Những người gặp anh lần đầu, đều có cảm giác người đàn ông làm việc ở vị trí Trưởng ban Chính trị - Tạp chí Cộng sản có dáng ít nói, hơi lạnh lùng, thậm chí khá xét nét và… khó tính. Nhưng, những ai hiểu anh hơn sẽ nhận ra rằng, Nguyễn Linh Khiếu là một người luôn yêu mến bạn bè, sống chân thành và có một tâm hồn lãng mạn.

 

Nguyễn Linh Khiếu hiện là PGS.TS Triết học, là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về gia đình và giới, là giáo viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học… dù vậy, Nguyễn Linh Khiếu khẳng định rằng, chỉ có thi ca mới là chốn nương thân để anh trải nỗi lòng chân thật nhất.

- Thưa nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, vừa qua, với việc được giải nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với chùm thơ ba bài "Hoa mộc miên biên giới", "Mưa rơi dọc Cam Ranh", "Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ", đã một lần nữa khẳng định dòng thơ mà anh dày công theo đuổi trong "chiếu thơ" đương đại. Anh có thể kể đôi chút về cảm hứng sáng tác chùm thơ này?

- Thực tình, khi tham gia bất kỳ một cuộc thi nào, ai có lẽ cũng mong mình sẽ được giải thưởng. Bản thân tôi cũng vậy nhưng tôi thật sự bất ngờ khi mình được giải cao nhất. Tôi vẫn nghĩ mình là một nhà thơ có tuổi đầy may mắn. Bởi tôi tự biết thơ mình không có thế mạnh về mảng đề tài quân đội. Có thể, do làm báo, lại nhiều năm "theo dõi" mảng lực lượng vũ trang nên tôi có nhiều dịp tiếp xúc, giao lưu với các chiến sỹ. Bài thơ Hoa mộc miên biên giới tôi viết trong dịp lên tặng quà đồng bào và chiến sỹ Biên phòng ở Mèo Vạc, Đồng Văn. Đó là những rung động chợt đến khi mình đứng nơi biên cương địa đầu Tổ quốc với hoa đỏ, cột mốc biên giới và người lính biên phòng. Bài Mưa rơi dọc Cam Ranh lại có cảm hứng từ một quân cảng nắng gió miền Trung với những chiến hạm, người lính biển, biển đảo và người con gái đợi chờ vời vợi nơi đất liền... giữa thời biển cả đầy sóng gió bão dông bất thường. Bài thơ Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ, được viết từ chứng tích Sơn Mỹ, nơi 504 người dân bị lính Mỹ sát hại trong một buổi sáng. Ba bài thơ này là "của hiếm" của tôi bởi thơ tôi có rất ít bài viết về thế sự. Cũng vì thế, được giải thơ Văn nghệ Quân đội là một sự ghi nhận để tôi có thể sẽ có thêm một hướng đi nữa cho chặng đường thơ của mình.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và tập thơ “Mùa thiêng”.

- Có lẽ, khi nhà thơ đưa cảm hứng thời cuộc vào thơ và gây xúc động, đồng cảm cho hầu hết người đọc, thực ra cũng là cách mà nhà thơ đồng hành cùng nỗi đau, số phận con người trước cảm thức về thời gian, không gian. Anh đã đặt mình vào từng vị trí của từng số phận ấy, hay là thơ cứ thế mà bật ra?

- Tôi không thuộc típ nhà thơ "xuất khẩu thành thơ", một cảm hứng thơ, một tứ thơ sống với tôi rất lâu, có thể hàng năm và khi chín bài thơ mới xuất hiện. Vì vậy, đối với một bài thơ, cả cảm xúc, tư tưởng, hình tượng, ngôn ngữ... hầu như không còn là tự phát. Nhà thơ đồng hành cùng rung động, suy tư của mình và cũng đồng hành cùng nhân vật của mình với đầy đủ nỗi đau, niềm hạnh phúc của số phận. Cảm hứng thời cuộc đối với tôi chính là mình là người trong cuộc. Chẳng hạn, bảo vệ biên cương, biển đảo đâu phải chỉ là nhiệm vụ của những người lính biên phòng, hải quân mà là của mọi người, của tôi; bảo vệ trật tự, an ninh đâu phải chỉ là nhiệm vụ của các chiến sỹ Công an mà là nghĩa vụ của mọi công dân, của tôi. Cũng như, nói về vụ tàn sát Sơn Mỹ đâu phải chỉ nói về máu và nước mắt mà trước tội ác ấy mọi người cần đoàn kết lại để ngăn chặn chiến tranh, ngăn chặn tội ác. Nhà thơ phải tích cực tham gia ngăn chặn cái ác. Đối với tôi, nhà thơ bao giờ cũng là người trong cuộc và anh ta nói tiếng nói của người trong cuộc. Tôi nói với tâm thế ấy: "Chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới/ hoa mộc miên cũng rực đỏ triền sông rực đỏ vách núi rực đỏ tâm can/ mộc miên đỏ một trời biên viễn/ như máu tươi ròng rã ngàn năm/ Dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén/ người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông/ thanh vắng vẳng tiếng hoa tầm tã/ khuya khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông/có ai trồng mộc miên biên giới/ hay biên cương cây tìm đến mọc lên/ hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái/ cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương". (Hoa mộc miên biên giới)

- Tôi cho rằng, mỗi người viết nói chung, mỗi nhà thơ nói riêng, khi làm thơ đều mang trong mình một nỗi niềm tâm sự trắc ẩn nào đó. Và lẽ dĩ nhiên, anh cũng là một nhà thơ khi cầm bút viết không ngoài quy luật đó. Ở trong hầu hết những tập thơ của anh như: "Chùm mơ tiên cảnh", "Mùa thiêng", "Hoa Linh" đều hiện rõ cảm giác về quê hương, dòng chảy nguồn cội, đặc biệt là những cảm thức về dòng sông Hồng chở nặng phù sa… Có điều gì khiến anh trăn trở nhiều đến vậy?

- Tôi sinh ra trên mảnh đất cửa sông Hồng. Đó là nơi gặp gỡ giữa đất liền và biển cả. Suốt tuổi thơ chúng tôi chơi đùa và kiếm sống trên bãi sa bồi sông Hồng. Mỗi mùa nước nổi, phù sa sông Hồng đỏ rực, lênh láng tràn ngập cánh đồng làng tôi, tràn ngập bờ tre, khóm chuối quanh nhà mình. Sự mỡ màu của đất, sự phì nhiêu của nước, sự tốt tươi của cây cỏ và sự sinh sôi nảy nở của muôn vật là những hình bóng luôn luôn sống động trong tâm trí tôi. Đối với tôi sông Hồng không chỉ chở nặng phù sa mà phù sa sông Hồng quần tụ lại sản sinh ra đất và người quê tôi. Cảm giác về quê hương, nguồn cội của thơ tôi chính là tâm thức văn hóa - sinh thái châu thổ sông Hồng. Đó là châu thổ sông Hồng trù phú, màu mỡ và tưng bừng sinh sôi nảy nở. Một châu thổ mở sinh thành giao hòa cùng biển cả. Có thể vì thế mà nhà văn Văn Chinh nói rằng thơ tôi dào dạt phù sa non, còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì cho rằng thơ tôi mang tâm thức mở đất của người sinh ra ở vùng đất mới.

- Đương nhiên là ai sinh ra ở làng quê, khi lớn lên và trưởng thành cũng đều mang trong mình những ký ức không thể quên. Anh có thể chia sẻ vài kỷ niệm tuổi thơ của mình?

- Đúng vậy, ai ra đi từ làng quê cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu. Dĩ nhiên rồi, tôi cũng vậy, ở đây, tôi chỉ xin nói về một ấn tượng nhỏ thôi. Khi tôi còn nhỏ, tôi nhớ khi những trận mưa rào đầu tiên cuối xuân đầu hạ cùng sấm chớp đổ xuống trong đêm thì khắp làng quê tiếng ếch nhái, côn trùng, muông thú bỗng tưng bừng vang dội một thứ âm thanh lạ lùng và cũng không hiểu sao tôi có cảm giác vào những giây phút linh thiêng ấy làng quê vô cùng nôn nao, rạo rực không sao ngủ được. Những đêm mưa đầu mùa ấy năm nào cũng diễn ra ấy không hiểu sao đồng bãi, làng quê bao giờ cũng vô cùng nguy nga, tráng lệ. Đến tận bây giờ tôi cũng không sao cắt nghĩa được những giây phút thiêng liêng đó ở làng quê khi mình còn bé thơ. Nó luôn như một giấc mơ mờ ảo thỉnh thoảng lại hiện về.

- Trở lại với những tập thơ, nếu dõi theo chặng đường sáng tác của anh, có thể thấy rất rõ sự thay đổi về hình thức. Từ một người làm theo thể thơ truyền thống (trong tập "Chùm mơ tiên cảnh", "Mùa thiêng"), nhưng đến tập "Hoa Linh" thì Nguyễn Linh Khiếu "lột xác" cho thể thơ của mình ở những câu thơ dài, không câu nệ vào vần điệu mà neo vào cảm xúc. Vì lẽ gì trong một thời gian ngắn, anh lại có sự thay đổi ấy?

- Cảm ơn chị đã nhận ra sự thay đổi đó. Đúng là ở tập Chùm mơ tiên cảm và một phần tập Mùa thiêng tư duy thơ tôi còn mang nhiều dấu ấn thơ "truyền thống", nhưng đến cuối tập Mùa thiêng và tập Hoa Linh thì thơ tôi đã thay đổi thi pháp thơ. Đó cũng là một nhu cầu nội tại của mỗi nhà thơ. Nhà thơ là một nhân cách sáng tạo luôn đổi mới vì vậy họ luôn bị thôi thúc bởi những động lực sáng tạo là cách tân thơ mình. Mỗi nhà thơ có sự cách tân thơ mình theo những động lực khác nhau, con đường khác nhau và do đó cũng đưa đến những kết quả khác nhau. Sự cách tân của tôi đối với thơ tôi đã tạo ra một thơ tôi như chị đã thấy "những câu thơ dài, không câu nệ vào vần điệu và neo vào cảm xúc". Quả là như thế, nhưng đối với tôi làm thế nào thơ gần với ngôn ngữ đời sống hơn mới là quan trọng và khi bạn đọc thơ tôi thì bạn cũng đồng thời trở thành chủ thể sáng tạo ra bài thơ ấy. Sự khác biệt của thơ tạo ra chân dung các nhà thơ.

- Được biết, anh vốn được đào tạo bài bản về triết học, có bằng tiến sĩ và được phong chức danh PGS Triết học. Vậy, những kiến thức về triết học có bổ trợ và trở thành "động lực" cho chặng đường thơ ca của anh?

- Hình như là có. Có một số nhà phê bình khi nói về thơ tôi có nói về sự ảnh hưởng của triết học đối với thơ tôi. Nhưng tôi hầu như không nhận biết được điều này. Bởi vì đối với tôi, triết học, khoa học, báo chí hay thơ ca cũng chỉ là phương thức khác nhau tôi thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và thái độ của mình đối với thế giới. Những kiến thức triết học rất quan trọng đối với đời sống của tôi và chắc là nó cũng sẽ quan trọng đối với các hoạt động sống của tôi, dĩ nhiên, trong đó có thơ. Thực lòng tôi không biết triết học có bổ trợ và trở thành động lực của thơ tôi hay không. Nhưng có thể nó góp phần tạo ra sự khác biệt của thơ tôi.

- Mười năm qua, sau tập "Hoa Linh" anh chưa in thêm một tập thơ nào dù có trong tay bản thảo của một tập trường ca dày hàng trăm trang. Điều gì khiến anh cấn cá đến vậy?

- Thực ra, không có điều gì làm tôi cấn cá đâu. Với tôi mọi chuyện vẫn đang rất ổn. Tôi vẫn viết bình thường và cũng có một vốn kha khá. Một bản trường ca (thơ văn xuôi) hơn 300 trang bản thảo, một tập thơ hơn 60 bài. Đúng là, gần 10 năm qua tôi dành hết thời gian tập trung vào trường ca Phồn sinh. Bây giờ thì đã hoàn thành rồi, tôi đang hoàn thiện để có thể xuất bản. Thơ nhiều khi cũng giống rượu, càng có tuổi càng đáng yêu. Có những câu thơ tâm đắc tôi viết trong chương "Dòng sông mẹ" có thể đọc tặng bạn đọc ngay lúc này: "Sông Hồng lẫy lừng dòng máu trời đỏ thắm/ nơi ta sinh sông Hồng nồng nàn đắm mình cùng biển biếc/ cửa càn khôn muôn thuở khai nguyên/ nơi ta sinh nước dòng sông gặp gỡ nước biển khơi dạt dào bão táp/ nước dòng sông ngọt sắc mát lành gặp gỡ nước đại dương sắt se mặn chát/ những ngọn sóng véo von lăn tăn vỗ về bao bến sông tình tứ hò hẹn hòa nhập vào những sóng thần bạc đầu dữ dội vĩ cuồng/ nơi tồn tại cuối cùng định mệnh một dòng sông chỉ chớp mắt tan hòa cùng biển cả/ dòng sông thành vô cùng sóng vỗ vô cùng biển cả thăm thẳm biếc xanh…".

- Làm thơ và làm công việc liên quan đến chính trị ở Tạp chí Cộng sản là hai việc có vẻ mâu thuẫn với nhau. Một bên cần sự tỉnh táo đến từng chi tiết và một bên thì cần sự lãng mạn, bay bổng, hình tượng. Anh có lẽ đã phải luôn đấu tranh để "phân thân" trong những trạng huống khác nhau đó?

- Chị nói rất đúng. Tôi luôn bị phân thân trong những trạng huống khác nhau đó. Nhưng hình như về bản chất thơ ca và chính trị cũng chỉ là một. Nó là những yếu tố tất yếu của đời sống đương đại. Thơ ca không có chính trị đó là những cảm xúc trống rỗng, chính trị không có thơ ca sẽ dẫn đến những hành xử phi nhân tính. Thơ ca và chính trị đều của con người, do con người và xét đến cùng chúng tồn tại cũng chỉ vì con người, do đó mục đích của chúng là một và bản chất của chúng cũng là một. Vì vậy, tôi có "phân thân" thì cũng là để mình thống nhất, hoàn thiện hơn mà thôi.

- Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu!

 

                                                                                      Theo CAND

Các tin khác

Ông Tuấn và bộ sưu tập đồ sộ
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Thêm 39 xã được nhận thiết bị văn hóa mới

Sở VH,TT&DL Hà Nội vừa tổ chức trao thiết bị văn hóa phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cơ sở năm 2010 cho 39 xã thuộc 19 huyện trên địa bàn TP.

Tập hợp sức mạnh nhân dân xây dựng đời sống văn hoá mới

(HBĐT)- Lạc Thuỷ là mảnh đất có truyền thống anh hùng trong đấu tranh cách mạng và bản sắc văn hoá với những phong tục tập quán tốt đẹp. Cùng với đó là trình độ dân trí đã từng bước nâng cao, đáp ứng ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, phát triển KT- XH. Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện đoàn kết sức dân, chung tay xây dựng đời sống văn hoá mới.

Tiến tới Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm Tân Mão 2011

Ngày 6-4, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Khu di tích lịch sử Ðền Hùng (Phú Thọ).

Kịch tìm đường... co cụm

Gần đây, một số điểm diễn sân khấu có sự thay đổi, nên nhiều người đặt câu hỏi liệu kịch TP.HCM đang suy yếu?

“Bánh xe tri thức” - Chắp cánh cho những ước mơ

Nằm ở ngoại thành cách trung tâm thủ đô Hà Nội 40km, song Trường Tiểu học Phù Lưu Tế (Mỹ Đức - Hà Nội) lại trong vùng thuần nông nên các em học sinh vô cùng háo hức và tò mò khi lần đầu tiên được tiếp xúc với máy vi tính, được bước vào thế giới mạng với bao điều hấp dẫn và kỳ thú. Chính nhu cầu chính đáng của các em đã chắp cánh cho chương trình “Bánh xe tri thức”- mô hình thư viện di động đầu tiên được triển khai tại Hà Nội.

90 nghệ nhân dự Liên hoan diều Đông Nam Bộ

Liên hoan diều miền Đông Nam Bộ chính thức khai mạc ngày 6/4, tại khu du lịch Biển Đông, thành phố Vũng Tàu

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục