Cảnh phim “Âm mưu giày gót nhọn” - 1 phim tư nhân đoạt Cánh diều bạc 2014.
Chia sẻ với truyền thông về một trong những nguyên nhân phá sản của mình, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín phàn nàn về việc bản quyền phim của ông không được bảo vệ, dẫn đến thất thoát, lỗ. Phải chăng, sản xuất phim tư nhân như đánh bạc, phải tự thân vận động, lời ăn - lỗ chịu và không có được sự hỗ trợ gì của Nhà nước trong vấn đề bản quyền cũng như trong kinh doanh?
Thương trường như chiến trường
Việc phá sản và nguy cơ “vô gia cư” của nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Chánh Tín đang gây “sốt” trên truyền thông, mà theo ông nó được bắt nguồn từ việc bản quyền phim “Dòng máu anh hùng” bị sao chép, in sang đĩa lậu và dù phim gặt hái nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế, thì vẫn không bán được ra thị trường phim bên ngoài VN. Từ việc sản xuất, kinh doanh phim của ông với việc lỗ nhiều hơn lãi, nhìn lại phim tư nhân nói chung, thực tế phải hoàn toàn “tự lực cánh sinh” từ A-Z, không được bất cứ ưu ái nào về phía Nhà nước, trừ việc cho “sánh vai” bình đẳng với phim Nhà nước và có phần áp đảo, thắng thế trong các giải Cánh diều, LHPVN, kể từ khi Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực.
Sản xuất phim của các hãng tư nhân đã được xem như một hình thức kinh doanh đặt lợi nhuận lên trên hết. Không phải hãng phim nào cũng có lợi thế về tài chính, nên việc sản xuất một bộ phim là một dự án kinh doanh lớn, có thể ảnh hưởng sống còn đến hãng phim, nên buộc phải “chiến đấu” giành phần thắng, chí ít cũng cân bằng vốn, không thể thua. Nhưng thực tế, từ năm 2008 trở lại đây, số phim của các hãng tư nhân sản xuất nhiều, nhưng ít phim doanh thu “khủng”.
Điểm lại doanh số vài bộ phim tư nhân trong những năm gần đây sẽ thấy những tiến bộ nhanh chóng của các hãng phim tư nhân trong việc đầu tư và nắm bắt nhu cầu thị trường. Năm 2009, “Nụ hôn thần chết” của hãng Thiên Ngân phát hành đạt doanh thu 20 tỉ đồng. Năm 2010, “Công chúa teen và Ngũ hổ tướng” của hãng Phước Sang đạt doanh số 25 tỉ đồng. Năm 2011 “Long Ruồi” do hãng Thiên Ngân sản xuất có doanh số 42 tỉ đồng. Năm 2012, doanh số cao nhất 34 tỉ đồng thuộc về phim “Cưới ngay kẻo lỡ”. Năm 2013, “Mỹ nhân kế” đã xác lập một kỷ lục mới chỉ sau 2 tuần công chiếu, ở mốc 52 tỉ đồng. Trong mùa tết 2014, “Tèo em” đạt doanh thu “khủng” 15 tỉ đồng sau 3 ngày công chiếu; “Cô dâu đại chiến 2” đạt gần 40 tỉ đồng sau 2 tuần chiếu rạp; “Âm mưu giày gót nhọn” thu 7,5 tỉ đồng trong 4 ngày chiếu đầu tiên. Theo thông tin từ nhà phát hành, “Quả tim máu” đạt doanh thu 55 tỉ đồng với hơn 700.000 lượt người xem sau 10 ngày công chiếu.
Nhưng những phim này chỉ là số rất ít trong số phim sản xuất ra hàng năm của các hãng tư nhân, trung bình 15-20 phim/năm. Những phim còn lại số phận long đong và không ít phim “bạc mệnh”, chết ngay từ xuất chiếu đầu. Bởi phim không phải là “món ăn” mà ai cũng có thể “tiêu hóa”, hay là một loại hình giải trí mà ai cũng có thể “chơi”.
Hãng phim tư nhân phải tự bỏ tiền đầu tư, tự chịu trách nhiệm từ khâu kịch bản, làm phim, sau đó phải đem xin duyệt mới được cấp phép trình chiếu trong khi Luật Điện ảnh và tiêu chí duyệt phim của VN hiện còn rất nhiều bất cập, thậm chí đang trong giai đoạn chỉnh sửa, bổ sung. Phim làm ra rồi, chưa chắc được duyệt phát hành, mà thiệt hại thì nhà sản xuất phải chịu, minh chứng gần nhất là “Bụi đời Chợ Lớn”.
Của ai nấy giữ
Phim tư nhân không có được sự ưu ái như phim Nhà nước. Phim Nhà nước làm bằng tiền đầu tư của Nhà nước, làm xong phim thì việc phát hành, doanh thu lỗ hay lời không cần quan tâm, thậm chí nhiều phim làm ra xong thì cất kho vì chất lượng kém, vì không phù hợp thị hiếu công chúng, vì cả không ai biết nó là phim gì bởi không ai chú trọng quảng bá cho phim. Phim Nhà nước cũng ít phải lo lắng chuyện mất bản quyền, vì hầu như không ai chép lậu in đĩa bán ngoài thị trường như với phim tư nhân.
Lâu nay, việc phim của tư nhân “ăn khách”, thậm chí cả những phim bị liệt vào “thảm họa”, “hài nhảm” thường bị sao chép in đĩa lậu bán tràn lan trên thị trường tự do. Đây cũng là một tai nạn mà các hãng phim tư nhân không có cách gì tránh được. Hãng lớn, phim doanh thu “khủng” các đợt chiếu đầu, có thể hoàn vốn, nên không mấy quan tâm chuyện mất bản quyền. Các hãng nhỏ hơn, tiền đầu tư phim như ăn đong, mất là trắng tay, nên việc giữ bản quyền là chuyện sống còn... Nhưng họ không được bảo vệ bởi những hỗ trợ của phía Nhà nước, dù Nhà nước có Luật bản quyền, nên việc truy tìm nguồn thất thoát in sang trái phép với họ là “bó tay”. Cho nên, việc “của ai nấy giữ” là chuyện đương nhiên với các hãng tư nhân, nếu bị sao chép lậu thì ráng chịu.
Và phá sản không ít
Không chỉ có chuyện nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đang như “kiến trong chảo lửa” của chuyện phá sản và thành “vô gia cư”, mà trước đó còn có ông chủ Phước Sang cũng trên bờ vực phá sản bởi nợ nần. Ngay cả hãng phim Chánh Phương với những hậu thuẫn khá mạnh cả tài chính và nhân lực cũng ngấp nghé là “con nợ” khi “thua” liên tiếp 2 dự án bạc triệu USD: “Bụi đời Chợ Lớn” - bị cấm chiếu, “Lửa Phật” - thất thu phòng vé. Và có nhiều hãng khác cũng âm thầm phá sản bởi “canh bạc” sản xuất phim, trừ một số hãng lớn, ngoài sản xuất phim còn kinh doanh phim, nên họ không mấy lo chuyện phá sản.
Có nhiều nguyên nhân để các hãng phim tư nhân luôn trong sự thấp thỏm phá sản. Việc lấy lợi nhuận làm mục đích chính trong kinh doanh sản xuất phim, đã dẫn đến việc đầu tư chất lượng phim không đồng đều, thậm chí buông thả theo thị hiếu “bình dân”, như một con dao hai lưỡi. Nhiều hãng phim đã cho ra đời những sản phẩm vô thưởng vô phạt để qua khâu kiểm duyệt, trở thành phim “thảm họa”. Có thể vài phim “hài nhảm” thắng doanh thu phòng vé, nhưng đó chỉ là món “ăn liền”, chóng chán, không thể dùng mãi “chiêu” này để “dụ” khán giả, và cầm chắc thất bại khi cứ dùng nó như biện pháp tình thế để giải quyết vấn đề lợi nhuận sản xuất phim.
Phim sản xuất ra được phép phát hành thì mừng một nửa, nửa còn lại lo thắt ruột gan làm sao thu hồi vốn, mà may mắn “thắng” thì xem như “đại thành công”, như thắng một canh bạc. Phim tư nhân thắng - thua như đánh bạc.
Phim nhà nước quan tâm chính trị, phim tư nhân quan tâm khán giả
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (từng làm cả phim Nhà nước lẫn phim tư nhân) khi trả lời tạp chí “Thế giới điện ảnh” đã nói rằng, hãng phim nhà nước và tư nhân có sự khác nhau rõ rệt. Hãng nhà nước có sẵn công cụ, máy móc, thiết bị và nhân lực, làm việc theo kiểu trả lương. Hãng phim tư nhân phải trả tiền thuê thiết bị, nhân công. Làm với hãng nhà nước thì những người trong đoàn phim thường làm không nhiệt tình, vì họ có làm thế nào thì cũng chỉ được hưởng lương như vậy thôi. Nên nhiều khi họ tìm cách lãn công, làm đạo diễn rất mệt mỏi. Còn tư nhân thì rất rõ ràng, họ là người làm công có tiền nên rất nhiệt tình, luôn làm hết mức có thể và rất có trách nhiệm. Một điều khác nữa là phim của hãng nhà nước quan tâm đến chính trị, còn phim của hãng tư nhân quan tâm đến khán giả. Việt Dũng
Theo LaoDong
(HBĐT) - Tối 15/3, Hội LHTN thành phố Hòa Bình phối hợp với Trung tâm hoạt động TTN tỉnh tổ chức liên hoan “Vũ điệu xanh” thành phố Hòa Bình năm 2014.
(HBĐT) - Chiều 14/3, Nhà thiếu nhi tỉnh phối hợp với phòng GD&ĐT thành phố Hòa Bình tổ chức cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi với đề tài mở rộng “về môi trường xanh-sạch- đẹp, tình yêu quê hương đất nước và chiến thắng Điện Biên Phủ”. Đây là hoạt động chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2014) và Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2014).
(HBĐT) - Có vị trí địa lý thuận lợi, nằm sát tỉnh lộ 424 với đường Hồ Chí Minh, khu thành cổ nhà Mạc đã tồn tại khoảng 300 năm. Tuy nhiên, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, cái còn lại chỉ còn là một chiếc cổng...
(HBĐT) - Hội hưu trí Tổng Công ty (TCT) Sông Đà tại Hoà Bình được thành lập từ năm 1999, đến nay đã 15 năm. Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội đã thực sự trở thành mái nhà chung của các thế hệ cựu công nhân sông Đà đang sinh sống tại Hoà Bình. Nói như ông Nguyễn Xuân Hiền, Trưởng Ban liên lạc Hội: Đây là cầu kết nối các thế hệ công nhân sông Đà góp phần củng cố tình đoàn kết giữa những người đã từng gắn bó cuộc đời mình với tên tuổi của một công trình vĩ đại: Công trình thuỷ điện Hoà Bình.
(HBĐT) - Hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), vừa qua, tại huyện Tân Lạc, Cục Văn hoá cơ sở - Bộ VH, TT & DL phối hợp với Sở VH, TT & DL và huyện Tân Lạc đã tổ chức liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc “Về với Điện Biên”. Tham gia liên hoan có 9 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bình Dương, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh và đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Sáng 11/3, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2014. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phong trào chủ trì hội nghị.