Hồ Hòa Bình với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình luôn thu hút đông đảo du khách tới vãn cảnh, du xuân.   Ảnh: H.D

Hồ Hòa Bình với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình luôn thu hút đông đảo du khách tới vãn cảnh, du xuân. Ảnh: H.D

(HBĐT) - Kỳ nghỉ cuối tuần, không chịu ngồi bó gối trong bức tường. Không khí ấm áp của đất trời, sự hồ hởi của lòng người đã thúc giục chúng tôi tìm đến những nơi thanh sơn, cẩm tú để hít đầy lồng ngực khí xuân.

 

Là người khởi xướng, tôi quyết dành cho cả đoàn một bất ngờ. Nơi chúng tôi đang phiêu diêu theo mái chèo thuyền gỗ là mảnh đất mà ông bà, cha mẹ tôi từng lớn lên. Gần trưa, sương bắt đầu tan, mặt hồ Hòa Bình như rộng ra, khoe những mỏm đá như hòn đảo của vịnh trên cạn. Trên bờ vẫn là những rừng keo, xoan, tre, luồng xanh thẫm. Từ khi rời cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình) từ sáng sớm giờ mới nhìn rõ cảnh vật. Bác lái thuyền khẽ đảo lái, hướng thuyền về phía chấm xanh mờ mỗi lúc một rõ hơn, giới thiệu:

 

- Bến Chiềng đó các cháu.

 

Câu nói đó càng gợi thêm cho chúng tôi sự háo hức. Khác với người dân ở hạ lưu như vùng Đồng Sông hay Bến Ngọc (Kỳ Sơn), dân mạn bắc sông Đà phía thượng du khu thác Bờ mới chỉ làm quen với sông nước ngót 30 năm lại đây. Từ những thợ săn, sơn tràng tinh thông trên rừng, họ xuống với mực nước lòng hồ để tạo ra những xóm làng ven sông còn tươi mới, nguyên sơ. Bất giác, người bạn đi cùng tôi thốt lên:

 

- Dòng sông đã đổi thay mực nước mà cảnh sắc vẫn nguyên sơ thật.

 

Càng ngắm, càng nghe người lái đò già kể, chúng tôi càng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp kín đáo của mảnh đất này. Không lênh đênh một cuộc sống sông nước thuyền chài. Người dân vẫn bám rừng để lấy củi, hái măng, bắt ốc núi, hái mắc khén. Nhưng họ cũng không hờ hững với lòng hồ khi giăng đăng, lưới, nuôi cá lồng. Nhìn lòng hồ mênh mông vậy, ấy mà khi ghé thuyền lại gần bờ ở những nơi ăn sâu vào đất (trước kia hẳn là vách núi, sườn đồi) lại ấm áp khói bếp tỏa lên từ những mui thuyền hay xóm chài neo đậu bên bờ.

 

Do ở sườn vách cao lại không phải mặt nước do thiên tạo nên thay bằng những bãi dâu hay ruộng ngô là những mảnh vườn kề cận sông, khu đất đồi. Không gian đẹp khi vô tình đặt hai mảng ghép rừng thẳm và nước xanh gần nhau.

 

Mường Chiềng có lẽ là vùng đất hiếm bởi cách xa thành phố ngót cả trăm cây số nhưng lại gần hơn khi đi đường thủy. Là một trong những Mường xa xôi nhất nên vùng đất nơi đây hiếm bước chân người qua nhưng lại rất quý người. Bước từ thuyền lên xóm, mặc cho khách ngồi đó, gia chủ không vội vã bắt tay mà lúi húi với ấm nước, lò than rồi mới cất lời đón khách khi trên mâm có biết bao hương vị núi rừng đậm đà ấy. Bác chủ nhà kể rằng, ở đoạn sông này khuất gió nên nước thanh bình. Những khi có thuyền qua sẽ tạo thành vệt trắng sáng trên mặt hồ xanh, từ xa chỉ nhận biết đường hướng từ những dải khói lam chiều. Tuy xóm nhỏ nhưng ở những dòng suối chi lưu ra sông vẫn có cọn nước, cối gạo điểm nhịp chày đêm. Trên những mái nhà gỗ đinh cổ vẫn ấm cúng bếp lửa với bắp ngô đồi, chén rượu men rừng. Càng trưa, không gian càng thanh vắng bởi những tiếng gà gáy vang xuống mặt nước lòng hồ. Thưởng thức vị cá nướng ngọt thơm chấm hạt dổi, miếng thịt trâu khô ướp mắc khén, nắm xôi đồ làm chúng tôi thấy hơi ấm tỏa lên cay cay sống mũi. Nhìn ra khung cảnh thấy những ngày đầu xuân thật sự ấm áp và tinh khôi. Bác chủ nhà đưa đôi mắt ngấm men rượu núi nhìn ra phía hồ kể chuyện loài cá trắm trắng mình thon, cá anh vũ mỏ hồng đêm nào vừa bắt được. Trong tôi dâng trào cảm xúc, thấy yêu quê mình đến lạ. Có lẽ, tạo hóa đã cho nơi đây một vùng đất đẹp kỳ diệu như thế để mỗi khi được trở về với góc nhỏ quê hương lại thấy tâm hồn mình trong  trẻo hơn.  

