Nguyễn Du (1765 - 1820), tự Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở Hà Tĩnh, sinh ở kinh thành Thăng Long. Ông là một nhà thơ lớn, là tác giả của Truyện Kiều, và nhiều sáng tác thơ văn của Nguyễn Du đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của dân tộc. Nhân kỷ niệm 245 năm Ngày sinh và 190 năm Ngày mất của ông, PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn có bài viết về cuộc đời và văn nghiệp của Nguyễn Du - người mà đến hôm nay, chúng ta vẫn tự hào khẳng định là thi hào của dân tộc...
Sinh ra và lớn lên giữa một thời tao loạn, chứng kiến biết bao cuộc đổi thay. Ngay gia đình ông cũng là cả một tấm bi kịch với sự phân hóa quyết liệt, vì người mang tâm sự hoài Lê, người nhập cuộc với Tây Sơn, có người chống đối hoặc theo về với nhà Nguyễn. Bản thân ông cũng bị xô đẩy, vừa mới được giữ một chức quan nhỏ dưới thời Lê mạt thì phong trào Tây Sơn dấy nghĩa, ông trở thành cánh bèo trôi dạt, khi ở quê vợ Thái Bình, khi về lại núi Hồng, sông Lam. Ðến ngày ra làm quan với nhà Nguyễn và được trọng dùng thì tuổi đã sang chiều, hơn nữa lại phải ở bên 'chúa lạ', nơi dẫu sao mình cũng chỉ dự một vai phụ, một chân 'chầu rìa'. Vì thế, dường như ông luôn bị phân thân, xa gần thấy triều đại nào mình cũng chịu ân sủng và cũng thấy những điều bất cập, trái chiều, khó có thể tận trung tận hiếu. Bao nhiêu ước vọng, bao nhiêu suy tư suy tưởng đành chiếu lệ một lời, đến lúc trút hơi thở cuối cùng vẫn an nhiên coi một kiếp đời thế là 'được', thay cho lời nhắn gửi, trối trăng.
Ở chặng đường tiếp nối hai thế kỷ, thơ Nguyễn Du là đỉnh cao của tiếng nói nhân văn, đồng hành với những thăng trầm lịch sử và đời sống tinh thần dân tộc. Sự nghiệp thi ca của Nguyễn Du trải dài suốt cuộc đời, có cả thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm, có cả Ðường thi và lục bát dân tộc, cả thơ đoản thiên và trường thiên. Nghiệm sinh 55 năm trên cõi đời, Nguyễn Du đã để lại cả một di sản thi ca đồ sộ với ba tập thơ chữ Hán (Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục) tổng cộng 250 bài; với những bài ca đối đáp đậm chất dân dã một thời tuổi trẻ tinh nghịch (Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu); rồi với Văn tế thập loại chúng sinh sâu thẳm tình người và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều nổi tiếng.
Khác với phần nhiều sáng tác thi ca một thời Nho giáo hưng thịnh từ vài ba thế kỷ trước, Nguyễn Du hầu như gián cách với lối thơ tụng ca vương triều, tụng ca thánh đế, tụng ca một thời vua sáng tôi hiền và ly tâm cả với lối thơ ngôn chí, xướng họa, đề vịnh quen thuộc. Thơ ông bao quát một phạm vi hiện thực rộng lớn, mở rộng diện đề tài và phản ánh đa dạng số phận con người, từ cảnh ngộ ông lão đói nghèo đến người gảy đàn ở thành Thăng Long, từ những người thường gặp chung quanh đến những nhân vật chìm khuất trong lịch sử, từ nỗi nhớ người thân đến biết bao cảnh đời trầm luân trên đường đi sứ Trung Hoa... Trên tất cả là sự nhập thân, cảm thông sâu sắc của chính tấm lòng Nguyễn Du với mọi kiếp con người. Mỗi tứ thơ, mỗi câu thơ của ông đều chan chứa nỗi niềm, bộc lộ tiếng nói cá nhân nghệ sĩ theo một cách nhìn riêng, một điểm nhìn khác biệt trước thực tại. Phải có một tâm hồn nghệ sĩ lớn, một năng lực sáng tạo phi thường và 'con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời', 'lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột' (lời Tiên Phong Mộng Liên Ðường chủ nhân) thì Nguyễn Du mới có được kiệt tác Truyện Kiều và những vần thơ chữ Hán chất nặng suy tư.
Trong giai đoạn đầu sáng tác kéo dài đến những năm ra làm quan với triều Nguyễn, Nguyễn Du có Thanh Hiên thi tập bày tỏ tâm trạng hoang mang, xót xa về thân phận 'chân trời góc bể', 'đi khắp chân trời lại đến góc biển', 'mối sầu man mác', 'một nhánh cỏ bồng đứt gốc trước gió tây', 'người đã đến bước đường cùng'... Nỗi đau đời, thương đời tiếp tục theo đuổi ông trong những ngày ra làm quan và thể hiện trong cả tập thơ Nam Trung tạp ngâm. Ðược làm quan, với ai kia thì có thể là cả một niềm khắc khoải, một dịp vinh thân và cơ may tiến thân, riêng với Nguyễn Du, ông ngại ngần và cảm nhận nhiều hơn ở phía mặt trái, những hệ lụy, ràng buộc: 'Khá thương mình đầu bạc vẫn phải chịu để người sai khiến - Không cùng với núi xanh giữ được thủy chung' (Vọng trông chùa Thiên Thai). Trong Bắc hành tạp lục, bên cạnh mấy bài thơ viết về Thăng Long dâu bể, xót thương từ một kiếp ca nhi, một nàng hầu và biết bao người xưa cảnh cũ đã phai bạc dần theo năm tháng, còn lại tất thảy đều viết về chuyến đi sứ Trung Quốc kéo dài qua suốt một năm trời. Trong tư cách một vị Chánh sứ, Nguyễn Du cũng như bao người đi sứ khác thường nói đến nỗi nhớ nhà, tình cảnh nơi đất khách quê người, những cảnh trí lạ lùng mà lần đầu mình được gặp, được biết, thưởng ngoạn. Song điều khác biệt là ông thường nhạy cảm quan sát, phản ánh cuộc sống những người dân lao động bình thường như ông cháu người hát rong ở Thái Bình, người kéo xe ở Hồ Nam, thôn, xóm bên trạm Tây Hà, thảm trạng đói rét và việc binh đao làm nghẽn đường, hình ảnh người mẹ với ba đứa con đói khổ đối lập với bữa tiệc phung phí của đám quan lại và một ý nghĩ bất chợt nảy sinh trong nhà thơ: 'Ai vẽ bức tranh này - Dâng lên nhà vua rõ' (Những điều trông thấy)... Nhìn chung, ba tập thơ chữ Hán cho thấy quá trình sáng tác phù hợp với từng chặng đường đời và tư tưởng tác giả. Xuyên suốt nội dung các bài thơ là tiếng nói trữ tình, tiếng nói nhân văn giữa một thời tao loạn, tiếng nói khắc khoải tìm về giá trị và ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người.
Nói đến thi hào Nguyễn Du đương nhiên phải nhắc đến kiệt tác Truyện Kiều. Ðến nay đã có nhiều công trình khảo sát, so sánh mối quan hệ nhiều mặt giữa kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du với nguyên tác tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Vấn đề đặt ra là Nguyễn Du đã tiếp nhận và xử lý cốt truyện Kim Vân Kiều truyện theo cung cách nào? Ông đã chủ ý lược giản cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết như thế nào - và theo chiều hướng ngược lại, chú trọng khai thác, mở rộng, gia tăng, nhấn mạnh những phương diện nội dung và nghệ thuật nào? Ðiều quan trọng hơn, những phương diện đó đã tạo nên tính quy luật như thế nào trong quá trình sáng tạo, chuyển đổi từ loại hình văn xuôi tự sự và thể loại tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện tới nghệ thuật tự sự - trữ tình và hình thức thơ Nôm lục bát Truyện Kiều như thế nào?... Có thể nhận ra một quy luật là Nguyễn Du thường lược giản hoặc tóm tắt các chương đoạn thiên về tả thực, miêu tả sự kiện và các nhân vật phụ, những đoạn đối thoại, những bài thơ xướng họa, đề vịnh, cảm khái... Ðiều quan trọng hơn, thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du còn thể hiện ở việc gia tăng chất trữ tình, khai thác tâm trạng nhân vật và diễn tả phong cảnh thiên nhiên. Xu thế gia tăng này không chỉ được đo đếm bằng số lượng câu chữ mà bao gồm cả cách thức sáng tạo, chuyển hóa, tinh luyện những trang văn trần thuật thành lời thơ sâu lắng, gợi cảm, đi sâu vào lòng người. Ngay từ mấy câu thơ mở đầu kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã bày tỏ được quan niệm sáng tác của mình cũng như khái quát được một phương diện quan trọng nhất trong nội dung trữ tình và cõi lòng thi nhân: Trải qua một cuộc bể dâu - Những điều trông thấy mà đau đớn lòng... Trong Truyện Kiều quả đã xuất hiện đậm đặc một số lượng từ cảm thán và bao quát nhiều cung bậc tình cảm, trạng thái tâm lý khác nhau... Ðồng thời, Nguyễn Du còn đề cao nghệ thuật miêu tả ngoại hình, biểu lộ đời sống nội tâm, số phận con người và phản ánh mối tương quan giữa tâm trạng, tính cách nhân vật với hoàn cảnh thực tại, triệt để khai thác, tô đậm và làm nên sắc thái 'trữ tình thiên nhiên', 'thiên nhiên tâm trạng', đạt tới đỉnh cao nghệ thuật trong nền thơ tiếng Việt.
Ðặt trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc, sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du đã kết tinh được những giá trị nhân văn bằng những trang thơ giàu cảm thông, ân nghĩa. Di sản thi ca của ông, cả chữ Hán và chữ Nôm, đã đặt ra những vấn đề quan trọng về quy luật tiếp nhận và phát triển của mỗi nền văn học dân tộc, về chính vị trí Nguyễn Du trong tư cách 'người môi giới văn hóa' vào giai đoạn cuối thời trung đại ở khu vực Ðông Á, qua đó mà chúng ta có thể xác định năng lực sáng tạo bậc thầy của nhà nghệ sĩ ngôn từ - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du...
Theo ND
Với hai mức 800 ngàn/1 vé tầng 2 và 1 triệu đồng/vé tầng 1 để đổi lấy một đêm nhạc "Là người con đất Việt" đầy ý nghĩa, xúc động diễn ra tối qua 2/11 tại Cung văn hóa Hữu Nghị quả cũng đáng trân trọng.
(HBĐT) - Nhắc đến gia đình anh Bùi Đức Lợi ở xóm Đạn, xã Vũ Lâm (Lạc Sơn), bà con xung quanh ai cũng trầm trồ khen ngợi bởi đây là một gia đình văn hóa tiêu biểu trong nhiều năm liền.
"Cầu Long Biên-Sự kết nối" là tên triển lãm ảnh của Douglas Jardine (người Mỹ) hiện là giám đốc phụ trách đối ngoại kiêm giảng viên Khoa Quốc tế học Trường Đại học Hà Nội vừa khai mạc tối qua tại 31A Văn Miếu, Hà Nội
Thậm chí, dù vòng chung kết còn chưa bắt đầu mà đã có thí sinh chắc chắn nhận giải.
(HBĐT) - Ngày 31/10, tại huyện Lương Sơn, Trung ương hội SVC Việt Nam đã tổ chức trao bằng chứng nhận của Ban tổ chức lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội cho Hội SVC Hòa Bình vì đã có nhiều đóng góp trong triển lãm SVC Việt Nam chào mừng Đại lễ.
(HBĐT) - Tôi nhớ da diết hơi ấm của bếp lửa nhà sàn. Hơi ấm ấy giống như hơi ấm của tuổi thơ trong vòng tay mẹ; hơi ấm của bắp ngô, củ khoai nướng bữa chiều đông; hơi ấm của hơi thở, của sức sống cộng đồng…