Thư viện huyện Lạc Sơn phân loại hồi cố sách theo chuẩn phân loại mới, tuy nhiên, hiện nay đã không duy trì và tiếp tục xử lý sách mới.
(HBĐT) - Thư viện là một thiết chế văn hóa mà nơi đây, bạn đọc có thể nâng cao kiến thức, mở mang vốn hiểu biết về VH-XH góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống thư viện các huyện vẫn tồn tại một vài hạn chế, yếu kém trong hoạt động hạn chế nên chưa thực sự phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, chưa thu hút được độc giả trên địa bàn. Vấn đề đặt ra cho ngành thư viện hiện nay là nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như văn hóa đọc trong đời sống nhân dân.
Thực trạng buồn của thư viện huyện
Là một trong 2 thư viện đầu tiên của tỉnh được phân cấp dưới sự quản lý trực tiếp của UBND huyện từ tháng 9/2008, cho đến nay, trụ sở Thư viện huyện Cao Phong vẫn là “ở nhờ” một phòng rộng khoảng gần 40 m2 của Nhà thiếu nhi huyện. Toàn bộ sách, tài liệu với khoảng 5.000 bản được tập trung vào 3 kệ. Trong căn phòng đó, ngoài phần dành cho giá sách còn là nơi kê bàn làm việc, tiếp khách, giường ngủ, tủ đựng đồ... Bạn đọc đến với thư viện không có không gian nào để ngồi đọc, nghiên cứu. Bên cạnh đó, mặc dù đã được Thư viện tỉnh trực tiếp phân loại tài liệu theo chuẩn nghiệp vụ mới, tuy nhiên, qua quan sát, sách được mã hoá và sách chưa mã hoá được xếp xen kẽ, lẫn lộn với nhau. Ngay cả số sách được phân loại cũng không được sắp xếp theo thứ tự. Với cách sắp xếp đó, bạn đọc muốn tìm một tài liệu sẽ mất nhiều thời gian. Lý giải cho việc đó, một cán bộ thư viện cho biết: Bạn đọc đến thư viện phải tự tìm, trả sách nên mới có sự xáo trộn, lộn xộn như vậy. Hàng năm, ngoài việc bổ sung từ nguồn sách của chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Cao Phong chưa có nguồn kinh phí cấp thường xuyên cho mua bổ sung nguồn sách, báo, tạp chí.
Đến Thư viện huyện Lạc Sơn lúc 9 giờ 15 phút ngày 22/8, chúng tôi không bắt gặp một bạn đọc nào đến mượn, trả sách. Là một trong 4 huyện được sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh về phân loại tài liệu theo chuẩn nghiệp vụ mới. Tuy nhiên, khi đoàn công tác đến kiểm tra, tình trạng tài liệu lại bị sắp xếp một cách lộn xộn, thiếu khoa học. Là một trong ít huyện có trụ sở riêng, Thư viện Lạc Sơn đã bố trí được phòng mượn, phòng đọc, tuy nhiên, các phòng đó cũng không đảm bảo điều kiện về diện tích, ánh sáng, trang thiết bị cần thiết...
Không chỉ riêng huyện Cao Phong, Lạc Sơn mà đây gần như là thực trạng chung của các thư viện trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, hệ thống thư viện tỉnh gồm có 1 thư viện tỉnh và 10 thư viện huyện. Về trụ sở, toàn tỉnh có thư viện huyện Mai Châu và Lạc Sơn là có trụ sở riêng. Tuy nhiên, 2 đơn vị này cũng không được dùng riêng mà một số phòng vẫn là nơi làm việc của phòng VH-TT (tại Thư viện huyện Mai Châu) và Trung tâm VH-TT (tại Thư viện huyện Lạc Sơn), các đơn vị còn lại đều chưa có trụ sở riêng. Về cơ sở vật chất càng có nhiều điều để nói, hầu hết các thư viện đều ở trong tình trạng thiếu thốn về trang thiết bị như máy tính, máy photocopy, bàn, ghế, giá lưu trữ tài liệu sách, báo... Từ thực trạng đó, việc thu hút được nhiều bạn đọc là việc khó, nhiều thư viện mỗi năm chỉ có dưới 100 thẻ bạn đọc như Cao Phong, Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc..., số bản sách tại các thư viện cũng không phong phú vì không thường xuyên được bổ sung. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ thư viện ngoài công việc chuyên môn vẫn thường xuyên thực hiện một số nhiệm vụ của phòng VH-TT.
Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thư viện
Thực hiện chỉ đạo của Vụ thư viện, năm 2007, Thư viện tỉnh đã tiến hành thay đổi phân loại tài liệu theo chuẩn nghiệp vụ. Thư viện tỉnh đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện trong hệ thống thư viện công cộng và một số thư viện trường học lớn trong tỉnh. Thư viện tỉnh đã tích cực ứng dụng CNTT để hồi cố sách theo chuẩn nghiệp vụ mới. Hiện nay, Thư viện tỉnh đã hoàn thiện phần mềm thư viện điện tử đáp ứng hầu hết các công việc theo chuẩn nghiệp vụ mới và vẫn tiếp tục hỗ trợ thư viện tuyến huyện trong hồi cố theo phân loại mới và xử lý sách mới bổ sung. Có 4 thư viện huyện là Yên Thuỷ, Lạc Thuỷ, Lương Sơn và Lạc Sơn đã hoàn tất việc hồi cố tài liệu, tiêu biểu có Thư viện huyện Lương Sơn đã tự phân loại theo chuẩn nghiệp vụ mới và vẫn tiếp tục duy trì. Thời gian tới, Thư viện tỉnh tiếp tục hỗ trợ các thư viện còn lại trong phân loại tài liệu.
Theo đồng chí Lê Văn Thái, Giám đốc Thư viện tỉnh, sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay đã đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, đa dạng của bạn đọc. Đây cũng là một trong những sức ép của ngành thư viện đòi hỏi mỗi cán bộ, viên chức thư viện phải có trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, tư duy để cập nhật nhanh, chính xác được nhu cầu, sở thích của bạn đọc. Để thu hút được độc giả, trước tiên phải đổi mới nâng cao chất lượng vốn tài liệu. Những người làm cán bộ thư viện cần nghiên cứu lấy ý kiến thăm dò bạn đọc. Qua đó biết được nhu cầu sử dụng thông tin, kịp thời bổ sung tài liệu mới đáp ứng được nhu cầu. Mở rộng phạm vi bổ sung tài liệu, sách, báo qua các danh mục báo giá, tìm qua mạng Internet để đảm bảo được tài liệu mới nhất. Hạn chế bổ sung trùng bản, bổ sung có mục đích, tăng cường chất lượng kho sách. Bên cạnh đó, các thư viện huyện cũng cần chủ động trong phân loại tài liệu, tránh tình trạng đã được phân loại rồi nhưng lại không duy trì, phải tiếp tục xử lý sách mới bổ sung Thư viện huyện Lương Sơn, không chỉ chủ động trong việc phân loại sách, thư viện là một trong ít nơi duy trì được nguồn kinh phí thường xuyên cho việc mua bổ sung sách, báo, tạp chí. Hàng năm Thư viện Lương Sơn đã bổ sung được trên 40 báo, tạp chí các loại.
Đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Phó giám đốc Thư viện huyện Cao Phong cho biết: Thư viện là một nghề đặc thù, người làm công tác thư viện phải được đào tạo bài bản mới đáp ứng được nhiệm vụ công việc. Hiện nay, với áp lực của công việc, cán bộ thư viện phải thường xuyên cập nhật các phần mềm thư viện mới nhất, áp dụng thành thạo CNTT một cách toàn diện để đáp ứng được nghiệp vụ được giao, trong thời gian tới, huyện Cao Phong đã có chủ trương tạo mọi điều kiện cho cán bộ thư viện được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.
Hàng năm, Thư viện tỉnh đã phân bổ nguồn sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về tuyến huyện. Cụ thể năm 2012, mỗi huyện được hỗ trợ từ 30 - 35 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là nguồn không ổn định, chính vì vậy, mỗi huyện cũng cần xây dựng ngân sách chi thường xuyên cho sự nghiệp thư viện như tại huyện Lương Sơn, Mai Châu mỗi năm chi 20 - 30 triệu đồng mua bổ sung tài liệu.
Cũng theo đồng chí Lê Văn Thái, để thu hút bạn đọc, giúp người dân tiếp thu và vận dụng tri thức trong sách, báo một cách thiết thực vào công tác, học tập trong đời sống hàng ngày, hệ thống thư viện không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài liệu mà phải thường xuyên cập nhật, đổi mới phương thức hoạt động trong tương lai tiến tới xây dựng thư viện điện tử, thư viện số. Để thực hiện được cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp uỷ Đảng, chính quyền cho sự phát triển của ngành thư viện nhằm phát huy tốt vai trò tích cực trong cung cấp thông tin tri thức một cách kịp thời, đa dạng cho mọi tầng lớp nhân dân.
Nguyễn Hồng
(HBĐT) - Trung tuần tháng 7 vừa qua, trong chuyến đi trao đổi học tập kinh nghiệm tại Nghệ An, được về thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỷ niệm có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với đoàn BC, PV Báo Hòa Bình. Trong dòng người hành hương về thăm quê Bác, có những cụ già râu tóc bạc phơ được con cháu dìu đi, những đoàn CCB, du khách quốc tế, những nam nữ thanh niên, các em nhỏ từ khắp mọi miền Tổ quốc... Ai cũng chung tâm trạng xúc động, bồi hồi.
(HBĐT) - Ngày 30/8, Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị biểu dương làng, thôn, tiểu khu văn hoá xuất sắc 5 năm (giai đoạn 2008 – 2013). Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở VH, TT & DL, thành viên BCĐ “TDĐKXDĐSVH” huyện Đà Bắc và đại biểu của 38 làng văn hóa tiêu biểu đại diện cho 163 làng, thôn, tiểu khu trong toàn huyện.
(HBĐT) - Những ngày thu Tháng Tám lịch sử, với những người dân ở Lạc Sơn luôn có một ý nghĩa thật đặc biệt.
(HBĐT) - Ngày 29/8, UBND huyện Cao Phong tổ chức gặp mặt và khen thưởng diễn viên, tuyên truyền viên tham gia hội thi NTQC và tuyên truyền cổ động tỉnh năm 2013.
(HBĐT) - Sáng 27/8, Đoàn công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm làm Trưởng đoàn cùng các thành viên đã có buổi giám sát tại Sở Tư pháp về tình hình thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2000 và lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HN&GĐ năm 2000.
(HBĐT) - Sáng 26/8, tại UBND phường Phương Lâm (TP Hòa Bình), đoàn công tác Ủy Ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hòa Bình và phường Phương Lâm về tình hình thực hiện pháp luật về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Tham dự buổi làm việc có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.