 

                                                       

                                        Tản văn của Bùi Việt Phương

 

 

 

 

Các tin khác

Những chiếc trống đồng được sưu tập và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh 

là những hiện vật vô giá trong các giai đoạn phát triển của nền văn hóa Hòa Bình.
Thầy mo làm lễ cầu mong gia chủ gặp nhiều may mắn khi đến ở nhà mới, bếp núc sẽ luôn vui vẻ.
Tiết mục hoà tấu nhạc cụ dân tộc CLB Nắng Xuân.
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng Hội đồng hương Hà Nam trên quê hương Hòa Bình tại buổi gặp mặt.

Cần ứng xử có văn hóa khi du xuân

(HBĐT) - Mùa xuân là mùa của các lễ hội. Đầu năm đến các đền, chùa, lễ hội để vui xuân và cầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng là nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, chính tại những nơi này, không ít người đi du xuân lại có những hành vi thiếu văn hóa. Điển hình như hiện tượng xả rác bừa bãi, ăn mặc hở hang khi đi chùa, đắp tiền lẻ lên tượng, thắp hương không đúng nơi quy định… Tình trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Đi tour ngày Tết

(HBĐT) - Tết là dịp để đoàn viên, sum họp gia đình. Song, gần đây, xu hướng đi du lịch dịp Tết được khá nhiều người hưởng ứng. Thay vì đón Tết tại gia, nhiều gia đình chọn dịp nghỉ Tết dài ngày để thực hiện những chuyến đi tour du xuân, nghỉ dưỡng hay trải nghiệm những vùng đất mới...

Khai hội đền Rem

(HBĐT) - Ngày 17/2 (tức ngày 10/1 âm lịch), Ban quản lý di tích lịch sử đền Rem (thị trấn Chi Nê-Lạc Thủy) đã tổ chức lễ khai hội đền Rem năm 2016. Đến dự có các đồng chí: Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Lạc Thuỷ cùng đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương.

Lễ Xên Mường huyện Mai Châu năm 2016

(HBĐT) - Sáng 17/2 (tức mùng 10 tháng giêng), tại xóm Chiềng Châu, UBND xã Chiềng Châu (Mai Châu) tổ chức lễ Xên Mường năm 2016.

Mạch nguồn văn hóa Mường Bi

(HBĐT) - Tết này mế Hậu vui lắm! Mế vui một phần vì đã được chứng kiến 80 mùa hoa mận, hoa mơ nở rộ. Ra giêng mế và những bậc cao niên trong làng lại được ngồi trên hàng ghế danh dự để lãnh đạo Đảng, chính quyền xã và các thế hệ cháu con mừng thọ. Nhưng điều làm mế vui hơn là đứa cháu đích tôn đã công bố: ra giêng sẽ cưới vợ! ở tuổi này mới có cháu dâu mế vui lắm, muốn đi hết làng trên, xóm dưới để khoe đại hỉ, nhưng rồi mế lại tần ngần: Nhà khó biết làm thế nào để đám cưới cháu được bằng bạn, bằng bè. Cháu dâu của mế lại thuộc dòng dõi lang ậu, lấy đâu ra 9 trâu, 1 bò, vài ba con lợn, nồi đồng, vòng bạc... để đi xin cưới.

Đến với vũ điệu xòe của người Thái Mai Châu

(HBĐT) - Ngày xuân, vùng đất Mai Châu lại lung linh, rộn ràng trong điệu xòe của người Thái. Mỗi độ xuân về, khắp các bản làng người Thái mọi người dân gác bỏ những bộn bề, lo toan thường nhật để cùng vui điệu xòe.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục