Ông Tuấn và bộ sưu tập đồ sộ
Bất kỳ ai trong giới chơi cổ vật cũng thèm thuồng khi nhìn thấy bộ sưu tập đồ sộ lên tới hàng nghìn món của Đoàn Anh Tuấn. Còn người đàn ông với mái tóc búi tó ấy lúc nào cũng chỉ thích được đóng thùng cổ vật mang đi “bày cỗ”.
Đoàn Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam) tuổi không còn trẻ nhưng năm nào ông cũng đôn đáo tổ chức hàng chục triển lãm, hiến tặng cổ vật cho bảo tàng, di tích trên khắp mọi miền đất nước. Ông có thể ngừng hết mọi công việc để đi giảng bài miễn phí về cổ vật cho sinh viên. Hàng chục năm lăn lộn với nghề giúp ông trở nên sành sỏi, có khi chỉ cần nghe tả là có thể phán ngay món ấy thật hay giả.
Bộ nhà gốm độc đáo
Ngôi nhà nằm trong ngõ phố Kim Ngưu (nơi ông ở cũng là nơi đặt trụ sở trung tâm) luôn chất kín cổ vật. Trong số cổ vật này, người ta có thể tìm thấy hầu như mọi dấu tích của các giai đoạn lịch sử từ thời tiền sử cho tới Đinh, Lê, Lý-Trần, Nguyễn, các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo... Cơ man nào trống đồng, đồ trang sức, đồ tùy táng, đồ gốm, sứ, binh khí, nhạc khí, tế khí, dụng cụ sản xuất của người xưa... Ông sưu tập bài bản, có thể chia thành nhiều bộ sưu tập nhỏ, bộ sưu tập nào cũng đa dạng và phong phú.
Có những món cực độc và lạ. Chẳng phải ngoa nhưng nhiều dân chơi còn chưa được nhìn thấy tận mắt bao giờ. Chẳng hạn như bộ mô hình nhà gốm nhỏ của người Việt có từ thế kỷ thứ 1 - thế kỷ 3 trước và sau công nguyên. Thoạt nhìn thì thấy các ngôi nhà nhang nhác nhau, nhưng nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy chúng khác nhau về chất liệu, cách nung và cả mục đích sử dụng của người xưa.
Cuộc đấu giá đầu tiên tại Hà Nội Ông Tuấn vẫn nhớ kỷ niệm về cuộc đấu giá cổ vật đầu tiên tại Hà Nội, đó là buổi gây quỹ và ủng hộ người nghèo do Báo Lao Động tổ chức vào ngày 2.12.2002. Cổ vật được đấu giá là chiếc hũ gốm men trắng của người Việt có từ thế kỷ 7-8. Ban tổ chức định giá 100 ngàn đồng. Nhà sử học Dương Trung Quốc có mặt tại đó trả 5 triệu đồng, ngay sau đó nhà sưu tầm Dương Phú Hiến trả 1.000 USD. “Lúc đấy, tôi nghĩ mình phải mua bằng được chiếc hũ vì cuộc đấu giá này rất trong sáng và sẽ không có cơ hội nào tốt hơn để khẳng định giá trị của những cổ vật mà trước đó giới chơi ít quan tâm” - ông nói. Ông gọi điện cho bạn bè để vay thêm tiền và đã mua được chiếc hũ với giá 18 triệu đồng. Sau gần 10 năm, ông vẫn giữ gìn chiếc hũ và thường xuyên mang đi trưng bày. |
Những ngôi nhà làm bằng gốm xốp được sử dụng làm đồ tùy táng. Người xưa quan niệm, người dưới cõi âm cũng cần có nhà nên khi chết phải chôn theo cùng. Còn các ngôi nhà làm bằng chất gốm nhuyễn hơn, có tráng men lại là mô hình cho các nhà khá giả thời đó trưng bày. Muốn ngắm nghía kỹ càng tất cả các món mà ông có không thể hết trong nhiều ngày.
Phát hiện từ những chiếc muôi cổ
Tính ông là, hễ nhìn thấy món cổ vật nào còn chưa có trong một bộ sưu tập (chẳng hạn như bộ nhạc khí thời tiền sử) là ông luôn cố gắng mua về cho được dù có lúc “không có đồng nào trong người”. Ông kể, có lần lặn lội đường sá xa xôi chỉ để mua lại một mảnh gốm vỡ để thêm vào bộ sưu tập.
Nếu mua cổ vật về chỉ để ngắm nghía thì không phải là cái thú của ông. Hễ có món nào mới là ông Tuấn phải tìm cách “giải mã” ngay, tức là nghiên cứu về các giá trị lịch sử, văn hóa, công nghệ chế tác... Phát hiện ra điều gì mới là ông sướng rơn.
