Vào ngày cuối cùng của Triển lãm – Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ ba, cô bạn đồng nghiệp của tôi mới biết, và khi cô hớt hải phóng xe đến để xem và tìm mua sách, thì bảo vệ nói rằng, hội chợ đang dọn dẹp để đóng cửa.
Nỗi tiếc nuối vì bỏ qua cơ hội mua tìm mua những cuốn sách quý, sách hiếm với giá rẻ hơn thường ngày của cô, cũng đặt ra câu hỏi, cơ hội nào cho sách trong cuộc sống đầy ắp sự kiện hôm nay?
Những dấu hiệu lạc quan
Tổ chức đến lần thứ ba, Hội chợ sách quốc tế Việt Nam đã có những dấu hiệu lạc quan đáng kể. So với hai lần trước, hội chợ lần này đã có một quy mô lớn hơn, địa điểm đẹp và an toàn hơn cho sách, cùng với sự tham gia lần đầu tiên của Hội chợ sách quốc tế Franfurt và các tập đoàn xuất bản của Trung Quốc, các nước ASEAN- hội chợ - triển lãm đã phần nào tránh được cảnh “chợ chiều ế ẩm” như những lần trước.
Ngay từ ngày đầu tiên sau lễ khai mạc, đã có người mua sách, đã có những đầu sách bán khá chạy, đã có những hoạt động hội thảo, giao lưu bổ ích. Bộ truyện tranh biên soạn lại từ cổ tích Việt Nam, truyện dân gian của NXB Kim Đồng, các tác phẩm văn học của các giả trẻ trong nước do Bách Việt in, một số sách dịch liên kết với tư nhân, các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh... vẫn được bạn đọc chú ý tìm mua.
Đặc biệt, trong không khí chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, bộ sách tư liệu về Hà Nội xưa và nay, ấn phẩm “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” (tác giả Nguyễn Vinh Phúc) của NXB Trẻ, bộ tiểu thuyết mới của nhà văn Hoàng Quốc Hải (NXB Phụ nữ)... bán khá chạy. Những tác phẩm về lịch sử có liên quan đến Hà Nội như Mẫu thượng ngàn, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, những bộ sách về phong tục tập quán, lịch sử, địa lý của Hà Nội...xuất bản từ mấy năm trước, vẫn bán chạy đều đều.
Trong hai ngày cuối cùng của hội chợ, một số đầu sách trong gian hàng của FAHASA giảm giá đển 80-90%. Các nhà sách tư nhân bán giảm giá nhiều đầu sách tới 50-60%. Nhà sách Liên Việt có gian hàng bán đồng giá 20.000đ/cuốn. “Sốc” hơn nữa, Công ty Bách Việt đưa ra biển “một giá” 15.000 đồng và 5000đ/cuốn.
Có người sung sướng vì tìm trong gian hàng giảm giá đó những cuốn sách quý mà hiện giờ không còn thấy bán ở các nhà sách. Cuốn Hồi ký Vũ Đình Hòe, giá gốc là 177 nghìn, giảm giá chỉ còn 33 nghìn, và chỉ còn duy nhất một cuốn bán ở quầy hàng của FAHASA đã khiến một vài người tiếc rẻ. Cũng có những cuốn, phần lớn là những tác phẩm của tác giả trẻ, trong đó không ít thơ do tác giả tự bỏ tiền in, và sau nhiều năm nằm im lìm trong kho, giờ là dịp tung ra bán rẻ như cho... Tại hội chợ, còn thấy cảnh một phụ nữ trên tay cầm tập sách, tự giới thiệu là tác phẩm của mình, đi chào mời tới tận từng người mua...
Hội chợ ít người biết
Sẽ thật hân hoan khi nhìn cảnh các bạn trẻ chen chúc nhau mua sách ở quầy sách của Bách Việt, các em nhỏ chăm chú đứng ngồi đọc miễn phí ở gian hàng của NXB Kim Đồng, hoặc xếp hàng dài chờ đến lượt được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách, không khí tấp nập mua bán ở gian hàng FAHASA... Nhưng không phải gian hàng nào cũng có được niềm vui đó. Và không phải đơn vị nào tham gia hội chợ cũng chỉ với mục đích bán sách.
Nằm ngay bên phải cổng vào hội chợ, gian hàng của Nhà sách Thăng Long (Công ty Minh Thành) nổi bật ấn tượng với những kệ sách hình chiếc thuyền, chở đầy những tựa sách với bìa màu đỏ rực, chủ yếu là sách chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Có lẽ hiếm có đơn vị nào, trong dịp này cho ra mắt hơn 170 đầu sách về Thăng Long – Hà Nội với đủ mọi chủ đề, lĩnh vực, từ tiểu thuyết cho đến nghiên cứu, khảo cứ, tư liệu...
Anh Ngô Xuân Biển, đại diện của nhà sách cho biết, họ mang từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội những cuốn sách này, như một món quà đối với người dân Hà Nội trong dịp đại lễ của mình. Nhưng tại gian hàng của anh, sách chỉ để triển lãm, giới thiệu là chính.
Tình cảnh tương tự như vậy, là những gian hàng của các NXB nhà nước. Trái ngược sự chen chúc ở quầy sách Bách Việt, thì ngay cạnh đó, một dãy hàng của các NXB từ Đà Nẵng, Thuận Hóa, Điện Biên, ngay cả NXB Văn học... là cảnh lèo tèo sách vở và đìu hiu người mua bán.
Chị Nguyễn Thị Hoài Xuân, Phó giám đốc NXB Trẻ cho biết, doanh thu mà họ thu được từ việc bán sách trong hai ngày đầu diễn ra hội chợ khoảng 40 triệu đồng. Trong khi đó, tại hội chợ sách quốc tế TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 3-2010, tổng doanh thu của họ là hơn 750 triệu.
Nhưng đó là một sự so sánh khập khiễng. Bởi khác rất nhiều với hội chợ sách TP Hồ Chí Minh, từ hàng nửa tháng trước, băng rôn cờ biển quảng cáo, giới thiệu về hội chợ đã tràn ngập đường phố Sài Gòn, thì ở hội chợ sách quốc tế Hà Nội, hầu như chẳng ai biết đến, nếu không đi qua khu vực Giảng Võ trong những ngày diễn ra hội chợ. Cho đến ngày thứ ba của hội chợ, vẫn rất ít thông tin về sự kiện này trên báo chí. Và vì thế, hội chợ sách quốc tế gần như chìm lấp trong rất nhiều sự kiện ồn ã kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Cơ hội nào cho sách Việt?
Tại hội chợ, lần đầu tiên có sự tham gia của tổ chức triển lãm-hội chợ sách quốc tế lớn và uy tín nhất thế giới- Franfurt. Cùng với sự xuất hiện của họ, 800 đầu sách tiếng Đức được mang sang và tặng lại phía Việt Nam. Cũng cùng với đó, là cơ hội tìm hiểu đối tác, hợp tác giữa các nhà xuất bản nhà nước, các đơn vị làm sách tư nhân, hé mở con đường hội nhập của ngành xuất bản trong nước. Tuy nhiên, điều đó mới chỉ là hé mở.
Những kinh nghiệm hoạt động trong thị trường xuất bản mà TS. Christoph Links, thành viên giám sát Triển lãm Hội chợ sách quốc tế Franfurt đưa ra trong hội thảo, là một bài học quý cho những người làm xuất bản ở Việt Nam. Nếu căn cứ vào việc quản lý giá sách, quản lý in ấn, và đặc biệt, là cơ chế phân phối, quyền lợi của tác giả cũng như của người đọc... thì làm sách như ở Đức là một ngành kinh doanh không phải mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, đó lại là một ngành kinh doanh có vị trí và tương lai, với một môi trường tốt đẹp.
Ngay tại nước Đức, sách tiếng Việt dành cho cộng đồng người Việt tại Đức dù không nhiều, nhưng đã được chú ý. TS. Christoph Links cho biết, hầu hết đó là sách kỹ năng, kỹ thuật, dành cho bộ phận nhỏ lao động người Việt tại nước này.
Chưa nói đến chuyện xuất bản Việt Nam có mặt tại Hội chợ sách quốc tế Franfurt, hay một số hội chợ sách quốc tế khác như thế nào. Mà chỉ thử xem, sách tiếng Việt dịch ra tiếng Đức, được các NXB ở Đức in ấn ra sao, thì TS. Christoph Links cho biết, mỗi năm có khoảng từ 3-5 cuốn. Lý giải về sự ít ỏi này, ông nói, có lẽ là do Việt Nam chưa có tác phẩm văn học nào đoạt giải thế giới, hay ít ra được thế giới biết đến rộng rãi. Điều đó ảnh hưởng đến vị thế của xuất bản trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, ông nhìn nhận rằng, năm 2010 này chính là năm bản lề của xuất bản ở Đức và nhiều nước khác. Theo đó, sẽ mở ra một giai đoạn mới: giai đoạn xuất bản trong môi trường công nghệ số. Sách sẽ đến với người đọc qua ấn bản điện tử đã được mã hóa. Và với giá rẻ hơn nhiều, chỉ vài ba xu cho một ấn bản. Có khi, người mua cũng có thể mua không phải cả cuốn sách, mà chỉ trả tiền mua vài ba chục trang đọc thử.
Vậy, sẽ là cơ hội nào cho sách Việt, để đến với bạn đọc, cũng như đối với hội nhập thị trường xuất bản thế giới?
Cảnh thưa thớt ở các gian hàng khác.
Đông đảo ngườii mua sách giảm giá ở quầy sách Bách Việt.
Khu vực giảm giá sách đặc biệt.
Quầy triển lãm công phu, đẹp mắt của công ty Minh Thanh.
Trẻ em đọc sách miễn phí sách NXB Kim Đồng.
Theo Báo Nhandan
Làm phim lịch sử về Thăng Long, Long thành cầm giả ca không có những màn chiến trận ngút trời, không có nhiều cảnh gươm đao nhưng vẫn làm lay động lòng người bởi bộ phim đã tạo ra một hồn cốt Thăng Long chân thực. Ở đó có sự đồng cảm giữa những tâm hồn nghệ sĩ mong manh, những con người lưu giữ vẻ đẹp kỳ lạ của mảnh đất kinh kỳ một thủa.
Sáng 22-9, Ðoàn đại biểu Thành ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn đầu đã tới dâng hương tại Khu di tích Ðền Hùng (Phú Thọ). Cùng đi có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ.
(HBĐT) - Di tích đình Ngòi thuộc xóm 1, xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2006. Nhưng hiện nay, ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, sự tồn tại chỉ có thể tính theo từng ngày. Thực tế này rất cần có sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng trước khi di tích bị đổ sập hoàn toàn.
(HBĐT) - Ngày 21/9, tại xã Thái Thịnh, thành Phố Hoà Bình, Sở Tư pháp đã phối hợp với Bưu Điện tỉnh tổ chức triển khai làm điểm luân chuyển tủ sách pháp luật từ UBND xã sang Bưu điện văn hoá theo Quyết định 669/QĐ-UBND của UBND tỉnh “về việc ban hành kế hoạch luân chuyển sách pháp luật giữa Tủ sách pháp luật của UBND xã với điểm Bưu điện văn hoá xã”.
(HBĐT) - Ông Hà Văn Ôn, Bí thư chi bộ xóm Nà Sài xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu phấn khởi cho biết: “Để có thành tích 12 năm liền là làng văn hóa tiêu biểu đó là được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xóm đã luôn đoàn kết, phấn đấu xây dựng cuộc sống văn hóa mới ở khu dân cư (KDC)”.
(HBĐT) - Cách ứng xử, xưng hô giữa các thành viên trong gia đình cần được coi trọng bởi đó là cách tạo dựng nề nếp trong một gia đình có văn hoá, là chuẩn mực để răn dạy con cái.