Trong trận Điện Biên Phủ trên không, pháo cao xạ đã được lệnh ôm sát các trận địa tên lửa để bảo vệ hỏa lực đánh B-52. Ảnh: T.L

Trong trận Điện Biên Phủ trên không, pháo cao xạ đã được lệnh ôm sát các trận địa tên lửa để bảo vệ hỏa lực đánh B-52. Ảnh: T.L

 

Nhớ cảnh, nhớ người

 

Sỹ quan tuyển quân đợt tiếp theo nhìn chằm chằm anh Bùi Đỉnh Chung, người làng Chòm, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình từ đầu đến chân rồi khẽ lắc đầu ái ngại. Một chàng trai nhỏ thó, trắng như cục bột. Tay chân mảnh mai như con gái liệu có cầm súng mà chiến đấu được không. Nhưng khi nghe anh trả lời những câu hỏi dày đặc lý thuyết và ngồn ngộn những công việc quân đội phải làm trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Chàng trai “cục bột” mở to đôi mắt sáng và trả lời lưu loát, rành rọt mọi câu hỏi đặt ra. Các sỹ quan tuyển quân chụm đầu lại với nhau trao đổi rồi kết luận: “Quân đội cũng cần những chiến sỹ có học vấn làm công tác chính trị, văn hóa”.

 

Sau những năm học tập và rèn luyện trở thành một sỹ quan có thân hình rắn chắc, nước da ngăm ngăm. Tư thế đĩnh đạc, thông minh, nhạy bén chiến đấu dũng cảm lập nhiều chiến công. Ông được ra quân theo quyết định giải trừ quân bị của Chính phủ.

 

Khi đưa hai cánh tay rắn chắc như cành cây gỗ lim và xòe hai bàn tay chai sạn của một sỹ quan công binh kiêm pháo thủ nhận tờ quyết định rời quân ngũ về vùng Cẩm Phả, Quảng Ninh núi than, núi đảo và biển vịnh xanh ánh trời. Núi, biển đẹp như mơ. Tận mắt nhìn thấy, biết vậy, nghĩ vậy nhưng khi chia tay đồng đội về nhận việc ở vùng núi mỏ, biển vịnh này, ông Bùi Đỉnh Chung vẫn hẫng hụt trong lòng.

 

Sau mấy tháng cầm tay lái chở đất, chở than. Tìm hiểu, suy ngẫm lề lối làm ăn, nếp ăn, nếp ở của công nhân vùng kinh tế công nghiệp dân sự, ông được bầu làm Bí thư liên đoàn xe vận tải mỏ cọc sáu rồi Bí thư Đảng bộ địa chất khảo sát Công ty than Hồng Gai.

 

Nay đã quá ngưỡng 85 tuổi hưu. Nhiều ngày, nhiều đêm cứ trằn trọc thương tiếc những anh em đồng đội đã hy sinh trong trận mạc. Nhớ mong những người còn đang trụ sống ở nhiều vùng đất nước mà không thể đến thăm được. Những năm tháng kháng chiến trường kỳ. Hết làm lính quân giới, bộ binh, pháo binh lại đi học lái xe để kéo pháo lên chiến đấu giải phóng Điện Biên. Dòng chảy qua đi, thời gian trôi đi, người còn, người mất. Bao nhiêu kỷ niệm, ký ức cứ hiển hiện trong tâm trí ông.

 

Là em của ông, chúng tôi cùng chiến đấu suốt từ đầu chiến dịch đến khi giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ mới chia tay nhau. Vài chục năm lại đây, ông thường xuyên lên Hòa Bình. Tôi cũng dăm bữa, nửa tháng gọi điện xuống Quảng Ninh thăm ông. Sắp đến ngày kỷ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên Phủ, chúng tôi lại gặp nhau. Tôi dốc bầu tâm sự: Cái anh “huyết áp cao” cản trở, bộ xương sống, bả vai đã nảy mầm, mọc gai trắng ra rồi. Khó mà trở lại Điện Biên để thắp nén nhang thơm lên ngôi mộ các đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Cũng tiếc không gặp được bà con các dân tộc, các chiến sỹ quân đội và cán bộ, nhân dân cả nước tụ về dự lễ kỷ niệm trọng đại này. Ông trầm ngâm, ngồi như một pho tượng. Tôi sốt ruột giục: “Anh kể chuyện đi học lái xe ở nước ngoài, rồi kéo pháo lên Điện Biên đánh giặc không hơn là ngồi thừ như người mất hồn vậy”. Ông xoay xoay nâng chén trà lên rồi lại đặt xuống, đôi mắt xa xăm nhìn về những ngọn núi xa mờ rồi từ từ ôn lại chuyện xưa một mình: Đầu năm 1950, cả Trung đoàn 43 thuộc Sư đoàn pháo binh 351 sang Trung Quốc học tập KH-KT pháo binh. Tôi và cả tiểu đoàn của tôi được phân cho học nghề lái xe. Một nghề mà chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ, dám mơ là mình cũng có ngày được ngồi vào ca bin cầm lái. Thời gian học lý thuyết và thực hành kéo dài tới hơn 2 năm. Tôi băn khoăn buột miệng buông ra một câu: Chuyện ra nước ngoài học lái xe trọng tải hạng trung mà phải mất nhiều ngày, nhiều tháng đến vậy sao. Ông chép miệng so sánh: Thời đó, mình đào đâu ra nhiều xe mà học lái, thực hành lau chùi, sửa chữa cũng lấy đâu nhiều pháo hạng nặng để tập ngắm, tập bắn.

