Lễ cúng họ của người Mông là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ.
Lễ được tổ chức thường xuyên hàng năm, tùy thuộc vào mỗi dòng họ và những điều kiêng kị mà mỗi dòng họ có những ngày tổ chức khác nhau. Địa điểm tổ chức được thay đổi theo từng năm, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ đứng ra tổ chức nghi lễ một lần theo chu kỳ tuần tự từ nhà này sang nhà khác.
Theo quan niệm của người Mông, việc tổ chức lễ cúng họ luân phiên để mỗi nhà, mỗi gia đình có điều kiện thể hiện tấm lòng thành đối với tổ tiên, thần linh. Đến lượt nhà nào được vinh dự tổ chức nghi lễ cho cả dòng họ thì gia đình đó phải tự lo liệu toàn bộ mọi chi phí của buổi lễ từ vật, đồ dâng cúng và thực phẩm thết đãi cả dòng họ trong ngày hôm đó.
Lễ vật chính trong lễ cúng là thịt lợn. Gia chủ sẽ phải chuẩn bị một con lợn từ 50 – 70 kg gọi là lợn Zù xu để tổ chức nghi lễ cúng. Ngoài việc dùng làm lễ vật, lợn Zù xu còn dùng làm thực phẩm trong ngày lễ, một phần trả công cho thầy cúng và những người giúp việc…
Để trang hoàng cho lễ cúng, gia chủ chôn chính giữa ngôi nhà một ngọn của cây Zàng. Cành chè của các gia đình trong dòng họ sẽ được treo lên trên thân cây Zàng. Đồng bào quan niệm, cây Zàng cùng với cây chè vè có tác dụng trừ ma, do vậy các gia đình đều buộc chung các cành chè vè cùng cây Zàng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp xua tan mọi điều xấu xa.
Lễ cúng được tổ chức tại hai nơi. Đầu tiên, thầy cúng với trang phục truyền thống cầm hương cúng khấn trước cây Zàng đại ý cầu xin thần linh phù hộ cho dòng họ một năm được mưa thuận gió hòa, gặp nhiều điều may mắn, tránh được tai ương…
Lễ cúng tiếp theo được tiến hành sau khi kết thúc lễ cúng ở trong nhà, thầy cúng nhổ cây Zàng mang ra cửa chính, đi vòng ra phía sau nhà theo hướng tay phải, làm nghi thức xua đuổi tà ma cho cả dòng họ. Tất cả anh em, con cháu đều đi theo sau thầy cúng ra phía sau nhà. Thầy cúng phụ mang theo một con dao và một cây nỏ, tất cả các dụng cụ sử dụng trong lễ cúng đều dùng cho nghi thức đuổi ma trừ tà. Cây Zàng sau đó lại được chôn vào chính giữa ngôi nhà, thầy cúng lại tiếp tục cúng cầu xin thần linh bảo vệ cho dòng họ thoát hẳn khỏi sự quấy phá của ma tà.
Kết thúc lễ cúng, thầy cúng dùng con dao chặt đôi bó chè vè và cho anh em, con cháu mang đi vứt thật xa ngôi nhà của gia chủ với quan niệm vứt bỏ đi những điều không may mắn. Do vậy, người dân tin rằng, ai càng đi xa thì người đó và gia đình của họ sẽ càng may mắn hơn. Cùng đó, thầy cúng phụ dùng cây nỏ bắn lên trời 3 mũi tên để xua đuổi tà ma về làm hại các gia đình cho dù ở dưới đất hay trên không trung.
Các nghi lễ hoàn thành, mọi thành viên trong gia tộc quây quần ăn uống, trò chuyện. Sau lễ cúng Zù xu là các trò chơi dân gian như đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, ném pao... thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, dòng họ. Khi kết thúc mọi nghi lễ, tất cả dòng họ quây quần vui vẻ bên mâm rượu, ôn lại truyền thống dòng họ, ông trưởng họ nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến công ơn tổ tiên, ông bà và quy ước của dòng họ.
Zù xu - lễ cúng họ của người Mông nơi vùng cao là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ, khuyên dạy con người nên sống thiện, sống có ích, tạo nên một cộng đồng tốt đẹp cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
HBĐT tổng hợp
(HBĐT) - Không hẳn là năm Quý Tỵ, tôi mới nhớ tới tác giả bài thơ “Rắn”. Bài thơ “Rắn” cũng không phải là bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Thế Mạc nhưng bài thơ lại toát lên cái tạng thơ của ông.
(HBĐT) - Người Mông có tục tảo hôn, bắt vợ rất lạ. Chỉ bằng mấy cái vỗ mông chàng trai cô gái Mông đã thành đôi.
(HBĐT) - Ngày 13/6, huyện Yên Thủy tổ chức hội thi văn hóa gia đình năm 2013. Dự hội thi có 5 gia đình đại diện cho các xã Yên Lạc, Yên Trị, Ngọc Lương, Bảo Hiệu và thị trấn Hàng Trạm.
(HBĐT) - Chiều 11/6, Bưu điện tỉnh và Tỉnh Đoàn đã tố chức lễ ký kết chương trình phối hợp thực hiện CVĐ “Chung tay xây dựng điểm Bưu điện - Văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2017”. Tới dự có đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy; đại diện Sở TT-TT.
(HBĐT) - Sau hai ngày tranh tài, chiều ngày 8/6, Hội diễn nghệ thuật quần chúng Ngân hàng thương mại CP Công thương Việt Nam, khu vực II – năm 2013 đã kết thúc. Tham gia hội diễn có 24/26 chi nhánh Vietinbank thuộc 16 tỉnh phía bắc tham cùng 450 diễn viên đem về hội diễn 70 tiết mục.
(HBĐT) - Năm học như một cây cầu cổ tích bắc qua những kỷ niệm, nối mùa hoa phượng năm trước sang mùa hoa phượng năm sau. Cái “thời hoa đỏ” ấy cứ chói chang, le lói theo suốt đời người. Tuổi học trò như tờ giấy trắng, dù chỉ là vết mực trên vai áo của đứa bạn ngồi bàn trước cũng trở thành dấu ấn dễ nhớ, khó tàn phai trong tâm thức.