Ông gỡ lớp giấy quấn quanh mấy chiếc muôi đồng có niên đại cách đây khoảng 2.500 năm thời Đông Sơn một cách cẩn thận, rón rén: “Nhìn còn nguyên thế này thôi nhưng động mạnh vào là vỡ hết đấy”. Chỉ những chiếc muôi có kiểu dáng khác nhau, ông Tuấn xuýt xoa: “Ngắm mấy cái muôi cổ này mà ngưỡng mộ tổ tiên ta quá. Cách đây mấy nghìn năm rồi mà chiếc muôi còn hiện đại hơn cả bây giờ”. Nói rồi, ông cầm chiếc muôi có tay cầm dài, uốn cong, mỏng dẹt, trơn nhẵn lên, chỉ những vết răng cưa nhỏ trên cán cầm (nếu không để ý kỹ thì rất khó nhận ra). Thắc mắc vì sao lại có những vết này, ông cười: “Các cụ làm như vậy để khi dùng muôi múc đồ có nặng thì cũng không bị trơn, trượt tay”. Một chiếc muôi to, dày hơn trông gần giống với kiểu chiếc muôi mà chúng ta dùng ngày nay, chỉ có khác cuối cán cầm có cái gờ nổi lên, một kiểu thiết kế sáng tạo để người dùng cầm cho chắc. Ông hỉ hả: “Hay chưa? Quý chưa? Tôi không thể ngờ tổ tiên ta vào thời đó đã có sáng kiến thông minh, đơn giản mà vô cùng hữu dụng như vậy. Có những chi tiết rất nhỏ, nhiều người chả để ý đến, nhưng nếu chịu khó nghiên cứu, ta sẽ thấy ngỡ ngàng”. Bộ sưu tập muôi cổ của ông có một chiếc hình dạng rất đặc biệt, giống như cái gàu nhưng nhỏ hơn, đúc bằng đồng rất dày. “Tôi chưa tìm ra công dụng của nó. Có thể người xưa dùng để múc rượu nấu” - ông đoán.
Trong khi chuyện trò, ông bảo đừng hỏi về giá cổ vật, bởi “đắt với người này, rẻ với người kia”. Ông sống bằng nghề chế tác đá quý. Tiền kiếm được ông để mua cổ vật, chứ không bao giờ nghĩ đến việc kiếm tiền từ bán cổ vật. Lạ là, ông không bán mà chỉ thích tặng. Nếu tính số cổ vật mà ông tặng cho các bảo tàng quốc gia, địa phương chắc cũng phải lên tới con số nghìn. Hỏi ông sao không mở một bảo tàng tư nhân, ông cười: “Tôi chả có tiền. Vả lại ở nước ta rất nhiều bảo tàng còn rộng chỗ lắm mà triển lãm ở nhiều nơi thì con cháu chúng ta có điều kiện tìm hiểu lịch sử thuận lợi hơn”. Năm nào, ông cũng cùng hội viên đưa cổ vật đi triển lãm lưu động khắp nơi, theo cách ông gọi là đi “bày cỗ văn hóa” để mọi người hiểu và trân trọng những di sản mà người xưa để lại.
Theo ThanhNien
(HBĐT)- Lạc Thuỷ là mảnh đất có truyền thống anh hùng trong đấu tranh cách mạng và bản sắc văn hoá với những phong tục tập quán tốt đẹp. Cùng với đó là trình độ dân trí đã từng bước nâng cao, đáp ứng ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, phát triển KT- XH. Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện đoàn kết sức dân, chung tay xây dựng đời sống văn hoá mới.
Ngày 6-4, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Khu di tích lịch sử Ðền Hùng (Phú Thọ).
Gần đây, một số điểm diễn sân khấu có sự thay đổi, nên nhiều người đặt câu hỏi liệu kịch TP.HCM đang suy yếu?
Nằm ở ngoại thành cách trung tâm thủ đô Hà Nội 40km, song Trường Tiểu học Phù Lưu Tế (Mỹ Đức - Hà Nội) lại trong vùng thuần nông nên các em học sinh vô cùng háo hức và tò mò khi lần đầu tiên được tiếp xúc với máy vi tính, được bước vào thế giới mạng với bao điều hấp dẫn và kỳ thú. Chính nhu cầu chính đáng của các em đã chắp cánh cho chương trình “Bánh xe tri thức”- mô hình thư viện di động đầu tiên được triển khai tại Hà Nội.
Liên hoan diều miền Đông Nam Bộ chính thức khai mạc ngày 6/4, tại khu du lịch Biển Đông, thành phố Vũng Tàu
(HBĐT) - Nghị quyết số 17-NQ/2004/HĐND-14, ngày 22/7/2004 của HĐND tỉnh về việc thực hiện chương trình xây dựng nhà văn hoá xóm, bản giai đoạn 2005-2010 được ban hành đã tạo nền tảng cho phong trào xây dựng nhà văn hóa thôn, bản ở tỉnh ta phát triển sâu rộng. Tiếp đó, Đề án xây dựng nhà văn hóa xóm, bản giai đoạn 2005-2010 được UBND tỉnh phê duyệt với những nội dung cụ thể tạo động lực cho việc triển khai ở cơ sở.