Ứng cử viên An-tô-ni-ô Ghuy-tê-rết

Ứng cử viên An-tô-ni-ô Ghuy-tê-rết

Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã chính thức khởi động với cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đối với 12 ứng cử viên, diễn ra ngày 21-7. Mặc dù kết quả cuộc bỏ phiếu kín chưa nói lên điều gì, nhưng sẽ giúp các ứng viên định hình được vị thế của mình trong cuộc tranh cử hứa hẹn nhiều gay cấn này...

 

Kết quả cuộc bỏ phiếu đầu tiên này không công khai, nhưng được thông báo cho chính phủ những nước đã đề cử ứng viên tham gia cuộc đua để bầu chọn người sẽ thay thế đương kim Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun vào tháng 1-2017. Phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu kín có 3 lựa chọn là “khuyến khích”, “không khuyến khích” và “không có ý kiến”.

Theo trang điện tử tạp chí Foreign Policy, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha An-tô-ni-ô Ghuy-tê-rết (Antonio Guteres) là ứng cử viên nhận được nhiều nhất số phiếu “khuyến khích” ông trở thành tân Tổng Thư ký. Không có phiếu “không khuyến khích” nào và chỉ có 3 phiếu “không ý kiến” dành cho ứng cử viên này. Tổng thống Xlô-vê-ni-a, Đa-ni-lô Tút-cơ (Danilo Turk) giành được số phiếu “khuyến khích” nhiều thứ hai. Ứng cử viên này nhận được 11 phiếu “khuyến khích”, 2 phiếu “không khuyến khích” và 2 phiếu “không có ý kiến”.

 

Yếu tố bình đẳng giới cũng được đánh giá cao trong cuộc đua lần này khi có nhiều ý kiến ủng hộ Liên hợp quốc sẽ có một nữ Tổng thư ký đầu tiên. Kết quả bỏ phiếu kín cho thấy cựu quyền Ngoại trưởng Bun-ga-ri, bà I-ri-na Bô-cô-va (Irina Bokova) xếp vị thứ ba cùng hai ứng cử viên khác khi giành được 9 phiếu “khuyến khích”. Đây cũng là số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên nữ tham gia cuộc đua. Bà I.Bô-cô-va còn có lợi thế nữa là đại diện đến từ khu vực Đông Âu và có mối quan hệ thân thiết với Chính phủ Nga, một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Các ứng cử viên đến từ Đông Âu được cho là sẽ có nhiều ưu thế trong cuộc đua lần này. Theo luật “bất thành văn”, chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ được chia sẻ luân phiên với 5 nhóm khu vực Tây Âu, Đông Âu, Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi. Mà tính đến nay, đã có 3 người từ Tây Âu, 2 người từ châu Phi, 2 người từ châu Á và 1 người từ khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê làm Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong khi Đông Âu vẫn vắng bóng. Nhiều quốc gia cũng đang thiên về ủng hộ một ứng cử viên đến từ Đông Âu ngồi vào chiếc ghế Tổng Thư ký Liên hợp quốc.  

Kết quả cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên chưa giúp khẳng định chắc chắn ai sẽ trở thành tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc, vì quyết định cuối cùng vẫn thuộc về 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Chưa kể thực tế đã chứng minh quyết định của những nước này thường bị chính trị hóa, bị chi phối bởi các mối quan hệ song phương cũng như chương trình nghị sự riêng của các thành viên.

Để hạn chế những ảnh hưởng này, cuộc đua năm nay đã đổi mới một số phương thức như tạo điều kiện để các ứng viên có cơ hội công khai chứng tỏ năng lực và trình bày các kế hoạch hành động của mình nếu đắc cử. Chính sự minh bạch này sẽ gây áp lực buộc Hội đồng Bảo an phải lựa chọn một gương mặt xứng đáng và có sức thuyết phục, nhất là trong bối cảnh Liên hợp quốc đang ngày càng phải đối phó với rất nhiều thách thức mới. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Mô-gen Li-kê-tốp (Mogens Lykketoft) từng đưa ra khuyến cáo nếu Hội đồng Bảo an không đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc, thì “rất có thể Đại hội đồng sẽ phá bỏ truyền thống bằng cách không phê chuẩn kiến nghị của cơ quan này cho chức danh Tổng Thư ký”.

Năm 2016, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định đóng vai trò chủ động hơn trong quá trình lựa chọn Tổng Thư ký mới nhằm bảo đảm tính minh bạch, đa dạng và thống nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử, các ứng viên buộc phải đệ trình bản khai lý lịch cùng kinh nghiệm của bản thân trước khi tham gia họp các cuộc họp không chính thức cùng Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trước khi cuộc bỏ phiếu kín được tổ chức, các ứng cử viên phải tham gia một cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới tại Phòng họp lớn của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các ứng cử viên phải trả lời câu hỏi do các nhà ngoại giao và công chúng đưa ra liên quan tới một số vấn đề nóng bỏng toàn cầu như biến đổi khí hậu, hòa bình Trung Đông, sứ mệnh của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cuộc chiến chống đói nghèo, bất bình đẳng giới...

Vì vậy, mặc dù kết quả bỏ phiếu kín như trên và ứng cử viên đang dẫn đầu An-tô-ni-ô Ghuy-tê-rết được giới ngoại giao đánh giá cao về kinh nghiệm trong cơ quan Liên hợp quốc, con đường đi tới chiếc ghế đứng đầu Liên hợp quốc chưa có gì được bảo đảm. Ông An-tô-ni-ô Ghuy-tê-rết thuộc đảng Xã hội trung tả giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002 và giữ chức Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho đến cuối năm ngoái. Nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là Nga tuy không bỏ phiếu “không khuyến khích” cho ứng cử viên An-tô-ni-ô Ghuy-tê-rết, nhưng cho đến nay vẫn giữ quan điểm ủng hộ một ứng cử viên tới từ Đông Âu.

Dự kiến, Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu không chính thức nữa vào tuần tới, tiếp theo là một số cuộc trong tháng 8 và có thể cả trong tháng 9 trước khi đưa ra kiến nghị trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 10 tới.

 

                                                                                    Theo QĐND

Các tin khác

Trụ sở Tòa Trọng tài quốc tế tại Hà Lan
Cảnh sát Đức tại hiện trường vụ tấn công tối 18-7. Ảnh: BBC
Tỷ phú Donald Trump.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống R.Éc-đô-gan hôm 16-7 ở thủ đô An-ca-ra. Ảnh: AFP

Lào lần đầu bày tỏ quan điểm về Biển Đông sau phán quyết của PCA

Theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 16/7 tại trụ sở Bộ Ngoại giao CHDCND Lào ở thủ đô Vientiane đã diễn ra cuộc họp báo, trong đó bên cạnh việc thông báo công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 49 và các hội nghị liên quan, phía CHDCND Lào còn công bố quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông.

Cuộc điện thoại đập tan âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Trong lúc những chiếc xe cơ giới của quân đội gầm rú ở Ankara và Istanbul thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang đi nghỉ ở một thành phố bên bờ Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ: ''Nếu là đối tác, hãy làm điều cần thiết''

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua kêu gọi Mỹ tham gia trừng trị người ông cho là đứng đằng sau âm mưu đảo chính làm hơn 200 người chết.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đảo chính: Bạo lực bùng phát ở nhiều nơi, 60 người chết

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7 tuyên bố đã chiếm quyền và rằng một số nhà lãnh đạo dân sự đang bị quản thúc sau khi các xe tăng bất ngờ tấn công vào tòa nhà quốc hội, trực thăng bay rợp trời thủ đô Ankara. Tuy nhiên, giới chức dân sự nói âm mưu đảo chính đã bị đẩy lùi.

Vụ thảm sát bằng xe tải ở Pháp có thể là đòn giãy chết của IS

Hình thức tấn công khủng bố bằng xe tải đã được phiến quân IS vạch ra và áp dụng ngày càng nhiều trong những vụ khủng bố gần đây.

Chân dung “bà đầm thép” thứ hai của nước Anh

Là con gái của một mục sư, trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của đảng Bảo thủ, giữ chức Bộ trưởng Nội vụ lâu nhất trong nửa thế kỷ tại Anh trước khi đặt chân tới tòa nhà số 10 phố Downing và ngồi lên chiếc ghế Thủ tướng, bà Theresa May được kỳ vọng sẽ trở thành hậu duệ xuất sắc của “bà đầm thép” Margaret Thatcher, dẫn dắt nước Anh tiến xa trong thời kỳ hậu Brexit

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục