Ngày 18/2 ( tức 16 tháng giêng âm lịch) ngư dân Đà Nẵng nô nức khai hội cầu Ngư. Lễ hội cầu ngư sẽ diễn ra sôi nổi tại biển Nguyễn Tất Thành quận Thanh Khê – TP Đà Nẵng trong 2 ngày (18, 19/2 dương lịch).
Như đã thành thông lệ, cứ đến ngày 16,17/1 Âm lịch hàng năm trên bãi biển đường Nguyễn Tất Thành - Đà Nẵng lại diễn ra một lễ hội lớn của ngư dân. Đó là Lễ hội Cầu ngư của người dân chài Đà Nẵng. Theo các ngư lão Đà thành thì “cầu Ngư” để mong cho trời yên biển lặng, cho thuyền đầy tôm cá. Và khi con người bao đời nay luôn phải đối mặt với bão giông và nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả, thì “cầu Ngư”là để bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống… Lễ hội cầu Ngư của ngư dân Đà Nẵng hiện đã trở thành nét văn hóa truyền thống và tâm linh của người đi biển miền Trung…
Truyền thuyết kể rằng, lễ hội cầu Ngư được xuất phát từ lễ tế Cá Ông (cá Voi) là lễ hội lớn nhất của ngư dân Đà Nẵng. Đối với dân vạn chài thì thờ phượng Cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá.
“Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả. Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, ngư dân tổ chức lễ tế cá Ông lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam. Tại Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức rầm rộ ở những vùng chài ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp...
Còn theo các nhà nghiên cứu thì: Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng là lễ hội truyền thống của địa phương được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm với các nghi lễ như Lễ Nghinh thần, Lễ Cầu an...Cầu ngư còn là một loại hình lễ hội mang đậm nét dân gian gắn liền với cuộc sống của cư dân miền ven biển thành phố Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống, được bà con ngư dân tổ chức vào các ngày 16,17/1 Âm lịch hàng năm trên bãi biển đường Nguyễn Tất Thành...
Lễ hội gồm hai phần chính: Phần lễ được mở đầu với Lễ Nghinh Ông (Ông là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả) được bà con ngư dân tổ chức trang nghiêm với lễ rước trên biển để bày tỏ sự đoàn kết giữa các vạn chài, chứng dám lòng thành của ngư dân ngoài biển.
Tô đậm thêm không khí trang nghiêm của buổi lễ, Ban Nghi lễ Nhà thờ các phường chài sẽ tiến hành các nghi lễ cầu an, cầu ngư với mục đích bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc. Điều đó còn thể hiện khát vọng bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển.
Phần Hội được tổ chức sôi nổi, vui tươi, lành mạnh với các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao mang đậm sắc thái của bà con vùng biển như: thi đan lưới, thi làm gỏi cá, ngoáy thúng, hô bài chòi; các môn thể thao: bóng đá bãi biển, kéo co, đẩy gậy với sự tham gia của các phường chài …
Năm nay, Lễ hội cầu Ngư cũng được diễn ra sôi nổi tại biển Nguyễn Tất Thành quận Thanh Khê - TP Đà Nẵng trong 2 ngày (18, 19/2 dương lịch).
Theo kịch bản, ngày đầu thiết lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Các gia ngư phủ đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đánh cá đều chăng đèn kết hoa. Ban tổ chức sẽ chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế.
Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Có nơi còn tổ chức lễ rước Ông từ làng này qua làng khác để bày tỏ sự đoàn kết giữa các vạn chài. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế tổ chức “xin keo”. Đó là lễ Cá Ông chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Vào nửa đêm hôm đó, dân làng làm lễ chánh tế bao gồm lễ khai mõ, đội học trò dâng hương…
Phần Hội được tổ chức sôi nổi, vui tươi, lành mạnh với các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao mang đậm sắc thái, trò chơi dân gian của bà con vùng biển như: thi đan lưới, thi làm gỏi cá, ngoáy thúng; các môn thể thao: bóng đá bãi biển, kéo co, đẩy gậy với sự tham gia của 10 phường chài trên địa bàn đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến xem cổ vũ. Về văn nghệ, ngoài hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân…
Được biết, ngay sau lễ hội cầu Ngư, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng đã xuất hành ra khơi để “ hái lộc biển đầu năm”. Hy vọng, một vụ mùa tôm cá bội thu, một năm trời yên biển lặng cho ngư dân Đà Nẵng…
PV Cand online giới thiệu với độc giả một số hình ảnh lễ khai hội cầu ngư Đà Nẵng 2011 tại biển Nguyễn Tất Thành vào sáng nay ngày 18/2:
Lễ hội cầu ngư được diễn ra sôi nổi tại biển Nguyễn Tất Thành hứa hẹn một năm trời yên biển lặng, vụ mùa tôm cá bội thu cho ngư dân Đà Nẵng. |
Ngay sau Lễ “cầu Ngư”, đại gia đình của cụ Nguyễn Văn Thuận trú tổ 21 phường Thanh Khê Tây – quận Thanh Khê – Đà Nẵng đã hái lộc biển đầu với mẻ lưới đặng đầy tôm cá. |
Đình thờ cá ông hình thuyền cá hướng ra biển được xây dựng ngay tại bờ biển Nguyễn Tất Thành - Đà Nẵng. |
Theo CAND
Đã thành thông lệ từ 10 năm nay, hội thơ ngày rằm tháng giêng tiếp tục thu hút sự quan tâm của những người yêu thơ. Nhưng những cố gắng làm mới thơ của những người trong cuộc có vẻ ngày càng hụt hơi.
Thâu đêm 14/2, những làng quan họ Tiên Du - Bắc Ninh không có giờ nghỉ. Canh hát tự phát của những liền anh liền chị lão làng,những số ít người còn nắm được tường tận kỹ lưỡng khúc thức của các làn điệu quan họ cổ càng lúc càng nồng say.
Mùa phim Tết Nguyên đán năm Tân Mão là "sân chơi" của 3 phim Việt Nam gồm "Cô dâu đại chiến" của Công ty BHD; "Thiên sứ 99" của Hãng phim Phước Sang; phim 3D "Bóng ma học đường" của Hãng phim Thiên Ngân sản xuất bên cạnh một số phim nước ngoài.
(HBĐT) - Tết Nguyên đán Tân Mão, CBCCVC được nghỉ tổng cộng 8 ngày. Quy định của Nhà nước tạo điều kiện cho mọi người được vui Tết, đón xuân nhiều ngày, sau đó bắt tay ngay vào lao động, học tập với chất lượng và hiệu quả cao.
(HBĐT) - Khu danh thắng lịch sử - văn hoá Chùa Tiên - Phú Lão(huyện Lạc Thuỷ) chính thức khai hội vào ngày 6/2 (mồng 4 Tết). Tính đến ngày 17/2 (rằm tháng giêng), lượng du khách đến vãn cảnh đã lên tới 80.000 lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2010.
Quan họ của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã tròn một năm, nhưng tại lễ hội Lim (có thể coi là một lễ hội lớn của những làn điệu quan họ) tổ chức hôm 15-2 (tức 13 tháng Giêng âm lịch), ngoài những điều vui vẫn còn xuất hiện chuyện buồn…