuất bản không quan tâm đến những tác phẩm này (chắc chắn, vì nếu quan tâm thì họ đã chủ động tìm đến với tác giả từ trước), phía Việt Nam sẽ phải đề xuất một sự hợp tác.
Ta sẽ phải:
- Cấp kinh phí để thuê người dịch,
- Cấp kinh phí in ấn, phát hành,
- Nhận lại một phần (hoặc toàn bộ) sách đã in và tự phát hành,
- (Cũng có thể) chịu toàn bộ kinh phí phát hành, để nhà xuất bản phát hành sách đã in trong hệ thống phát hành của họ ở nước ngoài.
Theo quy trình này, ta thấy có hai vấn đề:
1 - Chi phí cho việc dịch và giới thiệu sách ra nước ngoài không hề nhỏ. Kinh phí như vậy cần đến một dự án của nhà nước, cũng giống như nhà nước đã đầu tư mời nhạc trưởng nước ngoài dẫn dắt dàn nhạc quốc gia hoặc các nhạc viện, cũng như đầu tư mời huấn luyện viên bóng đá nước ngoài, hoặc đầu tư làm phim tuyên truyền lâu nay.
2 - Sách đã dịch và in ra, cần có người tiêu thụ. Nhà nước sẽ mua sách để cho các đại sứ quán Việt Nam, các cơ quan đại diện ở nước ngoài cung cấp cho bạn bè, trong khuôn khổ một chiến lược quảng bá văn hóa và hình ảnh Việt Nam. Một nguồn tiềm năng nữa là các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam, các công ty nước ngoài và người nước ngoài đến du lịch...
Đã làm được đến đâu?
Có thể trả lời là chưa làm được những việc cần thiết. Một số dịch giả sau khi hân hoan gặp gỡ ở hội nghị, đều đã về nước, trở lại với công việc cơm áo hàng ngày bận rộn mà không có nhà xuất bản nào thuê họ dịch văn học Việt Nam. Nếu dịch giả nào “có tấm lòng”, tự ý dịch một tác phẩm nào đó, thì cũng khó tìm được nhà xuất bản nhận in.
Trong số các nhà xuất bản được mời sang Việt Nam gần đây cũng không có người có tiềm năng hợp tác. Họ chủ yếu là nhà xuất bản sống dựa vào nguồn hỗ trợ của một ngân quỹ nào đó, hoặc dự án nào đó. Một nhà xuất bản ở Bắc Âu trong mười năm qua đã dịch in một bộ sách văn học Việt Nam, thực ra là nhờ vào quỹ phát triển văn hóa của chính phủ nước đó. Nguồn tài trợ này đến năm nay đã hết, và tuyển tập thơ Việt Nam vừa ấn hành là tập cuối cùng. Dù ông giám đốc có nhiều thiện cảm với Việt Nam, dù ông có khiến ta lạc quan và hy vọng đến mấy thì chắc chắn ông cũng đã thầm lặng chào ta để ra đi, trừ phi nhân dịp này phía Việt Nam tiếp sức cho ông bằng một kinh phí mới để tiếp tục dịch sách Việt Nam. Tất cả những hứa hẹn, thậm chí một vài cái biên bản ghi nhớ đã ký, cũng lập tức bị quên ngay khi nhà xuất bản nói lời tạm biệt, và trở về nước.
Nếu kế hoạch dịch sách Việt Nam có thể khởi động được, lúc ấy sẽ đặt ra việc lập hội đồng tuyển chọn, tiêu chí tuyển chọn. Chắc chắn không thể đầu tư dịch tác phẩm chỉ đạt yêu cầu tuyên truyền mà thôi. Không thể “bắt” độc giả nước ngoài đọc những tác phẩm mà chính người trong nước cũng khó đọc nổi.
Chúng ta đều hy vọng, sẵn có một số nhà xuất bản vừa mới hoàn tất kế hoạch dịch sách Việt Nam của họ, nhà nước ta sẽ có một dự án nối tiếp vào đó, hợp tác với chính những nhà xuất bản ấy, và những nhà khác nữa. Việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài không chỉ là chuyện của những người yêu văn chương. Đó là một trong những cách thức quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, một nỗ lực gây cảm tình để nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của bạn bè bên ngoài.
Sách nào đã được dịch in? Curbstone Press là nhà xuất bản nhỏ nhưng sách được phát hành trong hệ thống hiệu sách toàn nước Mỹ và gây được dư luận trên những tờ báo có uy tín của Mỹ. Nhiều năm qua, nhà xuất bản này quan tâm xây dựng bộ sách về văn học Việt Nam mang tên Voices from Vietnam (Những tiếng nói từ Việt Nam) và đã xuất bản được những cuốn: Phía bên kia góc trời (The Other Side of Heaven) - tuyển tập truyện ngắn, Tình yêu sau chiến tranh (Love after War) - tuyển tập 50 truyện ngắn được báo San Francisco Chronicle bình chọn nằm trong 100 cuốn sách hay năm 2003, Những ngôi sao, Trái đất, dòng sông (The Stars, the Earth, the River) của Lê Minh Khuê, Sang sông (Crossing the River) của Nguyễn Huy Thiệp, Trong sương hồng hiện ra (Behind the Red Mist) của Hồ Anh Thái, Nghĩa địa xóm Chùa (The Cemetery of Chua Village) của Đoàn Lê, Ngược dòng nước lũ (Against the Flood) của Ma Văn Kháng, Thời gian của Người (Past Continuous) của Nguyễn Khải, Gia đình bé mọn (An Insignificant Family) của Dạ Ngân, Cây thời gian (The Time Tree) của Hữu Thỉnh, Đường xa (Distant Road) của Nguyễn Duy... Ngoài ra, các trường đại học cũng đôi khi xuất bản văn học Việt Nam, phát hành trong hệ thống các trường đại học sử dụng tiếng Anh để tham khảo: Đại học Oxford xuất bản Ánh sáng kinh thành (The Light of the Capital), phóng sự của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng; Đại học Michigan dịch in Số đỏ (Dumb luck) của Vũ Trọng Phụng; Đại học Massachusetts xuất bản Thời xa vắng (A Time Far Past) của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) của Bảo Ninh; Đại học Washington dịch Người đàn bà trên đảo (The Women on the Island) của Hồ Anh Thái... Ở Pháp có Nhà xuất bản L’aube kiên trì với văn học Việt Nam hơn cả, nhưng nhà xuất bản này cũng có chuyện vướng mắc về nhuận bút sách tái bản với một số nhà văn Việt Nam: Tướng về hưu và Trái tim hổ của Nguyễn Huy Thiệp, Người vãi linh hồn của Vũ Bão, Đảo đàn bà và Tiếng thở dài qua rừng kim tước của Hồ Anh Thái, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai... Nhà xuất bản Tranan của Thụy Điển cũng ra một bộ sách văn học Việt Nam, nhờ có sự hỗ trợ của Quỹ SIDA - Cơ quan Phát triển quốc tế của Thụy Điển: Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Cơn mưa cuối mùa của Lê Minh Khuê, Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp, Tuyển tập truyện của Hồ Anh Thái, Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, tuyển thơ của mười hai tác giả Việt Nam... Ở Hàn Quốc, sách dịch của Việt Nam còn rất ít, chủ yếu là dịch qua tiếng Anh, gần đây bắt đầu có một số người dịch thẳng từ tiếng Việt. Một trong những cuốn sớm nhất được dịch là tiểu thuyết Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng. Mấy năm qua có thêm số tác phẩm như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư... Ngoài ra ở một số nước còn một số tác phẩm cũng gây được chú ý khá rộng rãi như Thơ Hồ Xuân Hương qua bản dịch của John Balaban (Spring Essence: The poetry of Hồ Xuân Hương); Truyện Kiều bản dịch mới của Vladislav Zhukov, không chỉ dịch nghĩa mà dịch theo lối thơ cổ (The Kim Van Kieu of Nguyen Du); Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình, nhật ký Đặng Thùy Trâm...
|
Theo Văn Nghệ
Các người đẹp tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ làm gì trong một ngày? Hãy cùng Laodong.vn khám phá qua clip gồm 7.994 hình ảnh chuyển động không ngừng độc đáo
Đêm chung kết Miss Universe sẽ diễn ra tại Las Vegas (Mỹ) từ 18h ngày 23/8 (giờ địa phương), tức 8h ngày 24/8 (giờ Hà Nội). Dưới đây là 10 gương mặt có nhiều triển vọng nhất do các diễn đàn sắc đẹp bình chọn
Ngày 28-8 tới, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô sẽ diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội (giai đoạn 2010-2015), Biểu dương Người tốt, việc tốt năm 2010.
(HBĐT) - Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” huyện Lương Sơn vừa tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện phong trào giai đoạn 2000 – 2010 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2010 – 2015.
(HBĐT) - Ngày 20/8, UBMTTQ huyện Mai Châu đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện cuôc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa KDC” (1995 – 2010) và 10 năm cuộc vận động “ngày vì người nghèo”.
Chương trình nghệ thuật “Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh” sẽ được tổ chức vào 03/10/2010, là một trong những sự kiện nổi bật của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.