(HBĐT) - Nhiều chuyến đi chỉ một mình lầm lũi rồi cũng có nhiều chuyến đi với bè bạn, đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí vui như lâu năm xa nhà nay mới được về thăm bà con họ tộc, đi để hiểu sâu cuộc sống của nhân dân.

 

Nói theo thuật ngữ mấy ông - nhà nghiên cứu - là đi điền dã thâm nhập thực tế. Tôi tâm niệm đây thực là những chuyến đi học để nên người. Bởi thực tế mình còn không biết nhiều thứ, nhiều mặt, ý nghĩa sâu xa của lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử dân tộc, thực tế tươi đẹp của lịch sử văn hóa, đời sống con người ở vùng quê núi, mình còn dốt hơn. 

Một đợt chúng tôi lên lên xuống xuống bằng thuyền, bằng đôi chân cuốc bộ vòng vòng, quanh quanh mấy xóm núi bên hồ nước thủy điện Hòa Bình mênh mông xanh thẳm. Đi để tìm hiểu việc sử dụng tiền trợ cấp xóa đói, giảm nghèo của một số nhà nghèo ra sao. Tới một nhà dân, tôi rụt rè, tôi từ tốn bước qua cửa vào nhà và chắp hai bàn tay vào nhau cúi đầu chào một bà già: “Con chào mạ”, còn bà trẻ lại xưng hô là mế. Một nữ họa sỹ người Mường cùng chuyến đi ghé vào tai tôi nói nhỏ “Cha mặn đế”. Tôi hỏi lại: “Cha mặn đế là cái gì?” Nữ họa sỹ nói ngay: “Sao mà dốt thế”. Tôi hơi chột dạ. Nhưng sỹ diện tôi không hỏi lại. Về nhà tìm gặp ông mo để hỏi, ông bảo: Nếu là tiếng Mường thì: “Cha mặn đế” là: Sao mà dốt thế.  

Cái đận sao mà dốt thế tôi đã mắc phải cách ngày nay cũng đã hơn 10 năm. Ngày ấy, Chủ tịch UBND một xã ven hồ kể lại: Một số gia đình ở trong xã nhận tiền trợ cấp xóa đói - giảm nghèo đáng ra phải dành tiền để phát triển sản xuất nâng cao đời sống lại đi mua tivi về để xóa đói cái mắt.  

Cái vách nhà cho gió lùa vào, cái nghèo hở mái nhà cho trời tãi mưa xuống. Không lo sửa chữa lại bảo mưa gió quen rồi hãy khoan khoan đợi đấy. Cũng có nhà mua vài con lợn giống về thả vào chuồng. Lợn mới choai choai vài chục cân đã nướng cúng ma và liên hoan đoàn kết.  

ông Chủ tịch xã mông lung suy nghĩ rồi kết luận: Chỉ tại chưa được học hành, trình độ còn hạn chế, không biết cách nào làm ăn khá giả lên được.  

Những năm 2000-2003, một số gia đình túng đói ở hai xã núi cao sương mù Hang Kia, Pà Cò cũng XĐ-GN theo Chương trình 135 kiểu như vậy. Thượng tá Nguyễn Duy Bàn, Chỉ huy trưởng Thành đội Hòa Bình cũng đã một thời gian nằm vùng bám rễ xóa đói - giảm nghèo, xây dựng AN-QP vùng cao nheo nheo đôi mắt xác nhận: Báo chí viết cũng có lúc khó tin lắm. Nhưng điều này, họ nói cấm có sai “Với đồng bào trình độ văn hóa còn thấp phải trang bị cho họ cái cần câu để họ câu lấy cá mà ăn”. 

Với nhân dân nhiều vùng dân tộc, sâu, xa, cao, mặt nào cũng cần, cũng mong được Đảng, Chính phủ giúp đỡ. Điện, đường, trường, trạm, giống má, cái ăn, cái mặc, sự học hành của con cháu, thuốc thang chữa bệnh…, cái gì cũng thiếu, cũng nghèo. Thiếu, nghèo đến mức không bận tâm đến cái đói, cái nghèo. “Khắc đi, khắc đến”, thiếu cá đã có suối, có hồ, thiếu rau thì lên rừng, học hành lo nghĩ tính toán làm gì cho rối đầu, mệt thân.  

Nhiều chuyện ngược đời, trái khoáy bày ra đấy ai cũng thấy mà không xoay chuyển được. ở không ít nơi mương máng đào lên, đắp xuống, bể nước to đùng mà không có nước chỉ để cho cỏ mọc, cho kiến làm tổ, cho dế làm sân chơi nhảy múa. Tất cả những non kém, chậm như sên bò ấy chỉ tại dân trí thấp. Cán bộ nói chung là thiếu, cán bộ bộ giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu ì ạch kéo dài tình trạng chữ nghĩa, trình độ khoa học thấp kém thì nghèo đói, dốt nát kéo dài mãi làm sao nên người được.  

Không ít người học hành không đến đầu đến đũa. Làm ăn thì ù ì, chểnh mảng nhưng lại muốn trở thành người giàu có, nhà cao, cửa rộng đã kéo nhau ra thành phố mong đổi đời. Nhưng khốn nỗi phố phường đất chật, người đông, cung cách học hành, làm ăn buôn bán xoay như chong chóng, ganh đua lời lãi, tính toán từng đồng hoa cả mắt. Công việc dành cho người xóm núi xa, xóm núi gần ít được học chỉ là rửa bát ở những quán cơm hè phố, đầu chợ. Nhàn nhã hơn một chút là việc nhặt nút vải, quét nhà ở xưởng may, tiền công ít ỏi như lá bay qua kẽ bàn tay. ăn còn chưa đủ lấy tiền đâu mà về thăm cha mẹ, gia đình. Hóa ra còn khổ hơn làm nương, làm ruộng ở quê nhà. Dăm, ba cô nhẹ dạ, cả tin mê hoặc lời ngon, ý ngọt của những kẻ buôn người liền bị bán qua biên giới, cứ ngỡ sẽ kiếm được một tấm chồng giàu có, hào phóng tôn mình lên chúa, lên nàng. Giấc mơ dại dột đã đẩy không ít cô vào ngõ cụt. 

Thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng đề ra, Đảng bộ, nhân dân không riêng tỉnh ta mà bà con Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… đã thắt lưng, buộc bụng dành tiền cho GD&ĐT vượt khó học tập nên người. Ngay sau khi giành chính quyền năm 1945, công việc bộn bề mà Bác Hồ đã đề ra nhiệm vụ cấp bách và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân thực hiện cuộc đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Bác đã suốt đời cần mẫn học tập, nêu gương sáng ngời về đức tính, đạo đức: cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, hy sinh vì dân, vì nước.  

Từ việc xóa mù chữ, phổ cập tiểu học đến phổ cập THPT là cả chặng đường dài, khó khăn. Những năm 1945-1947, cách mạng vừa thành công, tôi đã tận mắt trông thấy các bà răng đen, nón lá, váy nơm trước khi xuống đò vào chợ phải đọc được mấy chữ “bình dân học vụ” viết bằng phấn trắng lên bảng đen i. t. ti… ôn lại mà vui trào nước mắt. Bốn mươi năm sau, tôi đã ngồi bên bếp lửa một gia đình người Mông trên đỉnh núi mờ sương xã Chiềng Tương, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La dốc ruột gan tâm sự với một thầy giáo họ Trần người miền xuôi lên dạy học. Mới trông thấy thầy, tôi lại ngỡ đó là một ông già Mông vì tóc thầy bù xù trùm vai và phấn trắng bụi do bếp lửa núi cao bám vào. Hàng ria trùm mép, chiếc áo bông lâu ngày không giặt lỗ chỗ lỗ thủng vì than củi bay bám vào. Thầy Trần bộc bạch: Năm nay tôi 26 tuổi. Lên đây dạy học 5 năm rồi, chưa về phép lần nào. Tôi sẽ ở nốt 3 năm nữa hết hạn quy định của giáo dục tôi về luôn. Tôi sốt sắng hỏi thăm số lượng học sinh của thầy. Thầy Trần không trả lời, lặng lẽ dụi mấy que củi vào bếp cho lửa bùng lên hơi ấm. Sau mấy ngày tìm hiểu tôi mới biết lớp học của thầy chỉ có 7 học sinh. Nhưng thi thoảng mới lên lớp một buổi, mỗi buổi cũng không quá 3 học trò, có học trò tuổi bằng tuổi thầứy, học liền 3 năm mà không qua lớp 1. Cách đây 2 năm có một cô giáo dạy học ở trường tiểu học xã Đoàn Kết (Đà Bắc), cô giáo ví việc dạy học của mình còn vất vả hơn việc leo lên đỉnh núi. Mỗi tháng vài ba lần cô phải leo lên đỉnh núi cao bốn, năm cây số dỗ dành học sinh “quý tử” của mình trở lại trường ngồi cho kín lớp.  

Học chữ đã vậy, học làm người còn nhiêu khê hơn nhiều. Nạn hút, hít, tiêm chích ma túy còn khá nặng nề. Rượu chè, cờ bạc, không ít những con nghiện cứ ra ra, vào vào trại cai nghiện để mong trở lại làm người. Có vậy thôi sao mà khó khăn lắm vậy. 

Cũng không ít người còn trẻ mà học hành dang dở, lêu lổng, chẳng chịu làm gì nhưng lại chịu chơi và tài sống dựa vào người khác. Gia đình, đất nước đang cần những người có tâm huyết, cần nhiều người có tài, có đức để đưa gia đình, đất nước phát triển bền vững, giàu có, hùng mạnh, văn minh.  

Hiểu thấu được nội tình, tin tưởng ở tương lai của việc học chữ, học làm người như vậy. Số đông nhân dân ta đặc biệt là những người trẻ tuổi đã tranh thủ mọi thời gian, thời cơ học hành rèn luyện. Đi trên các nẻo đường lớn bé, dài ngắn, đường bằng, đường dốc trong tỉnh, chúng tôi tận mắt mục kích ngày hai buổi sáng chiều thanh - thiếu niên nam - nữ, trong bộ quần áo mới đồng phục lũ lượt cắp sách đến trường.  

Chúng tôi cũng đến thăm những gia đình người Mường, người Kinh, người Dao, người Mông, người Tày… hiếu học. Hiện đang có ba, bốn người con đến trường, có gia đình cho cả 6 người con đi học. Nhiều ông bố, bà mẹ không chỉ mỏi mòn lo đến bát cơm, manh áo mà sự bận tâm lo lắng lại dồn cả vào việc làm sao đủ tiền đóng học phí, mua sách vở, sắm xe cho con đi học nên nghiệp, nên người. ông Hang A Chống, 47 tuổi, người Mông ở bản Pà Cò Con, xã Pà Cò (Mai Châu) núi cao, thung chật. Quanh năm nặng sương, ít nắng. Ngày ông bà lo trồng ngô, trồng dong riềng, đêm về bà lại cần mẫn bên bếp lửa thêu thổ cẩm bán lấy tiền nuôi ba đứa con đi học. Con lớn đi học xa tận trên tỉnh, hai con nhỏ học tại trường của xã. ông A Chống nhẩm tính: Mỗi năm phải lo được cho ba con 1,5 triệu đồng để đảm bảo cho các con được học hành đến nơi đến chốn. ông Hang A Lánh, 44 tuổi cũng ở bản Pà Cò Con, đương chức chánh văn phòng xã có tới 5 cô con gái đi học phổ thông. ông Bùi Văn Tiết, người Mường ở Mường Vang cóự hai đứa con đi học mà chỉ có một chiếc xe đạp. Hôm nay thằng anh đi thì ngày mai mới đến lượt đứa em. Thương các con nên ông bà phải bán con lợn 75 kg, nuôi để ăn tết lấy tiền mua thêm một chiếc xe đạp nữa cho các con đi học. Tổ tiên ta xưa đã bảo: “Không thầứy đố mày làm nên”. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: “Trồng cây mười năm, trồng người trăm năm”. Như vậy mới biết việc học hành thành người đâu phải chuyện dễ. 

Nếu không học, giỏi lắm cũng chỉ làm nên bữa cơm lưng lửng, bữa cháo đói qua ngày, đoạn tháng. Phải có trình độ văn hóa, học lực càng cao càng tốt; đấu tranh quyết liệt và thường xuyên với các tệ nạn xã hội. Tự rèn luyện đàng hoàng, cần mẫn, tu thân, tích đức, cần - kiệm - liêm - chính để trở thành người đủ tài, đủ đức, đủ sức khỏe giúp ích cho đời và cho mình.

 

                                                   Bùi Chí Thanh

                               (SN 117, tổ 1, P.Chăm Mát, TPHB)

 

Các tin khác

CBL, múa hát dân ca của Hội người cao tuổi xã Tân Lập (Lạc Sơn) biểu diễn chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống NCT 1/10/2012. 
(ảnh: Hồng Duyên)
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nghị định mới về biểu diễn nghệ thuật, thời trang

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu trên lãnh thổ Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài.

"Có ca sĩ không biết đọc nốt nhạc"

Ca sĩ thị trường không được đào tạo thanh nhạc. Sinh viên tốt nghiệp Nhạc viện lại thiếu kĩ năng biểu diễn. Đó là một phần rất lớn của vấn đề.

Giao lưu văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ V

(HBĐT) - Tối 8/10, tại Nhà Văn hoá TP. Hoà Bình, Hội CCB tỉnh phối hợp với CLB văn nghệ CCB Hoà Bình và đội văn nghệ CLB xung kích Sư đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam - Lào tổ chức chương trình văn nghệ và giao lưu với các đại biểu về dự Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2012-2017. 

Yên Thủy: Tăng cường công tác bảo tồn, trùng tu di tích

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy hiện có 8 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp Bộ và 5 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, huyện còn 10 di tích đang thụ lý hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận. Xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử là nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương vì những di tích không chỉ có giá trị tài sản mà còn lưu giữ giá trị về văn hóa, lịch sử và tinh thần lớn lao của người dân địa phương.

Doanh thu du lịch 9 tháng đạt gần 400 tỷ đồng

(HBĐT) - Trong 9 tháng, tổng số khách đến thăm quan du lịch tại tỉnh ta ước có 1.331.000 lượt người, đạt 88,7% kế hoạch năm 2012. Trong đó có 54.100 lượt khách quốc tế; 1.276.900 lượt khách nội địa.

Những khát vọng tỏa sáng từ Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh

(HBĐT) - Trở về từ Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 (đợt 2), trên gương mặt nữ ca sĩ Hồng Tam (đoàn nghệ thuật các dân tộc Hoà Bình) lấp lánh bao niềm vui. Trong thành công chung của toàn đoàn (1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc (màn hát múa “Huyền thoại đất Mường”, tiết mục múa “Gia bảo”), tiết mục đơn ca “Bình minh núi” (nhạc và lời NSƯT Đức Liên) do cô trình diễn đã đoạt huy chương vàng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục