Chỉ còn gần ba tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Tuy nhiên, vụ bê bối liên quan đến vợ con của ứng cử viên của phe trung hữu, cựu Thủ tướng Phrăng-xoa Phi-ông (Francois Fillon), đã báo hiệu những biến động khó lường trên chính trường Pháp hiện nay.

 

Bê bối “việc làm ma”

Trong cuộc họp báo diễn ra cuối ngày 6-2, giờ Pa-ri, ông Phrăng-xoa Phi-ông đã chính thức lên tiếng xin lỗi về bê bối chi tiêu bị báo chí phanh phui thời gian qua, nhưng vẫn khẳng định quyết tâm tiếp tục chiến dịch chạy đua vào Điện Elysée bất chấp sức ép từ ngay chính nội bộ đảng mình và uy tín đang giảm sút mạnh đối với cử tri Pháp.

Theo Le Monde, tại buổi họp báo trên, ông Phi-ông thừa nhận đã "phạm sai lầm" trong việc thuê vợ mình là bà Pê-nê-lốp Phi-ông (Penelope Fillon) làm trợ lý khi ông còn là nghị sĩ Quốc hội Pháp. Tuy nhiên, ông Phi-ông cũng bác bỏ những thông tin được báo chí Pháp đăng tải trước đó về khoản tiền bà Pê-nê-lốp Phi-ông được trả cho công việc bị cáo buộc là "giả mạo". Theo ông Phrăng-xoa Phi-ông, khoản tiền mà vợ ông được trả sau khi khấu trừ các khoản thuế chỉ hơn 680.000 ơ-rô (730.000USD) trong vòng 15 năm rưỡi, tính từ năm 1986. Ứng cử viên Tổng thống Pháp của đảng Cộng hòa cho rằng, mức lương tháng trung bình mà vợ ông nhận được trong khoảng thời gian trên chỉ vào khoảng 3.677 ơ-rô, và như vậy là "hoàn toàn thỏa đáng".

 

Ứng cử viên của phe trung hữu Phrăng-xoa Phi-ông trong cuộc họp báo ngày 6-2. Ảnh: AP. 

 

Ông Phrăng-xoa Phi-ông cũng thừa nhận sử dụng ngân sách dành cho nghị sĩ Quốc hội để thuê hai người con của mình làm trợ lý trong giai đoạn 2005-2007 với mức thù lao trước thuế là 84.000 ơ-rô (91.000USD). Ông Phrăng-xoa Phi-ông bày tỏ "thực sự hối tiếc" và xin lỗi vì những việc làm của mình đã tạo ra sự ngờ vực trong dư luận, song cũng nhấn mạnh việc ông thuê vợ và con làm trợ lý là không có gì sai trái theo luật hiện hành tại Pháp.

Bác bỏ những lời kêu gọi từ ngay chính một số thành viên cấp cao trong nội bộ đảng Cộng hòa đòi hỏi ông rút lui để nhường chỗ cho ứng cử viên khác, ông Phrăng-xoa Phi-ông tuyên bố bắt đầu một chiến dịch tranh cử mới để "giành chiến thắng" trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, dự kiến sẽ được tổ chức trong hai vòng vào ngày 23-4 và ngày 7-5 tới.

Gió đã đổi chiều?

Mới chỉ hai tuần trước, ông Phrăng-xoa Phi-ông còn là ứng cử viên sáng giá nhất trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, nhờ cam kết cải cách triệt để nền kinh tế Pháp, trong đó có việc cắt giảm 50.000 công chức để tiết kiệm ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, sau khi bị báo chí Pháp phanh phui về việc sử dụng ngân sách nhà nước để trả lương "hậu hĩnh" cho những công việc bị tố cáo là "không tồn tại" do vợ và con mình đảm nhiệm, uy tín của ông Phrăng-xoa Phi-ông đang "tụt dốc không phanh". Từ một ứng cử viên sáng giá, tỷ lệ ủng hộ ông Phi-ông đã tụt giảm mạnh xuống chỉ còn 20%, thấp hơn cả ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Ma-rin Lơ Pen (Marine Le Pen) và ứng cử viên trung dung Ê-ma-nuy-en Ma-crông (Emmanuel Macron) với tỷ lệ ủng hộ tương ứng là 27% và 23%.

Cho dù tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng và không từ bỏ cuộc đua, giới phân tích cho rằng, cơ hội đắc cử của cựu Thủ tướng Phi-ông hiện rất mong manh. Còn giải pháp "thay ngựa giữa dòng" của phe cánh hữu vào thời điểm này sẽ chẳng khác nào “tự giơ cờ trắng đầu hàng” khi cuộc bầu cử vòng 1 đang đến gần. Các kết quả thăm dò hiện tại cho thấy, ông Phi-ông khó vượt qua vòng bỏ phiếu đầu tiên vào cuối tháng 4 tới và nhiều khả năng, ông Ma-crông và bà Ma-rin Lơ Pen sẽ đi tiếp vào vòng 2.

Với nhiều nhà quan sát trung lập, ẩn số lớn nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017 này là ông Ê-ma-nuy-en Ma-crông. Vị cựu Bộ trưởng Kinh tế trẻ được mệnh danh là “Mô-da trong giới tài chính” này đang thăng tiến rất nhanh và được xem là một “ẩn số” khó lường. Cho đến hiện tại, ông Ma-crông vẫn đang tự định vị mình như một ứng cử viên “không tả, không hữu” nhưng lại đang tìm cách lôi kéo mọi cử tri của cả hai bên.

Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng BVA tiến hành, trong trường hợp ông Ma-crông vượt qua ông Phi-ông để lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử cùng với bà Lơ Pen, ông Ma-crông sẽ có nhiều khả năng chiến thắng. Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả của cuộc thăm dò dư luận. Tất cả vẫn là những ẩn số bởi sau hai sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và chiến thắng của tỷ phú Đô-nan Trăm (Donald Trump) trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, người ta đang đặt ra những nghi vấn về tính chính xác của các cuộc thăm dò dư luận.

Những bất ngờ liên tiếp trong hai tuần qua khiến những dự báo về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp trở nên khó đoán định. Một cuộc đua với nhiều ẩn số đang chờ đợi ở phía trước và đáp án chỉ có thể được cử tri đưa ra sau cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 7-5 tới.

 

                                                             TheoQĐND

Các tin khác


Chủ tịch Cuba hy vọng tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Mỹ

Chủ tịch Cuba Raul castro ngày 25-1 cho biết, Cuba hy vọng tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng tuyên bố rõ rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump không nên kỳ vọng vào những nhượng bộ từ phía Cuba gây ảnh hưởng đến chủ quyền của quốc đảo này.

Mở ra một chương mới cho quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

Cách đây 25 năm, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu hành trình quan hệ hợp tác và đối tác, đạt những tiến bộ đáng kể, tạo được những xung lực lớn hơn. Nhớ lại năm 2012, kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng ta hết sức ngạc nhiên trước những thành quả mà hai bên đạt được. Sau 5 năm, kể từ đó tới nay, chúng ta đạt những bước tiến to lớn hơn. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng gấp ba lần, đạt 50 tỷ USD; kim ngạch thương mại song phương tăng gấp hai lần, đạt 40 tỷ USD năm 2016; tổng số khách du lịch hai nước cũng tăng hai lần, đạt con số kỷ lục 1,75 triệu người. Quả thật, rất ít quốc gia có thể đạt mức độ hợp tác như Việt Nam và Hàn Quốc có được trong thời gian 25 năm.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức

Tối 20-1 (giờ Việt Nam), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại tòa nhà Quốc hội.

Mỹ và Cuba ký hiệp định phân định biên giới tại Vịnh Mexico

Chính phủ Mỹ và Cuba vừa ký kết hiệp định song phương phân định biên giới trên biển tại phần phía đông Vịnh Mexico, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18-1 thông báo.

Chiến lược Brexit: Vấp nhiều rào cản

Sau những phát biểu cứng rắn của Thủ tướng Anh Theresa May về việc nước này rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit, chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm cho thấy giới đầu tư bất an với chiến lược đàm phán Brexit.

Philippines quan ngại việc Trung Quốc triển khai vũ khí tại biển Đông

Theo Reuters, ngày 17-1, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết việc Trung Quốc triển khai vũ khí trong thời gian gần đây tại các đảo nhân tạo ở khu vực biển Đông là “rất đáng quan ngại”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục