Cảnh phim Món nợ miền Đông.
Ngày 21/5/2010, Chính phủ đã ra Nghị định số 54/2010/NĐ-CP “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18/6/2009”. Nghị định có hiệu lực từ 7/ 7/2010. Theo đó, quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim. Nhưng xem ra chặng đường “nội địa hóa” phim Việt còn lắm gian nan và đang có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
Tìm đâu ra phim nội
Đấy là ý kiến chung của hầu hết các nhà đài địa phương, trừ Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh và Đài PT-TH Hà Nội (gọi chung là Đài HTV), vì hai đài này ngoài việc thành phố “khỏe” hơn về kinh phí đầu tư để làm phim, ngay cả các post quảng cáo, các nhà tài trợ cũng chủ yếu tập trung ở hai kinh đô văn hóa của cả nước. Do đó, việc duy trì 30% thời lượng “giờ vàng” để phát sóng phim nội với hai nhà đài này xem ra cũng đơn giản, nên họ có thể tăng thời lượng phát sóng lên tới 45 - 50% là chuyện không mấy khó khăn. Ấy là chưa kể bên cạnh họ còn có một “đại gia” là Đài VTV đều đặt ở hai thành phố này và luôn cho “hưởng lộc”.
Bài toán nan giải nhất vẫn là hơn 60 tỉnh thành trong cả nước lấy đâu kinh phí đầu tư để làm phim. Với cơ chế tự hạch toán sản xuất kinh doanh hiện nay, hầu hết các nhà đài đều chỉ biết trông chờ nguồn thu từ hợp đồng quảng cáo trên sóng. Nhưng với chi phí sản xuất 100 - 200 triệu đồng/phim có thời lượng phát sóng từ 30 - 45 phút, thì lấy đâu ra tiền để mỗi ngày ít nhất có một phim phát sóng vào “giờ vàng”. Đối với các tỉnh miền núi, vùng khó khăn về kinh tế, biên giới, hải đảo, tình hình còn khó khăn hơn khi họ đang còn phải trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương để chi cho những công việc ưu tiên như đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển sản xuất, ổn định đời sống của người dân. Phim ảnh nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung đối với các địa phương này chỉ là thứ yếu hàng xa xỉ.
Một lý do khác nữa là đầu tư sản xuất một phim nội có giá cao ít nhất gấp từ 5 - 10 lần so với mua bản quyền một phim ngoại. Theo ý kiến của một số nhà đài địa phương, nhà đài mua đứt bản quyền từ các nhà cung cấp phim Trung Quốc hay Hàn Quốc, chỉ ở mức giá vài triệu đồng/tập. Giá mua bản quyền những phim hot có thể lên đến khoảng 1.000 USD/tập, nhưng tính ra cũng chỉ bằng 1/10 so với kinh phí sản xuất phim Việt Nam. Thực tế này giải thích cho việc nhà đài tỉnh lẻ không mấy mặn mà với việc đầu tư sản xuất phim. Vậy nên “đổ đồng” tỷ lệ 30% lại trở thành việc làm khó cho các đài tỉnh lẻ và nói như một người trong nghề là “không thể thực hiện được, trừ khi Nhà nước rót tiền đầu tư”.
“Gọt chân cho vừa giầy”
Nghị định số 54/2010/NĐ-CP đã có hiệu lực cách đây hơn một tháng buộc các địa phương và các nhà đài phải tìm mọi cách để thực hiện, dù khó đến đâu. Thế là kế sách “gọt chân cho vừa giầy” được các nhà đài tính đến.
Một trong những kế sách ấy là tìm mua lại các bộ phim mà VTV và HTV đã phát sóng như: Lập trình trái tim, Những thiên thần áo trắng, Bước nhảy xì tin, Ngôi nhà hạnh phúc, Bỗng dưng muốn khó... hay những phim gần đây như: Món nợ miền Đông, Vệt nắng cuối trời... để lấp vào “giờ vàng” theo quy định. Thậm chí có nhà đài còn mua lại cả những phim thời chống Mỹ và chống Pháp để lâu trong kho lưu trữ để “thực hiện nghị định” với một nghìn lẻ một lý do khác nhau, nhưng rõ nhất vẫn là lý do những phim này ở địa phương chưa phát nên thôi thì cũ người mới ta vậy. Xem ra cách làm này của các nhà đài cũng không đến nỗi trái với tinh thần nghị định vì đấy vẫn là phim Việt. Còn việc ở địa phương đã phát sóng hay chưa chỉ có chúa mới biết.
Một số nhà đài có cách làm khôn khéo hơn. Thay vì phải làm phim truyện nội để phát sóng thì họ chuyển làm phim phóng sự, phim về các dòng họ hay về doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Những loại phim này thường có nguồn thu từ sự liên doanh, liên kết với các địa phương, doanh nghiệp, dòng họ theo cách hai bên cùng có lợi. Nếu nhà đài có phải bỏ kinh phí thì những phim này cũng dễ làm hơn phim truyện và ít tốn kém thời gian và chi phí.
Tuy nhiên vì đã có sẵn “giầy” nên các nhà đài kể cả VTV và HTV cũng đều gặp phải những vấn đề không chỉ đơn thuần về kinh phí sản xuất, mà là những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Cảnh trong phim Bí mật Eva. |
Không phải lúc nào cũng có sẵn một đội ngũ làm phim chuyên nghiệp đứng chầu chực những hợp đồng “bèo bọt” của các nhà đài. Nhưng đã lên kế hoạch kinh phí và thời gian phát sóng buộc các nhà đài phải chấp nhận méo mó, có hơn không. Thực tế hiện nay là những người có chuyên môn, nghiệp vụ từ khá trở lên đều không thiếu các “sô” có giá mời gọi. Nào là làm MC, tổ chức sự kiện, quảng cáo sản phẩm cho một hãng nước ngoài... vừa đơn giản dễ làm, tiền tươi thóc thật mà lại tiền “to” nữa! Thế thì tội gì cứ phải nằm vuốt bụng, uống nước lọc, chờ nhà đài đến mướn. Giới chạy sô có hạng hôm nay thường truyền tụng nhau câu cửa miệng: cứ hãy đứng dậy, ra khỏi nhà, ắt sẽ có tiền. Vậy là nhà đài đành botay.com, vơ vội mấy cô cậu sinh viên, mấy bà bán rau ngoài chợ, mấy anh xe ôm... vào làm diễn viên để quay phim giờ vàng cho kịp kế hoạch thời gian phát sóng. Hậu quả là khán giả khi xem dở cười dở khóc vì những vai diễn cho người ngoài hành tinh xem. Thậm chí có những phim làm ra chưa kịp chỉnh lại lời thoại khiến người xem không biết nhân vật trong phim nói gì, bằng ngôn ngữ nào, tiếng Việt hay tiếng Ảrập.
Đạo diễn xưởng phim Truyền hình Hải Phòng, thành lập từ năm 2000, cho biết: Từ năm 2005 đến nay phải tạm dừng việc làm phim vì không được cấp kinh phí. “Cơ chế và chính sách không khuyến khích chúng tôi làm phim và làm phim hay”, mặc dù trước đây nhà đài Hải Phòng thường xuyên có những phim “ẵm” giải ở các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc. Trong khi đó, hiện nay một đài được coi là đủ mạnh như Hải Phòng mà đi tìm kinh phí làm phim bằng cách đổi quảng cáo lấy giờ phát sóng như các đại gia vẫn làm thì số tiền thu về cũng chỉ đủ bù đắp 40% kinh phí, còn 60% kinh phí nữa lấy đâu ra.
Vẫn biết, hiệu lực của Nghị định 54 đã có hơn tháng nay, nhưng trên thực tế nó có được thực thi hay không và thực thi đến mức độ nào lại là một câu chuyện dài và rất dài. Vậy câu hỏi được đặt ra là bao giờ thực hiện được những quy định về tỷ lệ phát sóng và trình chiếu phim nội, hiện vẫn còn chưa có lời đáp. Liệu chúng ta có đáng buồn khi các nhà đài đang “góp phần” quảng bá không công cho văn hóa nước ngoài, còn văn hóa Việt lại để... trống? .
Theo Báo SKĐS
Trong những ngày cận kề Rằm tháng Tám, nếu bạn muốn tìm những người bán tò he tại Hà Nội thì sẽ khó khăn hơn cả việc đi tìm mua một món đồ công nghệ cao thời thượng.
Kinh phí luôn là vấn đề quan tâm nhất của mỗi dự án điện ảnh. Những con số bạc tỉ luôn dành được sự quan tâm về một bộ phim mới và vô hình chung, con số đó cũng đã trở thành một trong những "thước đo" về độ "hoành tráng" và sẽ "thành công" của một bộ phim. Thế nhưng, điều đó chưa hẳn đã đúng.
(HBĐT) - TP Hòa Bình vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2000 – 2010; tổng kết 15 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” giai đoạn 1995 – 2010.
(HBĐT) - Đà Bắc là một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh với số hộ nghèo trước những năm 2000 lên tới hơn 50%, dân trí thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Vượt lên đói nghèo bằng sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và phát huy nội lực địa phương, đời sống của người dân Đà Bắc đang từng bước được nâng lên. Cùng với đó là hiệu quả việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã góp phần đổi thay bộ mặt thôn xóm, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, tác giả ý tưởng Con đường gốm sứ ven sông Hồng - Quà tặng Thăng Long-Hà Nội 1000 năm tuổi cho biết, công trình văn hóa độc đáo này đã chính thức được ghi tên vào Kỷ lục Guiness thế giới.
Mọi cung bậc của tình yêu đều được thể hiện rõ nét qua vũ đạo. Mọi cảm xúc đều được bộc lộ qua những động tác và cực kỳ biểu đạt. Không chỉ có tình yêu mà cả công việc, những vấn đề trong cuộc sống đều được biểu hiện bằng những động tác một cách thuần thục và giàu cảm xúc.