Một phụ nữ khóc ngất khi vào viếng Đại tướng. Ảnh: Thế Dương
Những ngày qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, hàng triệu người dân Việt Nam đã bày tỏ tấm lòng thành kính thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dòng người hàng ngày nối dài xếp hàng lặng lẽ chờ đợi để được vào viếng Đại tướng tại nhà riêng. Trên các trang mạng tràn ngập các bài thơ tiễn biệt.
Những bài thơ tiễn biệt đầy tình cảm
Vẫn biết sinh – lão – bệnh – tử là quy luật của cuộc sống, nhưng biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, hàng triệu người dân Việt Nam bàng hoàng, nghẹn ngào, xúc động. Người thì khóc nấc lên đau đớn như mất một người thân trong gia đình. Có người thì lặng lẽ đi tìm những kỷ vật cũ hồi tưởng về những lần được gặp Đại tướng. Không ít người cùng chung tâm trạng lại lập thành những nhóm, hội những người yêu thích, kính trọng, khâm phục Đại tướng. Và một cách thể hiện khác, hàng nghìn bài thơ đã được viết từ đáy lòng người dân bày tỏ tình cảm với Đại tướng.
Ngày 9/10, Đại tá Đinh Thế Hinh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 542, năm nay 90 tuổi cũng đã có mặt giữa dòng người nối dài xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp phía trước ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Trên tay ông cầm tờ giấy in 2 bài thơ và bức ảnh chụp cùng Đại tướng. Với giọng rưng rưng xúc động, ông đọc cho chúng tôi nghe bài thơ kính tặng Đại tướng với tựa đề "Kỉ niệm 59 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ"
"Kỉ niệm Điện Biên kính viếng thăm
Tướng Văn thành Võ, Võ thành Văn
Thắng quân đế quốc lừng Âu – Á
Tỏ mặt anh hùng nức thế gian
Nối chí Quang Trung tài chiến lược
Noi gương Nguyễn Trãi thắng xâm lăng
Mang theo hình Bác khi vào trận
Đại thắng Điện Biên thiên sử vàng”.
Bài “Anh Giáp ơi” của Đại tá Đinh Thế Hinh khi đọc lên khiến nhiều người rơi nước mắt:
"Anh về với Bác Hồ rồi
Điện Biên dậy sóng đất trời tiếc thương
Viếng anh thắp một tuần hương
Nhớ anh nhớ mãi theo đường anh đi”.
Không chỉ có những người có kỷ niệm với Đại tướng mới có thơ, nhiều bạn trẻ, thậm chí là thế hệ 8X, 9X cũng đã trào dâng cảm xúc tiếc thương khi nghe tin Đại tướng qua đời. Trên các trang mạng xã hội, một người dân tên Nhật Minh đã viết:
"VĨNH phúc trời Nam tinh tú soi
BIỆT ly phút ấy đến nơi rồi
ĐẠI nhân đại nghĩa lưu thiên cổ
TƯỚNG sỹ ngàn quân được mấy người?
VÕ nghiệp vinh danh sách sử lưu
NGUYÊN vẹn trung kiên buổi xế chiều
GIÁP trận hay bình, dân đều yêu”
Bạn trẻ Lê Linh thổn thức với những dòng thơ:
“Bác đã đi rồi bác Giáp ơi
Nghìn thu vang vọng mãi tên Người
Dâng nén hương lòng đưa tiễn bác
Kính cẩn nghiêng mình lệ tuôn rơi.”
Một bạn trẻ khác có tên Yuri Trang lại bày tỏ sự nghẹn ngào, lắng đọng:
“Bác đi lặng lẽ một ngày thu
Về với Hùng Vương, với Cụ Hồ
Con nghe hồn Nước nghiêng tiễn Bác
Xin kính dâng Người đôi lời ru...
Bác ngủ ngon nhé Bác của con
Bác của muôn người, của nước non”
|
Dòng người xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Bạn Nguyễn Ngọc Tiên bày tỏ:
“Không thể ngăn dòng nước mắt rơi
Nghe tin Đại tướng đã qua đời
Thủ lĩnh tiên phong người dân Việt
Anh hùng giải phóng của loài người.
Bác đã ra đi với đất trời
Về cùng thầy, bạn chốn xa xôi
Thường tình sinh lão rồi bệnh tử
Mà lòng đau thắt nỗi ngậm ngùi.
Đây đất Điện Biên rất hào hùng
Đây dòng Lệ Thủy vẫn mênh mông
Đây trời Hà Nội ngày thu cuối
Nghiêng tạ công ơn tiễn biệt Người.”
Cũng trong những ngày này, đôi câu đối của được cho là của một nhà giáo - nhà báo tên là Hồ Cơ được nhiều người ngâm ngợi khi tưởng nhớ Đại tướng:
“Văn lo vận nước Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân, Võ hoá Văn”.
Và còn hàng trăm, hàng nghìn bài thơ, đoạn thơ viết về Đại tướng đang được cộng đồng mạng chia sẻ trên mạng Internet.
Cánh cổng nhà Đại tướng dường như không thể khép lại!
Có mặt tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, trong những ngày qua, chúng tôi được chứng kiến dòng người đổ về ngày càng đông. Buổi sáng 10/10, hơn 9h sáng, khu gửi xe miễn phí tại 19C Hoàng Diệu đã hết vé và chật cứng chỗ để xe. Dòng người nối dài từ phố Hoàng Diệu đến tận trước cổng Bộ Ngoại giao, có thời điểm nối dài đến gần khu nhà Quốc hội đang xây. Đoạn đường chiều từ Phan Đình Phùng về Điện Biên Phủ được hạn chế xe lưu thông và phân luồng rẽ qua khu Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ để bảo đảm cho nhân dân vào viếng Đại tướng được an toàn. Hàng vạn người có chung một nguyện vọng muốn được vào chia buồn cùng gia quyến Đại tướng và tiễn biệt vị Tổng Tư lệnh kính yêu, người "Anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các cựu chiến binh vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Kim Sơn |
Cô sinh viên năm thứ 3 Đại học Lao động – Xã hội Phạm Thị Hương đứng ngoài hàng rào số nhà 30 Hoàng Diệu, mặt hướng vào phía trong che miệng khóc nấc lên từng đợt. Lâu sau, khi nguôi nghẹn ngào, cô chia sẻ: Cô đạp xe từ huyện ngoại thành Mỹ Đức, Hà Nội, cách đây gần 50km từ sáng sớm tinh mơ để kịp có mặt, xếp hàng vào viếng Đại tướng. Tuy nhiên, đến gần 11h trưa đoàn người còn khá dài, cô không kịp vào tận nhà để viếng bởi phải về trường để kịp làm bài thi đầu giờ chiều nay. Cô đành đứng bái vọng từ ngoài hàng rào. Chia sẻ với chúng tôi, Hương cho biết, cô chưa từng được gặp Đại tướng ở ngoài đời mà chỉ được học qua lịch sử và đọc những bài viết về Bác. Tuy nhiên, ông nội và cha cô là người luôn kể nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – những người đem lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân khiến thế hệ trẻ như cô lĩnh hội được trọn vẹn tình cảm thành kính ấy. Cô cảm thấy hụt hẫng và mất mát quá lớn. “Tôi đạp xe mà không thấy mệt mỏi, đến đây chờ đợi cả buổi sáng cũng thấy lòng thanh thản, nhưng chỉ tiếc là không kịp vào viếng Đại tướng" – Hương xúc động nói.
Đi ngược dòng người từ cổng 30 Hoàng Diệu về phía ngã tư Hoàng Diệu – Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp chứng kiến một số người theo Phật giáo đang đọc kinh, cầu cho Đại tướng về cõi vĩnh hằng được an lành, yên giấc ngàn thu. Cách đó không xa, một số cô gái ở Long Biên (Hà Nội) mặc áo bộ đội, trên tay cầm hoa cúc đang chờ để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cô Luyến, một thành viên trong đoàn cho biết: Chúng tôi là những người luôn tôn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh linh, anh tài, có công với đất nước, Đại tướng là người chúng tôi tôn thờ từ lúc sinh thời, giờ đây, Người đã về cõi vĩnh hằng, chúng tôi cùng nhau đến tư gia để tận tay thắp những nén hương dâng kính Người.
Hà Nội ngày thu, dưới trời nắng hanh, dòng người vẫn tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi, chầm chậm tiến từng bước, từng bước một hướng về phía nhà Đại tướng. Dòng người chờ vào bước đi lặng lẽ, nhẫn nại, dòng người đi ra trầm mặc, suy tư, nhiều người nghẹn ngào, mắt đẫm lệ. Trong nhà Đại tướng, sổ ghi cảm tưởng của nhân dân liên tục được đưa thêm vào vì đã kín trang. Rất nhiều trang bị nhòa đi vì những dòng nước mắt. Ai ngồi viết cũng cảm động, nhiều người đã khóc. Một bác cựu chiến binh đã có lần may mắn được gặp Đại tướng, nay không kìm được cảm xúc, khóc òa lên, run rẩy gục xuống bàn viết. Tiếng khóc của người đàn ông cao tuổi khiến mọi người xung quanh không thể cầm lòng, khi họ cũng có chung cảm xúc. Ở một góc khác, một người phụ nữ chừng hơn 60 tuổi đi cùng con vào viếng Đại tướng đã khóc ngất, đau đớn như vừa mất đi một người thân trong gia đình. Những người lính già tuổi cao sức yếu, gắng sức nghiêm trang hô lời chào vĩnh biệt Đại tướng mà nước mắt tuôn rơi. Một gia đình 3 thế hệ tiến về phía hương án, người ông kính cẩn cúi đầu vái Đại tướng, nước mắt lã chã rơi, người con trai cứng cáp hơn cũng rưng rưng nước mắt, đứa cháu nội đôi mắt thơ ngây nhìn ông và bố lặng lẽ làm theo...
|
Dưới trời nắng hanh, người dân vẫn kiên trì chờ đợi |
Tối 10/10, buổi tối của ngày cuối cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tiếp đồng bào đến viếng tại tư gia, dòng người từ các nơi vẫn tiếp tục đổ về số nhà 30 Hoàng Diệu. Theo thông báo, gia đình Đại tướng sẽ ngừng đón người đến viếng lúc 18 giờ tối. Tuy nhiên, cánh cổng nhà Đại tướng đã không thể khép lại cho đến tận 21 giờ đêm, vì vẫn có rất đông người tiếp tục đến viếng. Nhiều người không thể vào được vì đã hết giờ mà vẫn chưa đến lượt vào viếng. Đến khi cánh cổng đóng lại lúc 21 giờ 30, vẫn còn rất đông người nán lại, bái vọng vào trong nhà.../.
Theo Báo điện tử ĐCSVN
(HBĐT) - Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tim tôi như thắt lại, một cảm giác tiếc thương vô hạn. Thế là người anh cả, linh hồn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã vĩnh biệt chúng ta. Một nhà cách mạng chân chính, kiệt xuất suốt đời phấn đấu, hy sinh cho Tổ quốc đã ra đi.
(HBĐT) - Sau hơn 2 tháng chia tay đất nước Phần Lan nhưng nhạc sĩ Nguyễn Thành Viên (nguyên Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh), thành viên nhóm nhạc cồng chiêng vẫn chưa quên được những hình ảnh, ấn tượng của chuyến lưu diễn nơi châu âu dạo tháng 7/2013.
(HBĐT) - Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vừa tổ chức lễ phát động cuộc thi sáng tác thơ, văn dành cho thanh thiếu nhi “Cây bút Tuổi hồng ” năm học 2013 - 2014.
Nhà thơ Đaghextan nổi tiếng thế giới Raxun Gamzatov thật có lý và cũng thật sâu sắc khi ông cho rằng, khi anh đi ra thế giới rộng lớn, người ta muốn biết anh là người thế nào, thì anh có thể chìa chứng minh thư, chìa tấm hộ chiếu ra, trong đó đã ghi mọi điều cần thiết. Còn nếu khi có ai hỏi một dân tộc, xem dân tộc đó thế nào, thì dân tộc đó cũng cần phải đưa ra "giấy tờ" của mình, là các nhà bác học, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất hay các vị tướng lĩnh tài giỏi. Họ chính là “giấy thông hành” để dân tộc đó đi ra với thế giới rộng lớn.
(HBĐT) - Thiết thực kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ngày 5/10, tại Nhà văn hóa TP Hòa Bình, Hội DNN&V tỉnh đã tổ chức Chương trình liên hoan nghệ thuật Doanh nhân, Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình lần thứ III năm 2013. Tới dự động viên chương trình liên hoan có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cùng đông đảo doanh nghiệp của tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 4/10, huyện Cao Phong tổ chức tập huấn công tác tôn giáo năm 2013 cho trên 100 học viên là Chủ tịch UBND, Công an, cán bộ làm công tác tôn giáo các xã, thị trấn và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể liên quan trên địa bàn huyện. Dự lễ khai mạc buổi tập huấn có lãnh đạo Sở Nội vụ.