Theo ông Bùi Quốc Chủm, nhà sàn của dự án đã bị mất đi tính chất nguyên bản của nhà sàn đặt trong không gian văn hóa là làng Mường cổ.
(HBĐT) - Theo kế hoạch, dự án đầu tư công trình bảo tồn, tôn tạo xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) thành làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường được triển khai thực hiện từ giữa năm 2009 và hoàn thành trong năm 2010 với tổng mức đầu từ gần 11,7 tỷ đồng.
Đây là một trong số 20 làng truyền thống được Nhà nước đầu tư xây dựng. Song, cho đến nay, dự án này vẫn còn dang dở, nhiều hạng mục đầu tư đã bộc lộ những bất cập, kiến trúc bản sắc truyền thống được lưu truyền của người Mường hàng trăm năm qua đã bị phá vỡ.
Đâu rồi làng Mường cổ?
Xóm ải vốn được công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người từ năm 2008. Đến tháng 10/2008, Bộ VH-TT&DL đã có ý kiến về đầu tư xây dựng xóm ải nhằm mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường. Kết hợp giữa bảo tồn văn hóa dân tộc với phát triển dịch vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Theo báo cáo về việc thực hiện dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Mường của Sở VH-TT&DL, sau gần 2 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay mới chỉ hoàn thành việc xây lắp các hạng mục công trình phụ trợ như: nhà sinh hoạt cộng đồng, đường nội bộ, trồng cây trong khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng và làm nhà vệ sinh, chuồng trâu, bò cho 37 hộ dân. Còn Các hạng mục quan trọng như: bảo tồn văn hóa phi vật thể, dạy, khôi phục nghề truyền thống, mua sắm nhạc cụ, dạy dân ca, dân vũ; hỗ trợ cải tạo 10 hộ dân và tôn tạo cảnh quan trong, ngoài làng vẫn chưa được triển khai. Trên thực tế, dự án dở dang, hạ tầng chưa hoàn thiện, cảnh quan nhếch nhác là điều dễ nhận thấy. Khó có thể nhận biết đây là không gian văn hóa của dân tộc nào và nếu không được giới thiệu chắc cũng chẳng mấy ai biết được đây là làng văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường và là một trong số 20 làng văn hóa dân tộc tiêu biểu của cả nước. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết: Quá trình triển khai dự án dàn trải, chậm tiến độ. Lẽ ra đến nay, dự án đã phải xong rồi nhưng hiện tại vẫn chưa ổn. Các hạng mục đã triển khai bộc lộ quá nhiều bất cập. Người dân rất đồng tình và mong chờ dự án nhưng quá trình thực hiện thì thất vọng vì những công trình làm xong không đúng tính chất là làng Mường, văn hóa Mường.
Một trong những bất cập mà bất kỳ ai cũng có thể thấy đó là hạng mục chuồng trâu, bò không đảm bảo. Vừa nhỏ lại hẹp, nhốt 1 con thì vừa, mà nhốt 2 con thì chật. Cái thạo (song ngang) làm thưa quá, con bê có thể chui qua được. Không chỉ có vậy, nhà cộng đồng được dựng lên theo thiết kế không đúng với tính chất, bản sắc nhà người Mường. Chỉ cần so sánh giữa nhà sàn của người dân xung quanh đó với nhà sàn theo dự án khác hẳn nhau. Nó chỉ giống nhau ở mái lợp cỏ gianh và sàn bương. Còn cái vách, bố trí cột và cách thiết kế không giống với nhà sàn truyền thống của người Mường. ông Bình cho biết thêm. ông Bùi Quốc Chủm, 70 tuổi, một người dân trong xóm cười buồn: Bản thân tôi là người Mường, đến thời điểm này, thấy dự án triển khai hiện lên không giống làng Mường. Nhà sàn của người Mường đâu có ai đi làm cầu thang 10 bậc, chỉ làm theo số lẻ, vậy mà nhà sàn của dự án làm đến 12 bậc, sau khi có sự góp ý, người ta chỉ cắt đi 2 bậc. Nhà sàn ngày xưa chỉ xẻ gỗ rồi thưng không có hoa văn ngang dọc gì cả nhưng nhà sàn của dự án ở đây lại cho thêm hoa văn vào, mất đi tính chất nguyên bản của nhà sàn đặt trong không gian văn hóa là làng Mường cổ. Ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm ải cho biết: Nếu ở nơi khác có thể thoải mái đưa những những hoa văn, họa tiết, cách điệu vào nhưng ở đây là không gian văn hóa của làng Mường cổ, đưa các hoa văn, họa tiết cách điệu vào sẽ phá vỡ không gian văn hóa này. Nếu để sử dụng thì được nhưng ở góc độ văn hóa, bảo tồn giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc, chúng tôi không đồng tình. Có thể không làm đúng nguyên mẫu 100% nhưng ít ra cũng phải đạt từ 70 - 80% vẫn hay hơn. Theo tôi đây chỉ 50% giống. Nó chỉ được gọi là nhà sàn, không phải là nhà sàn của người Mường vì nó không có cái hồn của người Mường trong đó. Ngay khi bước lên cầu thang nhà sàn, chúng tôi đã không cảm nhận được nét văn hóa của dân tộc mình.
Sự lệch pha văn hóa này có phải bắt nguồn từ việc chủ đầu tư không tham gia ý kiến của người dân bản địa. Dù là chủ thể của dự án bảo tồn nhưng người dân ở đây đều không biết gì về kế hoạch hay bản vẽ, kiến trúc của dự án?!
Người dân có được tham gia dự án?
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Linh, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc cho biết: Tôi chỉ biết có dự án này triển khai ở xóm ải, khi khởi công, nghiệm thu các hạng mục cũng được mời tham gia. Chẳng rõ dự án triển khai bắt đầu từ năm nào đến khi nào hoàn thành. Tôi cũng chẳng biết ở huyện có ai tham gia vào dự án với vai trò gì hay không. Dù vậy, khi trao đổi với chúng tôi ông Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch Sở VH-TT&DL, đại diện chủ đầu tư cho rằng, trong quá trình triển khai dự án chúng tôi đã có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức tham khảo ý kiến nhân dân trước khi triển khai xây dựng các hạng mục công trình. Tuy nhiên, về phía chính quyền, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND xã cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án, sự tham gia của người dân rất hạn chế. Xã không nắm được dự án và không rõ huyện có ai là thành viên tham gia dự án. Cùng đồng tình với quan điểm của ông Bình, ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm ải cho biết thêm: Việc triển khai dự án thời kỳ đầu bên khảo sát thiết kế về cùng địa phương tổ chức khảo sát toàn bộ địa hình, nhà cửa của bà con nhân dân. Sau đó đi thiết kế thực trạng thì chúng tôi không biết họ thiết kế, làm như thế nào, địa phương cũng chẳng biết dự án thi công như thế nào hoặc vốn kinh phí đầu tư là bao nhiêu.
Từ thực tế thiếu sự tham khảo ý kiến người dân nên khi cải tạo những hạng mục nhỏ cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều nhà được hỗ trợ làm chuồng trâu nhưng đều phải gia cố lại. Còn các công trình vệ sinh mới sơ sài, tạm bợ, mái gianh mỏng chỉ có thể sử dụng được trong những ngày nắng, ngày mưa sử dụng thì phải đội nón, mặc áo mưa.
Có thể nói, dự án phục dựng làng Mường cổ xóm ải là một chủ trương đúng nhằm mục đích giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. Thế nhưng một dự án mang tầm quốc gia với tổng mức đầu tư gần 11,7 tỷ đồng không được như mong muốn của người dân xóm ải đợi chờ. Khi chính người dân cũng không cảm nhận được nét văn hóa bản Mường, cái hồn Mường. Lúc đó, xóm ải có còn là làng Mường cổ như người ta vẫn mong đợi?
Mạnh Hùng
Nhóm tứ tấu jazz danh tiếng thế giới Max.Bab (Đức) sẽ có buổi biểu diễn vào 20h ngày 17-9 tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học) và 20h ngày 18-9 tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh (112 Nguyễn Du, quận 1).
(HBĐT) - Trong những ngày tháng 9, về Kim Bôi - quê hương Mường Động, một trong bốn Mường nổi tiếng của tỉnh sẽ gặp không khí náo nức với những hoạt động sôi nổi hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh.
100 bức ảnh về chiến tranh Việt Nam của cố nhà báo Wilfred Burchett đã được giới thiệu trong triển lãm Wilfred Burchett và Việt Nam, khai mạc sáng 14.9 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).
Đến nay, chỉ chưa đầy 2 tháng đã có không ít các ca sĩ “cộm cán” trong làng nhạc Việt đồng loạt ra album cùng với những liveshow, “sân chơi” nhiều màu sắc của riêng mình để gạt bỏ những ầm ĩ của showbiz suốt thời gian qua.
Về làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), chứng kiến những ngôi nhà mái ngói khang trang còn thơm mùi đất của hơn 115 hộ dân đồng bào dân tộc người B'râu sinh sống, ít ai biết được rằng, trước đây, họ đã có những tập tục mang bản sắc rất riêng không giống bất cứ dân tộc nào...
Cải lương miền Bắc đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về mặt khán giả - đó là nhận định chung của các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu tại Hội thảo “60 năm bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương trên đất Bắc” do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức đầu tháng 9 vừa qua.