Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được rước về đình Trung, xã Yên Trị (Yên Thủy).
(HBĐT) - Di tích đình Trung nằm dưới chân núi ông Voi, thôn Minh Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) được xây dựng cách đây khoảng 200 năm làm nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân trong thôn, làng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây còn được sử dụng làm trụ sở phục vụ cách mạng. Đình nằm trong hệ thống quần thể di tích đình Thượng, đình Trung, đình Hạ thuộc xã Yên Trị.
Hiện nay không còn lưu giữ được các sắc phong, thần phả. Theo lời kể của các vị cao niên trong thôn, đình Trung thờ vị anh hùng cứu nước Trương Hát, một vị tướng giỏi dưới thời Việt Vương Triệu Quang Phục. Để tưởng nhớ Tiểu Dương Giang đô hộ quốc thần vương Trương Hát, hàng năm, vào ngày 13 tháng giêng, người dân tổ chức lễ hội với các hoạt động tín ngưỡng thông qua những thần phả, thần tích, nghi trình, nghi thức của lễ hội để ôn lại truyền thống và qua đó giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân tới cộng đồng. Ngoài lễ hội chính được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, tại đền Trung còn tổ chức các lễ nhỏ khác như: Tết thượng nguyên tổ chức vào rằm tháng riêng; lễ Khai đại mạch vào ngày 1/3 âm lịch; lễ hạ điền (xuống đồng) vào ngày mồng 1/4 âm lịch; lễ thượng điền, vào ngày 24/6 âm lịch; lễ cơm mới vào ngày 15/10 âm lịch. Qua các lễ hội giúp mỗi thành viên tham dự các hoạt động tín ngưỡng có tâm trạng vui tươi, phấn khởi để lao động sản xuất, giúp đỡ nhau, xây dựng cuộc sống no ấm, quê hương giàu đẹp.
Trước đây, đình được dựng theo kiểu chữ nhất với 3 gian, 2 chái, chiều dài khoảng 9m, chiều rộng khoảng 15 m. Theo thời gian cùng sự ảnh hưởng của thiên nhiên đã làm cho ngôi đình xưa bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều đồ thờ tự đã bị mất. Bằng sự nỗ lực đóng góp của nhân dân, đến năm 2004 đã xây thêm được tường bao và tu sửa. Hiện nay, đình Trung đã được tu sửa với chiều dài 8,7 m, chiều rộng 12,30 m, tọa lạc trên khu đất 1.857,4m2. Mặt đình quay hướng đông, trước cửa đình là cánh đồng mênh mông bát ngát tạo cho sự phát triển và vươn xa. Phía sau đình là ngọn núi ông Voi như điểm tựa chắc. Theo truyền thuyết, đây là nơi đất thiêng, nơi các thánh thần thường hiển linh báo cho dân làng biết điềm lành, dữ. Vì vậy, ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hoá, ngôi đình là chỗ dựa tinh thần của nhân dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng tươi tốt.
Về kiến trúc, đình Trung hiện còn 4 bộ vì kèo tạo thành 3 gian. Hai bộ ở giữa kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng; hai bộ vì hai bên kết cấu kiểu vì ván mê và hệ thống các vì nách đều kết cấu kiểu kẻ ngồi với 4 hàng chân cột, 8 cột cái khá lớn, có chu vi tới 1 m, cao 4,45 m, 8 cột quân có chu vi 75 cm, cao 3,15 m, các cột hiên cao 2,1 m. Các cột đều được đặt trên chân tảng kê bằng đá xanh tạo hình hạ vuông, thượng tròn, biểu trưng cho trời tròn, đất vuông. Các cột đều bào trơn, đóng bén. Đòn tay bằng gỗ xẻ dọc, dui mè bằng bương, tre. Tất cả các cột, vì kèo đều được trạm nổi bong kênh hình hoa lá. Đặc biệt, ở hai vì đầu hồi điêu khắc hình mặt hổ phù ngậm thọ và hổ phù ẹo mặt trăng là biểu tượng cầu được mùa màng.
Trải qua thời gian, đình Trung hiện vẫn là ngôi đình có kiến trúc gỗ đẹp và tương đối hoàn chỉnh, là nguồn tư liệu quý cho các nhà khoa học nghiên cứu về kiến trúc và văn hóa sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mường trong mối quan hệ Mường - Việt. Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, hiện nay, trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ khác như 2 đòn kiệu cổ được chạm bong kênh rồng thời Nguyễn, 1 hòm đựng sắc phong, 3 bát hương gốm Thổ Hà, 3 bát hương gốm men trắờng, 8 đĩa gốm men trắng, 1 chiêng hiệu, 2 nậm rượu gốm, 5 chén ngọc, 1 chân đế bát hương bằng gỗ có chạm mặt hổ phù, 2 ngai thờ bằng gỗ... Với những giá trị vật thể và phi vật thể, đình Trung vừa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 25/1/2016.
Đỗ Hà
(HBĐT) - Sáng 26/2, Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa Chiêng Mường tỉnh lần thứ II năm 2016 tổ chức họp để nắm bắt tình hình, triển khai công tác chuẩn bị các nội dung trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm và Lễ hội của tỉnh năm 2016. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Ngày 23 - 24/2, tại TT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn tổ chức Hội xuân Văn hóa – Thể thao xuân Bính Thân 2016. Hội xuân được tổ chức mỗi năm một lần với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi. Đây là dịp để nhân dân 10 xã, thị trấn của huyện được tham gia giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Mường nói riêng và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc trong huyện nói chung.
(HBĐT) - Bạn Nguyễn Vân Anh (Lạc Thuỷ) hỏi: Đề nghị cho biết, việc tổ chức hoạt động dịch vụ trong khu vực lễ hội phải tuân thủ quy định pháp luật như thế nào?
(HBĐT) - Ngày 21/2, tại UBND xã Dũng Phong, Cao Phong, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Cao Phong tổ chức chương trình thơ nhạc với chủ đề: “ Mừng Đảng, Mừng xuân- Mừng đất nước đổi mới” và trưng bày ảnh nghệ thuật của các tác giả trong tỉnh. Đến dự có lãnh đạo Sở Văn hóa thông tin và du lịch, Hội Văn học học nghệ thuật tỉnh, UBND huyện Cao Phong cùng văn nghệ sĩ trong tỉnh và hàng trăm khán giả tham gia.
(HBĐT) - Kỳ nghỉ cuối tuần, không chịu ngồi bó gối trong bức tường. Không khí ấm áp của đất trời, sự hồ hởi của lòng người đã thúc giục chúng tôi tìm đến những nơi thanh sơn, cẩm tú để hít đầy lồng ngực khí xuân.
(HBĐT) - Trong hàng nghìn năm, đối với người Mường, trống đồng là biểu tượng quyền uy của tầng lớp lang đạo. Tuy nhiên, trống đồng cũng đã trở thành một phần trong văn hóa, tâm thức, tạo lập một vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường ở Hòa Bình. Theo chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Trống đồng được tìm thấy ở Hòa Bình chủ yếu là loại trống đồng Heger II, có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ V đến thế kỷ VII và cũng có cái niên đại muộn hơn.