Ngoài 80 tuổi, nhưng khi nói đến chèo, lĩnh vực nghiên cứu gần 50 năm nay, nhà nghiên cứu chèo Trần Việt Ngữ vẫn tỏ ra uyên bác và đầy nhiệt tâm đối với thể loại sân khấu ca kịch thuần Việt này.

Lời đầu tiên, chúc mừng công trình “Nghiên cứu nghệ thuật chèo” của ông được nằm trong danh sách đề cử của Hội Văn nghệ dân gian đưa lên cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Giải thưởng Nhà nước năm 2011.

Khi rời quân ngũ trở về sau hòa bình 1954, có lẽ “thấm” những giai điệu dân ca ở các vùng quê Bắc Bộ trong thời làm Vệ quốc đoàn như dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, ví dặm Hà Nam, rồi mê các loại dân ca khác như hát xẩm, hát trống quân, chầu văn, ca trù, say các tuồng tích trong hình thức diễn xướng dân gian được phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ từ hát Thập Ân đến các bài Giáo như Giáo trống, Giáo pháo, Giáo đò, Giáo ngựa... để rồi từ lúc nào không biết, ông đã đến với nghệ thuật chèo như một tình yêu đam mê bền chặt suốt gần nửa thế kỷ qua. 

Thưa ông, ông có đề cập đến tính “bi- hài dân tộc” trong chèo?

 Nhà nghiên cứu chèo Trần Việt Ngữ. .

Những người nghiên cứu chèo trước đó căn cứ vào tính chất của chèo là nghệ thuật gây cười, đa số cho rằng chữ chèo bắt đầu từ chữ trào (trào lộng) mà ra. Tôi không tán thành mà cho rằng cái hài trong chèo tuy hướng nhiều về thể hiện hiện thực ngoài đời nhưng phát triển lẻ tẻ và phải  bám vào tích mới đứng được, mà các tích của chèo hầu hết mang tính bi. Cho nên chèo là một thể loại sân khấu bi hài không giống sân khấu bi hài phương Tây, tôi đặt tên là “Bi-Hài dân tộc”.

Ông cũng có nhiều nghiên cứu về chèo rất mới?

Hầu hết nghệ nhân khi diễn chèo đều dùng không chỉ lời trò mà còn dùng hát múa xen vào. Rồi căn cứ vào bản trò (kịch bản) thường viết theo văn vần, chen vào các điệu hát kết hợp diễn xuất đẹp như múa, cho nên tôi nhấn vào ngôn ngữ nghệ thuật: Khi 1 kịch chủng đã dùng hát múa để thể hiện bản trò thì nhất định diễn xuất phải ước lệ và cách điệu mới có thể tạo nên sự thuần nhất trong phong cách nghệ thuật 1 vở diễn.

Mặc dù trong chèo cũng có những nhân vật không dùng hát múa mà chỉ thể hiện những loại nói lối cách điệu để thể hiện nhân vật… Trong khi những nhân vật nghiêng về pha trò như hề gậy, hề mồi, hát rất ít mà chỉ thể hiện  những hành động biểu trưng để thể hiện lại có những nhân vật pha trò chỉ bằng nói lối và diễn xuất kết hợp như vợ mõ (mẹ Đốp)...

Từ đó, tôi rút ra vài vấn đề mang tính cách “sáng tạo” trong 1 vở chèo cổ bên cạnh những làn điệu như nói sử, hát sắp... thì có những nghệ nhân khi gặp những tình huống mới đã bẻ làn nắn điệu những điệu hát cổ cho phù hợp như hát sắp chợt của nhân vật Tú Bà (vở Kiều)... Đồng thời khi ở bản trò có nhân vật với hành động mà các vở trước đấy không có thì nghệ nhân lập tức sáng tạo làn điệu mới như hát múa bình thảo của Thị Màu, hát múa xuôi ngược của Xúy Vân...

Tất nhiên, chèo không phải là loại sân khấu vạn năng. Nếu đưa chèo vào thể hiện đề tài vua quan sẽ rất khó khi đứng bên cạnh những vở tuồng hay cải lương hiện nay.  

Theo ông, tại sao chèo lại có sức sống mạnh mẽ để có thể “lấn át”, chen lẫn vào các loại hình nghệ thuật dân gian khác (như múa rối, chầu văn…)?

Chèo bắt nguồn từ kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian với sự đóng góp quan trọng của giới trí thức bình dân và quý tộc, từng tồn tại lâu đời ở vùng trung du và đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Văn chèo là thể loại tự sự (kể chuyện) mang đậm tính trữ tình của ca dao, tục ngữ…, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh, trí tuệ. Tính nhân văn của chèo rất rõ nét, thể hiện khát khao vươn tới hạnh phúc và xã hội hòa thuận, cái thiện luôn thắng cái ác. Nhân vật trong chèo mang tính ước lệ, chuẩn hóa với tính cách và tâm lý không thay đổi trong suốt vở. Chèo ở chừng mực nào đó mang hơi thở của hiện thực cuộc sống, nhất là vùng thôn quê… Chính vì những lẽ đó mà chèo đã có ảnh hưởng sâu sắc tới các loại hình nghệ thuật khác cũng như có vai trò chủ đạo trong nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Thưa ông, chèo tại sao không phát triển được ở phương Nam trong khi cải lương của phương Nam lại có thể “đứng chân” ở đất Bắc?

Theo tôi, vấn đề này thuộc về lịch sử. Khi các chúa Nguyễn vào mở cõi ở phương Nam từ 4 thế kỷ trước đã lấy nghệ thuật tuồng làm phương tiện “văn hóa”. Đến khi người Pháp sang, cùng với các loại hình nghệ thuật tân kỳ của phương Tây như kịch nói, opera, tân nhạc, cinema…đã “hớp hồn” dân đàng Trong, những loại hình nghệ thuật truyền thống trước đó đã được cách tân, lai tạp… và rất thu hút công chúng. Suốt những năm 1976-1977 và một số năm sau này, khi vào khảo sát sân khấu miền Nam ở TP.HCM, đến những hội làng suốt từ Quảng Ngãi, Bình Định, Thuận Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu và đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy người dân ở các vùng miền này phần lớn dùng hát tuồng hay cải lương là chính. Những thói quen hay còn gọi là truyền thống của vùng miền phương Nam đã không để cho chèo có thể “thiên di” và sáp nhập.

Chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống thuần Việt , là một “di sản văn hóa”, nhưng tại sao không được chú ý làm hồ sơ lên UNESCO xem xét?

Từ sau năm 1975, sân khấu chèo rơi vào khủng hoảng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Các đoàn chèo chạy theo thị hiếu của không ít khán giả nên dựng những vở ngày càng xa rời sân khấu truyền thống. Cho tới hiện tại thì chèo càng rơi vào khủng hoảng vì ít nhà hát hay đoàn chèo nào chịu dựng lại các vở kinh điển mà chỉ dựng vở theo trào lưu cách tân, hiện đại, đổi mới sân khấu chèo để hút khách. Chèo trong hoạt động văn hóa quần chúng hay sự kiện văn hóa quốc gia cũng chỉ là điểm xuyết cho thêm sắc màu.

Thế nên, việc quan tâm đến vốn “di sản” chèo truyền thống để bảo tồn, gìn giữ, phát huy… chưa được đúng tầm đúng mức thì làm sao có thể đặt vấn đề lên UNESCO. 

Có một thời sân khấu chèo được các nhà biên kịch, đạo diễn cải biên theo kiểu “tân cổ giao duyên” cho chèo hiện đại, phù hợp với cuộc sống đương đại. Ý kiến riêng của ông?

 Cảnh trong vở chèo Chuyện nhà Bá Kiến

Đã gọi là “tân cổ giao duyên” thì nó không còn là chèo đúng nghĩa. Cho nên ở các hội diễn gần đây, nhiều vở diễn gọi là chèo nhưng lại là kịch chèo hoặc lớp này là kịch lớp kia là chèo. Chưa kể phần trang trí mỹ thuật lại không phù hợp với vở diễn, không tuân thủ các phép tắc ước lệ sân khấu chèo truyền thống. Ngay cả việc trao tặng huy chương vàng, bạc, bằng khen chỉ mang tính chất động viên nhà nghề hơn là thực chất chất lượng nghệ thuật.

Ông có thể nói thêm chút “bí quyết” để viết được một vở chèo hay?

Tôi có một số tác phẩm viết về cách thức viết một vở chèo đúng theo truyền thống như: Cách viết một vở chèo, Bước đầu tìm hiểu sân khấu chèo, Bước đầu tìm hiểu tiếng cười trong chèo cổ, Vấn đề nhạc chèo, Nghệ thuật diễn chèo, Nghệ sĩ chèo Hoa Tâm... Năm 1970, tôi lại biên tập một loạt kịch bản chèo trước cách mạng, nên có thể nắm giữ một số cách thức cơ bản để viết một vở chèo.

Nhưng, chẳng có “bí quyết” gì nếu không thật sự có tâm với chèo, có kiến thức về chèo, về vốn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống và có chút năng khiếu viết lách… thì khó mà làm nên một vở chèo đúng nghĩa.

Ông là một nhà nghiên cứu tâm đắc với nghệ thuật chèo. Theo ông, chèo phải làm gì để trở thành di sản văn hóa phi vật thể tồn tại, sống trong công chúng hiện tại và tương lai?

Chèo, ở một khía cạnh, chính là cái gốc để gìn giữ phát huy những giá trị chuẩn mực giáo dục đạo đức, nhân văn truyền thống của người Việt Nam trong cuộc sống. Rất cần tâm và tầm của những người đang có trách nhiệm với vốn di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung, chèo nói riêng. Cần có những người nhiệt tâm đối với nghệ thuật chèo không chỉ ở khía cạnh văn bản nghiên cứu bảo tồn, bảo tàng mà còn phải có những người “làm” chèo biên kịch, đạo diễn, diễn viên…, thổi vào chèo sức sống để tồn tại, phát triển.

Xin cảm ơn ông!

 

                                                             Theo Báo SKĐS

Các tin khác

Nhà văn Jean Pierre Outers đang giới thiệu cuốn sách. (Nguồn: Đăng Khoa/Vietnam+)
Đông đảo người dân và khách du lịch thăm quan, các gian hàng.
Các đại biểu thăm quan các hiện vật bảo tàng được trưng bày.
Các nghệ nhân hát thường rang, bộ mẹng trong khuôn khổ Festival văn hóa truyền thống dân tộc Mường.

Về vùng đất cổ mường bi

(HBĐT) - Theo chiều dài lịch sử, từ thuở hồng hoang, đẻ đất - đẻ nước hay trải qua những năm tháng kháng chiến hào hùng chống giặc ngoại xâm của cha ông, đến ngày hôm nay, vùng đất cổ Mường Bi vẫn luôn khẳng định được những giá trị riêng biệt, góp phần tô đẹp thêm bức tranh quê hương Hòa Bình giàu bản sắc.

Ra sách và phim về “Huyền thoại tàu không số”

Cuộc gặp gỡ báo chí, giới thiệu sách và phim tài liệu “Huyền thoại tàu không số” diễn ra ngày 28.9 tại Hà Nội.

Bổ sung hoạt động Bảo tàng không gian văn hóa Mường vào chương trình Lễ kỷ niệm và lễ hội tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 29/9, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1786/QĐ-UBND quyết định bổ sung chương trình các hoạt động văn hóa tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường trong khuôn khổ các sự kiện Lễ kỷ niệm và Lễ hội của tỉnh Hòa Bình năm 2011.

Văn hóa cồng chiêng là “vật báu - hồn thiêng” trong đời sống tinh thần của người Mường

(HBĐT) - Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống đặc sắc, độc đáo của người Mường Hòa Bình. Nó chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần trong cộng đồng và được nâng tầm trở thành nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng.

Nhà thơ A-rập Adunis: Ứng viên sáng giá Nobel Văn học 2011

Sau khi đoạt giải thưởng Goethe của Đức hồi đầu năm, nhà thơ Adunis (Tên thật là Ali Ahmad Said Asbar, người Syria) đang trở thành nhà văn châu Á sáng giá nhiều khả năng được giải Nobel Văn học năm nay, dự kiến công bố vào tháng tới.

Dư âm Mùa thu cho em

Trong tiết trời se lạnh của mùa thu Hà Nội, lất phất mưa bụi, đêm nhạc Mùa thu cho em đã diễn ra tại Cung văn hóa Hà Nội. Trái với suy nghĩ của chúng tôi, rằng các chương trình dòng nhạc xưa, sẽ rất ít người đi xem, nhưng khán phòng đã gần kín khán giả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục