Những người làm nghề truyền thống nỗ lực phát triển thương hiệu, nâng cao thu nhập từ sản phẩm rượu cần. Ảnh: Bà Bùi Thị Cùi, chủ cơ sở sản xuất rượu cần Cùi Duôi gìn giữ thương hiệu rượu cần Mường Vang.
(HBĐT) - Ở một nơi ồn ào phố thị (tổ 3, phường Phương Lâm - thành phố Hòa Bình) có khu phố mà nhiều người quen gọi là “làng rượu cần”. Gọi vậy là bởi tính đến nay vài chục năm có lẻ, các hộ dân nơi đây sống bằng nghề làm rượu cần, bền bỉ giữ cả những nét văn hóa cổ truyền của người Mường Vang (Lạc Sơn) trong đó.
Bà Bùi Thị Cùi được biết đến là người đầu tiên mang thương hiệu rượu cần Mường Vang đến với thị trường gần, xa. Theo lời bà kể, từ thời mới về làm dâu, mẹ chồng đã dạy bà công thức để làm ra vò rượu thơm ngon. Để rồi đến khi chuyển từ Lạc Sơn ra ngoài này định cư, bà vẫn không quên vào những ngày lễ trọng của gia đình tự tay chuẩn bị vò rượu ngon thết khách. Nhiều người biết tiếng tìm đến bà nhờ đặt làm, nhu cầu mỗi lúc một nhiều, dần dà bà mở hẳn một cơ sở chuyên sản xuất rượu cần lấy nhãn hiệu rượu cần Mường Vang Cùi Duôi. Đông khách, gia đình bà thuê thêm người phụ việc nhưng toàn bộ quy trình làm rượu cần đều riêng một mình bà đảm nhiệm.
Để làm rượu cần, nguyên liệu gồm gạo nếp, trấu và men. Thành phần chính quyết định rượu ngon hay nhạt là ở men rượu. Để làm ra một vò rượu ngon theo công thức bà Cùi chia sẻ thì trước tiên phải rửa trấu thật sạch, gạo nếp vo và ngâm kỹ cho bở từ ngày hôm trước để đến sáng sớm hôm sau đem vớt, đãi sạch lần nữa trước khi trộn lẫn với trấu và cho vào đồ. Sau vài giờ, cơm nếp trộn trấu đồ đã chín đem xúc ra mẹt, tãi đều chờ nguội rồi rắc men vào. Đặc biệt, thứ men mà bà dùng và chỉ dùng là men lá tự chế, giúp rượu dậy mùi thơm, vị ngọt đậm đà lẫn cay nồng, tốt cho sức khỏe. Sau đó, cơm nếp, trấu và men trộn được ủ kỹ trong 24 giờ đồng hồ vừa đủ thời gian để bốc men. Lúc này, đến công đoạn lấy ra ấn vào vò, bịt chặt miệng vò và cuối cùng là chờ đợi khoảng 20 hôm đến 1 tháng để thưởng thức món đồ uống hương vị đặc biệt.
Nếu bảo quản tốt, rượu cần có thể để được 3 năm. Kinh nghiệm để ra vò rượu có chất lượng là không được bỏ qua bất cứ công đoạn nào và đặc biệt phải tuân thủ khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ hộ làm nghề rượu cần đầu tiên là bà Bùi Thị Cùi, nhiều hộ khác (hầu hết là những người làm dâu quê gốc Mường Vang) trong khu phố cũng rủ nhau làm nghề. Hiện “làng rượu cần” đã có 19 hộ sản xuất, kinh doanh. Các hộ ở đây cho biết: Làm rượu cần không nặng nhọc nhưng phải thức khuya, dậy sớm, ngày nào làm rượu thường phải chuẩn bị nguyên liệu kỹ từ hôm trước, sang đến 2 - 3 giờ sáng hôm sau là dậy nổi lửa, bắc chõ lên rồi. Công đoạn làm rượu nghe thì dễ nhưng để có rượu ngon, mỗi công đoạn yêu cầu phải thật cẩn thận, tỉ mẩn. Đổi lại, rượu cần là thứ đồ uống được nhiều người ưa chuộng, người trong làng sản xuất ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Các hộ cung ứng chủ yếu theo đơn đặt hàng và nhu cầu của khách.
Dịp Tết, mùa lễ hội hàng năm là thời điểm “làng rượu cần” bận rộn với việc làm nghề. Các vò rượu được chuẩn bị trước đó cả tháng để kịp phục vụ. Muốn vậy, hầu như ngày nào các hộ cũng phải dậy từ sớm để làm rượu, sản xuất ngày gối ngày mới đảm bảo cung cấp đủ số lượng vò rượu khách đặt hàng, chưa kể để dành ra một số mẻ phục vụ nhu cầu khách lẻ. Với các hộ làm nhiều, bình quân xuất bán từ 5.000 - 6.000 vò rượu/năm, các hộ còn lại xuất bán ra dao động 2.000 - 3.000 vò/năm. Lượng vò rượu tiêu thụ chủ yếu vào dịp Tết, bình quân hàng tháng bán được 200 - 300 vò.
Tới thăm cơ sở sản xuất rượu cần Thanh Trinh của bà Bùi Thị Trinh, nghe bà trải lòng thì nghề làm rượu cần được xem như nghề gia truyền của phụ nữ người dân tộc Mường. Theo truyền thống, trong các gia đình làm rượu cần gia truyền, công thức làm rượu sẽ được truyền lại cho con dâu để lưu giữ cho các đời sau. Đàn ông trong nhà thường không biết công thức và cũng không tham gia vào việc làm rượu. Tuy thức uống này không phải hàng hóa thiết yếu như cơm hay thực phẩm nhưng lại có sức hút bản sắc văn hóa đặc biệt. Quan trọng để giữ nghề và chữ tín thương hiệu làng nghề rượu cần Mường Vang, các hộ luôn tâm niệm làm đúng các công đoạn đã được truyền dạy, bảo quản tốt để người tiêu dùng yên tâm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những hộ làm nghề rượu cần ở đây lý giải: rượu cần là bản sắc cổ truyền, sở dĩ gọi là rượu cần bởi là món đồ uống không thể không có khi gia đình, làng xóm có việc vui. Thêm vào đó, rượu được uống bằng cần tạo không khi đông vui mang tính cộng đồng đoàn kết. Sản phẩm của “làng rượu cần” hiện đã có mặt nhiều nơi, người dân Hòa Bình đi xa mang làm quà tặng nhiều, khách từ Bắc chí Nam, khách nước ngoài đến với địa phương cũng thích thú thưởng thức rượu cần và không quên đặt mua vài vò để người thân cùng được nếm hương vị men say. Cứ thế, làng nghề rượu cần duy trì, phát triển thêm lên. Thu nhập từ nghề cũng góp phần đảm bảo trang trải cuộc sống. Hộ sản xuất ít nhất cũng có lợi nhuận 60 - 70 triệu đồng/năm, hộ lợi nhuận cao đạt trên, dưới 200 triệu đồng/năm. Không ít hộ nhờ gắn bó với nghề làm rượu cần truyền thống mà có thu nhập ổn định, đời sống sung túc.
Bùi Minh
(HBĐT) - Tối ngày 25/3, tại hội trường trường Trung cấp Y tế Hoà Bình, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2016), đồng thời hướng tới kỷ niệm 58 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh (27/3/1958 – 27/3/2016).
(HBĐT) - Cao Phong là vùng đất lịch sử lâu đời, có bề dày văn hóa truyền thống, là trung tâm của Mường Thàng. Với những di tích văn hóa khảo cổ, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa ở các xóm, xã của huyện là một trong những tiềm năng lớn để quy hoạch phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, cùng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với quá trình đấu tranh cách mạng của địa phương đã trở thành những điểm đến thăm quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước.
(HBĐT) - “Nào mình cùng đi” do Kênh Truyền hình Thiếu nhi và Gia đình Kids & Family TV – VTC11 sản xuất. Đây là một chương trình truyền hình thực tế, dành cho các bạn nhỏ 9 – 11 tuổi tham gia trải nghiệm. Với mỗi chủ đề, 4 nhân vật trải nghiệm cùng ghé thăm một vùng đất, sinh sống trong một gia đình tại địa phương, trải nghiệm đời sống, công việc hàng ngày và tìm hiểu về văn hóa vùng miền tại đây. Chương trình phát sóng lúc 17h30 chủ nhật hàng tuần trên sóng VTC11.
(HBĐT) - Lễ hội chùa Tiên, xã Phú Lão (Lạc Thủy) khai hội vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch hàng năm là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh, thu hút đông đảo du khách thập phương. Cứ mỗi độ xuân về, hàng ngàn phật tử, du khách lại nô nức trẩy hội, hòa mình vào các hoạt động văn hóa truyền thống, tâm linh hướng thiện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa.
(HBĐT) - Ngày 23/3, tại Sở Văn hoá- Thể thao& Du lịch, Ban Văn hoá- Xã hội& Dân tộc (HĐND tỉnh) đã giám sát việc thực hiện Luật du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng tham gia buổi giám sát có đồng chí Hoàng Quang Minh, Uỷ viên thường trực HĐND tỉnh, đại diện các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành hữu quan.
(HBĐT) - Được sự nhất trí của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Báo Hòa Bình đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đã hoàn thành xuất bản cuốn Tuyển tập bài viết xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2013-2015.