Nhà văn Ma Văn Kháng...
Để đặt được dấu chấm cuối cùng cho cuốn tiểu thuyết "Đồng bạc trắng hoa xòe" là cả một quá trình vất vả, với 4 lần sửa chữa, viết lại từ chữ đầu đến chữ cuối gần một ngàn trang viết tay, sau khi nhận được những góp ý từ Nhà xuất bản Văn học. Tiểu thuyết "Đồng bạc trắng hoa xòe" mang lại cho nhà văn 6.000 đồng nhuận bút (so với mức lương 96 đồng của ông).
LTS: Mỗi người cầm bút viết văn có lẽ không bao giờ quên buổi đầu đến với văn học như thế nào. Trong lịch sử, có những nhà văn nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tiên, nhưng cũng có những nhà văn phải trải qua rất nhiều thăng trầm, khó khăn để có thể viết nên tên tuổi của mình trong đời sống văn học và trong lòng bạn đọc. Tìm hiểu về những trang viết đầu tiên của nhà văn cũng là một cách lý giải về những lựa chọn của họ trên con đường sáng tạo của mình. Trong buổi ban đầu ấy, mỗi người cầm bút còn vô danh đều có những lý do khác nhau để đến và ở lại trong văn học. Nhưng có lẽ để trở thành những nhà văn nổi tiếng hôm nay, để có thể kể về những trang viết đầu tiên của mình, họ đều là những người đã dành nhiều năm tháng cuộc đời cho việc phụng sự cái đẹp và sáng tạo ra những giá trị nhân văn, hữu ích cho cuộc đời và con người. CAND cuối tuần từ số này sẽ mang đến cho bạn đọc những câu chuyện thú vị về các nhà văn nổi tiếng qua việc tìm hiểu những tác phẩm đầu tay của họ.
Chúng tôi mở đầu chuyên mục này bằng cuộc trò chuyện với một nhà văn rất quen thuộc với độc giả, “càng già càng cay” trong văn chương.
Trong đời sống văn học Việt
- Thưa nhà văn Ma Văn Kháng, trong sự nghiệp sáng tác của ông, có hai thể loại mà ông theo đuổi, thể loại nào cũng sung sức như nhau, và cũng đều có những thành tựu lớn, là truyện ngắn và tiểu thuyết. Vậy, nhà văn có thể kể về những trang viết đầu tiên của ông ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?
+ Giống như nhiều nhà văn khác, tôi "tập dượt" công việc viết văn của mình bằng viết truyện ngắn. Cái truyện đầu tiên tôi viết năm 1961 được in trên tạp chí Văn học là truyện "Phố cụt". Truyện kể về một con phố ở Lào Cai những năm hòa bình vừa lập lại, cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả, nhưng là một cuộc sống mới rất ấm áp và đầy ắp tình thương yêu. Trong con ngõ nhỏ heo hút miền núi, tình yêu và hạnh phúc đã bắt đầu nhen nhóm một cách giản dị từ những mảnh đời đơn chiếc, những số phận buồn đau dưới chế độ cũ vừa trải qua. Có thể nói đó là câu chuyện đầy ắp tình yêu về cuộc đời.
Giờ đọc lại tôi thấy truyện đó bình thường, nhưng lúc đó thì nó được nhiều người chú ý lắm. Nhà thơ Chế Lan Viên viết thư khen phong cách viết của tôi giống như nhà văn Pháp An-phông-xơ Đô-đê làm tôi vô cùng xúc động. Rồi nhà văn Nguyễn Thành Long cũng viết thư động viên, khích lệ. Các nhà văn Bùi Hiển, Bùi Đức Ái trên đường đi
- Trong 15 tập truyện ngắn của ông sau này, "Phố cụt" được in vào tập nào?
+ Trong suốt đời văn của mình, ngoài tiểu thuyết, tôi đã viết khoảng 200 truyện ngắn. Trong 25 tập truyện ngắn đã in thì chỉ có 18 tập tôi coi là tác phẩm. Truyện ngắn đầu tay "Phố cụt" cho dù để lại trong tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc đẹp, nhưng nó là một truyện viết thường nên tôi không đưa vào tập truyện ngắn nào của mình. Nó chỉ được in chung trong "Tủ sách mùa đầu" của Nhà xuất bản Phổ thông.
- Thế còn cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông được viết trong hoàn cảnh nào?
+ "Đồng bạc trắng hoa xòe" được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, viết về lịch sử Lào Cai từ năm 1945 đến cuối năm 1947, khi giặc Pháp trở lại xâm chiếm vùng đất này. Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về một số cán bộ cách mạng thực hiện cuộc viễn hành quả cảm và lãng mạn đến các thổ ty miền Đông của tỉnh, đem tiếng nói của cách mạng đến với bà con các dân tộc đang trong vòng tù ngục của chế độ thổ ty cha truyền con nối. Mục đích của những người cách mạng là đập tan bè lũ phản động Việt gian Quốc dân Đảng, thiết lập chính quyền cách mạng, gấp rút chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Cuốn sách được viết năm 1970, sau rất nhiều năm tháng làm việc, sống và gắn bó với thiên nhiên và con người Tây Bắc.
- Được biết, ông bắt đầu gắn bó với Lào Cai từ năm 1955, nhưng cuốn tiểu thuyết "Đồng bạc trắng hoa xòe" lại viết về lịch sử Lào Cai thời kỳ 1945. Ông đã tìm kiếm tư liệu cho cuốn sách của mình ra sao?
+ Tôi đã có một phần không nhỏ cuộc đời mình gắn chặt với mảnh đất Lào Cai. 21 năm làm nghề dạy học, rồi làm thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy, rồi làm báo Lào Cai. Đó là khoảng thời gian đủ dài để tôi hiểu về vùng đất nơi đây. Tuy nhiên để viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử thì sự hiểu về vùng đất mình đã sống phải là rất cụ thể. Tôi may mắn có được một thuận lợi, là mình được đặt chân đến Lào Cai vào cái thời điểm mà hiện thực lịch sử gần như còn lưu giữ nguyên vẹn. Cái hiện thực ấy bao bọc quanh cuộc sống hàng ngày của tôi, là không khí tôi thở, là cảnh trí tôi ngắm nhìn, là con người tôi gặp gỡ mỗi ngày.
Tôi có cảm giác như mình được sống trong một bảo tàng lịch sử sinh động mà mỗi ngày đang đến vẫn còn mối liên hệ bền chặt với những gì đã qua. Sau nhiều năm dạy học, tôi được điều về làm thư ký cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ là đồng chí Trường Minh. Đấy là cơ hội để tôi được tiếp cận với những vấn đề chính trị, những câu chuyện cốt tử của đời sống các dân tộc. Sau này lại được công tác tại báo Lào Cai, tôi càng có cơ hội được đi và sống cùng bà con các dân tộc nơi đây nhiều hơn. Đó là những hiểu biết rất quan trọng để tôi bắt đầu cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình.
Để dựng lại ít trang về khung cảnh lịch sử Lào Cai thời kỳ 1945-1946 đầy rối ren ấy, tôi đã gặp gần như đủ hết các nhân chứng cần thiết, đọc hàng ngàn trang hồ sơ lưu trữ và hồi ký của các đồng chí cán bộ lãnh đạo, hàng trăm trang sách khảo cứu về các dân tộc Lào Cai, cùng với đó hàng chục cuốn sổ tay đã được tôi cần mẫn ghi chép trong nhiều năm tháng về những câu chuyện, những sự kiện, những nhân vật tiêu biểu qua các thời kỳ. Tất cả những nguyên liệu ấy đã được xâu chuỗi, sắp xếp lại và trở thành "Đồng bạc trắng hoa xòe".
- Nghe nói ông đã phải chữa đi chữa lại bản thảo "Đồng bạc trắng hoa xòe" rất nhiều lần trước khi nó trở thành sách và đến với đông đảo bạn đọc?
+ Tháng 11 năm 1974, kỷ niệm lần thứ 24 giải phóng Lào Cai, tôi đặt dấu chấm cuối cùng cho cuốn tiểu thuyết "Đồng bạc trắng hoa xòe". Để đặt được dấu chấm cuối cùng cho tác phẩm là cả một quá trình vất vả, với 4 lần sửa chữa, viết lại từ chữ đầu đến chữ cuối gần một ngàn trang viết tay, sau khi nhận được những góp ý từ Nhà xuất bản Văn học. 5 năm sau, năm 1979, sách chính thức được đưa vào nhà in. Nhưng đang in dở chừng thì nhà in hết giấy, đành phải dừng máy in chờ giấy từ con tàu biển còn lênh đênh ngoài khơi chưa cập bến Hải Phòng. Và sự chờ đợi phải kéo dài thêm gần một năm nữa thì sách mới in xong, chính thức ra mắt độc giả.
- Tò mò hỏi ông một chút, thời đó, tiểu thuyết của ông được in bao nhiêu bản và nhuận bút dành cho nhà văn là như thế nào?
+ Tiểu thuyết "Đồng bạc trắng hoa xòe" khi đó được nhà xuất bản in với số lượng 15.200 cuốn, sau đó được tái bản 4 lần. Nhuận bút thời đó thì nhiều lắm. Tôi được nhà xuất bản mời đến lấy nhuận bút. Nhưng đến nhà xuất bản tôi được lĩnh một tấm séc để đi ra ngân hàng lĩnh 6.000 đồng. Hãy hình dung khoản tiền đó lớn thế nào khi so với mức lương 96 đồng của tôi. Nó hoàn toàn có thể đủ để "tậu" một ngôi nhà đẹp. Khi đó gia đình tôi sống trong một nơi vô cùng chật hẹp: 9m2 cho 6 con người gồm hai vợ chồng, hai đứa con, bà mẹ già và đứa em trai mới xuất ngũ ở phố Nguyễn Khuyến. Tôi cũng định mua nhà, nhưng lại thôi vì nghĩ mình là cán bộ nhà nước, sao lại phải đi mua nhà.
...và bìa tác phẩm “Đồng bạc trắng hoa xòe”. |
- Thưa nhà văn, ông là người gốc Hà Nội, nhưng lại trở thành một nhà văn viết về miền núi tiêu biểu. Khi quyết định lên Lào Cai làm nghề dạy học, ông đã ý thức mình sẽ là nhà văn viết về miền núi hay chưa?
+ Người viết văn thường có linh giác. Ngay khi đặt chân đến Lào Cai, đầu năm 1955, tôi đã hoàn toàn bị hấp dẫn bởi mảnh đất này, và tôi có cảm giác là mình có thể làm được một điều gì đó ở đây. Hôm đó là ngày mùng 4 Tết, không khí lạnh và buồn heo hắt, thị xã Lào Cai thì vắng lặng, rất ít người. Tôi ở Hà Nội lên mà cả thị xã ồn lên như thể tôi từ ngoại quốc đến. Tôi vào tiệm cắt tóc, người ta tưởng tôi ở đoàn diễn viên điện ảnh từ xa đến. Không khí của những ngày hòa bình vừa lập lại cho tôi một cảm nhận đặc biệt về cuộc sống. Cái mới đang dần lên và chứng tích của cái cũ thì còn nguyên vẹn đấy khiến tôi cảm giác như mình đang gặp được lịch sử, được chiêm ngưỡng một bảo tàng sống về vùng đất, con người và văn hóa nơi đây.
Tôi làm nghề dạy học, nhưng có ý thức ghi chép về những thứ mình gặp, chiêm nghiệm và cảm nhận, để chuẩn bị cho những cuốn sách của mình trong tương lai. Kỷ niệm về cuốn tiểu thuyết "Đồng bạc trắng hoa xòe" trong tôi là những đêm ngồi viết trong căn nhà ở đầu phố Cốc Lếu. Viết trong cái rét cắt ruột, chăn khoác cũng không đủ ấm, ngòi bút sắt sột soạt trên trang giấy, dưới ánh đèn dầu tù mù, bên ngoài trời mây ắng lặng, thi thoảng lại nghe thấy tiếng con sóng đạp vào trụ cầu Cốc Lếu dội về khiến tôi có cảm giác của một kẻ lữ hành cô độc và nhẫn nại. Từ những ngổn ngang bề bộn ở cuộc đời để tạo nên những câu chuyện có lớp lang mạch lạc, có bóng hình lịch sử và cuộc đời là công việc mới gian nan cực nhọc mà rất vinh dự.
- Ông có chịu ảnh hưởng của nhà văn nào khi viết về miền núi không?
+ Tôi rất ham mê đọc các tác phẩm văn học kinh điển của nhiều nhà văn nước ngoài. Trong nước, tôi đặc biệt thích nhà văn Tô Hoài lúc đọc tác phẩm "Truyện Tây Bắc" của ông. Có thể nói, chính tác phẩm của Tô Hoài đã góp phần kéo tôi lên Tây Bắc.
- Đọc tác phẩm của một số nhà văn trẻ viết về miền núi hiện nay, ông có nhận xét gì?
+ Văn trẻ miền núi bây giờ ít chất miền núi quá. Lý do có lẽ nhà văn đã không sống và gắn bó với cảnh và người nơi đây. Và khi viết, nhà văn không coi mình là người trong cuộc. Với riêng tôi, mỗi cuốn sách đều tương ứng với một đoạn đời mà tôi đã sống. Khi viết về một vùng đất, tôi không có cảm giác mình viết hộ hay viết thuê, mà là mình viết cho chính mình.
- Vậy còn nói chung về các nhà văn trẻ hiện nay, có điều gì ông muốn chia sẻ?
+ Có một vài vấn đề nhà văn trẻ hôm nay đang gặp phải làm tôi suy nghĩ. Trước hết đó là sự xa rời chính trị của họ. Khoan hãy phản đối tôi, nếu các bạn bảo rằng, văn học là nghệ thuật nên nó chẳng liên quan gì đến chính trị. Nhưng tôi thì nói rằng nhà văn không thể viết hay nếu họ không quan tâm đến chính trị. Vì ở đó bạn có thể nhìn ra số phận dân tộc, số phận nhân dân, những bi kịch và cả niềm vui thời cuộc. Nó buộc bạn phải suy ngẫm. Bạn không thể viết hay bằng việc chỉ ngồi ở quán cà phê, chơi với nhau trong một nhóm nhỏ nào đó. Có hai câu hỏi lớn trong văn chương là viết cái gì và viết như thế nào thì nhà văn trẻ mới chỉ giỏi ở một vế. Họ rất giỏi "viết như thế nào" nhưng "viết cái gì" thì lại rất kém.
- Ông là người đọc nhiều, đặc biệt là các tác phẩm văn học cổ điển. Theo ông việc đọc giúp ích thế nào cho nhà văn trong sáng tác?
+ Tôi nghĩ việc đọc phải là thường xuyên và cơ bản, có hệ thống. Phải coi trọng những tác phẩm cổ điển vì nó là những giá trị tinh túy, trường tồn. Hãy nghĩ mà xem, chúng ta viết mà vượt ra khỏi cái cổ điển là rất khó. Hơn nữa, việc đọc nó khơi gợi cho mình rất nhiều ý tưởng. Tôi thường nói, dưới một quyển sách bao giờ cũng là một quyển sách khác.
- Ngoảnh lại đã 50 năm ông đi qua đời sống với vai trò nhà văn, người thư ký của thời đại mình. Ngẫm nghĩ về chặng đường dài đó, tâm trạng của ông ra sao?
+ Có lúc ngồi nhìn lại mình, tôi tâm sự với "bà xã" rằng, tôi phục mình quá, nửa thế kỷ mà cứ cặm cụi với con chữ. Mình tự làm khổ mình, tự giày vò mình, tự làm đau mình, tự đày mình chứ chẳng phải "giời đày" như người ta hay nói. Tôi bị bệnh khớp từ lúc còn trẻ, ngón tay thường sưng đau, mà cứ viết như thể không viết thì sẽ chết. Viết trong màn để tránh muỗi, trong ánh đèn dầu bé tí như hạt đỗ và trong sự chật chội của nhà cửa, sự ngột ngạt của đời sống. Cơ cực nhưng mà không thể dừng lại. Mấy năm vừa rồi bệnh tật, thế mà "điên rồ" thế nào tôi vẫn viết được hai cuốn tiểu thuyết. Thật là khó lý giải. Viết nhọc nhằn và cô độc thế đấy, nhưng nếu thực sự có kiếp sau, có lẽ tôi lại vẫn chọn để trở thành một người cầm bút.
- Xin cảm ơn nhà văn Ma Văn Kháng về cuộc trò chuyện thú vị này.
Theo Báo CAND
Cuộc thi “Giữ yêu thương cùng năm tháng” đang dần đi đến hồi kết, nhưng “độ nóng” của cuộc thi ngày càng tăng, điều đó đã thể hiện sự quan tâm và đồng thuận rất lớn đối với tinh thần và ý nghĩa của cuộc thi, số lượng ảnh tăng mạnh trên các hạng mục...
Công chúng Thủ đô sẽ được chiêm ngưỡng các cổ vật quý thời Đông Sơn và những hoạt cảnh lạ trên trống đồng như: người múa trên lưng voi, hoạt cảnh dài và đồ sộ về thuyền trong Triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn” diễn ra từ ngày 26/9 đến ngày 3/10, tại Hà Nội.
Tuy tỏ ra không mấy sốt ruột với “thảm họa V-pop” nhưng thực tế các ca sĩ có thực lực, các nhạc sĩ giỏi nghề và những nhà sản xuất tâm huyết đang ngấm ngầm tạo nên cú lội ngược dòng cho thị trường nhạc Việt bằng chính nội lực cũng như những nguồn lực tích cực từ bên ngoài...
(HBĐT) - Trong 2 ngày 20- 21/9, Công ty Điện lực Hòa Bình đã tổ chức hội thi giao tiếp khách hàng giỏi năm 2011 với chủ đề “EVN NPC vì sự phát triển của cộng đồng”. Tham dự hội thi có 33 thí sinh của 11 Điện lực các huyện, thành phố trong tỉnh.
Hội đồng xét duyệt phim tham dự Oscar 2012 đã chính thức bỏ phiếu chọn Khát vọng Thăng Long là đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar 2012 cho hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Giữa tháng 9, một chương trình hòa nhạc đặc biệt đã diễn ra tại Hà Nội do Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức. Lần đầu tiên nghệ sĩ Andrea Centazzo nổi tiếng của nước bạn cho ra mắt tác phẩm "1.000" và cũng lần đầu tiên công chúng Thủ đô được thưởng thức một loại hình nghệ thuật độc đáo: hòa nhạc đa phương tiện.