(HBĐT) - Trung tuần tháng 4 đến rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, ai có dịp xuôi ngược trên QL 6, đoạn qua khu vực hai xã Dân Hoà, Mông Hóa (Kỳ Sơn) sẽ bắt gặp cảnh mua, bán hồng bì. Người Mường gọi thứ cây quả này là goòng, đang mùa goòng chín. Trong khuôn viên gia đình người dân vùng này đều có cây hồng bì, ít thì vài cây, nhiều vài chục cây. Hồng bì tập trung nhiều nhất xóm Đồng Giang, Ao Trạch, xã Dân Hoà, một vài xóm khác cũng có nhưng không nhiều.
Thân cây hồng bì săn chắc, dẻo dai và mảnh mai. Vỏ thân cây loang lổ xanh rêu, trắng ngà. Thân cây túa lên nhiều cành như đuôi công, đuôi sóc, gạc sừng nai. May mắn gặp đất lành, mưa thuận, gió hoà, cây hồng bì cũng chẳng dám vươn cao quá nóc nhà sàn xưa và nhà lầu hai tầng ngày nay để làm nên cái làng Mường ven chân núi ấy đẹp như cặp váy người con gái với những hoa văn sặc sỡ trước ánh nắng đầu ngày và bảng lảng như đám mây ngũ sắc khi chiều xuống. Nói là đất lành cứ ngỡ hồng bì cũng dễ hội nhập thôi nhưng nó cũng kén đất lắm, phải là đất có lẫn sỏi đá, độ ẩm vừa phải, rễ cây nửa chìm, nửa nổi trên mặt đất, người trong mường bảo goòng chải, vải vun là vậy. Chăm chút cho cây hồng bì cũng chẳng tốn kém gì, làm sạch cỏ quanh gốc, bón phân chuồng sau vụ thu hoạch là đủ.
Mùa hồng bì chín là lúc vui nhất trong Mường, trong bản, người mua, người bán cứ tíu tít ra, vào như phải lòng nhau. Bây giờ đường xuôi ngược thông thoáng, xe cộ như mắc cửi và con trai, con gái trong vùng đã quen với thương trường nên ít các nhà gặt lúa non, tức là bán cả cây, cả vườn theo kiểu tù mù cho thương lái nơi khác đến, từ lúc cây hồng bì mới trĩu cành xanh quả. Điểm bán dọc bên đường 6 chỉ là giới thiệu sản phẩm và bán lẻ. Việc mua bán diễn ra chủ yếu tại vườn nhà, đó là nơi bán buôn, chủ và khách thả sức nâng lên, đặt xuống. Mùa quả chín, tán cây hồng bì cứ vồng lên đầy đặn như đĩa xôi. Quả xanh như hạt đỗ xanh, chín tới như giọt mật ong, lúc quả ngả dần sang màu nâu thẫm có vị ngọt lừ, đằm thắm, xa xăm. Hai ngón tay phải nhón từng quả bỏ vào miệng, răng khẽ cắn vào quả cho vỡ ra, đầu lưỡi đẩy nhẹ hạt, vỏ ra, đưa lòng tay trái hứng lấy hạt bỏ vào một chỗ lấy giống cho làng bên, còn lớp cùi trắng trong cứ tan ra, thấm dần vào thực quản mà lan toả khắp cơ thể! Có người còn nuốt cả cùi lẫn vỏ, thậm chí nuốt cả hạt! Hạt, vỏ đem phơi để sắc thuốc cho trẻ con uống tẩy giun. Quả xanh, quả chín ngâm rượu uống chữa bệnh ho. Vỏ thân cây hồng bì và vỏ cây ngậm chữa bệnh sâu răng.
Mùa hồng bì chín là người ta sắm những cành cây có móc, người Mường gọi là keo nèo để nối dài cánh tay người hái. Người hái quả leo lên ngọn ở chạc cây dùng móc khẽ kéo chùm quả vào lòng trước tầm tay, bẻ từng chùm quả cho vào ớp - một loại giỏ tự đan, thật nhẹ nhàng. Đầy ớp, là thòng dây đưa xuống đất, người khác đi qua chỉ nghe sột xoạt trên đầu. Cây nhỏ mới bói quả thì vài cân, cây to cho hàng trăm cân quả. Cả hai xóm Đồng Giang, Ao Trạch năm được mùa cho sản lượng hàng trăm tấn với giá trung bình 20.000 đồng/kg cũng cho doanh thu lên đến bạc tỷ. Lúc này người có tuổi cùng con cháu ngồi quanh nong hồng bì chín để bó thành những chùm như quả bầu đem bán lẻ.
Ngắm quả hồng bì chín tròn vo, ngọt lịm, màu sắc cứ nâu thẫm, thâm trầm mà ngỡ như đã dồn nén buồn vui, mồ hôi nước mắt bao đời vào đó. Nhiều người con trai dưới xuôi lên đây khai thác đá, xây dựng nhà xưởng các cụm công nghiệp quanh vùng đã phải lòng những người con gái hái hồng bì xứ này mà nên vợ, nên chồng. Anh bạn thơ Đỗ Văn Quỳnh, người con trai vùng quê Hà Nam nổi tiếng với lễ tịch điền hàng năm, là quân ngũ từng vào Nam, ra Bắc đã thành rể của xóm Ao Trạch từ đó. Quỳnh còn cho biết: Nhiều người dân vùng xuôi đã nghiện hồng bì Đồng Giang, Ao Trạch, vì thế, giá hồng bì vùng này ở Quảng Ninh, Hải Phòng có lúc lên tới 70.000 đồng/kg.
Ngày nay, hỏi người dân trong vùng chẳng ai nhớ cây hồng bì Đồng Giang, Ao Trạch có từ bao giờ, chỉ biết ngày trước cha ông ta gọi ngọn núi cao chất ngất phía sau làng là núi Huần Nam, “Huần” tiếng Mường có nghĩa là vườn, chắc là khu vườn phía nam của Kinh kỳ, Kẻ chợ xưa, Thăng Long - Hà Nội ngày nay. Lẽ ra phải gọi là núi Vườn
Đinh Đăng Lượng
(HBĐT) - Trong 2 ngày 1 – 2/8, huyện Cao Phong tổ chức hội thi NTQC và thông tin tuyên truyền cổ động năm 2013. Hội thi năm nay có sự tham gia của trên 300 diễn viên đến từ 20 đơn vị xã, thị trấn và khối các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn.
(HBĐT) - Tôi gặp chị Nguyễn Thị Na, phường Tân Thịnh (TPHB) chừng mươi lần trong các diễn đàn có liên quan về người lính và trong các ngày lễ tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
(HBĐT) - Mường Nghĩa là vùng đất nằm trên tuyến đường lên 3 xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu và Tự Do, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Nét đặc trưng của Mường Nghĩa là vùng đất trải dài ven bờ một nhánh đầu nguồn của con sông Bưởi.
(HBĐT) - Nghĩ về văn hóa đọc, tôi tâm đắc câu nói của PGS, TS Nguyễn Hoàng ánh: “Tất cả những gì ta học được là nhờ sách vở, đúng là như vậy đọc sách, sách sẽ dạy ta không những kiến thức, cách làm người mà sách còn làm cuộc đời ta thêm phong phú”.
(HBĐT) - Huyện Cao Phong đã cơ bản hoàn thành công trình hạ tầng sơ bộ bảo vệ danh lam thắng cảnh di tích quốc gia quần thể hang động núi Đầu Rồng (thị trấn Cao Phong). Tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến gần 2,67 tỉ đồng.
(HBĐT) - Ngày 31/7, Ban Dân vận Thành ủy Hoà Bình tổ chức hội thi chung tay xây dựng nông thôn mới. Tham dự hội thi có 35 tuyên truyền viên của 7 đội đến từ 7 xã trên địa bàn thành phố.