Ngày 16-9, Chính phủ Anh đã quyết định đóng cửa Đại sứ quán nước này tại thủ đô An-ca-ra (Ankara) của Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do an ninh. Trước đó 2 ngày, cũng vì lý do an ninh, Đức đã yêu cầu đóng cửa Đại sứ quán Đức cũng như tất cả các cơ quan đại diện lãnh sự và cơ sở giáo dục của Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài lý do an ninh, còn nhiều lý do khác được cho là có liên quan tới quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” gần đây giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, sau việc nước này thắt chặt quan hệ với Nga...
Cuộc "mặc cả" chưa kết thúc
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh, quyết định đóng cửa Đại sứ quán Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực từ ngày 16-9. Trước đó, Đại sứ quán Anh đã đóng cửa từ ngày 12 đến 15-9 vào dịp Lễ Eid al-Adha, lễ hội quan trọng nhất theo lịch Hồi giáo. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Anh cũng khuyến cáo công dân nước này tránh đi lại trong phạm vi bán kính 10km ở khu vực biên giới Xy-ri và tới thành phố Đi-ya-ba-ki (Diyarbakir), khu vực có đa số người Cuốc (Kurd) sinh sống ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Đức cũng đã yêu cầu đóng cửa Đại sứ quán Đức cũng như tất cả các cơ quan đại diện lãnh sự và cơ sở giáo dục của Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ khi Béc-lin nhận được những thông tin về khả năng xảy ra tấn công khủng bố vào các cơ sở, kể cả các trường học của Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những thông tin công khai mà các Đại sứ quán 2 nước này đưa ra là do có khuyến cáo tình trạng bạo lực mà thủ phạm là các tay súng Hồi giáo cực đoan và người Cuốc gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây.
Mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đã nguội lạnh sau khi các thông tin mật rò rỉ được báo chí Đức đăng tải. Béc-lin nhận định, An-ca-ra có mối liên hệ chặt chẽ và tích cực hỗ trợ các tổ chức khủng bố Hồi giáo. Với nhận định này, Chính phủ Đức đã lần đầu tiên chính thức bày tỏ về mối quan hệ trực tiếp giữa Tổng thống Ơ-đô-gan với một tổ chức bị Liên minh châu Âu (EU) xếp là tổ chức khủng bố từ năm 2003. Cũng theo thông tin nêu trên, Chính phủ Đức cho tới nay vẫn thể hiện quan điểm dè dặt đối với các vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cờ của Thổ Nhĩ Kỳ và EU tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Propertyturkey.com
Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự được các nhà phân tích chỉ ra cho biết, cuộc họp mới đây giữa các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Ô-mơ Xê-lích (Omer Celik) tại thủ đô Bra-ti-xla-va (Bratislava, Cộng hòa Xlô-va-ki-a) đã không mang lại kết quả như mong đợi trong việc giải quyết những tranh chấp gai góc giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc An-ca-ra phải điều chỉnh luật chống khủng bố.
Cuộc họp tại Bra-ti-xla-va vừa qua được coi như "Hội nghị cấp cao" đầu tiên giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7 vừa qua tại quốc gia này. Đại diện của An-ca-ra, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu Ô-mơ Xê-lích đồng thời cũng là Trưởng đoàn đàm phán quá trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, đã trấn an Ngoại trưởng các nước EU rằng: Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ được thông qua hồi tháng 3-2016 vừa qua về giải quyết vấn đề người di cư vẫn được thực thi vì lý do nhân đạo, ngay cả khi điều kiện mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra cho EU liên quan đến việc miễn thị thực cho công dân nước này đi du lịch ngắn ngày tới châu Âu (dự tính được thực hiện trong tháng 6-2016 vừa qua) chưa được thực thi. Đầu tháng 8-2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Ơ-đô-gan đã đe dọa "hủy bỏ" thỏa thuận này nếu việc miễn thị thực đến tháng 10 vẫn không được thực hiện. Ông Ơ-đô-gan đã từng tuyên bố, nếu yêu cầu của phía Thổ Nhĩ Kỳ không được đáp ứng, quốc gia này sẽ không nhận lại người di cư Xy-ri đến từ Hy Lạp.
Trên thực tế, châu Âu đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ "giảm nhẹ" luật chống khủng bố nhưng câu trả lời của Bộ trưởng Ô-mơ Xê-lích ở Bra-ti-xla-va là "không thể, khi mối đe dọa khủng bố vẫn tồn tại". Bộ trưởng Ô-mơ Xê-lích nhấn mạnh: Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này chấp nhận Ủy ban châu Âu (EC) giám sát việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp, có sự tôn trọng đối với thỏa thuận hiện hành với EU, song nước này cũng cứng rắn tuyên bố, sẽ không có bất cứ sự dàn xếp nào với EU về vấn đề người nhập cư khi mà An-ca-ra vẫn chưa được hưởng cơ chế tự do hóa thị thực.
Những tính toán riêng rẽ
Theo Báo Le Monde của Pháp số ra mới đây, thái độ ngờ vực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU khiến hai bên khó tìm được tiếng nói chung để giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực vốn đang cần sự hợp tác của họ. Báo Le Monde phân tích, thái độ lạnh nhạt của EU trước một số yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho cả lãnh đạo và người dân Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ nghi ngờ chính sách của EU.
EU đang “lung lay” quan điểm khi các chính trị gia đặt ra câu hỏi: Liệu châu Âu có hình dung được rằng Thổ Nhĩ Kỳ và cả khu vực, trong đó có cả lục địa châu Âu, sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu như cuộc chính biến đó thành công? Thêm vào đó, EU đang còn “nhờ cậy” Thổ Nhĩ Kỳ với một hồ sơ rất nóng bỏng: Triển khai thỏa thuận ký kết hồi tháng 3 vừa qua về người di cư - một chủ đề không hề dễ dàng.
Quá nhiều hồ sơ quan trọng phụ thuộc vào cuộc đối thoại giữa hai bên: Cuộc chiến Xy-ri, ngăn chặn dòng người nhập cư, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố... và cả tấn thảm kịch người Cuốc Thổ Nhĩ Kỳ, một vấn đề không thể giải quyết thông qua con đường quân sự. "EU phải chứng tỏ rằng họ thực sự muốn đối thoại", An-ca-ra nhấn mạnh. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, họ cũng cần chứng tỏ "là một bên đối thoại thực sự".
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích châu Âu, cho dù có “mặn nồng” với Nga khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ nối lại hoàn toàn quan hệ thương mại ở mức trước khủng hoảng ngoại giao và tạm thời mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ đang trong giai đoạn không tốt, nhưng một điều chắc chắn, An-ca-ra sẽ không coi thường quan hệ thương mại với EU bởi liên minh này hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng trong cuộc chơi địa chính trị này, ông Ơ-đô-gan là người đang có lợi thế, bởi Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều phương án hơn châu Âu, Mỹ hay Nga. Rồi sẽ đến một thời điểm cả Mỹ và EU lại quay sang "vuốt ve" Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia E.Lu-cát (Edward Lucas) thuộc Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) của Ba Lan, nhận định: “Việc Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga một phần do sai lầm trong chính sách của EU. Mặc dù vậy, EU và phương Tây vẫn là đồng minh chiến lược lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ".
Theo QĐND
Bộ Nội vụ Italy ngày 12-9 cho biết, khoảng 124.500 người di cư đã đến quốc gia này kể từ đầu năm 2016 đến nay, vượt con số 122.000 người di cư trong cả năm 2015.
Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia bất kỳ sáng kiến nào của Mỹ đề xuất để đẩy lùi tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) khỏi thành phố Raqqa, nơi vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của các tay súng IS và được xem là "thủ đô" của chúng ở Syria.
Báo chí Pháp ngày 6-9 đồng loạt đưa tin đậm nét về chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp François Hollande tại Việt Nam và khẳng định trọng tâm chuyến thăm là thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước Pháp và Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc, là dịp để các nhà lãnh đạo gặp gỡ, trao đổi và tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển.
Ngày 4-9, tại TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị cấp cao (HNCC) Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) lần thứ 11, với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, kết nối và rộng mở”.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đờ-ra Mô-đi (Narendra Modi) đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2 đến 3-9. Trong ngày 3-9, lãnh đạo nước ta đã đón tiếp, hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ tại Hà Nội.