 

Cuộc hành quân huyền thoại

 

Kết thúc khóa học vào tháng giêng năm 1953. Xe pháo và cánh lính chúng tôi lên hỏa xa rời An Phố, Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc. Hỏa xa ậm à, ậm ạch lầm lũi chui qua không biết bao nhiêu là đoạn đường hầm do bàn tay người đào xuyên qua lòng núi. Về tới Hồ Kiều, chỗ sát mép sông Nậm Thi, biên giới Việt - Trung thì dừng lại.

 

Ông Bùi Đỉnh Chung lại kéo dài dòng ký ức: Công việc đưa xe, pháo về chiến đấu giải phóng đất nước rất khẩn trương, cấp bách, phải tranh thủ từng phút, từng giờ. Ấy vậy mà cứ sau bữa cơm lại rọi mắt về bên kia dòng Nậm Thi vùng đất mẹ, ông bà, cha mẹ, anh em của mình ngày đêm phải gồng mình lên chiến đấu, hy sinh xương máu chống ngoại xâm, dành lại đất nước.

 

Đường từ Lào Cai xuôi về Yên Bái gập ghềnh, chật hẹp, cầu, cống bị máy bay giặc Pháp ném bom tàn phá, xe không đi được. Ban chỉ huy Trung đoàn quyết định tháo rời xe pháo xếp lên thuyền bè, thực hiện cuộc hành quân đường thủy. Quyết tâm táo bạo này bị các cố vấn Trung Quốc phản đối. Họ tin rằng, việc tháo pháo hạng nặng rời ra rất khó. Khi lắp lại còn khó khăn gấp bội, không thể thực hiện được. Ta nói: “Nhất định làm được”. Không ngăn cản được, một ông cố vấn không biết là lo cho ta hay vì thương những cỗ pháo mà rơi nước mắt.

 

Tận dụng những kinh nghiệm đóng bè mảng và hàng ngày bà con các dân tộc ở địa phương chở bè mảng xuôi, ngược trên sông. Huy động nhân dân cùng các chiến sỹ công binh, pháo binh, bộ binh chặt tre, nứa đóng bè mảng, chặt gỗ tạo mái chèo.

 

Mỗi cỗ lựu pháo 105 ly nặng tới trên 2 tấn, xe còn nặng hơn nhiều. Bè mảng phải lớn, có sức chở tương ứng với trọng lượng xe, pháo.

 

Ta đã đóng thử 3 chiếc mảng và cử một trung đội trưởng cùng 6 chiến sỹ điều khiển chạy thử bè mảng vượt qua thác, ghềnh. Chiếc thứ nhất khi lao qua thác, ghềnh đã bị va vào đá ngầm gẫy làm đôi. Chiếc thứ hai chở đá với trọng lượng lớn mà khi qua thác, mảng cứ lao vun vút như tên bắn, các chiến sỹ đã từng qua nhiều trận mạc, kiên cường dũng cảm đã dang hai chân đứng chắc và vững tay chèo. Những dòng chảy từ trên cao dội xuống tung bọt trắng, cuồn cuộn, hất chiếc mảng lên lại dìm chìm xuống và đẩy vào vũng xoáy hất tung những hòn đá xuống lòng sông. Rút kinh nghiệm ta đã tạo mũi chiếc mảng nhọn như mũi chiếc thuyền độc mộc. Khi lao qua những hòn đá giăng hàng chặn dòng chảy trên thác. Mảng đã lách qua dễ dàng, tránh được sự va đập vỡ mảng chết người.

 

Trước khi bắt tay vào tháo pháo ra và lắp pháo vào, các chiến sỹ công binh, pháo binh đã cẩn trọng vẽ hình, ghi chép tỉ mỉ, chính xác từng bộ phận, cấu trúc cỗ pháo. Đây là công việc hệ trọng chưa từng có nên rất khó khăn, mạo hiểm. Việc khiêng, vác, đẩy, kéo từng bộ phận xe pháo từ trên bờ xuống rồi lại từ dưới sông lên cũng không kém phần khó khăn, nặng nhọc. Cũng chở rất nhiều cuốc xẻng, xà beng, dao dựa, dây thừng, dòng dọc và những chiếc chèn xe bằng gỗ. Lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh được xếp gọn gàng trên 30 bè mảng và 4 chiếc thuyền. Một đội quân dân đông đảo lặng lẽ, bí mật nhất tề thực hiện: “Cuộc hành quân mạo hiểm, sáng tạo và  tài ba”.

 

Những chiếc thuyền, bè mảng được che chắn, ngụy trang kín đáo, khéo léo đến mức người ở trên bờ nhìn xuống lại tưởng là những tảng đá trôi sông. Mảng chở chiếc cần cẩu bị mắc cạn mà trời lại sáng banh, sáng bạch. Máy bay Pháp xâm lược lượn đi, vòng lại rồi bỏ đi không nghi ngờ gì cả.

 

Từng nhóm ba, bốn chiếc mảng, chiếc thuyền theo nhau vượt qua những vòng xoáy, cồn nước và rất nhiều thác, ghềnh hiểm nguy. Mới nghe biệt danh của chúng đã rợn tóc gáy. Thác Hàm Rồng, thác  Miệng Hổ. Những phiến đá vặn vẹo, sắc nhọn nhô lên khỏi dòng thác cũng có tên là Răng Hổ Một, Răng Hổ Hai, hòn Xương, hòn Gốc Gạo...

 

Cuộc hành quân trên sông nước từ cầu Kiều (Lào Cai) xuống đến âu Lâu, Hàm Yên, Yên Bái cũng mất đến 3 ngày đêm. Xe pháo được lắp ráp trở lại và lau chùi, đánh bóng như vừa mới ra lò, xuất xưởng rồi cất giấu vào hang động, rừng sâu chờ lệnh xuất phát lên Điện Biên chiến đấu.

 

Ông Bùi Đỉnh Chung cùng đồng đội của ông đã lái xe kéo pháo vượt qua 500 km đường từ âu Lâu, Hàm Yên, Yên Bái qua Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu với những đêm đường đèo lượn quanh lưng núi, vượt qua vai núi, đỉnh núi. Đèo Lũng Lô 13 khúc ngoằn ngoèo, hết mưa lại sương mù, ít khi có ánh nắng mặt trời. Đèo Tông Cao, mặt đường chật hẹp lại như cắm thẳng tuồn tuột chui xuống ven sông Đà.

 

Lái xe phải căng sức ra, tập trung cao độ vào mặt đường. Điều khiển xe lăn từ từ, bò chậm chạp xuống đèo. Nói dại mồm, dại miệng để lỏng tay lái, trượt chân côn, chân ga, xe khẽ nghiêng mình là khẩu pháo phía sau đâm càng vào xe, mạnh có thể vặn mình vỏ đỗ sẽ thật khôn lường. Đèo Chẹn còn khó khăn nguy hiểm hơn. Mặt đường chằng chịt ổ gà, ổ trâu, nước đọng, bùn lầy. Nhiều lúc thành xe chạm vào, cọ vào vách núi, phía ngoài là vực sâu thăm thẳm. Xe pháo lên đến đỉnh đèo lại phải vượt qua ngã ba Cò Nòi - túi bom, cửa khẩu của mặt trận Điện Biên Phủ. Máy bay giặc Pháp quần thảo suốt ngày rải xuống đủ thứ bom đạn. Bom bươm bướm, bom dù, bom nổ ngay, bom nổ chậm và sự tàn bạo, dã tâm của xâm lược Pháp, can thiệp Mỹ cũng không ngăn được bước tiến của quân dân ta.

 

Đoàn xe kéo pháo vẫn lặng lẽ, bí mật đi qua cổng ông Trời, cổng Bà Trời trên đèo Pha Đin (đèo trời đất) vào Điện Biên.

 

Ông Bùi Đỉnh Chung như trẻ lại: Vậy đấy, xe pháo còn nguyên vẹn, cánh lính chúng tôi cũng chẳng ai hề hấn gì.

 

Theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy mặt trận: “Đánh chắc, tiến chắc”. Pháo đã kéo vào, kéo ra rồi lại kéo vào. Khi những khẩu pháo 105 ly đã được đặt kín đáo trong những căn hầm khoét sâu vào lòng núi. Hiên ngang phát hỏa, góp sức đập tan cứ điểm Him Lam, cứ điểm đồi Độc Lập. Bọn sỹ quan chóp bu của Pháp đã từng huyênh hoang đe dọa: “Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một pháo đài bất khả xâm phạm; là cối xay thịt nếu tướng Giáp liều lĩnh đánh vào”. Thế mà mới chỉ nếm thử mấy loạt đạn pháo đầu tiên của ta đã co rúm lại, tơi tả, nát tan. Riêng lão Piốt, sỹ quan cao cấp chỉ huy dàn pháo 105 ly, 155 ly đặt bên cạnh hầm tướng Đờ Cát vẫn cố gân cổ lên dọa nạt: “Nếu Việt Minh sử dụng pháo bắn vào đây thì chỉ 5 phút sau, pháo hạng nặng của quân đội Pháp sẽ buộc chúng phải câm họng”. Vậy mà khi đại pháo của ta vừa lên tiếng nã đạn vào căn cứ pháo hặng nặng của chúng. Cả quan cả lính nhà nghề, thiện chiến của nước Pháp đã kinh hồn, bạt vía chui rúc xuống hầm mong thoát chết. Khi pháo của quân ta tạm dừng, Piốt cay đắng, ngậm ngùi nhìn mấy khẩu pháo niềm kiêu hãnh của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ bị gãy càng vỡ nòng nằm chỏng chơ trước mắt mờ đục của lão. Piốt đã tự sát. Tự sát để khỏi phải chứng kiến thảm kịch tập đoàn cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã thất thủ.

 

Hàng vạn tù binh. Từ tướng Đờ Cát đến các sỹ quan, binh lính lê dương, ngụy quân phải cúi đầu xếp hàng nối đuôi nhau lê bước theo nhịp đập bại trận, đầu hàng quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

 

Ông Bùi Đỉnh Chung một “cục bột” khi mới đặt chân vào quân ngũ rồi chính quân ngũ, quân đội nhân dân Việt Nam và những cuộc hành quân ngàn dặm, những trận chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã rèn rũa, đào tạo ông trở thành một chiến sỹ dày dặn nắng mưa, một sỹ quan công binh kiêm pháo thủ kiên cường, dũng cảm, thông minh đã cùng đồng đội kéo pháo lên giải phóng Điện Biên.

 

 

 

                                                Ký của NSƯT Bùi Chí Thanh

 

 

 

Các tin khác

Du khách khám phá hang động núi Niệm tại xã Phú Thành (Lạc Thủy).
Quang cảnh lễ truy điệu Đại lão Hoà thương Thích Trí Tịnh.
Lãnh đạo Bưu điện tỉnh và Sở GT-VT, Sở Tư pháp ký kết hợp đồng.

Giao lưu văn nghệ kỷ niệm 83 năm thành lập Đoàn

(HBĐT) - Tối 25/3, tại trường Trung cấp Y tế Hoà Bình, Đoàn thanh niên Khối các cơ quan tỉnh tổ chức giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2014). Đến dự có lãnh đạo Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh, Tỉnh Đoàn.

HTX dệt thổ cẩm Vọng Ngàn gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống

(HBĐT) - Trong những năm qua, HTX dệt thổ cẩm Vọng Ngàn, xã Mãn Đức (Tân Lạc) được đánh giá là một trong những điển hình tiêu biểu, đi đầu trong công cuộc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong tỉnh Hòa Bình. Những thành quả HTX dệt thổ cẩm Vọng Ngàn đạt được góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa mặc của người Mường nói riêng, văn hóa Mường nói chung, đồng thời, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vốn dĩ quanh năm với ruộng vườn.

Liên hoan nhóm ca khúc cách mạng thành phố Hòa Bình năm 2014

(HBĐT) - Ngày 22/3, Ủy ban Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hòa Bình phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố đã tổ chức Hội thi Đội tuyên truyền ca khúc cách mạng thành phố Hòa Bình năm 2014.

Thu nhập từ du lịch toàn tỉnh đạt gần 200 tỷ đồng

(HBĐT) - Phát huy tiềm năng, thế mạnh về các loại hình du lịch của tỉnh, từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động:

Văn hóa công sở - từ quy chế đến thực tiễn

(HBĐT) - Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Dù có những chuyển biến tích cực nhưng tại không ít cơ quan, đơn vị, quy chế vẫn chỉ nằm trên giấy và chưa thực sự đi vào thực tiễn.

Giải phóng mặt bằng

(HBĐT) - Nhờ có thành tích diệt yêu, trừ quái nên không chỉ được làm phò mã và Thạch Sanh còn được phụ vương đặc cách bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng đền bù GPMB ở vùng rừng xanh, núi đỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục