Giám đốc Bùi Thanh Bình và không gian văn hóa cồng chiêng tại bảo tàng.
(HBĐT) - Tôi gặp anh vào một ngày đẹp trời, nhân dịp đầu xuân tại Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường của anh (số 28, tổ 6, phường Thái Bình - thành phố Hòa Bình). Ngồi cùng anh bên mâm rượu với đầy đủ các món ăn đặc sắc của ẩm thực xứ Mường, anh kể tôi nghe chuyện đời, chuyện nghề, về việc anh đến với nghiệp văn hóa cũng như lĩnh vực di sản văn hóa Mường đã vận vào anh.
Qua câu chuyện được biết, anh là người con của dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Bôi. Khi 13 tuổi, anh đã được tuyển chọn vào học âm nhạc hệ chính quy 7 năm tại trường Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc. Năm 1973, tốt nghiệp ra trường, anh về nhận công tác tại Đoàn văn công quân khu Tây Bắc. Đến năm 1976, anh chuyển công tác về làm trợ lý phụ trách mảng văn hóa - văn nghệ Công an tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1984, anh chuyển sang công tác tại Công ty Du lịch Hà Sơn Bình và sau này tách tỉnh là Công ty Du lịch Hòa Bình. Tại đây, khởi đầu anh là hướng dẫn viên du lịch, sau đó Công ty thành lập Đội Văn hóa dân tộc, anh được giao nhiệm vụ là Đội trưởng, trực tiếp tuyển chọn, đào tạo và dàn dựng chương trình văn nghệ. Rồi nhiều năm sau đó, anh là Phó Giám đốc Công ty kiêm Giám đốc Khách sạn Sông Đà.
Trong quá trình công tác, dù ở cương vị nào, anh cũng luôn suy nghĩ, trăn trở về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường. Theo lời kể, từ năm 1985 anh đã bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu về các di vật, cổ vật của văn hóa Mường. Công việc nghiên cứu, sưu tầm rất vất vả và tốn kém cả về thời gian, sức lực, tiền bạc. Nhưng với niềm đam mê, tâm huyết, anh đã đi đến hầu khắp các vùng Mường, cả những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh để nghiên cứu, sưu tầm di sản. Không chỉ ở trong tỉnh, khi cần, anh lặn lội đến các tỉnh, thành phố có người Mường sinh sống như: Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, thậm chí vào vùng đất Tây Nguyên để gặp mặt và tìm hiểu về văn hóa từ đồng bào Mường di cư vào Buôn Ma Thuột những năm 1953 - 1954. Tuy vất vả, tốn kém nhưng anh chưa bao giờ nản chí. Bù đắp lại công sức của anh là số lượng di vật, cổ vật văn hóa dân tộc Mường sưu tầm, thu thập được ngày càng nhiều, vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa Mường cũng được bổ sung.
Trong ngành văn hóa, anh là người có chuyên môn sâu về âm nhạc Mường cổ truyền, đặc biệt là bộ môn cò ke, ống sáo. Anh đã có một số bài viết về bộ môn âm nhạc này và đang xây dựng đề cương nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc cò ke, ống sáo, đã tổ chức trình tấu để thu âm và phát hành đĩa DVD về nhạc cò ke, ống sáo Mường. Ngoài ra, anh còn tham gia dàn dựng, đạo diễn trích đoạn “Lễ hội Khuống mùa”, “Lễ mừng cơm mới”, “Đám cưới Mường xưa...”. Riêng tiết mục phục dựng trích đoạn “Lễ hội Khuống mùa” đã được tham gia trình diễn tại hội thi trong dịp kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh Hòa Bình, nhận được giải B của Ban tổ chức.
Từ trước khi thành lập bảo tàng, anh đã tham gia nhiều hoạt động phối hợp trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa Mường, đặc biệt tập trung giới thiệu về âm nhạc cổ truyền qua các tiết mục biểu diễn, các bài chiêng cổ và nhạc cụ cổ truyền cò ke, ống sáo kết hợp với nội dung giới thiệu về văn hóa ẩm thực Mường tại các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La và Hà Nội. Năm 2010, anh tham gia Ban giám khảo Hội thi Văn hóa ẩm thực Hậu cần nhân dân - Hậu cần địa phương do Bộ CHQS tỉnh tổ chức và tham gia sưu tầm, biên soạn cuốn sách Văn hóa ẩm thực hậu cần nhân dân - hậu cần địa phương đã được tặng giấy khen. Trong quá trình hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn di sản văn hoá Mường, năm 2011, đơn vị đã được Sở KH &CN cấp giấy chứng nhận hoạt động. Năm 2014, được sự cổ vũ, động viên, giúp đỡ của gia đình và bạn bè, đồng nghiệp, anh đã mạnh dạn lập đề án xin thành lập Bảo tàng Di sản văn hóa Mường với mong muốn thiết tha làm sao để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường. Nguyện vọng của anh đã được Sở VH -TT&DL và UBND tỉnh chấp thuận. Ngày 2/1/2014, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 01 cho phép Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường được hoạt động.
Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường là Bảo tàng ngoài công lập, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày về di sản văn hóa Mường. Đồng thời tổ chức thực hiện các dịch vụ văn hóa, ẩm thực nhằm bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa Mường truyền thống và hiện tại.
Khuôn viên Bảo tàng Di sản văn hóa Mường nằm ở vị trí cao ráo, độc lập, có tầm nhìn thông thoáng với diện tích trên 4.000 m2. Cơ sở vật chất của Bảo tàng gồm 6 ngôi nhà chính, mỗi ngôi nhà có công năng khác nhau, đáp ứng đầy đủ các hoạt động diễn ra tại đây. Hiện Bảo tàng có khoảng trên dưới 5.000 đơn vị hiện vật các loại, trưng bày khoảng 3.000 hiện vật tại 6 ngôi nhà sàn trong khuôn viên. Nội dung chính của các phòng trưng bày là giới thiệu về di sản văn hóa Mường nói chung và trưng bày di vật, cổ vật của nhà lang Mường xưa.
Ngoài hoạt động trưng bày tại chỗ, Bảo tàng đã tham gia các hoạt động trong khuôn khổ nội dung Ngày hội “Sắc màu Tây Bắc” tháng 9/2014, đạt giải A về văn hóa ẩm thực Mường và được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia các hoạt động Ngày hội VH -TT& DL các dân tộc vùng Tây Bắc năm 2013.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Bảo tàng đã tham gia trình diễn, giới thiệu về văn hóa ẩm thực Mường tại Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội, thu được nhiều thành công tốt đẹp.
Trong thời gian tới, phương hướng hoạt động chính của Bảo tàng tiếp tục củng cố, hoàn chỉnh công tác trưng bày tại Bảo tàng. Xây dựng và duy trì hoạt động wesite BTDSVHM, thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch hàng năm. Đồng thời, nghiên cứu, sưu tầm, lựa chọn một số nhân sỹ yêu nước, những người có công với nước, những văn nghệ sỹ tỉnh Hòa Bình để trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng.
Hiện, anh Bùi Thanh Bình đang tích cực chuẩn bị nội dung chương trình cho nhóm các nghệ nhân tỉnh Hòa Bình đi tham dự và trình diễn một số trích đoạn trong lễ hội “Khuống mùa” và trong sử thi “Đẻ đất - đẻ nước” của người Mường về đề tài “Văn hóa lúa gạo” do tổ chức Lương thực các nước Đông Nam á SEAMEO tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan) từ ngày 10 -15/5/2015.
Trong công cuộc hội nhập và phát triển mọi mặt của đất nước, tôi hình dung anh như con chim nhỏ đang miệt mài góp nhặt từng chút những mảnh ghép còn sót lại của kho tàng di sản văn hóa Mường đồ sộ và tinh túy, góp phần nhỏ bé của mình để gìn giữ, bảo tồn nền văn hóa của dân tộc đã sinh ra và đang dung dưỡng anh từng ngày.
Tào Đức Khánh
(Nghệ sĩ nhiếp ảnh)
(HBĐT) - Ngày 2/4, Sở VH,TT&DL đã tổ chức công bố quyết định thành lập Ban quản lý Di tích tỉnh.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm 2014, chúng tôi có dịp tham gia buổi chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng (Sở VH -TT&DL) phục vụ nhân dân các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tối mới bắt đầu buổi chiếu nhưng 15h, anh em trong Đội chiếu bóng lưu động số 1 đã tập trung đông đủ ở sân cơ quan với tinh thần hào hứng, phấn khởi. Các anh cùng khuân vác máy móc, thiết bị lên xe ô tô chuyên dụng vượt dốc Cun đi đến xóm Nhõi 3 - xóm đặc biệt khó khăn của xã Xuân Phong (Cao Phong).
(HBĐT) - Sự biến đổi mo lễ tang của người Mường trong quá khứ và thời đương đại, diễn ra theo hai phương thức.
(HBĐT) - Đoàn TN trường PTDT Nội trú tỉnh vừa tổ chức hội thi trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống và hát dân ca dân tộc thiểu số năm 2015.